Tin văn hoá trên các báo ra ngày 9/11
08:51' 09/11/2004 (GMT+7)

1.Trương Minh Quốc Thái: Cặm cụi học làm diễn viên

2.Nguyễn Hồng Nhung: ''Tôi vẫn có niềm tin với đàn ông'' 

3.Đạo cụ, bối cảnh cho những phim có đề tài ''tháng ngày đã qua''

4.Trần Hậu Tuấn cố gắng là nhà sưu tầm chuyên nghiệp

5.GS - NS Tô Vũ: Tây Nguyên là ''cầu nối'' của cồng chiêng Đông - Nam Á 

Trương Minh Quốc Thái: Cặm cụi học làm diễn viên

Hơn hai năm trước, cả báo chí lẫn khán giả đều gọi Trương Minh Quốc Thái là người mẫu. Hơn một năm nay, Quốc Thái thường được gọi là diễn viên với một loạt vai diễn đáng chú ý liên tiếp ở kịch và phim.

Hiện anh đang là một gương mặt sáng giá cho sự lựa chọn vai nam chính ở nhiều bộ phim mới. Để được như ngày hôm nay, nhiều nghệ sĩ đi trước nhận xét: "Nhờ Quốc Thái chịu khó, chịu học…".

Cho đến tận giờ Quốc Thái luôn nhận rằng mình rất đam mê đóng phim. Có lẽ vì thế mà song song với việc là sinh viên khoa điện công nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Thái đã ghi danh học lớp diễn xuất do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức. Vẫn theo đuổi việc học cho đến khi tốt nghiệp, nhưng con đường Quốc Thái chọn lại là nghiệp diễn viên.

Năm 1997 là cột mốc đầu tiên để Quốc Thái vào nghề - anh đoạt giải nhất cuộc thi "Triển vọng điện ảnh". Một số vai diễn đã đến với Thái ngay sau giải thưởng trong các bộ phim Gió qua miền tối sáng, Sóng gió đời người, Viên ngọc Côn Sơn... Song nếu không nói ra chẳng mấy ai có thể nhớ Quốc Thái từng có mặt trong các phim này.

Không nản lòng, Quốc Thái vẫn kiên nhẫn chờ cơ hội. Trong hơn 5 năm, từ 1997-2002, Quốc Thái bám trụ vào sân khấu thời trang, nỗ lực trở thành người mẫu nam hàng đầu của Câu lạc bộ thời trang Hoa Học Đường - là một trong hiếm hoi những người mẫu khi ra diễn được tặng hoa.

Ở vị trí dễ nhận ra đó, năm 2002 đạo diễn Đinh Đức Liêm đã trao cho Quốc Thái vai Phát trong Người đàn bà yếu đuối. Cậu công tử Phát ham chơi, nông nổi làm khổ vợ khá hợp vai với Thái bắt đầu từ ngoại hình người mẫu bảnh bao chứ ít ai nghĩ Thái diễn ra vai. Vậy mà Thái thể hiện tâm lý Phát khá sinh động, dẫu đôi chỗ gương mặt còn bị cứng kiểu "người mẫu" quá.

Người đàn bà yếu đuối hút khách, vai nam chính của Quốc Thái cũng được khán giả nhớ tên. Nhớ lại giai đoạn này, Quốc Thái tâm sự: "Cái khó của tôi là phải vượt qua tâm lý của chính mình và áp lực dư luận "bình hoa di động" chê trách người mẫu đóng phim chỉ trưng ra vẻ đẹp vô hồn. Tôi biết mình không phải là người giỏi nên chỉ còn cách cố học hỏi những cô bác, anh chị nghệ sĩ đi trước, phải chịu khó thôi. Hồi học ở lớp diễn xuất, thầy tôi cũng đã nói tôi lấy cần cù bù thông minh…".

Chuyện yêu nghề diễn viên, chịu khó học hỏi của Quốc Thái là có thật. Khi có được cơ hội về diễn ở sân khấu Kịch Phú Nhuận, trong làn sóng người mẫu có tiếng đổ xô đi làm… ca sĩ, Quốc Thái từ chối khá nhiều lời mời đi hát dẫu cuộc sống chẳng dư dả gì. Thái còn can đảm bỏ cả việc làm người mẫu đang đắt show, có thời của mình để gắn vào nghiệp diễn viên còn chưa có gì chắc chắn để "tập trung hết cho công việc diễn xuất vì biết sức mình chỉ có thể làm tốt được một chuyện".

Cái đáng quý của Thái là anh đặt nghề lên trên hết chứ không vì tiền hay danh tiếng. Với thái độ làm nghề đó, Thái ngày càng tiến bộ trên sân khấu kịch. Từ những vai phụ, Thái được nghệ sĩ Hồng Vân tin tưởng giao cho vai nam chính trong vở kịch tâm lý Mưa rừng… Đến nay thì danh sách những vở kịch Quốc Thái có vai đã khá dài, nhưng niềm đam mê diễn xuất hàng đầu của anh vẫn là phim ảnh…

Năm 2003, Thái làm dư luận bất ngờ khi được đạo diễn phim Người Bình Xuyên tin tưởng chọn vào vai tướng cướp Bảy Viễn. Thái đáp lại sự tin tưởng này bằng thái độ lao động lăn xả hết mình. Phim quay phần nhiều ở những vùng đồng bưng sình lầy heo hút, trên nắng dưới nước, thức khuya dậy sớm song Quốc Thái chẳng nề hà, kêu ca chuyện gì. Mỗi khi về thành phố lại thấy Thái lo nghĩ, tự đi tìm kiếm thêm một đạo cụ, cách thức nào đó giúp vai diễn của mình sắc nét hơn.

Diễn viên kỳ cựu Nguyễn Hậu, đóng chung với Quốc Thái qua nhiều phim từ Người đàn bà yếu đuối, nhắc đến anh bèn gật gù: "Thằng này khá. Chịu học, chịu cực, đàng hoàng. Nếu cứ như vậy sẽ còn tiến xa nữa…".

Người Bình Xuyên vừa đóng máy, Quốc Thái có tiếp một vai nặng ký trong Công ty thời trang. Phim này vừa quay xong, đã thấy Quốc Thái có mặt ở Bẫy tình. Hiện lại là những ngày vất vả của Quốc Thái ở miền Tây để vào vai nam chính - họa sĩ Việt - trong bộ phim Hương phù sa dài 21 tập của đạo diễn Võ Tấn Bình. Lại thấy có lời khen cho sự chịu khó, nghiêm túc của Trương Minh Quốc Thái…

(Theo Tuổi Trẻ) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 190695 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Hồng Nhung: "Tôi vẫn có niềm tin với đàn ông"

Một cách tự tin "kiểu" Nguyễn Hồng Nhung: “Đêm đầu tiên đi diễn trở lại sau sự cố, tôi hát ở sân khấu Trống Đồng, một số khán giả đến xem rồi đứng dậy bỏ về. Tôi hiểu có không ít người đến xem tôi hát chỉ vì tò mò...”. Và rồi bây giờ cô đã đứng dậy, mạnh dạn “khoe” rằng lịch diễn của cô đã đều đặn ở các tụ điểm.

Cảm giác của chị ra sao khi đứng trước khán giả bây giờ?

Đêm đầu tiên đi diễn trở lại sau sự cố, tôi hát ở sân khấu Trống Đồng, một số khán giả đến xem rồi đứng dậy bỏ về. Tôi hiểu có không ít người đến xem tôi hát chỉ vì tò mò. Lúc đó tôi chỉ cố gắng đặt hết tâm trí vào bài hát. Tôi hiểu áp lực gấp đôi dành cho mình: một ca sĩ bước ra từ Sao Mai - Điểm hẹn, đang làm quen với khán giả TP HCM và một người vừa là tâm điểm của vụ scandal ái tình. Nhưng sau đó, tôi thầm cảm ơn vì được khán giả yêu thương và cảm thông, cho tôi được đứng lên sau lần vấp ngã.

Vẫn được mời chào trong nhiều show diễn, thậm chí cả lời mời tại sân khấu hải ngoại. Người ta nói nhờ scandal, chị nổi tiếng hơn. Chị thấy sao?

Lịch diễn bây giờ của tôi khá đều đặn ở các tụ điểm. Tôi đang phân vân giữa việc làm một chương trình riêng vào trung tuần tháng 11 này, đã được lên kế hoạch đầy đủ và chỉ chờ xin giấy phép, hay là để dành thời gian làm album riêng. Tôi được một công ty tổ chức biểu diễn thỏa thuận làm nhà sản xuất cho tôi trong 7 năm tới. Tiếp đó là một chương trình lưu diễn một năm ở hải ngoại. Những điều này làm tôi vui và tin rằng công chúng luôn rộng vòng tay với mình.

Tôi muốn nói với khán giả rằng tôi đang bắt đầu một ngày mới, với khát khao được hát, được làm nghệ thuật. Có nhiều cơ hội đang đến với tôi. Tôi đón nó với những hy vọng, đôi chút hoang mang không biết nó tốt hay xấu, may hay không may. Rất mong mọi người sẽ đón nhận sản phẩm của tôi.

Sau mọi chuyện, chị nghĩ gì về nam giới?

Dĩ nhiên tôi sẽ cẩn thận và khắt khe hơn trong chuyện tình cảm, nhưng cũng không thể vì chuyện xảy ra mà giận cá chém thớt. Nỗi đau thì không nói ra được. Tôi vẫn có niềm tin với đàn ông, nhưng để có lòng tin với một người đàn ông ngay bây giờ sẽ là rất khó. Ngày trước, tôi mê đọc truyện tranh lắm vì đó là những câu chuyện thật đẹp. Tôi hay mơ mộng về chúng để lấy thêm niềm tin cho mình trong cuộc sống vốn không đơn giản. Từ khi cuộc sống riêng không được tốt đẹp, tôi không thích đọc truyện tranh nữa.

Tuy nhiên, đó là sở thích mà tôi khó có thể bỏ luôn. Có lẽ, rồi sẽ đến lúc tôi lại cầm trên tay cuốn Doremon, Harry Potter..., cũng như tôi luôn tin cuộc sống sẽ mỉm cười với mình.

(Theo Thời Trang Trẻ)   

Về đầu trang 

Đạo cụ, bối cảnh cho những phim có đề tài "tháng ngày đã qua"... 

Được cái tiếng là "có duyên" làm phim truyền hình đề tài chiến tranh, "bỗng một chiều" ĐD Trần Vịnh đưa ra kết luận: "10 năm nữa phương tiện làm phim chiến tranh không còn".

Ông Vịnh dẫn chứng: Đơn cử như loại xe GMC do Mỹ sản xuất, ở miền Bắc và miền Trung bây giờ "bói" không ra một chiếc, còn ở miền Nam hầu hết xe bị cải tạo thành xe chở gỗ; hoặc súng trường thời Pháp vô cùng hiếm; vì súng trường Anh cũng rất khó tìm lấy được một khẩu, trong một số phim có cảnh bắn súng, ông Vịnh đành cho diễn viên dùng thế là súng trường Mỹ, rồi quay xa xa để khán giả xem xong đỡ... bắt bẻ. "Vì sao tôi không nhờ người phục chế đạo cụ? Kinh phí chưa tới 80 triệu đồng/tập phim nên khó nói tới chuyện nàỵ", ông Vịnh nói.

Làm phim dã sử, cổ trang, phim dựng trên những tác phẩm văn học những năm 30-40 thế kỷ trước-một trong những hướng đi trong năm 2004-2005 của Hãng phim Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (TFS). "Ngoài việc mượn chuyện xưa nói chuyện nay nói chung cũng dễ dàng hơn, thực hiện "dòng" phim này chúng tôi còn "tranh thủ" bối cảnh một vài nhà cổ còn lại của Nam Bộ... - một đạo diễn trẻ cho biết-nếu không, biết đâu thời gian tới chúng sẽ không còn".

Ví như, để làm phim Nợ đời có bối cảnh Nam Bộ những năm 30, nhóm ĐD trẻ của TFS đi khắp các tỉnh Nam Bộ tìm bối cảnh, vật dụng... Mỗi nơi một chút họ góp nhặt lại cố hết sức tạo dựng nên bối cảnh theo đúng không khí tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Hãng Việt phim mới thành lập vài tháng nay cũng quyết định bước đầu chỉ làm những phim dựa trên một số tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Cảnh phim phần lớn quay trong một hai biệt thự kiến trúc thời Pháp còn sót lại của TP.Hồ Chí Minh. Hay như phim Mê Thảo, sau khi xem xong, Giáo sư Hoàng Như Mai hài lòng nhận xét "phim làm đúng không khí miền Bắc đầu thế kỷ 20!", còn một số "Công dân thế hệ @" của TP.Hồ Chí Minh bàn tán thảo luận với nhau trên mạng không phải là chuyện phim có ẩn ý gì, phim có trung thành với tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân hay không, tài nghệ của đạo diễn ra sao mà phần lớn chia sẻ cảm tưởng, rằng nhờ xem phim họ được biết nhiều điều về nông thôn Bắc Bộ xưa, từ nhà cửa, tới chăn tằm dệt vải, và nhất là được nghe nguyên cả bài ca trù. Mê Thảo trong mắt khán giả trẻ được mang thêm cái tiếng là "Bảo tồn văn hóa dân tộc"...

Chất lượng của một bộ phim cũng thể đánh giá qua một "góc hẹp" nhưng không kém phần quan trọng là đạo cụ và bối cảnh. Trong khi công tác phục chế đạo cụ cho các đoàn làm phim tại các hãng phim hình như chưa được quan tâm và những dự án phim trường vẫn còn nằm trên giấy, chọn làm phim đề tài "tháng ngày đã qua", những người làm truyền hình, điện ảnh Việt Nam đành nhanh chân cố gắng tìm, "xài tươi" những đồ vật, bối cảnh còn sót lại...

(Theo Lao Động) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 190693 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Trần Hậu Tuấn cố gắng là nhà sưu tầm chuyên nghiệp

Những lúc rảnh rỗi, anh lại phiêu lưu với thế giới màu sắc của riêng mình. "Giá trị của bộ sưu tập không hẳn thuộc về người có nó, mà phụ thuộc vào thị trường, vào công chúng. Nghĩa là có nhiều yếu tố làm nên giá trị bộ sưu tập", nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn tâm sự.

- Công việc của nhà biên tập là gì, thưa anh?

- Theo tôi, nhà sưu tập không đơn thuần làm công việc sưu tập hay mua bán tranh mà còn là cầu nối giữa nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật. Họ hiểu những thông điệp người hoạ sĩ gửi gắm qua bức tranh và chuyển đến người mua, tránh cho hoạ sĩ phải đối thoại trực tiếp với khách hàng. Nhiều người làm nghệ thuật cho điều này không cần thiết vì bản thân tác phẩm đã mang tính đối thoại.

- Điều gì khiến anh trở thành nhà sưu tập tranh?

- Khi còn là học sinh cấp 3 ở Hà Nội, tôi được gặp hoạ sĩ Bùi Xuân Phái trong một dịp đến chơi nhà con ông. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một thế giới đầy màu sắc, một không gian khác biệt và cuốn hút. Bùi Xuân Phái chưa bao giờ dạy tôi về hội hoạ nhưng những câu chuyện về ông, với ông đã dẫn tôi đến với hội hoạ và hình thành trong tôi một xúc cảm thẩm mỹ. Cũng tại đây, tôi được gặp nhiều hoạ sĩ khác như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... những người sau này trở thành những tên tuổi lớn, đặt dấu ấn cho nền hội hoạ đương đại. Từ việc cất giữ cẩn thận những bức tranh hoạ sĩ Bùi Xuân Phái cho, tôi lặng lẽ sưu tập tranh của ông và bắt đầu con đường sưu tập của mình.

- Nhiều người nói trong tay anh đang giữ không dưới 4 triệu USD giá trị tiền tranh, có khi nào sự cảm nhận hay linh cảm nghề nghiệp đánh lừa anh?

- Tôi sưu tập từ lúc chưa có thị trường tranh, nói gì đến thị trường tranh giả. Hơn nữa với những tác giả tôi sưu tập, ít nhiều đều có mối quan hệ quen biết với bạn bè và gia đình họ. Tôi đang cố gắng là nhà sưu tập chuyên nghiệp.

- Ngoài đam mê với tranh, anh còn là võ sư môn phái Vĩnh Xuân quyền, phái thiên về nhu. Anh vận dụng cái nhu này trong cuộc sống như thế nào?

- Cái nhu trong võ đã dạy tôi biết điều chỉnh những hành vi ứng xử. Cả trong công việc cũng vậy, biết lúc nào nên cứng rắn, lúc nào nên mềm dẻo, biết kéo căng và cũng biết thả lỏng.

- Không chỉ tập luyện mà anh còn nghiên cứu và truyền dạy võ thuật cho các em khiếm thị, dư luận về việc làm từ thiện có làm anh bận lòng?

- Tôi không thích cách gọi từ thiện, nghe to tát và phô trương quá. Tôi chỉ xem đó là sự cảm thông và chia sẻ. Khi tôi chia sẻ, tôi cũng đã học được nhiều điều từ các em. Đó là nghị lực vượt qua nghịch cảnh, là nỗi khát khao được sống bằng chính sức mình.

(Theo Thời Trang Trẻ)

 

Về đầu trang 

Nhậ

Giáo sư - Nhạc sĩ Tô Vũ: Tây Nguyên là "cái nôi" của cồng chiêng Đông-Nam Á

Một "vua chiêng" ở Kông Chro, Gia Lai, vẫn lưu giữ những bộ chiêng quý do tổ tiên truyền lại. Trước những ý kiến băn khoăn về "căn nguyên", "cội rễ" của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc sĩ Tô Vũ - một trong những chuyên gia ở Việt Nam có thâm niên cao nhất về lĩnh vực này - đã cho rằng, căn cứ vào nhiều yếu tố, có thể khẳng định rằng chiêng Tây Nguyên là cái nôi của cồng chiêng Đông-Nam Á.

Tôi bắt đầu quan tâm nghiên cứu cồng chiêng từ năm 1978, cũng phát hiện ra nhiều điều thú vị.

Về cội nguồn, có thể nói cồng chiêng là "hậu duệ" của đàn đá - trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá theo "quy trình tiến hóa" cồng đá, chiêng đá, chiêng... tre, rồi mới tới cồng đồng, chiêng đồng...

Tôi cũng tán thành nhận định "Cồng chiêng Tây Nguyên là cái nôi của cồng chiêng Đông-Nam Á", bởi những yếu tố sau: Về vết tích hiện vật, những nét chạm khắc biểu hiện người đánh cồng chiêng (dáng đánh rất giống người Tây Nguyên) có trên trống đồng Đông Sơn vốn có lịch sử hơn 4.000 năm. Về lối đánh, "rất nguyên thủy", người Tây Nguyên vẫn "mỗi người một cái", chưa kết thành dàn do một nghệ sĩ biểu diễn như các dân tộc ở Thái-lan, Malaysia, Lào, Campuchia (theo nguyên lý phát triển từ đơn giản đến phức tạp; càng đơn giản càng gần ý nghĩa là "vật tổ"); hình dáng cồng chiêng cũng thế, chưa phát triển theo dạng trống (tức chiêng có đế, vuông hoặc tròn).

Về mục đích, cồng chiêng Tây Nguyên vẫn mang ý nghĩa từ thuở sơ khai của nó: Dùng để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... qua các lễ thổi tai, bỏ mả v.v..., nghĩa là vẫn thuần chức năng phục vụ đời sống con người.

Trong khi ở các vùng Đông-Nam Á khác, cồng chiêng đã "tiến hóa" đến mức thành phương tiện biểu diễn cung đình, mang chức năng giải trí.

Xét về lịch sử tiến hóa, mỗi sự biến chuyển tính năng nhạc khí (ở thời bấy giờ) diễn ra trong hàng mấy trăm năm. Và có thể khẳng định, căn cứ trên vết tích trống đồng (mà những gì quý giá mới được khắc lên đó), cồng chiêng Tây Nguyên đã có ít nhất 2.000 năm.

* Thưa giáo sư, vậy thì có thể có mối liên hệ giữa cồng chiêng Tây Nguyên và cồng chiêng Việt (Mường...)? Xuất xứ của nó từ đâu khi mà người Tây Nguyên vốn dĩ không biết cách chế tác?

- Trở lại vấn đề lịch sử. Năm 43 sau công nguyên, khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, tướng Mã Viện của Nam Hán đã cho tịch thu tất cả đồ đồng (bấy giờ chỉ có cồng chiêng, được coi là vật thiêng của người Việt) đem đúc trụ chôn ở vùng biên giới, nhằm tiêu diệt ý chí của người Việt.

Đây là cơ sở giải thích việc thất tán mạnh mẽ loại nhạc khí này trong quá khứ đời sống tinh thần người Việt, song cũng có thể hiểu rằng tổ tiên người Việt đã đem cất giấu ở vùng núi (bắt đầu sự "giao thoa" văn hóa cồng chiêng với các tộc người khác).

Đồng thời, dựa vào tài liệu khảo cổ về nguồn gốc tộc người và ngữ hệ ở Việt Nam, vốn từ họ Nam Á và Nam Đảo (thậm chí gần đây còn có luận điểm gây bất ngờ rằng trống đồng Việt có nguồn gốc từ... Trường Sơn), có thể khẳng định rằng cộng đồng Việt, Tày, các tộc người Tây Nguyên từng ở với nhau rất lâu đời rồi - sự "giao thoa" văn hóa cồng chiêng là hiển nhiên.

Suốt lịch sử văn hóa của mình, người Tây Nguyên không chế tác mà mua cồng chiêng từ người Kinh vùng Quảng Nam, rồi về "nắn" lại thanh âm theo cách của mình - đó là những hoạt động "giao thương" theo lối hàng đổi hàng có từ hàng nghìn năm nay. Ngay cả "chiêng Lào" mà người Tây Nguyên sở hữu cũng không phải được chế tác từ Lào mà chỉ là hàng hóa trao đổi, mua bán từ nơi khác về Tây Nguyên. Từ đó dẫn đến quan điểm nhất quán rằng cồng chiêng Tây Nguyên cũng chính là cồng chiêng Việt.

(Theo Lao Động)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 8/11 (08/11/2004)
Say phiêu cùng ''9+'' (06/11/2004)
Hơn 20 triệu USD cho bức tranh của Monet (05/11/2004)
"Người Nhện 2" đến Việt Nam (05/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 5/11 (05/11/2004)
Alexandra Kerry: Con gái chính trị gia đẹp nhất! (04/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 4/11 (04/11/2004)
Vũ Luân - Đồng hành với niềm tin (03/11/2004)
Cuốn sách văn học dịch đầu tiên có bản quyền (02/11/2004)
250 người bị bắt tại lễ hội Halloween (01/11/2004)
2 tựa sách mới cho giới quản lý của Business Edge (01/11/2004)
Công ty Nhạc xanh gặp "song hỉ" (29/10/2004)
John Kerry đang được lòng giới nghệ sĩ (27/10/2004)
"Cô nàng giả gái": câu chuyện thật về giới đồng tính (27/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang