Tin văn hoá trên các báo ra ngày 15/11
08:44' 15/11/2004 (GMT+7)

1.Nguyễn Hồng Nhung: 'Tôi không ham vật chất'' 

2.Đàm Vĩnh Hưng: 'Có người muốn đạp tôi xuống biển'

3.Quốc Bảo: 'Tôi rất lì đoàn'

4.Người nhặt chữ của giời

Soạn: AM 194961 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
CS Hồng Nhung
Nguyễn Hồng Nhung: 'Tôi không ham vật chất'

"Đối với tôi đó chẳng phải chuyện vui vẻ gì. Đúng là bây giờ, cứ khi nào nhắc đến Sao Mai - Điểm hẹn dư luận chỉ nhắc tên tôi. Mong mọi người hãy nghĩ công bằng hơn cho tôi", ca sĩ Hồng Nhung tâm sự sau scandal vừa qua.

- Nhiều khán giả muốn biết kết quả vụ kiện của chị với Lê Vĩnh Thắng, vậy bao giờ vụ việc mới ngã ngũ trắng đen?

- Tôi cũng rất mong vụ kiện sớm có kết quả để danh dự của tôi không bị bôi nhọ. Pháp luật sẽ không đứng về phía kẻ vu khống. Nhưng hiện tại cơ quan điều tra đang tiếp tục công việc của họ.

- Sau cú shock này, chị nghĩ thế nào về đàn ông?

- Rõ ràng, tôi sẽ không dễ dàng tin tưởng họ như trước kia.

- Nhưng người phụ nữ nào cũng cần tìm một người đàn ông của đời mình?

- Chuyện hạnh phúc của tương lai không thể nói trước. Thời điểm này, thái độ của tôi đối với đàn ông là cẩn trọng hơn chứ không phải là không thể tin tưởng.

- Và sau này, nếu yêu một người, chị sẽ chọn tình hay tiền?

- Tôi xin khẳng định: khi yêu Lê Vĩnh Thắng, tôi chưa từng đặt nặng chuyện tiền bạc. Những ai quen thân với Thắng đều biết anh ta không phải là một đại gia rủng rẻng tiền. Tôi không muốn thanh minh cho riêng mình. Bạn bè và gia đình hiểu tôi không phải là một cô gái vật chất, thế là đủ.

- Vậy ở Lê Vĩnh Thắng, điều gì đã hấp dẫn chị?

- Anh ta là một người cực kỳ khéo léo và rất hiểu tâm lý phụ nữ.

- Hiện tại, chị thường xuất hiện bên cạnh một người đàn ông, chị có thể bật mí về anh ấy?

- Đó là anh Phương, người quản lý của tôi. Anh ấy đang lên kế hoạch chi tiết cho sự nghiệp ca hát của tôi vào năm tới.

- Nhưng không thể phủ nhận scandal đã giúp tên tuổi của chị có sức lôi cuốn hơn ở các show diễn?

- Nếu các ông bầu trong thành phố mời tôi diễn chỉ vì scandal thì tôi cũng sẽ chỉ diễn được một, hai lần khi vụ việc còn đang nóng hổi. Tôi thấy mình may mắn vì đang dần chinh phục được khán giả.

(Theo Văn Hóa Thông Tin)

 

Về đầu trang 

Đàm Vĩnh Hưng: 'Có người muốn đạp tôi xuống biển'

"Có một vài người không ưa tôi, nói nghe tôi hát "Biển nhớ" mà muốn đạp cho tôi một cái xuống biển chết quách đi cho rồi. Tôi cũng rất muốn đứng im cho người đó đạp thử xem sao", Đàm Vĩnh Hưng tâm sự.

- Sao mỗi ngày lại càng thấy anh bạo ngôn hơn?

- Không phải là bạo ngôn mà là thẳng thắn. Đó là cá tính của tôi và tôi yêu cá tính của mình. Nhờ nó mà ngày càng có thêm nhiều người hiểu và đồng cảm với tôi hơn. Dĩ nhiên là cá tính thì phải khác với người khác.

- Những lời nói bốc đồng, những tuyên bố bạo miệng ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của anh?

- Sự nghiệp của tôi là do tôi và khán giả cùng xây dựng nên. Mà đã là khán giả của tôi ắt sẽ hiểu và cảm thông với những gì tôi nói.

- Anh cảm thấy sao khi một người bạn của anh nói: "Nếu hiểu Đàm Vĩnh Hưng thì sẽ rất thương cậu ta"?

- Vì hắn là bạn thân, nên hiểu và thương tôi là điều dễ hiểu. Nhưng tôi muốn thêm một điều nữa, đó là có những người không hiểu mà vẫn thương tôi.

- Anh bạn này muốn nói đến sự đa đoan của anh, anh nghĩ thế nào?

- Không nên trải lòng ra quá nhiều. Tôi không cho phép mình thụ động hay giả vờ ngu ngốc. Cũng phải nói thêm rằng những gì người khác làm được thì tôi cũng sẽ làm được, ngoại trừ việc "sinh con".

- Nhiều người không chấp nhận kiểu hát nhạc Trịnh gào thét của anh, còn anh thấy sao?

- Nhiều người quen nhìn tôi là ca sĩ thị trường hát nhạc gào thét, nên cái gì cũng chụp mũ cho rằng tôi đang gào thét. Thật ra, album Trịnh Công Sơn tôi đâu có gào. Những người nhận xét tôi như thế chắc chắn không phải là những khán giả quen thuộc của tôi.

- Hát nhạc Trịnh nghĩa là anh đang phá thế độc tôn của Quang Dũng?

- Dũng và tôi là hai con người, hai giọng hát, hai cách hát và hai trái tim khác hẳn nhau. Dũng có vị trí của Dũng, tôi có chỗ ngồi của tôi.

- Sau album "Phôi pha", mối quan hệ giữa anh và Quang Dũng như thế nào?

- Tôi và Dũng đều là đồng nghiệp, trước sau vẫn như thế. Tôi thật lòng ngưỡng mộ và đánh giá cao chất giọng Quang Dũng ở những nốt trầm. Trong giới ca sĩ trẻ chúng tôi, chẳng có ca sĩ nào dám phê bình ca sĩ nào đâu.

- Và gần đây, anh có xu hướng ăn mặc nền nã hơn, vì sao có sự thay đổi đó?

- Ăn mặc là lựa chọn theo sở thích của mỗi cá nhân. Suy nghĩ của con người sẽ lớn lên mỗi ngày. Tôi cũng không dám đảm bảo sẽ tiếp tục mặc trang phục nền nã trong bao lâu nữa.

- Anh mặc lịch sự hơn vì đã không đủ sức để "ăn đòn" dư luận về style ăn mặc?

- Tôi không phải là đứa bé phạm sai lầm để bị ăn đòn. Nói thế sẽ không đúng với tấm lòng của một số người đã góp ý cho tôi. Còn tôi, sẽ vẫn mặc theo quan điểm của mình nếu không vi phạm quy chế biểu diễn hay gây phản cảm cho công chúng.

- Và anh nghĩ gì khi nhiều người không ngại ngần hỏi thẳng anh về giới tính?

- Hỏi vì mục đích gì? Biết? Biết để làm gì? Nếu trả lời được và câu trả lời khiến tôi hài lòng thì chắc chắn tôi sẽ có đáp án để người hỏi hài lòng.

(Theo Người Đẹp)

 

Về đầu trang 

Quốc Bảo: 'Tôi rất lì đòn'

"Trong tôi luôn tồn tại song song hai con người: nghệ sĩ và doanh nhân. Bản chất của nhạc sĩ là luôn cô độc, ngược lại, bản chất một doanh nhân thì luôn có đồng minh, bạn bè. Tôi đóng cả hai vai ấy. Quốc Bảo trong tương lai sẽ vẫn cứ làm việc không ngừng", nhạc sĩ của những scandal tâm sự.

- Album "Những chuyện kể" của anh mới ra mắt công chúng mang tư tưởng gì của Quốc Bảo?

- Là sự bất lực của con người khi họ quyết tâm kiểm soát tình yêu và cuộc đời. Con người, với tôi, sẽ luôn là kẻ thua trước vận mệnh.

- Có gì khác giữa "Những chuyện kể" và "Ngồi hát ca bồng bềnh", "Vàng son"...?

- Hoàn toàn khác. Về hình thức, đây là album mang tính vô cảm, trạng thái mà tôi đã đeo đuổi trong thời gian thực hiện album. Nói cách khác, tôi giết chết cảm xúc, không buồn giận yêu thương, chỉ thuần túy lý tính và kỹ thuật.

Về phương cách thực hiện, tôi soạn nhạc trên nền trước rồi căn cứ vào đó viết nên giai điệu và ca từ. Đây là cách duy nhất giúp tôi thoát khỏi thói quen trong sáng tác, những khuôn sáo vàng son, ngoan hiền xưa cũ.

Có thể nói, Quốc Bảo đã chuyển sang một cấp độ mới, một ước mơ mới. Về phần ca sĩ, ngoài Lê Hiếu thì Mai Khôi và Thủy Tiên hoàn toàn chưa có tiếng tăm. Họ hát rất chân phương theo ý muốn của tôi. Tôi sử dụng ca sĩ như một công cụ tốt đã qua rèn luyện và phù hợp với ca khúc.

- Thuần túy kỹ thuật, điều đó đồng nghĩa với những ca khúc của anh không hề có cảm xúc. Anh nói sao?

- Người Việt có tâm lý luôn đánh đồng công việc của nghệ sĩ với cảm xúc. Tôi kịch liệt phản đối điều ấy. Tôi quan niệm nhạc sĩ cũng là một nghề, và tôi muốn làm việc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, không lệ thuộc vào những cảm giác vu vơ.

- Anh sắp mở công ty riêng về âm nhạc, công ty của anh sẽ chuyên về hoạt động nào?

- Công ty sẽ thành lập vào năm 2005, chuyên về lĩnh vực truyền thông, quảng cáo âm nhạc với các dịch vụ như: tổ chức đội ngũ bên cạnh ca sĩ giúp họ duy trì và phát triển hình tượng, tránh scandal.

Những chuyện kể là sản phẩm đầu tay của công ty. Đó cũng là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Việt Nam được bày bán trên siêu thị âm nhạc online quốc tế.

- Phải chăng anh muốn tấn công ra thị trường âm nhạc thế giới kiểu như "Coming to America" của Mỹ Linh?

- Tại sao không? Tôi muốn cạnh tranh bình đẳng với nhạc ngoại quốc. Theo tôi, nhạc Việt chỉ khác chứ không hề thua kém nhạc ngoại, không việc gì phải e dè lo ngại. Tôi luôn tự tin vào những điều mình làm. Hà Trần từng nói với tôi: "Anh Bảo làm gì cũng suy nghĩ kỹ và có mục đích rõ ràng".

- Anh nghĩ sao nếu công chúng vì những scandal của anh thời gian gần đây sẽ không để ý gì đến CD "Những chuyện kể"?

- Xét về mặt tiếp thị âm nhạc, mọi scandal đều có lợi cho kinh doanh. Xét về mục đích, tôi làm album này hướng đến thị trường quốc tế. Nó được bày bán trên các kệ đĩa ở nước ngoài là tôi hài lòng rồi. Vì thế, tôi chẳng có gì phải lo ngại hay thất vọng cả.

- Người ta xì xào rằng, nhiều nhạc sĩ tẩy chay không chơi với anh. Anh thấy thế nào?

- Tôi cũng không thích chơi với người trong giới. Tôi không có thời giờ để tụ tập bù khú nhậu nhẹt. Những việc đó chẳng có ích gì cho nghề nghiệp.

(Theo Thể Thao Ngày Nay)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 194959 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Người đi nhặt chữ của giời

Rụng rơi. Lần lượt những bạn văn cùng thời đều rụng rơi. Người ra đi trong hào hoa. Người cô đơn sấp mặt không trống kèn. Một mình Tô Hoài còn ở lại khép mở với nhân gian qua những trang văn.

Hết Cát bụi chân ai lại đến Chiều chiều, bao nhiêu kỷ niệm thân phận, sự kiện non nước, vặt vãnh vui buồn trên mọi nẻo đường hồi ức không chịu già trong tấm thân già hơn 80 tuổi.

Viết hồi ký: sự thật quyết định trong từng con chữ

Đó không chỉ là sự hồi tưởng, mà theo Tô Hoài, đó là cả một hành trình đấu tranh tư tưởng. Bởi khi viết có dám đối diện với sự thật hay không, có dám viết ra những gì anh thấy, anh cảm, anh yêu, anh ghét. Nói chung, thành bại của một cuốn hồi ký là ở sự thật quyết định trong từng con chữ!

Vì sự thật, Tô Hoài, với tâm thế của một kẻ ung dung lắm lúc phiếm hài, đã nhẩn nha cho những nhân vật, cho những vùng đất được sống lại như tất cả đã từng có mặt trên đời này. Không những bề bộn những gương mặt văn chương, lúc phiêu bồng Văn Cao, Nguyễn Tuân, Phùng Quán, khi ương chướng Phan Khôi, mà ngay cả một cụ già tiểu vặt vỉa hè cũng được Tô Hoài mặc nhiên ghi nhớ.

Cụ già lụ khụ, có hành động làm Hà Nội phát ngượng một thuở ấy hóa ra là Vi Văn Định, nguyên tổng đốc Hà Đông khét tiếng hà khắc, đến độ trưa nằm thanh vắng nghe tiếng guốc ai lê ngoài đường cũng sai lính nọc ra đánh!

Tất cả những nhân vật, những sự kiện tưởng là chiều chiều lại nhớ chiều chiều rất đồng dao ấy đều mang nặng những nỗi niềm chia sẻ trong văn cũng như ngoài đời. Có lúc giữa chừng chuyện vãn, Tô Hoài chợt nhướn người lên ghế, thõng xuống một câu: “Thằng Boudarel chết rồi!”. Boudarel là một giáo sư Pháp hơn mấy chục năm trước đã rời bỏ Sài Gòn hoa lệ, tám tháng trời lặn lội đường rừng từ Đồng Tháp Mười ra Việt Bắc để làm cán bộ Việt Minh. Khi nghe tin bạn chết, Tô Hoài nhờ người mang hộ bó hương sang Pháp thắp cho bạn nhưng hóa ra bạn không có mồ: Boudarel chỉ còn là nhúm tro trong hũ!

Chuyện Boudarel vừa lắng xuống, Tô Hoài lại nghiêng người báo tiếp: “Thằng Platôn cũng chết rồi!”. Platôn, một người lính Nga bị phát xít Đức bắt làm tù binh, rồi do sự nghi ngờ của đồng đội mà trong ngày chiến thắng đã bỏ trốn sang Pháp, trở thành lính lê dương và sau cùng là chiến sĩ của tiểu đoàn lừng danh 307 quân giải phóng! Lấy vợ nhưng bị vợ bỏ, vậy mà sau mấy chục năm khi trở về Nam bộ, Platôn vẫn cố công tìm ra mộ mẹ vợ để xây cất đường hoàng.

Tô Hoài nói trống không nhưng da diết lắm; trong đôi mắt tinh anh của ông dễ nhận thấy những ruộm vàng buồn bã ngấm vào tận đáy con ngươi vốn được trời cho thấy lắm cảnh ngộ để viết.

Nhặt chữ của giời

Từ ngày còn mặc áo the, đi guốc mộc lọc cọc đến tòa soạn báo Hà Nội Tân Văn hoan hỉ nhận năm đồng bạc nhuận bút cho truyện ngắn Một đêm sáng giăng suông, được chủ báo là Vũ Ngọc Phan phát hiện và khuyến khích, đến nay sau hơn 60 năm cầm bút Tô Hoài đã có chừng 200 đầu sách!

Thật ra truyện ngắn đầu tiên của đời văn Tô Hoài là Mê gái hay còn gọi là Con gà mái ri. Ngày ấy chàng trai trẻ Tô Hoài ở làng Nghĩa Đô không ngờ chính Con gà mái ri là sự khởi đầu một thế giới văn chương độc đáo của đời mình - thế giới loài vật với những thằng Đực đau đáu nỗi buồn hiện sinh tình ái, mợ Chuột tủi hờn nửa chừng xuân giữa ánh trăng cót két làng Nghĩa Đô êm ả, và đỉnh cao là hiệp sĩ dế mèn phiêu lưu trong tâm hồn tuổi thơ nhân thế cho đến chú bồ nông xa xôi ở Samáccan trên con đường tơ lụa....

Có lần trong cuộc rượu vui, tôi mạo muội đùa với ông Tô Hoài rằng gặp bất cứ gã đàn ông nào trên trái đất này tôi cũng thấy nỗi lòng con Đực thấp thoáng đâu đó trong đáy tim! Ông Hoài cười khì khì, hơi rượu bay lả tả, ừ ừ... Làm đàn ông ai chẳng mê gái nên làm sao không buồn được khi bị cắt mất mùa xuân như con Đực, hay một hôm nào đó chợt dưng thấy mình già nua, thèm thấy lại tuổi trẻ đã tan tành xác pháo!

Viết loài vật nhưng lại quá đỗi thân phận đời người. Sau này dù ông có ngược xuôi vùng Tây Bắc hay lang thang khắp nơi để viết bao nhiêu tập truyện, trong lòng bao độc giả ông cứ mãi là chàng Tô Hoài guốc mộc, áo the, mơ mộng con chữ, đau buồn con chữ, lãng du con chữ với những con vật mà ông hằng yêu quí như Phật yêu những hạt bụi ta bà đã góp phần sinh ra thế giới.

Tôi hỏi ông: sức đâu mà chữ nhiều thế? Ông tủm tỉm cười: “Một phần là trời cho, một phần là đọc, lượm lặt chữ của nhân gian, chữ của giời - ông chỉ tay ra ngoài khung cửa xanh - như cô hàng bánh nói gì, mình cũng phải học. Các anh trẻ bây giờ nhiều người viết được nhưng viết hay thì hiếm quá! Suốt đời tôi chỉ làm một người nhặt chữ. Văn chương nghệ thuật thì vô cùng nhưng suy cho cùng phải là người giỏi chữ. Anh có tư tưởng lớn lao đến đâu mà không giỏi chữ, anh không thể trở thành nhà văn!”.

“Ngộ” từ những mải mê chơi

Dế mèn phiêu lưu ký không chỉ là một phần kỷ niệm tuổi thơ mà dường như nó đã hóa thân thành định mệnh đời ông Tô Hoài. Hơn 60 năm qua, kể từ ngày Dế mèn ra đời, ông cũng đã phiêu lưu, viễn du qua bao miền đất, thăng trầm lắm cảnh. Ban đầu chỉ là con dế mèn đi chơi một chương sách nhưng theo mong ước của ông Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Văn, và các độc giả báo Truyền Bá, Tô Hoài đã cho dế mèn rong chơi trọn vẹn thành một tập phiêu lưu ký.

Cũng vì phiêu lưu theo dế mèn nên ông quên răng dế vốn màu nâu đen chứ không phải “trắng tểnh” như ông miêu tả cho đến khi một người bạn đọc xa xôi ở thành phố Rostov của nước Nga gửi thư thắc mắc tại sao răng dế VN lại màu trắng trong khi dế nước Nga lại màu đen, ông mới nhớ ra là mình nhầm!

Ông nhầm cái răng con dế là chuyện nhỏ, song có lúc có người hồn nhiên đem chuyện phiêu lưu của dế biến thành chuyện chính trị, qui kết dế mèn chính là hình ảnh Tô Hoài đi tìm thế giới đại đồng theo quan điểm xét lại!

Sau Dế mèn, ông Vũ Đình Long tiếp tục đặt bài, ba tháng một tập truyện dài, một tháng một truyện ngắn nên Tô Hoài tha hồ rong chơi khắp mọi miền ba nước Đông Dương. Đi đến đâu viết đến đấy rồi gửi bài theo đường dây thép cho nhà Tân Văn. Ngay cả những năm kháng Pháp hay chống Mỹ, ông cũng vẫn đi, như con dế mèn đi khắp thiên hạ, từ châu Á sang châu Phi, châu Mỹ, châu Âu. Ông mải mê đi, mải mê viết và như ông thú nhận, ông đã “ngộ” ra mỗi nơi ông đến từ những cuộc mải mê đó đều trở thành những dòng văn.

Trong căn nhà nhỏ cuối ngõ Đoàn Nhữ Hài như cái hang dế giữa lòng Hà Nội, lắm lúc ông Tô Hoài ngẫm nghĩ vẩn vơ khi nghe tin dế đã trở thành món ăn xuất khẩu; và nhờ dế có người sẽ trở thành tỉ phú! Tôi đùa hóa ra cái con dế mèn ấy cũng được việc: nó làm cho một người trở thành tỉ phú, một người thành nhà văn. Ừ! Ông Hoài lại ừ cười, một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đã chín đến… 85 mùa xuân! Kinh nghiệm của một tay săn dế sành sỏi cho ông biết dế chỉ sống với cỏ.

Nơi nào có cỏ nơi đó có dế. Phải rồi, lão văn sĩ Tô Hoài như con dế, nơi nào có tuổi thơ, nơi đó có Tô Hoài. Dẫu dế rồi có biến thành món ăn, dế có chết vì thuốc trừ sâu nhưng con dế của Tô Hoài, được nuôi dưỡng bằng ngôn ngữ nhặt từ cõi giời và cõi nhân gian, vẫn mải mê sống với thế giới này!

(Theo Tuổi Trẻ)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chuyện của một ông vua chó mèo (13/11/2004)
Có một vở múa mang tên "mini@tures" (13/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 12/11 (12/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 11/11 (11/11/2004)
Công chiếu phim kinh điển của Tây Ban Nha tại VN (10/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 10/11 (10/11/2004)
"Phố phường thứ 37": lễ hội văn hóa độc đáo tại HN (10/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 9/11 (09/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 8/11 (08/11/2004)
Say phiêu cùng ''9+'' (06/11/2004)
Hơn 20 triệu USD cho bức tranh của Monet (05/11/2004)
"Người Nhện 2" đến Việt Nam (05/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 5/11 (05/11/2004)
Alexandra Kerry: Con gái chính trị gia đẹp nhất! (04/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang