Tin văn hoá trên các báo ra ngày 27/11
09:56' 27/11/2004 (GMT+7)

1.Vệ sĩ của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc chém khán giả

2.Mùa liveshow: Ai làm, ai nghỉ?

3.Phát hiện hầm mộ cổ bí ẩn An Khánh, Hà Tây 

4.Đinh Rú - Người thổi linh hồn vào gỗ

5.Minh Béo ''lần đầu'' làm đạo diễn

Vệ sĩ của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc chém khán giả

Trong chương trình ca nhạc của một đoàn tự giới thiệu là Sao Đêm tại sân bóng xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ, TP HCM đã xảy ra vụ chém người. Nạn nhân là một khán giả trẻ, hung thủ được nhận định là vệ sĩ của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc.

Trọng án xảy ra tại buổi diễn vào đêm 24/11. Tại vụ xô xát, khán giả Hồ Văn Trăm bị chém nhiều nhát, đứt dây thắt lưng, đứt gân ở khuỷu tay phải, rách cơ ở bắp tay trái và rách phần lưng, hiện nằm điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Cách đây một năm, một khán giả ở Kiên Giang đã có đơn tố cáo việc anh cùng vợ sắp cưới bị những người trên ôtô của Ưng Hoàng Phúc hành hung trong khi lưu diễn ở địa phương này.

(Theo SGGP)  

Về đầu trang 

Soạn: AM 205705 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ca sĩ Đan Trường
Mùa liveshow: Ai làm, ai nghỉ?

Chưa bao giờ ca sĩ trong nước lại đắt show hải ngoại như hiện nay, đặc biệt những ngày gần cuối năm. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các bầu show hồi hộp khi làm chương trình ca nhạc. Còn với những liveshow của các ca sĩ nổi tiếng có lẽ càng hồi hộp hơn...

Từ những đàn anh...

Đã có nhiều ý kiến trong làng ca nhạc cho rằng liveshow thứ 4 của ca sĩ Đan Trường mang tên Mãi mãi một tình yêu (dự định sẽ diễn ra 2 đêm 25-26/12/2004 tại Câu lạc bộ Phan Đình Phùng - TP.HCM) đã bị hủy bỏ do thiếu kinh phí, thiếu đầu tư dàn dựng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này người đại diện Đan Trường vẫn khẳng định chắc nịch không có chuyện hủy mà liveshow lần này sẽ có quy mô và mang ý nghĩa từ thiện hơn 3 lần trước. Ngoài nhân vật chính còn có sự tham gia của các khách mời: Phương Thanh, Cẩm Ly, Quang Linh, Cao Thái Sơn và một ca sĩ được giữ bí mật đến phút cuối. 750 triệu đồng là tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ chương trình. Ban tổ chức sẽ trích 300 triệu đồng sau khi 2 đêm diễn kết thúc ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tại các tỉnh nghèo trong cả nước... Chương trình còn được truyền hình trực tiếp đến 42 tỉnh thành thông qua các kênh Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Hải Phòng, Hà Tây.

Quy mô không kém Đan Trường là liveshow Đàm Vĩnh Hưng (3 đêm 17-18-19/12 tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh - TP.HCM). Ê-kíp thực hiện show của Đàm Vĩnh Hưng lần này vẫn là Huỳnh Phúc Điền (đạo diễn), Lê Quang (biên tập), Lê Trường Tiếu (thiết kế sân khấu). Theo Huỳnh Phúc Điền, chương trình sẽ có nhiều trò khá ngộ nghĩnh lần đầu tiên xuất hiện, trong đó "không đụng hàng" có lẽ là trò... "đánh nhau". Đó là những gì sẽ diễn ra vào giữa tháng 12, còn bây giờ thì Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang bị "kẹt" tận Mỹ do có quá nhiều show diễn. Từ Mỹ, Đàm Vĩnh Hưng gọi điện thoại về cho biết: "Mục đích của tôi tổ chức show lần này như một lời tri ân gửi đến những ai yêu mến tiếng hát Đàm Vĩnh Hưng. Ngoài ra, tôi cũng muốn làm một nghĩa cử cho các bạn sinh viên học sinh nghèo học giỏi qua việc trao những suất học bổng trong 3 đêm diễn". Dự định ngày 30/11 này Hưng sẽ về đến TP.HCM và nhanh chóng bắt tay hoàn thành những công đoạn cuối cùng.

Dẫu sao 2 liveshow của Đan Trường và Đàm Vĩnh Hưng còn có triển vọng chứ như 2 liveshow hứa hẹn diễn ra cuối năm của Lam Trường, Quang Dũng đến bây giờ thì họ đã khẳng định là không thể thực hiện được. Ngoài nguyên nhân về địa điểm, nhân sự thì nhiều show diễn hải ngoại cũng là lý do khiến họ không thể tập trung thời gian cho liveshow của mình như lời đã hứa.

Đến các ca sĩ trẻ

Ngoài những liveshow của các ca sĩ đã nổi tiếng, các ca sĩ trẻ khác cũng đang ráo riết xin giấy phép để tổ chức liveshow của mình. Trong số đó có lẽ Đăng Khôi là ca sĩ táo bạo nhất khi quyết định tổ chức liveshow ở TP.HCM (dự định diễn ra vào tháng 1/2005). Trên thực tế tên Đăng Khôi (cựu thành viên nhóm NewStar, từng tham gia bộ phim Khi người ta yêu) chỉ được biết đến tại Hà Nội chứ chưa nổi tiếng tại Sài Gòn. Ê-kíp của Khôi là 2 nhân vật trẻ khá nổi tiếng hiện nay tại Hà Nội: Việt Tú (đạo diễn), Huy Tuấn (biên tập). Đăng Khôi cho biết: "Tôi không muốn gọi chương trình riêng của mình là liveshow vì dễ bị... dị ứng. Vẫn biết tổ chức chương trình riêng một nơi tôi chưa được biết đến rất nguy hiểm nhưng tôi và những người thực hiện vẫn quyết tâm làm với mong muốn giới thiệu phong cách nhạc riêng của tôi là R&B pha hip-hop đến khán giả".

Việc các ca sĩ trẻ đang tích cực hoàn thành "thủ tục” tổ chức liveshow khiến không ít người lo lắng vì đã có những liveshow mà ca sĩ chưa đủ lực nên chỉ dẫn đến kết quả họ tốn công sức, tiền bạc, còn khán giả thì khi đến xem đã ra về đầy ngán ngẩm. Vẫn biết ca sĩ luôn ước mơ mình nổi tiếng hơn khi làm liveshow nhưng chỉ hy vọng họ hãy thật bình tĩnh trước sức hấp dẫn từ chữ liveshow, bởi không phải ai tổ chức cũng thành công.

(Theo Thanh Niên) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 205689 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phát hiện hầm mộ cổ bí ẩn ở An Khánh, Hà Tây

Ngày 24/11, trong khi tiến hành san một ngọn đồi ở An Khánh (Hà Tây) để phục dựng chùa Vằn cũ, người dân ở đây đã phát hiện một ngôi mộ cổ. Qua kết luận sơ bộ, đây là ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ thứ 10, cần được khảo sát, nghiên cứu và có kế hoạch bảo tồn.

Hầm mộ nằm ở vị trí trung tâm ngọn đồi, dưới độ sâu tính từ đỉnh đồi là 7m. Sau khi máy xúc bóc đi lớp đất chung quanh để lộ trần hình dáng bên ngoài hầm mộ. Chiều rộng 4m, nóc hầm cuốn vòm chạy dài 15m.

Điều đặc biệt đáng chú ý là gạch xây hầm mộ rất đặc biệt, đây là loại gạch cổ. Tất cả các viên gạch đều in nổi hoa văn cổ rất đẹp. Mặt gạch được phủ bởi lớp men ngọc, mỗi mặt một màu men khác nhau. Trên mặt gạch có khắc chìm chữ nho (hoặc chữ Hán), theo vị sư thầy trụ trì chùa Tổng cũng là người chỉ đạo phục dựng lại chùa cho biết: Đây là loại gạch được làm bằng đất thó, nung bằng rơm đốt. Gạch rất dễ vỡ. Xem xét những viên gạch vỡ thấy trong ruột viên nào cũng có vân hồng trông giống như đá vân hoặc gỗ chun.

Gạch có nhiều loại với các kích thước khác nhau. Gạch xếp vòm là gạch lưỡi rìu, bề mặt hình vuông, kích thước 30x30 cm dày 7cm. Gạch xếp tường hầm có kích thước lớn hơn.

Bóc đi hai lớp gạch ở một đầu hầm mộ, để lộ cửa hầm cao 2 mét, rộng 0,5 mét, phía trên hình bán nguyệt. Nhìn từ phía ngoài thấy tường và vòm hầm được xếp bởi 4 lớp gạch, bề dày của vòm là 1,2 mét.

Sáng ngày 25-11-2004, đại diện của Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, Phòng Văn thể Hoài Đức, UBND cùng đại diện người cao tuổi xã An Khánh đã có mặt tại hiện trường. Qua xem xét phân tích và đưa ra kết luận sơ bộ: Ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ thứ 10. Đại diện bảo tàng Hà Tây cho ý kiến: Vì ngôi mộ rất cổ nên cần khảo sát nghiên cứu và có kế hoạch bảo tồn.

(Theo Tiền Phong) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 205691 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
''Gia tài của Mẹ'' - Đinh Rú.
Đinh Rú - Người thổi linh hồn vào gỗ

Không ít người coi anh là tác giả tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình Việt Nam thế kỷ XX. Những khúc gỗ vô tri qua tay người nghệ sĩ Chăm này đã hoá thân thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh tế, điêu luyện, mà vẫn giản dị, hoang sơ đến lạ thường. Anh chính là điêu khắc gia Đinh Rú.

Đinh Rú đến với nghệ thuật đầy bất ngờ và có phần may mắn. Năm 1954, anh là bộ đội từ miền Nam ra Bắc tập kết. Năm 1957 có đợt di tản quân, cấp trên phát cho mỗi chiến sĩ một tờ giấy và yêu cầu viết báo cáo về đợt tập kết. Không giống như các chiến sĩ khác, Đinh Rú táo bạo gửi lên chỉ huy bản báo cáo bằng một bản vẽ. Khi các đồng đội đang lo anh phải nhận kỷ luật thì thiếu tướng Lê Quang Hoà với con mắt tinh đời đã phát hiện ra một tài năng nghệ thuật khác thường. Không những không bị phạt, Đinh Rú được cử đi học hội hoạ để phát triển tài năng. Tháng 5/1958, Đinh Rú bắt đầu theo học lớp trung cấp hội hoạ 3 năm tại trường Mỹ thuật Yết Kiêu- Hà Nội. Nhưng lại một lần nữa, Đinh Rú khiến người ta phải bất ngờ, kết thúc khoá học anh không theo hội họa mà chuyển sang tìm hiểu và theo đuổi ngành điêu khắc gỗ. Cuộc đời anh từ đây gắn liền với điêu khắc.

Nhà điêu khắc Đinh Rú với hơn 40 năm làm điêu khắc, đã có 9 tác phẩm đoạt giải quốc gia, phần lớn tác phẩm của ông đang được trưng bày tại Viện Mỹ thuật Hà Nội.

Năm 1968, từ tác phẩm điêu khắc gỗ đầu tay của mình về cuộc kháng chiến, Đinh Rú đã gây được ấn tượng. Năm 1969, anh bắt đầu được công chúng biết đến với bức điêu khắc “Uống rượu cần”, tiếp đó là bức “Che chở” năm 1998. Nhưng Đinh Rú thực sự gây được xúc động mạnh trong công chúng với tác phẩm “Gia tài của Mẹ” và gần đây nhất là “Nỗi đau da cam”. Gần 4 thập kỷ say mê sáng tác, đến nay anh đã có 7 tác phẩm được trưng bày ở hai bảo tàng nghệ thuật lớn của Việt Nam là Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cùng với rất nhiều tác phẩm ở các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Người thưởng thức nghệ thuật khi đứng trước các tác phẩm của Đinh Rú luôn có cảm giác được trở về với nguồn cội. Chính sự hoang sơ, giản dị, chân thành đến thô ráp của các tác phẩm đã mang lại cho người xem cảm giác ấy. Điêu khắc của Đinh Rú chất chứa trong đó khát vọng mãnh liệt được quay về với bản năng, quay về với cội nguồn của dân tộc. Sinh ra tại Ninh Thuận, là một người Chăm chính gốc nhưng lại sinh sống, làm việc một thời gian dài ở Tây Nguyên, trong con người anh đã rần rật chảy cả dòng máu Chăm và Tây Nguyên. Đinh Rú khéo léo hoà hợp được hai dòng máu - hai dòng văn hoá ấy trong các tác phẩm của mình. Những “Che chở”, “Gia tài của Mẹ”, “Nỗi đau da cam”... còn là sự đột phá táo bạo về nghệ thuật, là sự cách tân mạnh mẽ về hình khối và chi tiết. Tác phẩm điêu khắc của Đinh Rú gây ấn tượng bởi những hình khối mang tính biểu tượng cao, ít chi tiết rườm và những đường cong như vẫn thấy.

Với Đinh Rú, tiêu chí đầu tiên của nghệ thuật là sự sáng tạo - “Sáng tạo hay là chết?”. Tính cách Chăm mạnh mẽ, gai góc và táo bạo đã ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của anh. Đinh Rú sẵn sàng chấp nhận tất cả để tìm cho bằng được con đường đi của chính mình. Với anh, dẫm lại bước chân của người khác trong nghệ thuật là một tội lỗi. Khi được phỏng vấn về quan điểm sáng tạo Đinh Rú đã không ngần ngại trả lời: “Sáng tạo là tìm cho mình một con đường. Tôi, với một chìa khoá và một con dao trong tay, sẽ dấn bước vào con đường sáng tạo đầy gian khổ. Chìa khoá để mở mọi ngóc ngách của đời sống và con dao để chặt phăng những gai góc trên con đường mới”.

Người ta đi mãi thì thành đường, Đinh Rú đã không đi theo những con đường mòn ấy. Anh tìm một lối khác và theo đến cùng dù thành công hay thất bại. Nhiều người nghi hoặc: anh có phiêu lưu quá chăng? Và Đinh Rú thầm lặng trả lời bằng những tác phẩm “rất đời”, “để đời”…

Phiêu bồng, hoang sơ nhưng đề tài của Đinh Rú không phải là những gì xa lạ - Đó là đời sống, mọi góc của đời sống đang chuyển động xung quanh anh. Đinh Rú cho rằng: “Mỗi gương mặt ta gặp là một tác phẩm nghệ thuật”, để sáng tạo người nghệ sĩ phải “nhìn từ trong nhà người ta nhìn ra”, phải sống với nhân vật. Với chiếc chìa khoá của mình, Đinh Rú đã rất thành công khi mở ra được trước mắt người xem những mảnh đời, những số phận đầy xúc động. Tài năng và trải nghiệm đã tạo nên một Đinh Rú cá tính, một Đinh Rú khác biệt.

Có người hỏi anh: Làm thế nào mà tạo nên được những tác phẩm đẹp đến thế? Đinh Rú trả lời: “Tôi chỉ bỏ đi những chỗ thừa của khúc gỗ mà thôi”. Đó là phương pháp của anh cũng là một cách nói khiêm tốn nhưng ai cũng hiểu không chỉ bỏ đi những chỗ thừa của khúc gỗ, Đinh Rú đã gửi gắm trọn tâm hồn mình ở đó, thổi vào đó hồn người, hồn của cuộc sống. Với công chúng yêu nghệ thuật điêu khắc anh luôn xứng đáng với tên gọi: Người thổi linh hồn vào gỗ.

(Theo VTV) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 205695 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
DV Minh Béo
Minh Béo “lần đầu” làm đạo diễn

Vài năm trở lại đây khán gỉa kịch đã quen thuộc với diễn viên hài Minh Béo, Nhưng có lẽ là chuyện khá bất ngờ khi tết này người xem sẽ gặp Minh Béo trong vai trò… đạo diễn.

Hiện anh chàng có ấn tượng khó phai về số cân nặng rất đáng kể này đang dựng vở kịch ngắn Chế tạo ca sĩ – phê phán trò lừa của các tay bầu dỏm với những gia đình nhẹ dạ muốn dùng tiền bạc biến con thành ca sĩ ngôi sao.

Tham gia vở diễn là lực lượng diễn viên khá hùng hậu: Bảo Quốc, Hồng Vân, Hồng Tơ, Kim Huyền, Vân Anh, Minh Béo…Bà bầu Hồng Vân là người đỡ đầu cho tác phẩm đầu tay của “đạo diễn” Minh Béo, để vở diễn ra mắt tại sân khấu Phú Nhuận vào dịp tết.

Tuy nhiên, đây chỉ là lần đầu Minh Béo làm đạo diễn cho sân khấu kịch chuyên nghiệp; cách đây vài năm anh đã từng dựng vở Người cùng xóm cho một liên hoan sân khấu quần chúng và đã đoạt huy chương vàng.

(Theo Tuổi Trẻ) 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/11 (26/11/2004)
Christie đấu giá các kỷ vật Rock (25/11/2004)
Đêm nhạc của những màn biểu diễn ngẫu hứng (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 25/11 (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 24/11 (24/11/2004)
Bố già Ozzy bị mất của (24/11/2004)
Ly Hoàng Ly: Tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống (23/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 23/11 (23/11/2004)
Xiếc Việt Nam "rong ruổi" trên đất Pháp. (22/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 22/11 (22/11/2004)
Gala cười 2004 đang đến đoạn kết (20/11/2004)
Triển lãm tranh - tượng chào mừng ngày 20/11 (19/11/2004)
Cuộc thi Hát Thính phòng - Nhạc kịch lần thứ ba (19/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 19/11 (19/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang