Tin văn hoá trên các báo ra ngày 8/11
08:18' 08/11/2004 (GMT+7)

1.Trịnh Chân Trân: Với tôi, không có chuyện ''yêu thử'' 

2.LH nghệ thuật châu Á - TBD: Đoàn vũ kịch VN xếp hạng nhất 

3.Tác phẩm của nhà văn trẻ: Những đứa con... chưa in 

4.Đạo diễn Chu Lượng và những ý tưởng cải tiến rối nước 

5.Công Lý - gã say chuyên nghiệp 

6.NSƯT Tiến Đạt: Cái mặt ''không chơi được''

Soạn: AM 189844 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Trịnh Chân Trân
Trịnh Chân Trân: Với tôi, không có chuyện "yêu thử"

Vừa từ Hà Nội trở về sau khi tham gia các hoạt động từ thiện với vai trò Á hậu 1 Hoa hậu VN 2004, Trịnh Chân Trân đã có cuộc trò chuyện cùng chúng tôi.

* Chân Trân dự định ở lại VN bao lâu trước khi trở lại công việc làm người mẫu độc quyền cho hãng thời trang Nhật Bản New face?

- Hiện giờ tôi cũng chưa biết mình ở lại VN bao lâu, có lẽ sẽ khá dài. Trước mắt, tôi tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động từ thiện rồi sau đó tính tiếp.

* Nếu ở lại quê nhà khá lâu bạn có lo lắng bị mất việc làm người mẫu độc quyền?

- Nghề người mẫu bên nước ngoài không bị ràng buộc về thời gian. Nếu tôi ở lại VN lâu cũng không sao. Không có tôi công ty sẽ mời một người khác. Nghề người mẫu bên đó là vậy, họ đến rồi đi ít ai kiểm soát được.

* Bạn từng là học sinh giỏi 12 năm liền của Trường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nhiều người cho rằng bạn không nhận học bổng du học Singapore vì kinh tế gia đình khá giả?

- Không hẳn thế. Tôi không muốn nhận học bổng Singapore bởi lẽ sau khi học xong phải ở lại làm việc từ 3-5 năm để bù lại những gì họ bỏ ra cho mình. Vả lại công việc là do họ sắp xếp, lỡ không thích rất khó từ chối. Tôi thích tự bố trí công việc cho mình hơn.

* Sau khi tốt nghiệp đại học tại Singapore (năm 2002) bạn sang Anh Quốc bảo vệ tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (năm 2003), nhiều người đang thắc mắc tại sao bạn lấy được bằng thạc sĩ chỉ trong vòng một năm?

- Trên thực tế để lấy bằng thạc sĩ tại Anh Quốc ít nhất phải mất một năm rưỡi đến hai năm. Tuy nhiên, do tôi học dồn từ 12 học phần lên 24 học phần trong một học kỳ 6 tháng. Tôi học khoảng 12 tháng với hơn 48 học phần. Có thể nói tôi học gần gấp đôi mọi người.

* Nếu đã học dồn như vậy hẳn Chân Trân rất vất vả. Có khi nào bạn bị "tẩu hỏa" ?

- (Cười) Không đến nỗi như vậy đâu vì tôi cố gắng sắp xếp, chú trọng đến phương pháp học tập, nhưng đôi lúc cũng thấy vất vả. Tôi học từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Ngoài ra, thứ bảy, chủ nhật tôi còn tranh thủ vào thư viện tìm tài liệu. Do tập trung cho học tập nên tôi không còn thời gian làm việc gì thêm nữa.

* Trong lớp học Trân có được nhiều người để ý không? Có ai nói với bạn rằng một cô gái đẹp như bạn sao "lao đầu" vào học nhiều thế?

- Trong lớp tôi cũng được bạn bè người nước ngoài chú ý vì chỉ có một mình là người VN. Mặt khác, họ chú ý bởi trong những giờ học toán tôi thường được mời lên bảng giải các bài toán mẫu cho lớp. Tôi thấy hình như người VN mình rất trội về môn toán so với bạn bè các nước. Về sắc đẹp tôi không biết mình có được ai chú ý đến hay không vì tôi ít biết mình xinh (cười).

* Trong những năm học tại nước ngoài bạn có thường liên lạc và làm việc với người VN không ? Tại sao sau 6 năm bạn mới có dịp về thăm nhà?

- Có một điều rất lạ là trong 6 năm tôi chưa được gặp và nói chuyện với một người VN nào. Có lẽ do môi trường học và làm việc của tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với người nước mình. 6 năm mới trở về thăm nhà quả là khá lâu nhưng do tôi quá bận đầu tư cho việc học tập vì đó là điều quan trọng nhất.

* Là một phụ nữ đẹp phải học tập và làm việc rất nhiều nơi trên thế giới (từ Singapore đến Anh, Mỹ, sau đó đến Nhật Bản, Hong Kong...), có bao giờ bạn thấy đuối sức?

- Đôi khi cũng mệt mỏi và cảm thấy cô đơn vô cùng nhưng biết làm sao bây giờ. Nhiều lúc khóc ròng rồi lại lau nước mắt tiếp tục chạy đua với công việc. Từ bé tôi đã tập sống độc lập nên tôi mới đủ sức trải qua những lúc khó khăn nhất của cuộc đời.

* Đã có câu nói sắc đẹp không đi cùng trí tuệ. Với Chân Trân thì câu nói này có vấn đề gì không?

- Tôi chỉ muốn chứng minh điều ngược lại của câu nói ấy.

* Nhận bằng thạc sĩ bạn thấy đã mãn nguyện chưa hay còn tiếp tục học cao hơn - tiến sĩ chẳng hạn?

- Tạm thời thì dừng lại ở đây thôi vì học nhiều quá chắc chắn sẽ khó lấy chồng (cười).

* Nhắc đến chuyện "trăm năm", Chân Trân có lo lắng không vì tuổi 24 hẳn không còn quá trẻ?

- Khi tôi nói rằng đến giờ mình vẫn chưa có bạn trai nhiều người không tin nhưng sự thật là thế. Tôi đi quá nhiều nơi nên khó có một mối quan hệ nào được. Tôi đã tập trung sức lực, thời gian cho học tập còn đâu tâm trí yêu đương. Vả lại tôi cực kỳ khó tính trong chuyện tình cảm. Nhìn tôi có vẻ khá hiện đại nhưng suy nghĩ thì lại rất cổ hủ.

Với tôi không có chuyện "yêu thử" rồi tính tiếp. Tôi sẽ tìm hiểu một ai đó thật sự phù hợp với mình rồi đi đến với họ. Tôi rất mong trong cuộc đời gặp đúng người mình yêu rồi kết hôn với anh ấy.

(Theo TN) 

Về đầu trang 

LH nghệ thuật châu Á - TBD: Đoàn vũ kịch VN xếp hạng nhất

Tiết mục múa Hôn lễ VN của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương Các nghệ sĩ trong đoàn Vũ kịch thuộc Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM kết thúc thắng lợi chuyến lưu diễn tại Đài Loan trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương.

Với chương trình được kết cấu theo chủ đề “Văn hóa về tình yêu và hôn nhân”, 12 nghệ sĩ biểu diễn 20 buổi từ ngày 22-10 đến 1-11-2004 (mỗi ngày từ 2 đến 3 suất) tại Nhà hát trung tâm, Sở Văn hóa và Ủy ban hành chính của thành phố Yilan (Đài Loan).

Chương trình của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch bao gồm nhiều tiết mục: Hội làng, Trảy hội chùa Hương, Mâm vàng, Bến lụy, Mùa xuân tình yêu, Tình yêu cho em, Cánh buồm ước mơ, Đám cưới quê tôi... được công chúng và đồng nghiệp các nước bạn nhiệt liệt tán thưởng, góp phần giới thiệu sâu đậm hơn nền văn hóa VN với thế giới bên ngoài.

Ban tổ chức liên hoan đã xếp hạng nhất về nghệ thuật và ý thức phục vụ cho chương trình của đoàn VN

Đây là cuộc liên hoan với sự tham dự của nhiều đoàn (Thái Lan, Indonesia, Philippines...) trình bày các tác phẩm nghệ thuật, triển lãm, trình diễn, hội thảo... để thể hiện sự phong phú trong văn hóa về Tình yêu và Hôn nhân, cũng như những mặt đa dạng trong cuộc sống người dân vùng châu Á - Thái Bình Dương.

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 189840 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Những đứa con... chưa in

Rất nhiều cây bút trẻ xuất hiện một thời gian, sau đó mất tích một cách khó hiểu. Hỏi lại, họ bảo vẫn viết, nhưng... save trong máy tính. Những cây bút mới tiếp tục được “phát hiện” qua báo chí, những kỳ thi văn học. Họ mang cái trằn trọc muôn thuở...

Câu hỏi được nhắc đi nhắc lại trong các kỳ họp mặt nhà văn trẻ, đó là bao giờ văn học mới có được sự đổi mới mang tính thế hệ? Không ai trả lời được, đành để dành cho thời gian và sự chờ đợi.

Ra sách, không đơn giản

Nhìn trực diện đời sống văn học trẻ, có thể thấy một diện mạo hiền hòa và được quy định bởi cơ chế quản lý báo chí, xuất bản khá rõ ràng. Độc giả biết đến những tên tuổi mới của văn học thông qua báo chí, đọc họ qua những loạt sách sau mỗi kỳ thi văn học rình rang. Cũng như nhạc trẻ, nhiều tác phẩm gây dư luận nhất thời, rồi khi người ta quên cuộc thi, gấp cuốn sách lại là tác giả của nó cũng biến mất tiêu. Đơn giản, để xuất hiện và có khả năng đoạt giải, chuyện thể hiện “theo gu” ban giám khảo, nhà xuất bản (NXB) đối với họ như một thói quen làm tiền đề cho tác phẩm có cơ hội xuất hiện. Có rất nhiều cây bút chỉ sính in sách theo mỗi mùa giải. Cũng có người cứ đều đặn ra sách. Nhưng chủ yếu là những tác phẩm đã qua kiểm duyệt báo chí, gom lại sau khi đã đăng báo...

Về phía những nhà xuất bản, chuyện cấp giấy phép cho một tác phẩm của nhà văn trẻ cũng phải đắn đo tính toán kỹ lưỡng khi cái tên mới toanh của anh ta chưa đủ tạo một “thương hiệu” cộng với những thể nghiệm, tìm tòi đổi mới văn chương của họ không phải bao giờ cũng được NXB tiếp nhận. Đó là chưa nói đến một tâm lý chung rất khó hiểu khi những cặp kính cận của các NXB nhìn vào tác phẩm của nhà văn trẻ và dễ dàng khoanh vào mấy chữ: “Có vấn đề”. Dù cái gọi là “vấn đề” ấy, chính họ cũng hoàn toàn mù mờ. Nhà văn Bùi Anh Tấn cho biết, phần lớn sách của anh phải “trôi” qua tay ba, bốn NXB mới được phép xuất hiện chỉ vì dám viết những đề tài “nhạy cảm”. Mới đây, cây bút thơ Nguyễn Danh Lam viết được cuốn tiểu thuyết mới, hí hửng đưa cho một NXB phía Nam và bị chối phắt, vì xưa nay viết về thiếu nhi, người ta viết trong sáng hồn nhiên chứ không ai viết bạo liệt u ám, có dấu hiệu “bất thường”... Anh cho biết: “Trước đây, tôi ra tập thơ cũng bị cắt gọt lung tung. Người ta nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Lạ là, đưa bản thảo cho hai NXB thì lại bị cắt gọt hai kiểu khác nhau! Nghĩa là cái mà họ gọi là “đụng chạm” cũng rất cảm tính!”.

Một trong những cản ngại khác mà các cây bút trẻ gặp phải khi công bố tác phẩm, đó là sự ưu tiên trong in ấn không thuộc về họ. Hiện nay, hầu hết những tập thơ trẻ xuất bản đều do tác giả bỏ tiền ra, xin giấy phép và tự đưa in, tự phát hành (mà chủ yếu là... biết tặng bạn bè, người thân). Một tập thơ l.000 bản in giá từ 5- 9 triệu đồng. Nhiều khi được các nhà sách nhận vài chục cuốn để trên giá sách “cho có tên với người ta” đã là mừng, chuyện bán thơ và thu hồi vốn thời bây giờ hơi bị ảo tưởng. Trong lúc đó, nhà thơ trẻ Phan Hoàng vẫn lạc quan: “Tôi vẫn tin thơ có bạn đọc, những tập thơ của tôi in đều gửi được cho các nhà sách và bán dần”. Số phận của những tập bản thảo văn xuôi có vẻ như sáng sủa hơn thơ. Vì dễ bán, nên nhiều NXB sẵn sàng in theo kế hoạch A (NXB chạy đầu nậu và in, lo luôn phát hành). Dạng in này, nhuận bút cho tác giả là 10% - 13%.

Phải biết...

Hàng năm, có thể đếm hàng trăm đầu sách của nhà văn trẻ được ra đời, chất lên kệ sách và nằm hẩm hiu, có cuốn không âm không vọng vì sau khi qua quá nhiều cửa, nó chỉ còn là một tác phẩm quá nhợt nhạt và vo tròn. Tác giả viết xong, tự kiểm duyệt rồi đem đến NXB. Ở đó, nó tiếp tục cuộc “đại phẫu” của các biên tập viên và đầu nậu (nếu do đầu nậu mua và phát hành).

Viết và công bố tác phẩm trong tình thế như thế, đổi mới chỉ là câu hô hào trong các cuộc hội họp chứ trên thực tế, bạn đọc vẫn nhận ra một diện mạo văn chương chuyển động chậm chạp và cũ kỹ. Tại cơ chế quản lý chung? Tại nhà văn trẻ vẫn chưa có người đủ tài để tìm ra điều gì đó mới mẻ hơn để có thể dấn thân, thậm chí, trả giá vì nó?

Cũng có thể rằng, điều mới mẻ ấy đang chờ một điển rơi, một môi trường tốt hơn để xuất hiện?! Còn bây giờ, tâm trạng chung của nhiều nhà văn trẻ có vẻ như là một tiếng thở dài kiểu A.Q: cái ta được in là cái ta chưa thích; cái ta thích là cái ta chưa được in và có khi chưa... viết!

Tôi phải viết sao đây?

“Cuối cùng thì một cuốn sách vẫn có cách ra đời của nó. Nhưng cái cách mà hiện nay các NXB dùng để “xử” các nhà văn trẻ tôi thấy nó... thảm thảm thế nào ấy. Đã đành là không có chuyện “free” - kế hoạch A, đã đành là sách văn học rất... khó gặm. Nhưng trên hết và trước hết tôi thấy chúng ta chưa có những biên tập viên văn học có "con mắt xanh”. Có một vài người (nhà văn kiêm biên tập viên) tỏ ra sốt sắng với một vài “chú em, cô bé” cũng là để lấy tiếng, để tên tuổi mình lưu và sổ... văn học sử, chứ chưa thật sự có tâm, có tầm... Chức năng của các NXB thì ai cũng biết rồi. Nhưng, có mấy ai tường tận chuyện “bếp núc” của họ?! Khó lắm. Sách văn học bán ế, lại rất dễ bị “giũa”. Thôi thì, cứ làm trong phạm vi an toàn. Kết quả là chúng ta chỉ cho phép “những tác phẩm lăng nhăng xuất hiện, còn những tác phẩm “có vấn đề” thì vẫn bị mắc kẹt ở đâu đó. Vậy thì mình phải viết sao đây, viết để làm gì?. Đôi khi tôi lại tự hỏi mình như vậy...".

(Theo SGTT)

 

Về đầu trang 

Đạo diễn Chu Lượng và những ý tưởng cải tiến rối nước

Một tiết mục rối nước. Đưa hát chèo, chèo Tàu, hát Dô vào rối nước là những ý tưởng mới, có phần lạ lẫm mà đạo diễn Chu Lượng đang cố gắng để tăng thêm kịch tính, cấu trúc lại mảng trò... nhằm tạo thêm những nét mới lạ cho rối nước...

Xem cách đạo diễn Chu Lượng "bày trò" với những con rối trong chương trình của Đoàn chèo Hà Tây, người ta thấy ngạc nhiên, thú vị, mới mẻ, và cũng thấy e ngại. Là bởi vì sau hơn 20 năm, kể từ khi múa rối nước bước lên sân khấu chuyên nghiệp, và tới đây sẽ được đề cử là di sản thế giới, người ta đã "cải tiến" nó cũng hơi nhiều, nhưng phần lớn là thất bại.

Chú Tễu bước ra sân khấu : Ơ này bà con ơi! Hôm qua Tễu tôi đi chợ để mua vợ đấy bà con ạ! (tiếng đế) Sao lại đi chợ để mua vợ hở anh Tễu? Tễu (cười): Tễu tôi chỉ có ba đồng mà mua được cả một xâu vợ. Tễu mang vợ Tễu về treo lên con sỏ ở đầu nhà. Đêm hôm ấy mưa rào. Các nàng nhớ ao chuôm - hứng tình mới lẩy Kiều. Bà con nghe nhé: ộp ộp - choạc choạc... Vợ Tễu là ếch. Thôi để bà con xem trò câu ếch nhé!...

Cấu trúc lại các trò dân gian

Đó là màn giáo đầu trò Câu ếch. Trong cả chương trình, chú Tễu không chỉ khai màn với bài giáo quen thuộc "ới bà con ơi..." rồi sau đó "lặn mất", ngược lại, Tễu trở lại đúng với vai trò của nó là nhân vật giáo trò, dẹp đám, dẫn chương trình cho từng tiết mục. Những lời thoại hài hước, dí dỏm của chú Tễu đều do đạo diễn Chu Lượng "phịa" ra cả.

Vẫn trò Múa tiên của dân gian, nhưng nếu như trước đây, các cô tiên chỉ đứng trong hàng dọc trên một bàn gỗ, khi điều khiển vừa nặng vừa không linh hoạt, thì nay, bàn rối được chia làm đôi khi điều khiển có thể đan chéo nhau, đảo từ trái qua phải, dàn hàng ngang, hàng dọc theo như ý muốn. Các cô tiên múa uyển chuyển hơn và được dàn trải khắp sân khấu.

Hiện tại các cô tiên chỉ đi được từ trong mành ra múa, nhưng sắp tới sẽ cho các cô tiên đầu đội nến và đi ngầm từ dưới nước đi lên . Thú vị nhất là xem Cáo bắt vịt, một trò kinh điển của rối nước, thường được lấy ra làm minh chứng cho khả năng đáng kinh ngạc của bộ môn nghệ thuật này trong việc biểu đạt nội dung mang tính kịch.

Trời sẩm tối, vợ chồng ông lão hối hả lùa đàn vịt về chuồng thì con cáo nhảy ra, vồ ngay một con, cắp ngang miệng, leo tót lên cây cau. Nếu như trước đây, ông cụ chỉ đứng ở dưới gốc cau hô hào đuổi bắt cáo với bộ mặt cực kỳ thiểu não, thì nay ông cũng leo tót lên cây cau nhanh nhẹn chẳng kém cáo, tạo nên cuộc đuổi bắt thú vị. Tới trò Rước Trạng về làng thì sự dí dỏm, hóm hỉnh đã được đẩy thêm một bước. Trước đây quan trạng chỉ vênh vang ngồi trên mình ngựa, diễu qua sân khấu cùng một đám rước. Thì nay ông trạng còn lau tau nhảy xuống ngựa, trèo lên võng nằm với bà trạng một lát, rồi lại xuống võng, lên ngựa đi tiếp.

Những ý tưởng mới

Tăng thêm kịch tính cho nội dung, cấu trúc lại các mảng trò, phô phang các ngón trò mới, theo đạo diễn Chu Lượng, đó chính là con đường "cải tiến" rối nước của anh.

Những cải tiến này mang phong cách của các phường rối nước cổ ở Hà Tây như Tràng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá, và phường rối cạn là Tế Tiêu.

Anh còn mạnh dạn đưa vào rối nước cả hát "chèo Tàu" (Đan Phượng), và hát Dô (Liệp Tuyết- Quốc Oai), những đặc sản văn hóa của Hà Tây (trong đó, chèo Tàu đã từng được đề cử là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới).

Những con thuyền (trò Đua thuyền) lướt ra giữa sân khấu chào khán giả trong dáng vẻ và dưới làn điệu chèo Tàu nổi tiếng: Đem thuyền ra bến Hải Hà/Thuyền đừng say bến, ta ra chơi thuyền/Đem thuyền ra bến mà bến sông/Góp sức đồng lòng ta chèo thuyền lên/ Hò, dô...

Còn Hát dô thờ Thánh ở Liệp Tuyết, vừa thiêng liêng vừa kỳ bí, 36 năm mới mở hội một lần, và hát một đêm, thì nay có thể thấy dấu ấn của nó trong trò Đánh đu.

Đạo diễn Chu Lượng tiết lộ, anh đang sưu tầm và cải tiến một số trò diễn mới như: Trò Quân xanh quân đỏ của phường Tràng Sơn (Hà Tây). Một hàng quân áo xanh áo đỏ lẫn lộn đi hàng một ra ngoài sân khấu. Khi có trống lệnh, hàng quân lập tức dàn ra hai bên sân khấu, quân xanh một bên, quân đỏ một bên tạo không gian cho các trò diễn tiếp theo. Anh cấu trúc lại thành trò duyệt binh: các quân xanh quân đỏ có thể lên xuống, quay phải, trái theo hiệu lệnh, để đón đoàn rước (kết hợp với trò rước tượng của phường Bình Phú).

Trò Leo thang của hai phường Tràng Sơn, Bình Phú cũng rất đặc sắc, nhưng con rối của trò này rất nhỏ và chỉ biểu diễn một mình ở trên thang. Nay anh đã cải tiến làm con rối to hơn và chúng có thể... đổi chỗ cho nhau khi cùng leo lên một chiếc thang!

Đạo diễn Chu Lượng vẫn còn nhiều dự định khác nữa đối với rối nước, thí dụ để các quân rối diễn các tiết mục mang bản sắc của một số nước như: Vật Su-mô của Nhật Bản, đấu bò tót của Tây Ban Nha, múa Lăm vông của Lào v.v...

Nghệ thuật rối nước đã có lịch sử ngàn năm nay, và đang được phục sinh mạnh mẽ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều mảnh trò chưa được khai thác hết, đang có nguy cơ bị thất truyền. Trong khi đó, sân khấu chuyên nghiệp mới chỉ thịnh hành 16-17 trò, hầu như giống hệt nhau giữa các nhà hát, các đoàn rối Trung ương và địa phương, kể cả ở một số phường rối dân gian.

Do đó, cũng dễ hiểu, khi nhiều khán giả tỏ ra rất sốt ruột về sự lặp lại này và mong muốn có thêm những cái mới ở rối nước như đạo diễn Chu Lượng đang làm. Nhưng cái chính là dù có sáng tạo cải tiến thế nào thì vẫn phải giữ được cái hồn của rối nước.

(Theo Thể thao và Văn hóa)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 189842 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Diễn viên Công Lý

Công Lý - gã say chuyên nghiệp

Gã có một quả đầu húi cua không trộn lẫn vào đâu được. Cứ khi nào gã bước ra sân khấu, khán giả lại ồ lên vì trông thấy cái bộ dạng rất "đặc trưng" của một gã say chuyên nghiệp, áo quần thì tứ thời xoắn vỏ đỗ, chân nam lẹo vẹo đá chân chiêu và đôi mắt lúc nào cũng lờ đà lờ đờ. Gã say ấy chính là Công Lý.

Bởi vậy nên gặp Công Lý ngoài đời khối người phải tròn mắt ngạc nhiên với cái vẻ ngoài chỉn chu và nghiêm túc đến mức khó tin của anh. Trong Nhà hát kịch Hà Nội, Công Lý thuộc lớp diễn viên không già mà cũng không phải là trẻ. Bị cái thiệt thòi là ngoại hình không mấy xuất sắc, thành ra khi các bạn nghề được yêu chiều với các vai người tốt, công tử phong lưu thì Công Lý lại chỉ có cho mình những vai diễn phụ chẳng được mấy người nhớ mặt đặt tên. Công Lý bảo: "Tại sao không tận dụng đặc điểm ngoại hình đó để làm nên một cái gì khác biệt? Người ta cứ là công là phượng đẹp đẽ đi, mình tình nguyện là quạ đen xấu xí cũng được".

Công Lý đến với phim truyền hình cũng với tâm trạng ấy, vai Xung trong "Chiến dịch khoai cụ Khóm", Vinh trong "Đồng quê xào xạc", Long xếch trong "Cảnh sát hình sự" khiến người xem dễ dàng nhận ra anh hơn. Tuýp nhân vật ngổ ngáo chuyên đi phá làng phá xóm hình như rất hợp với Công Lý. Có lẽ là tại cái mặt anh nó vậy, nó khiến người khó tính lần đầu tiên khi nhìn vào cứ phải tự hỏi: làm sao có thể tin cậy một gã trai như thế này?

Thế mà đã có một cô gái đã rất tin và yêu Công Lý - Cô ấy là Thảo Vân

Chuyện tình cảm của hai người tuy không đến nỗi "oanh oanh liệt liệt" theo thói thường như chuyện tình của những người được công chúng biết mặt nhớ tên nhưng cũng khá hấp dẫn với những khán giả trung thành của "Gặp nhau cuối tuần".

Công Lý kể lần đầu tiên được nàng mời đến nhà chơi gặp đúng hôm trời mưa tầm tã. Gọi điện thoại bảo tối nay giờ ấy phút ấy anh đứng ở đầu ngõ nhà em, em ra dắt anh vào nhé vì anh chưa biết nhà. Nàng bảo vâng. Đến giờ hẹn chàng cứ đứng chờ ở đầu ngõ, trời thì cứ mưa sao mà mưa. Bấm số cầm tay của nàng bảo: Em ơi anh đứng đây lâu lắm rồi, đầu bên kia nàng cũng nói: Em cũng đứng chờ anh từ nãy giờ sao không thấy. Hoá ra họ đứng gần nhau mà không nhận ra nhau. Công Lý bảo tối hôm ấy trông Thảo Vân khác lắm với cô gái mà anh từng biết trong công việc ở trên Đài truyền hình. Thảo Vân bé nhỏ như một cô sinh viên đứng dưới mưa cầm trên tay một chiếc ô, và ngay từ hôm ấy anh đã biết cô gái bé nhỏ ấy chính là bà chủ của trái tim mình. Cuối năm nay họ nhất định sẽ cưới nhau.

Giờ mà nhìn thấy Công Lý hay Thảo Vân ngồi đâu tay hý hoáy bấm phím điện thoại di động là biết ngay đôi tình nhân này đang "tâm tình" với nhau bằng tin nhắn. Công Lý bảo chắc anh bị bênh "nghiện nhắn tin" và các ngón cái giờ trở thành ngón tay linh hoạt nhất trong bàn tay chỉ vì... bấm tin nhắn. Tin nhắn nói thay những lời khó nói, tin nhắn làm những giận hờn mau vỗ cánh bay.

Nếu có ai đó hỏi Công Lý rằng 10 năm nữa cuộc đời anh sẽ thay đổi theo hướng nào, chắc sẽ khó mà nhận được câu trả lời hoàn hảo. Ước mơ lớn nhất bây giờ chỉ là có thật nhiều thời gian để... ngủ bởi công việc quá bận rộn lúc nào cũng cuốn mình đi. Hết ở nhà hát lại sang "Gặp nhau cuối tuần", rồi lại "Vào bếp với những người nổi tiếng". Công Lý đang là một điển hình cho lớp người trẻ của xã hội những năm đầu thế kỷ này, năng động, nhiệt tình với công việc, mà cũng biết yêu cuộc sống hết lòng.

(Theo Xã hội Thông tin)

 

Về đầu trang 

NSƯT Tiến Đạt: Cái mặt "không chơi được"

So với sự xuất hiện của Hoàng Dũng, Quốc Toàn, Thu Hà, Hoàng Cúc...trên sàn diễn Nhà hát kịch Hà Nội, NSƯT Tiến Đạt có phần lặng lẽ hơn. Bù vào đấy anh có "thương hiệu" với gương mặt của mình. Anh bảo khi bác mẹ sinh thành, anh đã mang sẵn các mặt - theo cách nói của cụ Nam Cao - là "không chơi được".

Bây giờ, phần mặt tiền bán giày dép trên căn hộ ở phố Hàng Dầu đã có người quản lý. Tiến Đạt không còn phải ngồi trước cửa bán hàng như trước kia. Anh lui vào trong nhà, toàn tâm toàn ý sắm vai ông chủ cho cửa hàng cắt may complet của mình. Nhưng cũng như dăm bảy năm trước, khách hàng vào nhà vẫn trố mắt: bên cạnh bàn may ngổn ngang vải, kéo là người đàn ông dáng phục phịch như hạt mít. Ngồi chúi đầu vào cuốn kịch bản dày cộp, ông chủ ngẩng đầu lên nhưng tay vẫn khư khư tập giấy bên mình. Khách cũng quên phắt ý định may đồ. Họ thầm thì rỉ tai nhau: lão này vừa thấy trên tivi. Đóng vai một thằng đểu ơi là đểu.

Nói vậy, nhưng hỏi vai nào, Tiến Đạt cũng chỉ biết ậm ừ cười. Bởi tính tới giờ, anh đã có hai chục vai diễn trên sân khấu - và khoảng gấp đôi con số ấy những lần xuất hiện trên truyền hình. Đa dạng vậy nhưng ấn tượng chung cũng chỉ gom lại trong câu mà có lần một khán giả giữa đường vỗ vai anh: ông đúng là... đểu lỗi lạc! Không khúm núm, mắt la máy lét, những vai diễn của Tiến Đạt sắm lại có bộ dạng khá chững chạc nếu không nói là đường bệ, đàng hoàng (cũng như Đạt tự nhận xét: nhân vật phản diện bây giờ không thể thuyết phục khi nhét vào bộ khung lố lăng, kệch kỡm như quan niệm của sân khấu mấy chục năm trước kia). Nhưng cái khuôn ngoài đường bệ đàng hoàng ấy chỉ xuất hiện vài phút, khán giả lập tức đánh rơi hết cảm tình.

Khuôn mặt lạnh khi như tiền, khi méo mó tới mức thảm hại. Giọng nói sít qua kẽ răng. Ánh mắt vừa tinh ranh, vừa xảo quyệt... - những vai diễn ấy có thể kể tới Huy (vở Mang nợ), ông Long Trọng (Cô gái đội mũ nồi), Trương chuột chù (Tôi và chúng ta), Phó Giám đốc (Khoảnh khắc và vô tận), Cha đạo (Quyền được hạnh phúc). Gần đây nhất, giám đốc Trương Thúc Đại - vai diễn dành huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu kịch nói toàn quốc vừa diễn ra - là ví dụ điển hình. 100 phút trên sàn diễn cũng là quãng thời gian Trương Thúc Đại vật vã, ngược xuôi lẩn tránh ám ảnh tội lỗi trong qá khứ. Trong bầu không khí u ám tới mức nghẹt thở, từng bước, từng bước, tội lỗi của y dần được bóc tách và hiện ra trước sự sắp đặt của định mệnh. Để rồi, khi Thúc Đại gục ngã trước cú sốc mà số phận dành cho hắn, những đứa con trong gia đình cũng chồm lên, giằng nhau chùm chìa khoá mở két tiền mà Thúc Đại tích luỹ cho mình.

Học lớp diễn viên trường Sân khấu điện ảnh, so với những bạn bè cùng khoá( 1968-1971) như Tất Bình, Anh Dũng, Lê Hùng... con đường nghệ thuật của Tiến Đạt có phần trầm lặng. Tốt nghiệp, anh về đoàn kịch Quảng Ninh. Vở diễn đầu tiên của Đạt là Người năm ấy với vai Chắt còm (khác với thân hình "phi thể thao" hiện giờ như anh tự nhận). Về kịch Hà Nội, Đạt dần có những bước đi chắc chắn và lặng lẽ nhờ khuôn mặt, lòng tự tin và sự thành thục trong việc thể hiện những vai diễn tiêu cực. HCV Hội diễn 1990 (vai Phó bí thư chi bộ - vở Nghĩ về mình), HCB Hội diễn 1995 (Ba Thành - Ăn mày dĩ vãng) và 1999 (Trạng Lợn - Thầy khoá làng tôi) - đó là những phần thưởng cho một sự phấn đấu miệt mài và nghiêm túc.

Cả hai vợ chồng anh đều là nghệ sĩ (vợ anh là diễn viên của Nhà hát kịch TƯ). Nhưng diễn kịch không phải là nghề kiếm sồng duy nhất của họ. Ít ai biết, từ năm 1995, bên cạnh nghề diễn viên, Tiến Đạt vừa bán giày dép vừa phụ cha mình may cắt complet (cha anh là cụ Tiến Thành trên đường Phùng Hưng - nghệ nhân may complet từ thời Pháp thuộc). Rồi bây giờ, cửa hàng may Tiến Đạt cũng tự thân tồn tại và trở thành một nguồn kinh tế nuôi sống gia đình. Đó cũng là một thuận lợi không phải nghệ sĩ nào cũng có. Bởi nghề may complet tay trái (hay cũng là tay phải?) giúp anh không phải lăn lộn trên những sân khấu hài (trừ chương trình Thư giãn trên VTV, ít khi Tiến Đạt tham gia một chương trình hài khác). Và trong một chừng mực, anh có thể ung dung đầu tư công sức cho những vai diễn của mình.

Nhiều người nói, đóng mãi một kiểu vai sẽ thành "thợ diễn". Tiến Đạt cũng hiểu điều ấy. Bên cạnh loạt vai phản diện quen thuộc, một số lần thử sức khác đã đến với anh. Đó là nhà tư sản (Phim truyền hình Sông Hồng reo), Ba Thành (kịch Ăn mày dĩ vãng), bác sĩ (Mùa thu không vàng lá)... Ở những vai này, Tiến Đạt cũng tìm được một bản sắc riêng cho mình - mà điển hình là chiếc HCB cho vai ba Thành tại hội diễn 1995. Nhưng dường như vai phản diện chẳng bao giờ chịu buông tha Tiến Đạt. Anh thường xuyên được đạo diễn giao cho những vai phải diện ngay từ khi đọc kịch bản. Giao như vậy, đạo diễn cũng đỡ việc, còn khán giả lại dễ chấp nhận nhân vật ngay từ phút xuất hiện ban đầu.

(Theo Thể thao & Văn hoá)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Say phiêu cùng ''9+'' (06/11/2004)
Hơn 20 triệu USD cho bức tranh của Monet (05/11/2004)
"Người Nhện 2" đến Việt Nam (05/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 5/11 (05/11/2004)
Alexandra Kerry: Con gái chính trị gia đẹp nhất! (04/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 4/11 (04/11/2004)
Vũ Luân - Đồng hành với niềm tin (03/11/2004)
Cuốn sách văn học dịch đầu tiên có bản quyền (02/11/2004)
250 người bị bắt tại lễ hội Halloween (01/11/2004)
2 tựa sách mới cho giới quản lý của Business Edge (01/11/2004)
Công ty Nhạc xanh gặp "song hỉ" (29/10/2004)
John Kerry đang được lòng giới nghệ sĩ (27/10/2004)
"Cô nàng giả gái": câu chuyện thật về giới đồng tính (27/10/2004)
Kiếm tiền sau khi chết? (26/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang