Tin văn hoá trên các báo ra ngày 1/12
09:26' 01/12/2004 (GMT+7)

1.Giải thưởng Hội NSNA VN 2004: Giải cao nhất thuộc về... giám khảo!

2.Làm phim về lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội 

3.25 diễn viên xiếc, múa TP.HCM lưu diễn tại Pháp

4.''Gala cười 2004'' gặp gỡ khán giả Việt kiều

5.Thiền Lâm - ngôi chùa trên 200 tuổi

Soạn: AM 208400 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Tác phẩm Về bản
Giải thưởng Hội NSNA VN 2004: Giải cao nhất thuộc về... giám khảo!

Giải ảnh xuất sắc và các công trình sách ảnh, lý luận năm 2004 của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vừa công bố, trong đó có một giải A và một giải C đang gây luồng dư luận cho rằng đây là hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của Hội đồng nghệ thuật...

Trung tâm của những luồng dư luận là hai giải thưởng gồm giải A - giải thưởng cao nhất giành cho thể loại công trình sách ảnh, lý luận đã được trao cho sách ảnh Đất và Người của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Phức, là... Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (HĐNT), đồng thời là Tổng thư ký Hội NSNA VN. Một giải C khác dành cho thể loại ảnh xuất sắc được trao cho tác phẩm Hoa miền Tây Bắc của NSNA Hoàng Kim Đáng, cũng là một thành viên của HĐNT. Hai giải thưởng này gây dư luận không ngớt nhưng chẳng mấy ai lấy làm lạ. Quả thật, việc thành viên BTC, thành viên HĐNT có "quyền" tham gia các cuộc thi đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". NSNA lão thành Trịnh Đình Thu cho biết, hiện tượng này từ sau giải phóng đã có rồi, mà ông cũng nhiều lần góp ý. Có lúc ý kiến của ông cũng được nghe, nhưng bẵng đi một thời gian thì mọi việc lại... "vũ như cẩn".

Vậy nếu thành viên BTC, thành viên HĐNT tham gia các cuộc thi và các giải thưởng nhiếp ảnh thì việc chấm giải như thế nào? Khi ảnh được đưa ra, mọi người sẽ hỏi trong số này có ảnh của thành viên HĐNT nào không? Nếu có, xin mời anh ra ngoài... giải lao để cho người khác chấm. Ở lĩnh vực khác thì người đó có thể... kiện. Vì nếu đã cho tôi dự thi thì tôi cũng có quyền chấm một cách bình đẳng như bao người khác chứ. Tôi ứng cử tổng thống đâu có nghĩa là tôi bị tước quyền cử tri? Trong nhiếp ảnh thì chuyện này cũng chẳng có gì phàn nàn, để cuộc thi được "công bằng" mà. Nhưng tôi với anh đều là thành viên HĐNT, trong đời còn là bạn bè, đồng nghiệp với nhau, nên tôi đã bước ra ngoài thì không lẽ gì anh không chấm cho tôi? Chuyện này "tế nhị" lắm, không làm thành viên HĐNT không biết được!

Mặc dù các thành viên HĐNT giải thích rằng theo tiêu chí của Hội NSNA VN thì thành viên HĐNT, BTC vẫn được phép dự thi các cuộc thi, giải thưởng nhiếp ảnh. Đây được xem là nghĩa vụ đóng góp tác phẩm của họ cho phong trào nhiếp ảnh hằng năm. Liệu những lời trấn an đó có đủ làm tan đi những mối hoài nghi? Hơn nữa dù danh có chính thì ngôn cũng khó thuận, vì hiện tượng HĐNT vừa đá bóng, vừa thổi còi đã rành rành ra đó...

NSNA Lê Phức: "Chuyện này là điều bình thường"

Để hiểu thêm vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Phức (ảnh) - Tổng thư ký Hội NSNA VN, đồng thời là Chủ tịch HĐNT giải thưởng trên.

- Thưa ông, tại sao là Chủ tịch HĐNT mà ông vẫn tham gia và đoạt giải cao nhất ?

- NSNA Lê Phức: Tiêu chí của Hội NSNA VN không quy định là các thành viên HĐNT là không có quyền tham gia giải. Hơn nữa, anh em cứ nghĩ chữ "giải xuất sắc" ở đây là cuộc thi thố, trong khi thực chất đây chỉ là giải thưởng để tôn vinh và khuyến khích những người có cố gắng trong năm mà thôi. Thắc mắc của anh em là do còn chưa hiểu hết tiêu chí. Việc này rất bình thường, không nên lấy làm quan trọng. Bên nhiếp ảnh từ trước đến giờ vẫn vậy mà các Hội VHNT khác cũng vậy.

- Một tiêu chí gây nhiều dư luận như vậy liệu có thể được thay đổi không, thưa ông ?

- NSNA Lê Phức: Nếu nói như vậy thì những người thẩm định mãi mãi chỉ làm nhiệm vụ thẩm định mà không có quyền tham gia gì à ? Như thế là không bình đẳng.

(Theo Thanh Niên) 

Về đầu trang 

Làm phim về lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đang triển khai kế hoạch đầu tư dựng phim truyện lịch sử về Thăng Long-Hà Nội, tương xứng với vóc dáng và hồn phách kinh đô nghìn năm tuổi của VN.

Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tuyển chọn và ký hợp đồng đặt hàng trực tiếp với 6 nhà văn, nhà biên kịch có uy tín viết kịch bản phim. Theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát, đến cuối năm nay sẽ có kịch bản phim để đưa vào sản xuất.

Giai đoạn viết kịch bản đạo diễn cũng đã được lên kế hoạch trong các năm 2005-2006. Dự kiến trong hai năm 2005-2006, Hãng Phim truyện VN sẽ thành lập đoàn làm phim và tổ chức đi nghiên cứu, học tập các nhà làm phim Trung Quốc, vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất phim truyện lịch sử. Tiếp đó, đoàn làm phim sẽ tiếp tục nghiên cứu tư liệu lịch sử trong bảo tàng, thư viện, đi điền dã và khảo sát những di tích lịch sử có liên quan đến nội dung bộ phim.

Việc viết kịch bản phân cảnh dự kiến kéo dài 6 tháng. Sau khi kịch bản được phê duyệt, đoàn làm phim sẽ đi chọn cảnh và xác định bối cảnh quay. Công tác duyệt phác thảo thiết kế mẫu trang phục, đạo cụ, sáng tác nhạc phim và tuyển chọn diễn viên sẽ được tiến hành trong giai đoạn này.

Công việc sản xuất phim sẽ được triển khai từ năm 2006 đến 2008. Theo các chuyên gia, để sản xuất thành công bộ phim truyện lịch sử này, cần xây dựng một trường quay hoành tráng đủ để tái hiện lịch sử, cũng như cần đạo cụ, phục trang các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Để đầu tư cho khâu chuẩn bị này, một mình thành phố Hà Nội khó có thể kham nổi.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT Lê Tiến Thọ, cần xác định cơ chế phối hợp cụ thể giữa Bộ VHTT và Hà Nội, có lưu ý khả năng phối hợp để tận dụng kinh nghiệm sản xuất phim lịch sử của các hãng phim Trung Quốc.

Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Bộ VHTT, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Phùng Hữu Phú cũng nhấn mạnh thành phố sẽ nỗ lực hợp tác cùng Bộ và các cơ quan liên quan để thực hiện các bước chuẩn bị cho bộ phim, trong đó có việc chuẩn bị trường quay, đạo cụ, trang phục.

(Theo TTXVN) 

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 208404 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
25 diễn viên xiếc, múa TPHCM lưu diễn tại Pháp

Đoàn xiếc TPHCM do nhạc sĩ Hồ Văn Thành làm trưởng đoàn vừa lên đường sang Pháp biểu diễn theo lời mời của Công ty Elles Production. 23 diễn viên sẽ trình diễn trên 10 tiết mục đã được tập luyện, dàn dựng công phu như: xe đạp tập thể, tung hứng nón, uốn dẻo, lăn vòng, trò khéo, đế vàng, leo cột, xiếc hài, đu dây lụa…

Công ty Elles Production cũng mời 2 diễn viên múa Phúc Hùng, Hồng Châu của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM đi cùng đòan xiếc sang Pháp biểu diễn. Chuyến lưu diễn này sẽ kéo dài đến ngày 26/12/2004.

Được biết, để chương trình biểu diễn của các diễn viên xiếc, múa thêm sinh động, Công ty Elles Production đã đặt mua 100 bộ áo dài, nón lá Việt Nam cho các thiếu nhi Pháp mặc cùng diễn trong 1 tiết mục múa. Ngoài ra, Công ty Elles Production còn mua quà lưu niệm hình chiếc xích lô, búp bê mặt áo dài Việt Nam… tặng một số em thiếu nhi đến xem chương trình.

(Theo SGGP) 

Về đầu trang 

"Gala cười 2004" gặp gỡ khán giả Việt kiều

Rất nhiều gương mặt nghệ sỹ, ca sỹ quen thuộc trong Gala cười 2004: Đỗ Thanh Hải, Văn Hiệp, Hồng Giang, Quang Thắng, Thảo Vân, Công Lý, Mỹ Dung, Đoan Trang...đã có mặt trong chuyến lưu diễn và gặp gỡ với khán giả Việt Kiều tại Cộng hoà Ba Lan và CHLB Đức. Đến đâu, đoàn cũng mang đến không khí vui tươi, gần gũi, để lại tình cảm yêu mến trong lòng công chúng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức chương trình văn nghệ của đông đảo cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, nhóm nghệ sỹ hài thuộc chương trình Gala cười 2004 và ca sỹ đoạt giải trong Sao mai điểm hẹn của Đài Truyền hình Việt Nam, do Đạo diễn Khải Hưng - Giám đốc Trung tâm sản xuất Phim Truyền hình Việt Nam - dẫn đầu đang có chuyến lưu diễn và gặp gỡ với khán giả tại Cộng hoà Ba Lan và CHLB Đức.

Đông đảo những khán giả thân thiết của chương trình VTV4 và Đại sứ Đinh Xuân Lưu cùng nhiều bà con cộng đồng đã đến nhà văn hoá Thăng Long tại Wasava để tham dự đêm gặp gỡ và giao lưu trước đêm biểu diễn chính thức đầu tiên tại Ba Lan với các nghệ sỹ Đỗ Thanh Hải, Văn Hiệp, Hồng Giang, Quang Thắng, Công Lý, Mỹ Dung, Đoan Trang, Thảo Vân.

Thay bằng các tiết mục hài sẽ được trình diễn, các nghệ sỹ và khán giả đã cùng hoà đồng trong một không khí hết sức gần gũi thân thiết qua các câu hỏi, trả lời về cuộc sống, những tâm sự lần đầu tiên được giãi bày giữa những người ở trong nước và cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan. Đương nhiên trong một không khí hết sức phấn khởi, tươi vui nhiều nghệ sỹ và các thành viên cộng đồng cũng như các ca sỹ Mỹ Dung, Đoan Trang đã bày tỏ cảm xúc của mình qua những ca khúc đầy ấn tượng về tình yêu quê hương, nguồn cội như nhạc phẩm "Mùa Thu Hà nội", "Lời của Gió", "Nối vòng tay lớn"...

Được biết, sau đêm biểu diễn chính thức tại Cung Văn Hoá Wasarva - Cộng hoà Ba Lan, các nghệ sỹ sẽ tiếp tục đến Berlin và Lepzich - CHLB Đức để phục vụ cộng đồng người Việt và bạn bè nước sở tại yêu mến nghệ thuật Việt Nam.

(Theo VTV)

 

Về đầu trang 

Thiền Lâm - ngôi chùa trên 200 tuổi

Từ thị xã thị xã Phan Rang - Tháp Chàm đi theo tuyến quốc lộ 27 khoảng 10 km, du khách sẽ gặp chùa Thiền Lâm nằm bên tay trái đường. Thiền Lâm có "tuổi đời" trên 200 năm được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Ninh Thuận. Chùa Thiền Lâm có không gian xanh mát nằm bên bờ sông Dinh thơ mộng hữu tình.

Vào những ngày đại lễ, tiếng đại hồng chung của chùa Thiền Lâm vang vọng đến các thôn xóm gần xa. Ít ai biết chiếc chuông đồng này được đúc từ năm thứ bảy đời vua Gia Long (1807) với đường kính 0,4 mét, cao gần 1 mét, nặng đến vài trăm ký. Tích xưa kể lại rằng vào triều vua Lê Chiêu Thống năm thứ ba (Kỷ Dậu - 1789) có hoà thượng Đức Tạng (hiệu Liễu Minh) ở Thuận Hoá vượt đường thiên lý Bắc-Nam vân du vào đến Ma Nương thôn (Đắc Nhơn, Nhơn Sơn, Ninh Sơn ngày nay). Hoà thượng lập thảo am tu hành, hoá độ chúng sinh. Hoà thượng Đức Tạng đặt tên chùa là Thiền Lâm. Lúc đầu chùa cất quay mặt về hướng đông. Đến thời Tây Sơn, chùa được xây cất bằng gạch ngói quay mặt về hướng nam cho tới ngày nay. Hơn 200 năm vật đổi sao dời, chùa Thiền Lâm đã qua nhiều lần trùng tu. Nhất là từ sau năm 1975 đến nay, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tự do tín ngưỡng, chùa Thiền Lâm được phật tử đóng góp công sức xây cất ngày càng khang trang. Toạ lạc trên diện tích khoảng 1 ha, chùa xây theo kiểu chồng diềm hai tầng tám mái uốn lượn theo hình đầu đao cong vút. Đỉnh mái chùa trang trí hoạ tiết rồng bay phụng chầu tạo nên dáng vẻ trang nghiêm, cổ kính. Cấu trúc chùa gồm điện chính thờ phật, điện trung thờ tổ và các nhà ở dùng làm nơi sinh hoạt cho sư trụ trì, các sa di.

Trước sân chùa Thiền Lâm hiện còn hai cây bồ đề cổ thụ toả cành xanh rợp cổng tam quan. Theo những người cao tuổi ở thôn Đắc Nhơn cho biết, cặp bồ đề đại thụ này đã lớn lên cùng với "tuổi tác" của ngôi chùa. Thiền Lâm - một ngôi chùa cổ thơ mộng đang mời gọi du khách gần xa về vãn cảnh.

(Theo Báo Ninh Thuận)  

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 30/11 (30/11/2004)
Triển lãm tranh của 2 bệnh nhân HIV/AIDS (29/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 29/11 (29/11/2004)
"Văn chương không có giống đực và giống cái" (28/11/2004)
Chỉ có thể là... vespa! (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 27/11 (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/11 (26/11/2004)
Christie đấu giá các kỷ vật Rock (25/11/2004)
Đêm nhạc của những màn biểu diễn ngẫu hứng (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 25/11 (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 24/11 (24/11/2004)
Bố già Ozzy bị mất của (24/11/2004)
Ly Hoàng Ly: Tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống (23/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 23/11 (23/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang