Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/11
09:06' 26/11/2004 (GMT+7)

1.VTV bài hát tôi yêu: Thiếu tính kết nối giữa đạo diễn và ca sĩ

2.Võ Sông Hương giã từ điện ảnh 

3.Phú Quang: ''Bây giờ tôi cảm thấy bình yên'' 

4.Không có việc cào bằng tiền đầu tư 

5.Người ''chớp hồn'' những khoảnh khắc nhân gian 

VTV bài hát tôi yêu: Thiếu tính kết nối giữa đạo diễn và ca sĩ

Soạn: AM 204795 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Tính đến ngày 23/11, 40 video clip ở vòng 1 đã được phát sóng trọn vẹn, nhưng để tìm ra những đạo diễn xuất sắc nhất thì vẫn phải xem tiếp vòng 2. Gương mặt sáng giá nhất vẫn là nhóm của đạo diễn Jackie Chen với video clip dày dặn về Kasim Hoàng Vũ, trong ca khúc Ánh sáng đêm trắng của Trần Tiến.

Tính chất kết nối giữa ý tưởng của đạo diễn, ý nghĩa của ca khúc và cảm nhận của ca sĩ khi thể hiện như Arron Toronto từng nhấn mạnh gần như chưa thấy xuyên suốt trong nhiều video clip.

Các đạo diễn và nhà quay phim VN vẫn mải mê săn lùng những cảnh quay "cổ điển", tập trung gương mặt ít biểu hiện phần hồn của ca sĩ, những cảnh làng quê, biển cả, nỗi buồn hoang mang của người hát hay cảnh những người nghèo, những đứa trẻ đường phố được các ca sĩ ăn mặc trắng lốp lơ láo ghé mắt đến..., mà quên mất phần tiết tấu và nhịp điệu.

Hình ảnh vẫn đi sau phần này. Chỉ duy người làm video clip chuyên nghiệp, đạo diễn Đài Loan Jackie Chen đã thực hiện video clip của mình với những kỹ xảo và cảnh xử lý ánh sáng khá tuyệt.

Anh cảm nhận rất tốt ca khúc của Trần Tiến, và "đọc" Kasim Hoàng Vũ thông suốt, chính vì thế, các góc quay về ca sĩ này khá đạt, thực sự là những cảnh nghệ thuật đập vào thị giác người xem. Khỏi phải nói thêm về tay nghề của Jackie, anh từng quay nhiều video clip chuẩn cho các ca sĩ nổi tiếng của Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan. Nhiều video clip của anh được phát liên tục trên kênh truyền hình ca nhạc MTV Châu Á.

Một điều đáng nói ở đây là yếu tố quyết định 50% thành công của video clip là ca khúc thì hiện vẫn khan hiếm ca khúc hay. Một vài nhạc sĩ tạo ra được dấu ấn của họ trong ca khúc và điều đó đã giúp những ca sĩ khôn ngoan và mau mắn chọn họ có cơ hội vượt lên ngay từ phút đầu. Còn lại? Thật khó nhớ tên các ca sĩ trẻ hát những ca khúc mờ nhạt. Ở các video clip này, họ chủ yếu khoe dáng vóc, thời trang, cùng sự bất an trong đôi mắt vẽ thật to cho ra vẻ u buồn, thế thôi.

Tuy nhiên, người ta có thể nhớ đến một Ngọc Anh nằm giữa một rừng cánh hoa kỹ xảo theo cách của đạo diễn Việt Hương, một Nghi Văn di chuyển giữa những bức tranh sơn dầu và ánh đèn hắt bóng (Nguyễn Quang Dũng), một Hồ Quỳnh Hương múa may trong ý tưởng quanh quẩn Tôi tìm thấy tôi (Nguyễn Tranh), hay Hiền Thục trong tà áo lụa đỏ múc nước gội đầu, thả hoa, rồi... nằm phơi tóc (Nguyễn Trinh Hoan). Thanh Lam ngồi giữa rừng ô, hát Người ơi người ở trong cuộc đuổi bắt ánh sáng vô định của Phạm Hoàng Nam, không hiểu có phải để tỏ nỗi cô đơn? Nhìn chung, đó là những cảnh quay chậm chạp quá mức, kéo dài thời gian theo kiểu "lắng đọng" nặng nề.

Hiện đại hơn một chút có Arron Toronto, cắt cúp những hình ảnh của MTV trên đường phố cho "dễ coi", nhanh, gọn, hợp với tiết tấu trong ca khúc. Tuy nhiên, nụ cười của các ca sĩ diễn viên và cô bé nhân vật thiên thần trong video clip Ước mơ cho ngày mai của anh lại hơi gượng gạo. Có lẽ đó là điều nằm ngoài dự kiến của đạo diễn có cách xử lý nhanh và thông minh này. Còn các video clip của Cẩm Ly và Đan Trường thì vẫn... "ngập lụt" trong tình yêu lê thê, buồn thảm, những giấc mộng rời rạc, là những video clip quá cũ, quá nhàm chán.

Thôi thì với ngần ấy tiền bạc, ý tưởng, hãy cứ để ca sĩ hát mãi điệp khúc về họ, đạo diễn cũng không cần phải quá bận tâm vì những ca khúc họ chưa yêu thích hay tay nghề đã mòn cũ, bên cạnh êkíp làm video clip phải hành động thật nhanh gọn, chớp nhoáng như kiểu làm tranh thủ, không việc gì phải đầu tư. Cuối cùng còn lại hình như là sự xa cách ngày càng rộng thêm giữa đạo diễn, ca sĩ và công chúng truyền hình.

(Theo LĐ) 

Về đầu trang 

Võ Sông Hương giã từ điện ảnh

Kể từ bộ phim "Dòng đời", Võ Sông Hương không xuất hiện trên màn ảnh. Dù chưa bao giờ tuyên bố chia tay nghệ thuật thứ bảy, nhưng giờ đây chị chỉ chuyên tâm vào công việc mới là hoàn tất chương trình cao học cùng việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

- Từng là diễn viên nổi tiếng, khi theo đuổi sự nghiệp mới, chị thấy mình gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

- Dường như thử thách nhiều hơn là thuận lợi, bởi việc học của tôi thường bị mọi người chú ý. Khi đi dạy, tôi luôn phải mất thời gian để mọi người tin vào công việc và khả năng làm việc của mình.

- Cảm giác của chị thế nào khi trở thành một cô giáo?

- Nó rất khác biệt với lần đầu đóng phim. Với tôi, đóng phim là cách "giải trí" kỳ công, nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần, còn dạy học là công việc thực sự.

- Kỷ niệm nào chị nhớ nhất khi làm cô giáo?

- Tôi không thể nào quên được niềm xúc động đến trào nước mắt khi thấy những học trò đầu tiên của mình phát âm đúng một từ nào đó hay nhớ một câu mà mình dạy và đem ra sử dụng. Tôi thấy dạy học là công việc còn hơn cả thú vị và càng thú vị hơn khi được tiếp xúc với các học trò đến từ nhiều nước khác nhau. Đặc biệt, dạy ngôn ngữ cho người nước ngoài cũng là dạy văn hóa cho họ, vì vậy, tôi có nhiều thử thách hơn và càng thích thú với công việc của mình.

- Đang nổi tiếng lại rẽ sang lĩnh vực khác, chị cảm thấy thế nào?

- Tôi không hối tiếc với quyết định của mình. Dù chưa phải đã lên tới đỉnh nhưng tôi nghĩ mình nên dừng lại đúng lúc.

- Chị có nhận xét gì về đời sống điện ảnh hiện nay?

- Sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân bắt đầu mang đến cho phim VN một sự cạnh tranh rất có lợi cho khán giả. Đặc biệt, tôi thích xu hướng hợp tác làm phim với nước ngoài. Tôi mừng cho các bạn diễn viên trẻ, vì từ nay có cơ hội làm phim nhiều hơn và được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn.

- Điều đó có khiến chị quay lại màn ảnh?

- Tôi không nói trước được điều gì trong tương lai, nhưng giờ đây tôi rất thích việc học hành và giảng dạy của mình. Tôi không muốn dành thời gian cho công việc nào khác nữa nếu như mình không yêu thích.

(Theo TTNN) 

 

Về đầu trang 

Phú Quang: “Bây giờ tôi cảm thấy bình yên”

"Từ sau khi có Luật bản quyền, nghệ sĩ chúng tôi dễ thở hơn một chút. Các đơn vị kinh doanh sản phẩm âm nhạc cũng ý thức hơn về việc này, có nhiều đơn vị đã gọi điện trực tiếp cho tôi để thông báo ngày tháng đến nhận tiền bản quyền bài hát", nhạc sĩ Phú Quang tâm sự về vấn đề Luật bản quyền.

Từ khi Trung tâm bản quyền tác giả của Hội Nhạc sĩ ra đời cách đây 2 năm, anh thấy có kết quả của việc thu tiền tác quyền từ đó như thế nào?

Việc ra đời một Trung tâm như thế là điều tất yếu, các nước khác họ đã làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, tôi thấy Trung tâm hoạt động chưa được hiệu quả, vẫn còn phong thái làm ăn quan liêu bao cấp. Vừa rồi, tôi có giấy gọi lên lấy tiền bản quyền tại trung tâm nhưng khi lên chỉ lấy được 180.000 đồng tiền bản quyền.

Nếu cho tôi được phép kinh doanh Trung tâm này, tôi sẽ điều hành nó hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi sẽ tuyển một đội ngũ nhân viên năng động, trả lương cao và yêu cầu làm việc, lương cũng sẽ được tính theo số giờ họ làm việc, theo kết quả họ thu về, chắc chắn nhân viên Trung tâm của tôi sẽ là người giàu có vì họ chỉ cần phát hiện một chiếc băng đĩa in có bài của tôi là họ có tiền, hay họ đi nghe một buổi ca nhạc có diễn bài của tôi là họ có 20% tiền thu được từ bản quyền.

Với riêng anh, anh đã thực hiện Luật bản quyền như thế nào?

Tôi từng trực tiếp cầm tiền đến nộp cho Trung tâm Bản quyền tác giả của Hội Nhạc sĩ để gửi nhuận bút cho 3 nhà thơ. Tuy nhiên, việc chuyển tiền đến các tác giả vẫn còn rất chậm trễ. Sau đó, tôi đã có cách riêng để làm việc này là điện thoại trực tiếp cho chính tác giả, sau đó chuyển tiền nhuận bút đến thẳng nhà thơ đó.

Theo anh thì biện pháp nào sẽ là hiệu quả đối với bản quyền tác phẩm?

Quan trọng nhất là ý thức nghiêm túc của mỗi người về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu Nhà nước cứ quy định mức phạt tiền thật cao thì khó có người dám sản xuất băng đĩa lậu. Nếu bắt được một người bán một chiếc đĩa lậu giá 10.000 đồng thì phạt thật nặng tới 10 triệu đồng thì chắc chắn họ sẽ không dám làm nữa. Hay một quán bar ca nhạc, nếu cho biểu diễn các tác phẩm của các nhạc sĩ mà không tự nguyện nộp tiền bản quyền, nếu nhân viên của Trung tâm bản quyền phát hiện sẽ có mức phạt nặng. Nói chung, luật bản quyền là vấn đề văn minh, nhưng để thực hiện được nghiêm chỉnh cũng còn phụ thuộc vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Đang từ Sài Gòn, lại thấy anh chuyển ra Bắc sống và làm việc. Anh có thể lý giải về vấn đề này như thế nào?

Cuộc đời thì luôn thay đổi như nó vốn có, lúc trước tôi thấy Sài Gòn thích hợp cho công việc của mình, bây giờ tôi lấy Hà Nội làm chốn yên thân. Công ty của tôi, hoạt động để phục vụ mỗi sở thích của tôi. Tôi thuê căn nhà 88 đường Yên Phụ, Hà Nội, vừa để ở vừa làm trụ sở công ty. Tôi làm tất tật mọi việc liên quan và hỗ trợ phát triển nghệ thuật. Bây giờ tôi thấy thanh thản. Rất có thể tôi sẽ mở một siêu thị âm nhạc tại đây, nhưng đấy mới là ý tưởng.

Nghe nói anh sắp trở thành “ông nhạc”?

Vâng, con gái tôi - Trinh Hương - sắp hoàn thành luận án tiến sĩ tại Học viện Tchaikovski, hiện cháu đang về nước chuẩn bị cho đám cưới với nghệ sĩ violon Bùi Công Duy vào sau Tết Nguyên Đán năm 2004. Các cháu quen và tìm hiểu nhau đã từ lâu ở bên Nga, nay việc học tập đã xong nên quyết định chuyện riêng tư. Tôi đã vượt qua bao nhiêu biến động của cuộc sống, vượt qua cả bệnh tật, bây giờ tôi cảm thấy bình yên.

(Theo Hà Nội Mới)  

Về đầu trang 

Soạn: AM 204799 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Tác phẩm "Khát gió"
của họa sĩ Nguyễn Sơn

Không còn việc cào bằng tiền đầu tư

Không còn chuyện cào bằng tiền đầu tư là một nét mới trong đầu tư sáng tác mỹ thuật tại TPHCM năm 2004, bà Minh Loan-Chánh văn phòng Hội Mỹ thuật TPHCM đã cho biết như vậy ngày 23/11.

Hội đồng nghệ thuật gồm 15 họa sĩ của Hội Mỹ thuật TPHCM đã chấm chọn được 11 tác phẩm đạt chuẩn nhận tiền đầu tư sáng tác năm 2004 trong số 100 tranh, tượng tại Triển lãm tác phẩm mới năm 2004 và đầu tư (diễn ra từ 19-30.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM). Những tác phẩm này cũng sẽ được chọn treo tại triển lãm mừng 30 năm giải phóng Sài Gòn-TPHCM tổ chức vào tháng 4 năm 2005. Bà Minh Loan nói rằng: "Sau triển lãm mừng 60 năm Ngày Thành lập QĐNDVN vào 9.12 tại Bảo tàng Quân khu 7, chúng tôi hy vọng sẽ chọn được thêm một số tác phẩm. Như vậy, năm nay, hơn 20 tác phẩm sẽ đựơc nhận tiền đầu tư". Mấy năm trước, tiền đầu tư sáng tác được giao thẳng cho họa sĩ ngay khi tranh của họ còn trong phác thảo, rất tù mù; có người nhận tiền, vì nguyên nhân này nọ, không thể chuyển từ phác thảo lên thành tranh được rồi cũng... hòa cả làng. Nay đã khác, quan trọng nhất là tác phẩm có sự thẩm định của cả một hội đồng nghệ thuật. Trả lời câu hỏi vì sao các họa sĩ trẻ hầu như không tham gia sáng tác những tác phẩm chào mừng kỷ niệm và họ cũng không hào hứng với việc sáng tác để nhận tiền đầu tư sáng tác, bà Loan cho biết, có thể họ bận triển lãm cá nhân và không sáng tác kịp...

Nếu nhìn vào số tiền đầu tư cho mỹ thuật hai ba năm gần đây, có thể thấy, giới Họa sĩ TPHCM hình như may hơn đồng nghiệp các địa phương khác. Năm 2002, Hội Mỹ thuật được nhận 300 triệu đồng, năm 2003 thì không, nhưng năm 2004 lại nhận được 385 triệu đồng. Tiền đầu tư "xân xiu" cho việc mở trại sáng tác và tài trợ cho các họa sĩ lão thành từ 75 tuổi trở lên, mỗi năm hơn 10 người, mỗi người 2 triệu đồng. Trại sáng tác 2003/2004 có nét mới hơn mọi năm là các họa sĩ không đi vào trại cốt cho vui, lấy tư liệu, ký họa, mà là để sáng tác. "Có ít, tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều. Số tiền đầu tư như vậy được sử dụng thực sự có hiệu quả hơn-ông Đào Minh Tri-Phó Tổng thư ký Hội MT TPHCM nói-Theo tinh thần Nghị định 88/2003 của Chính phủ và Thông tư số 1/2004 về quy định tổ chức, hoạt động, quản lý hội đang và sẽ tiếp tục được triển khai, các hội phải tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không trông chờ kinh phí từ trên rót xuống, buộc các hội, trong đó có Hội Mỹ thuật phải linh hoạt tìm ra được những dự án "ích nuớc, lợi dân" thiết thực phục vụ đời sống để trình lên Chính phủ. Số tiền Chính phủ chấp thuận trả cho những dự án được thực thi sẽ chuyển sang thành kinh phí hoạt động sáng tác của hội. Việc hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các hội được thực hiện theo Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg ngày 29.1.2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đến lúc ấy, càng không còn chuyện "nhìn mặt họa sĩ mà đưa tiền đầu tư sáng tác" nữa".

(Theo Lao Động)

Về đầu trang 

Người “chớp hồn” những khoảnh khắc nhân gian

Hoàng Kim Đáng là một trong số không nhiều nghệ sĩ cầm máy chớp được những bức ảnh để đời mang đậm dấu ấn lịch sử. Và cũng ít người như ông, bằng tài nghệ chụp chân dung mà được các bậc văn nhân như Nguyễn Tuân, Tào Mạt xem là kẻ ân tình, tri kỷ.

Nguyễn Tuân trước khi mất, đã để lại di bút rằng: “Nếu tôi còn trẻ tráng, sẽ xin vui lòng đi theo cầm ống ảnh của anh Hoàng Kim Đáng...”. Lạc vào căn gác nhỏ nơi dành để tiếp khách, và cũng là chốn mà Hoàng Kim Đáng đắm mình trong đó kể từ ngày nghỉ chế độ ở Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, là lạc vào một thế giới sáng rực bởi vô số màu sắc, và chật chội bởi bộn bề những ảnh. Tựa như không gian và thời gian tụ về hết nơi đây để ngưng đọng lại trong từng khoảnh khắc bất chợt của những bức ảnh mà người nghệ sĩ đã dày công thể hiện. Những sự kiện lịch sử, những địa danh hữu tình, những cái đẹp thăng hoa của cuộc sống…, tất cả như muốn cùng chủ nhân phơi bày cái vốn liếng giàu có, đồ sộ của một kho ảnh quý giá. Hoàng Kim Đáng đang chuẩn bị cho khoảng 10 tập sách ảnh ra mắt bạn đọc...

Nghe Hoàng Kim Đáng say sưa giới thiệu, kể về dự định của những tập sách ảnh, và tận mắt nhìn hàng đống tư liệu bằng ảnh xếp ngút mắt trên bàn làm việc và bày biện la liệt giữa sàn nhà mà lo xa cho cái sự rất có thể lẫn lộn giữa tập sách này sang cuốn sách nọ của người già. Nói vậy để thấy rằng ở tuổi 65, ông như một lão nông tri điền chạy đua hết tốc lực với thời gian để kịp cho ra đời những bộ sách ảnh mà ông hằng ấp ủ mấy chục năm nay. Những bộ sách ấy là những đứa con tinh thần Hoàng Kim Đáng trao gửi với niềm mong mỏi chúng sẽ là tác phẩm để đời, là danh dự của một nghệ sĩ nhiếp ảnh trọn một đời đam mê như ông.

Thực ra, Hoàng Kim Đáng không bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nghệ thuật nhiếp ảnh. Sinh ra ở Hưng Yên, vốn làm nghề “gõ đầu trẻ”, năm 1965, Hoàng Kim Đáng lên đường nhập ngũ và chiến đấu suốt gần 10 năm ở chiến trường miền Nam. Lẽ ra, trong 10 năm ấy, ông đã ra quân sớm hơn nếu như không nằng nặc đòi trở lại chiến trường sau lần bị thương nặng vào năm 1976.

Ra viện, xung phong trở lại tuyến lửa, ông từ giã cây súng để làm một phóng viên xông pha với những bài báo nóng hổi tin tức chiến sự. Hoàng Kim Đáng chính là một trong năm người đầu tiên hình thành tờ báo Trường Sơn của Bộ Tư lệnh 559. Chính 10 năm ở Trường Sơn, gắn bó đến thân thuộc những nẻo đường trên tuyến đường mòn đánh Mỹ mang tên Hồ Chí Minh, Hoàng Kim Đáng đã để lại nhiều bộ ảnh quý giá mà ông chớp được những khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến ác liệt. Ông là tác giả của hàng ngàn bức ảnh Trường Sơn.

Một con người mà dù ở cương vị nào, công việc nào cũng hết lòng tận tụy, Hoàng Kim Đáng được ví như con ong thợ cần mẫn, vắt kiệt mình cho đời. Nhưng, chỉ khi đến với ảnh, ông mới thực sự tìm thấy mảnh đất của chính mình. Không được học hành, đào tạo bài bản về ảnh, nhưng những gì mà ông làm được với 4 triển lãm ảnh cá nhân và hàng chục cuốn sách cùng với nhiều danh hiệu, giải thưởng để lại cho đời thật đáng cho bậc hậu sinh phải kính nể.

Năm 1974, khi chuyển ngành ra Hà Nội làm ở báo Văn Nghệ, ông bàn giao lại hàng ngàn bức ảnh chiến trường cho Bộ tư lệnh Trường Sơn. Và, những bức ảnh như: Đường Hồ Chí Minh trong chiến dịch, Hành quân qua Trường Sơn đầy chất sử thi hùng tráng ghi lại những khoảnh khắc có một không hai của lịch sử ông chụp cách đây hơn 30 năm sẽ là những tác phẩm quý giá trong cuốn sách ảnh đồ sộ và sang trọng về Trường Sơn sắp xuất bản.

Trở thành một nhiếp ảnh gia có tiếng của Trường Sơn, nhưng tên tuổi Hoàng Kim Đáng thực sự đọng lại trong đời sống văn chương và trong cuộc sống của các bậc văn nhân tiền bối lại là những bức chân dung chụp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Trong số đó phải kể đến Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Tào Mạt với những bức chân dung ông dày công chờ đợi chỉ để chớp lấy linh hồn của nhân vật mình thể hiện vụt hiện lên trong một khoảnh khắc.

(Theo CAND)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Christie đấu giá các kỷ vật Rock (25/11/2004)
Đêm nhạc của những màn biểu diễn ngẫu hứng (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 25/11 (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 24/11 (24/11/2004)
Bố già Ozzy bị mất của (24/11/2004)
Ly Hoàng Ly: Tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống (23/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 23/11 (23/11/2004)
Xiếc Việt Nam "rong ruổi" trên đất Pháp. (22/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 22/11 (22/11/2004)
Gala cười 2004 đang đến đoạn kết (20/11/2004)
Triển lãm tranh - tượng chào mừng ngày 20/11 (19/11/2004)
Cuộc thi Hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ ba (19/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 19/11 (19/11/2004)
Lily Tuck đoạt giải thưởng văn học Mỹ 2004 (18/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang