Tin văn hoá trên các báo ra ngày 25/11
09:16' 25/11/2004 (GMT+7)

1.Đam San sẽ lên phim nhựa 

2.Thanh Lam - Lê Minh Sơn: Gặp nhau là bùng nổ! 

3.45 năm phim hoạt hình VN: Người bạn đồng hành của tuổi thơ 

4. Tổ chức 8 lễ hội truyền thống các dân tộc 

5.Hoàng Hải lênh đênh trên đường đời 

6.Phát hiện thêm di cốt người cổ Hạ Long, hiện vật Đông Sơn 

Đam San sẽ lên phim nhựa

Giám đốc Hãng phim Giải Phóng Lê Đức Tiến đang hăm hở với một dự án mới: đưa Đam San - sử thi kỳ vĩ nhất của Tây Nguyên - lên phim nhựa. Đạo diễn Lê Dân, người thực hiện dự án này, cho biết vài nét về dự án.

Kinh phí làm phim dự tính lên đến 10 tỷ đồng, lại chưa tính đến khả năng tài trợ của Nhà nước. Mọi chi tiết của dự án được ông giám đốc “chuyền” sang một cái tên quen thuộc khác: đạo diễn Lê Dân. Nhà đạo diễn lão thành đã lâu không làm phim nhựa kể từ sau thành công của Xương rồng đen tuy rất thận trọng nhưng cũng không giấu được sự phấn khích, cho biết:

- Tôi bắt tay vào viết kịch bản Đam San từ 1993, đến 1995 thì xong, từ đó đến nay đã sửa năm lần, bản vừa đưa cho anh Tiến tháng trước là bản thứ sáu. Chúng tôi đang bắt tay vào giai đoạn chuẩn bị làm phim. Tôi mê hình tượng Đam San đã từ lâu và đây thật sự là một cơ hội tốt.

* Thưa ông, Trường ca Đam San có ý nghĩa như thế nào đối với kịch bản phim Đam San? Ông sẽ bám theo nguyên tác hay là cố gắng làm khác đi?

- Tôi đã đọc nhiều lần bản Trường ca Đam San do nhà dân tộc học người Pháp Sabatier viết lại, sau này lên Tây Nguyên nhiều lần, tôi cũng đã trực tiếp nghe nghệ nhân kể khan người Êđê là Y Mun kể trong nhiều đêm.

Trường ca Đam San hấp dẫn người nghe như một tác phẩm văn học được trình bày theo lối kể chuyện bằng lời, nhưng không thể bê nguyên xi lên phim được, sẽ có rất nhiều đoạn lê thê vì thừa lời. Phim là kể chuyện bằng hình ảnh. Và chúng tôi đã xác định được cách làm phim của mình để người xem chấp nhận được một Đam San bằng hình ảnh.

* Gần một thế kỷ phát hiện lại Đam San rồi nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà dân tộc học và nhà văn vẫn còn chưa ngớt tranh cãi về chủ đề, ý nghĩa của hình tượng Đam San, vậy khi làm phim, các ông sẽ chọn hướng đi nào trong rất nhiều cách lý giải chưa phân thắng bại ấy?

- Chúng tôi xác định chủ đề của phim là: người anh hùng không phải là người chống lại chế độ mẫu hệ. Đam San phản kháng, không muốn nối dây nhưng rồi chính chàng lại đồng ý (một tập tục hôn nhân kéo dài trong họ hàng), có nghĩa là đã hy sinh cá nhân, hy sinh giấc mơ tình yêu của mình cho cộng đồng. Đam San đi tìm nữ thần Mặt trời cũng không phải là đi tìm tình yêu cho mình, mà là tìm kiếm và mang ánh sáng tình yêu về cho buôn làng. Cũng vì vậy mà chúng tôi bàn tới bàn lui và quyết định cắt bỏ đoạn Đam San chết trong đầm lầy và đầu thai trở lại. Phim sẽ kết thúc ở chỗ Đam San đi tìm nữ thần Mặt trời và mang ánh sáng tình yêu trở về.

* Một yếu tố quyết định thành công của phim là diễn viên. Ông đã cân nhắc giữa cái lạ và cái chuyên nghiệp, và ông đã quyết định theo hướng nào?

- Sẽ dùng diễn viên quần chúng người dân tộc nhiều nhất đến mức có thể. Tất cả đại cảnh sẽ mời diễn viên tại chỗ, các vai phụ, vai thứ sẽ mời diễn viên người dân tộc.

Nhưng Đam San và nữ thần Mặt trời thì phải chọn diễn viên chuyên nghiệp thôi. Ngoài yếu tố lạ và hợp vai, vai chính còn đòi hỏi khả năng diễn xuất trước ống kính. Chúng tôi đã, đang đi tìm và hy vọng sẽ tìm được những diễn viên chuyên nghiệp hợp với vai diễn.

* Được biết các ông có thể yên tâm bố trí những đại cảnh cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bấm máy vì đạo diễn Lê Dân đã kéo được vốn nước ngoài. Vậy số tiền có yếu tố “ngoại” đó thực chất có lớn không và được đầu tư như thế nào?

- Liên doanh sản xuất Đam San gồm bốn hãng: Giải Phóng, Tân Hữu Nghị (hãng phim tư nhân của chúng tôi mới thành lập), Hãng phim Hội Điện Ảnh và F&C (Future & Culture- Tương lai và văn hóa- một hãng phim của Hàn Quốc).

Phần vốn của Hàn Quốc ở đây sẽ bao gồm toàn bộ kỹ thuật, máy móc, công tác hậu kỳ. F&C sẽ mang sang Việt Nam đội ngũ giám đốc hình ảnh, chuyên viên giỏi nhất của họ trong các khâu âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo... và làm việc chung với các nhân viên kỹ thuật của Việt Nam.

Tôi hy vọng sự cộng tác này sẽ giúp đội ngũ kỹ thuật của ta nâng cao tay nghề đáng kể. Việc làm hậu kỳ, in tráng ở Hàn Quốc cũng sẽ làm cho phim đạt chuẩn kỹ thuật khi phát hành trong khu vực.

Tuy nhiên, tỷ lệ góp vốn còn phải bàn thêm nhiều. Chỉ có thể dự kiến kinh phí làm phim khoảng 10 tỷ đồng, đấy là chưa tính đến khả năng nhà nước có thể sẽ bỏ vào một khoản tài trợ hoặc đầu tư khi thấy bộ phim có hiệu quả xã hội tích cực.

* Thưa ông, còn điều quan trọng nhất: tính hấp dẫn của bộ phim sẽ như thế nào?

- Đam San sẽ cố gắng để hấp dẫn người xem như một tình ca và một anh hùng ca, có yếu tố dân tộc học - cái lạ. Không phải ngẫu nhiên mà đối tác Hàn Quốc bỏ vốn vào đây, họ đã nhìn thấy khả năng phát hành trong khu vực châu Á. Còn lại cứ để chúng tôi làm cái đã chứ, nói trước sợ bước không qua, giữa năm 2005 Đam San mới bấm máy mà!

(Theo Tuổi trẻ)  

Về đầu trang 

Soạn: AM 204043 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Thanh Lam - LMS
Thanh Lam - Lê Minh Sơn: Gặp nhau là bùng nổ

Kết duyên trong âm nhạc chưa lâu nhưng cặp bài trùng Thanh Lam - Lê Minh Sơn đã tạo nên ấn tượng mạnh cho công chúng. Cá tính mạnh mẽ pha chút cực đoan, điên cuồng đã khiến họ trở thành những kẻ say trong âm nhạc.

Lê Minh Sơn (LMS): Từ lâu tôi đã mơ ước được làm việc với Thanh Lam. Khi cô ấy tìm đến tôi để nhờ tuyển chọn một CD các bài hát, tôi đã cho cô ấy CD Bên bờ ao nhà mình. Tôi không muốn người sẽ làm việc với mình chẳng biết gì về mình và không có cảm nhận gì.

Thanh Lam (TL): Đầu tiên tôi không thấy mấy ấn tượng về Sơn. Nhưng khi nghe toàn bộ CD Bên bờ ao nhà mình của Sơn, thực sự tôi thích, trong âm nhạc, sự thích đó là rung cảm, là niềm mê đắm vụt đến.

LMS: Cảm ơn số phận đã cho tôi gặp Thanh Lam. Cái mà tôi thích ở Lam là sự dài hơi, dài sức và tôi cũng là người dài vốn. Nhạc của tôi rất mạnh, cần phải có một ca sĩ đủ mạnh như cô ấy để cho tôi được vùng vẫy.

TL: Sơn là nhạc sĩ trẻ hiếm có cho nền âm nhạc hiện nay. Tôi là một ca sĩ mà cái biểu cảm của mình quá mạnh, khi hát những bài hát khác, tôi thường vượt ra khuôn khổ của ca khúc đó, thả cho cảm xúc của mình phiêu linh. Những bài hát khác không giam cầm được cảm xúc của tôi, còn khi hát nhạc của Sơn, tôi cảm thấy quá đủ, quá vừa vặn cho cảm xúc của mình. Những bài hát của Sơn làm cho tôi không cần phải thêm thắt và không thể phiêu linh thêm nữa. Như vậy, để thấy rằng Sơn viết ca khúc rất chặt chẽ, giữa tôi và Sơn là sự đồng cảm ghê gớm.

LMS: Tôi chưa bao giờ được một ca sĩ nào trân trọng mình như Thanh Lam trong nghệ thuật. Lam hát bằng tất cả tâm hồn cô ấy, Lam nâng niu vuốt ve từng câu, từng chữ trong ca khúc của tôi. Lam thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của từng con chữ tôi đã viết. Ngọc Khuê, Tùng Dương cũng từng thể hiện rất thành công bài hát của tôi nhưng với Ngọc Khuê, tôi coi như đã xong sau khi cô ấy hát 3 bài: Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt, Cặp ba lá. Khuê hồn nhiên thể hiện bằng hết những gì tôi viết trong tác phẩm, nhưng với Thanh Lam là tất cả những gì còn lại trong âm nhạc của tôi. Chỉ cô ấy mới thể hiện được hết những gì tôi muốn truyền đạt trong các tác phẩm âm nhạc. Và cũng chỉ duy nhất Lam mới đủ dài hơi, đủ bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm để thể hiện chúng.

TL: Nhạc của Sơn có phong cách trẻ trung, sự trong sáng ngúng nguẩy đáng yêu. Nếu ở các ca sĩ khác chỉ dừng lại việc thể hiện vừa vặn, đầy đủ một Lê Minh Sơn trong các tác phẩm ấy thì tôi là người đem lại cho tác phẩm của anh phong cách khác, hơi thở khác, một tinh thần khác. Khi tôi hát, nhạc của Sơn được nâng lên bởi sự đằm sâu và cách thể hiện đa tầng cảm xúc hơn trong những gì mà anh muốn gửi gắm. Nếu Sơn không gặp tôi, những bài hát của anh vẫn chỉ là chân chất đồng quê, trong sáng hồn nhiên như cách của Khuê đã hát. Còn tôi đã tạo cho Sơn một xu hướng mới, sự biểu cảm của một người phụ nữ biết vươn lên trong cuộc sống, nó mang đậm màu sắc dân gian nhưng hiện đại. Nói tóm lại, tôi đã mang hơi thở mới cho nhạc của Sơn.

LMS: Tôi biết ơn Lam, đó là người đàn bà đã làm cho tôi thăng hoa trong nghệ thuật. Chị kích thích tôi rất ghê gớm, kích thích tất cả những gì đang bùng nổ trong tôi. Cái cho tôi nhiều cảm xúc trong nghệ thuật đấy là Thanh Lam... Hiện nay, tôi như người lên đồng trong sáng tác. Kỳ lạ nhất là tất cả những gì Lam yêu cầu, tôi đều làm được ngay và đáp ứng đến thỏa mãn. Ví dụ, chị yêu cầu tôi viết một bài hát về tình mẹ con. Ngay lập tức, những ca từ tuôn chảy và dù nghe đến hàng trăm lần, mỗi khi Lam cất lời là nước mắt tôi trào ra: Ơi nồi khoai chín thơm chiều đông/ Ơi dòng nước mắt mẹ ngập đồng/ Cánh đồng xanh áo mẹ bạc/ Cánh đồng vàng sữa mẹ thơm...

(Theo An Ninh Thế Giới) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 204039 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
45 năm phim hoạt hình VN: Người bạn đồng hành của tuổi thơ

Kể từ bộ phim đầu tiên, Ðáng đời thằng cáo, được ra mắt người xem năm 1959 cho tới nay, Hãng phim hoạt hình đã bước vào tuổi 45. Cũng chừng ấy thời gian, với hơn 300 tác phẩm điện ảnh, phim hoạt hình VN đã trở thành người bạn nhỏ thân thiết của nhiều lứa tuổi thơ trên khắp mọi miền đất nước.

Nhiều bộ phim hoạt hình đã đi vào ký ức tuổi thơ bao thế hệ, như một kỷ niệm đẹp, một hành trang nghệ thuật nhiều ý nghĩa giúp các em bước vào đời.

Từ ngày ra đời, qua những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ cứu nước là giai đoạn sung sức của hoạt hình VN. Những: Mèo con, Con sáo biết nói, Bài ca trên vách núi, Chuyện ông Gióng, Kặm-pa Nàng Ngà, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Con khỉ lạc loài, v.v. là những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, mang lại niềm tự hào cho các nghệ sĩ và những công chúng nhỏ tuổi.

Rồi những: Chiếc vòng bạc, Em làm thợ xây, Những chiếc áo gấm, Gà trống hoa mơ, Cá sấu ngứa răng, Rừng hoa... là những bài thơ trữ tình, ấm áp sắc mầu. Những hình ảnh gần gũi, thuộc quen như cuộc sống mà cũng đầy tưởng tượng, lãng mạn dẫn các em vào thế giới thần thoại, cổ tích của tình đời, bồi đắp cho các em lòng yêu quê hương, đất nước...

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một cơ sở nữa của phim hoạt hình VN ra đời, đó là Xưởng hoạt họa thuộc Xí nghiệp phim Tổng hợp (nay là Hãng phim Giải phóng). Ðây cũng là nơi ra đời nhiều tác phẩm bám sát đời sống tinh thần, tâm lý của các thế hệ trẻ thơ.

Những bộ phim đồng thoại như: Cây chổi đẹp nhất, Ba chú dê con, Chú rùa và toa xe, Sáng, Cái mũ của vịt con, Giai điệu, Dế mèn phiêu lưu ký... là những bộ phim hấp dẫn và mang tính giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Cũng trong thời kỳ này, thể loại phim thần thoại, cổ tích, phim hoạt hình khoa học-kỹ thuật, phim châm biếm triết lý... được mở rộng và phát triển khá mạnh mẽ. Trong nhiều năm của giai đoạn này, cả hai cơ sở hoạt hình mỗi năm sản xuất gần hai mươi bộ phim trên nhiều thể loại...

Nhiều bộ phim trong thời kỳ này đã đoạt giải cao tại các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế (qua 14 kỳ LHP VN, hoạt hình giành được 14 giải Bông sen vàng, 36 giải Bông sen bạc và 64 giải thưởng khác).

Nhiều bộ phim gần đây của Hãng được các em nhỏ rất yêu thích như: Xe đạp, Sự tích cái nhà sàn, Cuộc sống, Chiếc áo tàng hình, Con sâu, Cây sừng của hươu sao... Và đặc biệt tại LHP Việt Nam 14 vừa qua, Hãng phim hoạt hình vinh dự được nhận nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có một giải Bông sen vàng cho bộ phim hoạt hình Chuyện những đôi giày của đạo diễn Phương Hoa.

45 năm, qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, đến nay Hãng phim Hoạt hình thật sự là một hãng phim lớn mạnh, vững bước trước những thử thách, những khó khăn của cuộc tìm đường khẳng định mình. Hiện nay Hãng là đơn vị trụ cột của ngành điện ảnh VN trong lĩnh vực sản xuất phim cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Nhân 45 năm Ngày thành lập, Hãng phim Hoạt hình vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

(Theo ND) 

Về đầu trang 

Tổ chức 8 lễ hội truyền thống các dân tộc

Tổ chức 8 lễ hội truyền thống các dân tộc - Hơn 350.000 USD bảo tồn, phát huy nhã nhạc Huế - Phát hiện thêm di cốt người cổ Hạ Long, hiện vật Đông Sơn - Mở rộng, tăng vốn đầu tư dự án bảo tồn Cổ Loa...

Năm 2005, Bộ Văn hóa Thông tin dự kiến dành 1,64 tỷ đồng tổ chức 8 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số và lập dự án bảo tồn 10 làng dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Trong giai đoạn 2001-2004, Nhà nước đã đầu tư gần 3,5 tỷ đồng cho việc điều tra, bảo tồn 10 làng, bản truyền thống và tổ chức thành công 7 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc.

(Theo TTXVN)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 204041 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một cảnh trong phim Đường đời
Hoàng Hải lênh đênh trên đường đời

Bộ phim Đường đời trên Văn nghệ chủ nhật (VTV3) đang thu hút đông đảo khán giả theo dõi và rất nhiều người cảm thương cho số phận long đong của anh Hải "thầy lang". Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Hải - một diễn viên đến từ TP Đà Nẵng lại được chọn vào vai có nhiều đất diễn như vậy.

* Đã khá lâu - kể từ Cảnh sát hình sự mới thấy anh xuất hiện trở lại trong một bộ phim nhiều tập. Giữa Minh "cảnh sát hình sự" và Hải "thầy lang", theo anh vai nào khó hơn?

- Vai nào cũng có cái khó riêng. Làm cảnh sát tôi phải học võ, đánh đấm, thậm chí nhảy tàu để truy bắt tội phạm; làm thầy lang thì học bốc thuốc và đủ thứ khác vì nhân vật Hải làm rất nhiều nghề...

* Hẳn không phải ngẫu nhiên mà anh vào vai Hải "ngọt" đến vậy?

- Cách đây khoảng hơn 15 năm, cái ăn cái mặc đều thiếu thốn, thấy mọi người đi buôn, tôi cũng cố vay tiền đi theo. Nhưng người ta đi buôn thì có lãi, còn tôi cứ lỗ "chỏng gọng". Đầu tiên, tôi buôn lợn vào TP.HCM, mười mấy con vào đến Hố Nai thì chết gần nửa. Tôi buôn đậu xanh ra Bắc, giữa đường gặp lũ, đến Hà Nội thì phân nửa đậu xanh đã thành giá... Rồi tôi lên biên giới Trung Quốc đóng vải về Đà Nẵng bán, nhưng lại đóng sai màu nên chẳng ai thèm lấy, nợ nần chất chồng. Tôi đi làm thợ sắt ở Buôn Mê Thuột, sau đó làm lái xe... Đến bây giờ, số phận vẫn trêu ngươi nên tôi còn lận đận lắm. Có lẽ vì vậy mà khi nhận vai Hải tôi thấy sao mà giống mình quá, chỉ khác tôi không biết bốc thuốc và chỉ nghiện thuốc lá chứ chưa đến nỗi... nghiện ma túy như Hải trong phim.

* Hải là nhân vật dựa theo một nguyên mẫu có thật ?

- Đúng vậy. Anh ấy đang là tổng giám đốc một công ty dược lớn. Tôi đã được anh ấy cố vấn rất nhiều, có lẽ vì vậy mà vai diễn sinh động và chân thực.

* Trong Đường đời, anh đóng cùng Thu Hà và nhiều diễn viên nữ xinh đẹp khác, hẳn là có nhiều kỷ niệm...

- Tôi và Thu Hà là bạn diễn cùng lứa, chúng tôi cùng về Đoàn kịch Hà Nội vào những năm 90. Sau đó, Thu Hà về Đoàn kịch Quân khu 2 còn tôi về Đoàn kịch Đà Nẵng. Đóng chung với Thu Hà tôi cũng học hỏi từ người bạn diễn xinh đẹp, thông minh, nhạy cảm này nhiều điều. Và với những bạn diễn khác cũng vậy, chúng tôi xem nhau như anh em, bạn bè, cùng nhau vui vẻ làm việc, để có bộ phim Đường đời mà các bạn đang xem.

* Sao anh không đi tìm cơ hội ở những thành phố lớn?

- Cha mẹ tôi ở Đà Nẵng, ra Hà Nội sinh tôi, vào TP.HCM sinh sống, và đi nhiều nơi, nhưng cuối cùng cũng trở về Đà Nẵng. Tôi nghĩ tương lai và cuộc sống của mình là ở đây. Có lúc mười mấy diễn viên của thành phố chúng tôi cùng nhau tự tập mấy vở kịch trong nhiều tháng liền, không có tài trợ, thù lao, nhưng cuối cùng cũng chẳng được công diễn bởi nhiều lý do... Cũng thiệt thòi, nhưng sẽ có lúc thành phố phát triển mạnh hơn về văn nghệ, khi đó diễn viên sẽ có nhiều cơ hội...

* Công việc hiện tại của anh có thuận lợi để tiếp tục theo đuổi nghề diễn?

- Tôi là tổng đại lý tại Đà Nẵng của một hãng sản xuất hàng men sứ của Nhật, cũng chỉ tàm tạm chứ chưa ổn định lắm. Cũng may tôi có một người vợ vô cùng thông cảm và thấu hiểu những vất vả của chồng. Đó là nguồn động viên rất lớn để tôi yên tâm "xông pha" trên con đường nghệ thuật.

(Theo TN) 

Về đầu trang 

Phát hiện thêm di cốt người cổ Hạ Long, hiện vật Đông Sơn

Trong đợt khai quật di chỉ Hòn Hai, núi Cô Tiên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 16 đến 23-11, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ và Bảo tàng Quảng Ninh đã phát hiện thêm 9 di cốt người cổ thuộc nền văn hóa Hạ Long, có niên đại cách đây khoảng 4000 năm.

Như vậy sau hai đợt khai quật kể từ ngày 18-10, các nhà khoa học đã phát hiện tổng cộng 27 bộ di cốt cư dân nền Văn hóa Hạ Long cổ.

Những phát hiện trên đã hé lộ cho các nhà khoa học về cả một nền văn hóa cổ xưa của Hạ Long và cho thấy vị trí lịch sử quan trọng của Quảng Ninh trong vùng Đông Bắc của VN.

(Theo TTXVN) 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 24/11 (24/11/2004)
Bố già Ozzy bị mất của (24/11/2004)
Ly Hoàng Ly: Tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống (23/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 23/11 (23/11/2004)
Xiếc Việt Nam "rong ruổi" trên đất Pháp. (22/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 22/11 (22/11/2004)
Gala cười 2004 đang đến đoạn kết (20/11/2004)
Triển lãm tranh - tượng chào mừng ngày 20/11 (19/11/2004)
Cuộc thi Hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ ba (19/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 19/11 (19/11/2004)
Lily Tuck đoạt giải thưởng văn học Mỹ 2004 (18/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 18/11 (18/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 17/11 (17/11/2004)
Triển lãm ảnh báo chí: Hà Nội trên đường đổi mới (16/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang