Tin văn hoá trên các báo ra ngày 3/12
10:40' 03/12/2004 (GMT+7)

1.Hồ Ngọc Hà: 'Tôi đã khác xưa' 

2.Sôi động tuần lễ văn hoá Hàn Quốc tại HN 

3.Tranh sơn mài đích thực và bản lĩnh người hoạ sĩ

4.Thi tuyển diễn viên điện ảnh và truyền hình triển vọng 2004 

5.Người mẫu Ngọc Thuý: Mong là con tằm nhả tơ với nghề

Soạn: AM 211029 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hồ Ngọc Hà
Hồ Ngọc Hà: 'Tôi đã khác xưa'

Rời bỏ các show thời trang để chuyên tâm cho nghiệp ca hát, Hồ Ngọc Hà tạo nên không ít bất ngờ cho công chúng bởi chất giọng tròn trịa và đạt dần đến độ chín. Tuy vậy, người đẹp tâm sự dù hoạt động ở bất kỳ ngành nghệ thuật nào, lĩnh vực cô lưu tâm nhất vẫn là thời trang bởi chúng gắn liền với cuộc sống.

- Cảm giác của chị thế nào khi nói lời từ biệt với sàn diễn thời trang?

- Tôi chỉ nhớ chứ không hối tiếc và cũng không còn thời gian để nghĩ đến nhiều về cảm giác của mình. Dù vẫn đứng trong làng nghệ thuật, nhưng với tôi mọi thứ đã khác xưa. Cuộc sống cuốn mình vào vòng quay nên phải tìm cho mình hình ảnh mới để tồn tại chứ không thể cứ ngồi nhìn những chuyện đã qua mà hối tiếc.

- Vậy khi còn là một người mẫu, chị nhớ nhất điều gì?

- Tôi nhớ những lúc sải bước trên sàn catwalk: những bộ trang phục rất đặc biệt, chỉ để dành cho người mẫu trong chương trình biểu diễn thời trang chuyên nghiệp đầy phong cách, cá tính. Rồi những show diễn tối ngày, khi sống trên sàn diễn, người mẫu chỉ có một đam mê duy nhất là đem cái đẹp đến cho cuộc sống.

- Trang phục đời thường của chị như thế nào?

- Thời trang đi theo cuộc sống mọi lúc, mọi nơi và từng thời điểm, vì thế tôi quan niệm thời trang đời thường cần phải phù hợp với bản thân và tùy hoàn cảnh. Khi ra phố, tôi thích mặc quần jeans, áo thun, vừa thấy thoải mái lại trẻ trung, năng động.

- Là người từng hoạt động trong lĩnh vực thời trang, chị dự đoán thế nào về xu hướng thời trang năm tới?

- Tôi nhận thấy, dù biến đổi đến đâu thì thời trang cuối cùng vẫn tìm đến sự sang trọng và thanh lịch. Xu hướng bây giờ thì nhiều lắm, nó theo mọi trường phái để đáp ứng nhu cầu cho từng tầng lớp, nhưng tôi luôn đam mê thời trang của thập niên 50-60 bởi theo tôi, đó là trường phải cổ điển biểu hiện cho sự vĩnh cửu. Còn màu sắc của năm tới thì theo tôi tông màu đỏ, đen, trắng sẽ lên ngôi.

(Theo Mỹ Thuật) 

Về đầu trang 

Sôi động Tuần lễ văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết Tuần lễ văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội, sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 14/12 với đầy ắp niềm vui và bất ngờ, với hàng loạt hoạt động nghệ thuật, giao lưu đặc sắc và lý thú.

Đại sứ Yoo Tae-Hyun khẳng định đây là sự kiện quan trọng nhằm kỷ niệm 12 năm ngày Việt Nam-Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu mốc phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.

Mở màn cho chương trình là hai đêm diễn vào 8 và 9/12 của đoàn Opera Hàn Quốc, với vở diễn về Whangine (Hoàng Chân Y), kỹ nữ tài sắc vẹn toàn, biểu tượng của tâm hồn khoáng đạt và yêu tự do tại Hàn Quốc. Tham gia trình diễn có hơn 150 diễn viên, trong đó có 64 nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ sẽ diễn ra chương trình biểu diễn nhạc dân tộc Hàn Quốc (ngày 10 và 11/12) với những tiết mục đặc sắc như múa trống, múa quạt, nhạc kịch, múa chèo thuyền, triển lãm giới thiệu 30 bức ảnh về các chuyến thăm cấp cao và những sự kiện quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong 12 năm qua (từ ngày 10 đến 14/12), và lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu về Hàn Quốc (ngày 12/12).

Ngoài ra, ngày 10/12, Triển lãm sản phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ khai mạc với sự tham gia của 16 công ty Hàn Quốc, trong đó có Daewoo Hanel, GM Daewoo Vidamco, S-Fone, Happy Cook, LG-Vina Comestics. Triển lãm, kéo dài đến ngày 14/12, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, mỹ phẩm và tiêu dùng do chính người Việt Nam sản xuất theo dây chuyền công nghệ của Hàn Quốc.

Nhân dịp này, khán giả Hà Nội cũng có dịp giao lưu với hai diễn viên điện ảnh Chang Nara và Ahn Jae-uk, sang thăm Việt Nam từ ngày 13 đến 15/12.

(Theo TTXVN) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 211025 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Tranh sơn mài đích thực và bản lĩnh người họa sĩ

"Người làm sơn mài đích thực phải là người tuân thủ những kỹ thuật truyền thống, không được phép bớt xén bất cứ công đoạn nào của cha ông truyền lại - bởi công đoạn ấy là nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật sơn mài...". Đó là tâm sự của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên - người có nhiều năm gắn bó với dòng tranh này.

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên - Giảng viên Khoa Sơn mài - Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành hội họa Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa V (Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990; Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng 2000).

* Thưa anh Đoàn Văn Nguyên, là thầy giáo, họa sĩ tâm huyết với tranh sơn mài nghệ thuật. Anh có thể cho biết những lý do để anh yêu mến và dành thời gian, tiền của, công sức cho nó?

- Tôi may mắn học mỹ thuật từ nhỏ (học 7 năm hệ sơ trung khi 13, 14 thổi). Những năm 1960 - 1970 ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học mỹ thuật Hà Nội), tôi đã biết các họa sĩ danh tiếng như Trần Văn Cẩn, Hoàng Tích Trù, Nguyễn Tiến Chung,v.v.

Hồi ấy những tác phẩm sơn mài lộng lẫy, sang trọng của các thầy đã hấp dẫn tôi. Sau này lớn lên trực tiếp làm sơn mài, tôi càng say mê, và dành tất cả niềm yêu mến cho sơn mài.

Sơn mài là loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo. Thành tựu về sơn mài được thế giới đánh giá cao của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, tiêu biểu như các tác giả: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm...

Một chất liệu truyền thống đã được khẳng định, tương lai rất sáng sủa, cho nên tôi để dành hết thời gian, tiền của cho sáng tác tranh sơn mài.

* Anh có nhận xét gì về những tranh sơn mài được trưng bày thời gian gần đây?

- Những năm gần đây, tôi được xem nhiều phòng tranh ở Hà nội, có một số triển lãm cá nhân trưng bày toàn tranh sơn mài. Thú thật tôi thấy thất vọng.

Khi xem tranh người ta có thói quen tiến gần lại xem tác phẩm được sáng tác năm nào. Cứ tưởng tượng một triển lãm ví như triển lãm tại phòng trưng bày 16 Ngô Quyền ít ra cũng bày khoảng 30 - 40 tranh, mà tất cả các tranh sơn mài đều được ghi sáng tác năm 2002 hoặc 2003. Như vậy trong khoảng từ một đến hai năm, tác giả sáng tác 30 - 40 tranh sơn mài, chỉ cần thấy số lượng đã hiểu ngay chất lượng của tác phẩm là thế nào. Không thể tốt được!

Tranh sơn mài truyền thống vẽ bằng sơn ta (nhựa cây sơn trồng ở Phú Thọ). Mà sơn ta phải ủ ẩm mới khô. Sơn mài quý ở chỗ vẽ nhiều lớp, khi mài hiện lên mầu sắc ẩn hiện mới đẹp, riêng khâu ủ ẩm và mài nhẵn đã chiếm nhiều thời gian phải sửa đi sửa lại,v.v. Hoàn thành bức tranh sơn mài phải tính hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm...

Muốn làm tranh sơn mài nhanh, chỉ có cách dùng hoá chất ngoại nhập (sơn Nhật Bản) loại sơn này không cần ủ, vẽ xong khô ngay. Tôi cho rằng một triển lãm nhiều, nhanh nói trên là tranh sơn Nhật. Trong cơ chế thị trường, người ta quan niệm hàng phải nhanh; nhiều, rẻ. Tôi thấy khá đông (phần nhiều là họa sĩ trẻ) đang vẽ rất nhiều tranh sơn Nhật Bản để bán. Những người làm tranh sơn mài nghệ thuật đích thực, không vẽ sơn Nhật bao giờ. Anh hãy vào Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì rõ. Triển làm mỹ thuật của Hội cũng có một số triển lãm toàn sơn ta. Song do đầu tư ít hoặc tay nghề chưa chín, nên tranh sơ lược về tạo hình, chất sơn chưa nhuyễn. Sức thuyết phục hạn chế.

Cũng có một số họa sĩ trẻ mà tôi biết, tâm huyết với nghề. Họ cặm cụi sáng tác quên tháng ngày, đầu tư nhiều tiền của, vàng bạc, và không bán tranh. Số này rất tiếc chưa công bố toàn bộ sáng tác của mình.

Tôi quan niệm, người làm sơn mài đích thực phải là người tuân thủ và phát huy những truyền thống quý của nghệ thuật dân tộc. Về kỹ thuật làm sơn mài truyền thống không được phép bớt xén bất cứ công đoạn nào của ông cha truyền lại. Những công đoạn ấy là đặc sắc của nghệ thuật làm tranh. Bớt đi tức là làm giảm tính độc đáo và nó không còn nguyên giá trị gì nữa.

* Có người bảo tranh sơn mài của chúng ta hôm nay đi những bước thụt lùi. Anh có suy nghĩ gì về nhận xét trên không?

- Thụt lùi? Tôi không nghĩ như vậy. Nếu kể từ khi sơn mài Việt Nam được khai phá, khuyến khích từ năm 30 của thế kỷ trước, chúng ta đã có một thành tựu đáng tự hào. Tôi thầm cảm ơn ông Ummibety cùng ông Victo Tardieu (người Pháp) động viên và khuyến khích các học trò Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hăng hái tìm tòi loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Hiện nay trong cơ chế thị trường, giữa cái khắt khe của đời sống thường nhật, nhiều họa sĩ phân tâm, đặt miếng cơm manh áo lên trên lý tưởng nghệ thuật, họ tìm mọi cách để kiếm tiền, biến cái độc đáo, quý hiếm của nghệ thuật sơn mài mà các họa sĩ tiền bối để lại thành sản phẩm giả, chất lượng giả, rao bán khắp thị trường trong và ngoài nước, gây cho người ta cảm giác sơn mài Việt Nam thụt lùi.

Nhưng nếu để ý anh sẽ thấy những cơn sóng ngầm. Nhiều họa sĩ làm nghệ thuật đích thực và có những khám phá mới lạ về chất liệu sơn mài rất hiện đại, có điều họ ít phô trương.

* Những bậc danh họa Việt Nam thế kỷ XX chuyên về sơn mài như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng đã để lại di sản đồ sộ, kể tới hàng trăm mét tranh... Tài năng và sức lao động của họ thực đáng kính nể. Anh có cho rằng các họa sĩ hôm nay quan tâm nhiều tới đời sống hơn là nghê thuật nên cảm giác chung sự nghiệp của họ hời hợt và nhỏ bé?

- Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng là những cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của các ông thật vĩ đại, mãi là tấm gương lớn cho họa sĩ Việt Nam. Tôi cho rằng di sản đồ sộ của hai ông, các họa sĩ mọi thế hệ chưa có ai vươn tới được. Nếu anh xem những tác phẩm còn lại ở Việt Nam, thì sẽ thấy những ý tưởng và quan niệm của các ông về nghệ thuật sơn mài.

Bà Nguyễn Gia Trí, khi chúng tôi vào thăm năm 1992 (trước lúc ông qua đời một năm) có kể: ông Trí làm tranh không hết hợp đồng, hầu hết khách đặt tranh là những tỷ phú Nam Phi, Nam Mỹ. Họ đến xin ông vẽ những tranh khổ lớn và không yêu cầu về hình thức nghệ thuật, tùy ông muốn. Tranh ông bán đo bằng ca-rê. Bà Trí bảo có lần tôi phải đo tranh bán cho một người khách ở Nam Phi, 1m2 ở mé bên phải tranh tôi tính gấp tám lần. Ông khách hỏi tại sao vậy? Ông Trí trả lời chỗ ấy tôi chữa lại tám lần giáp vàng. Vì vậy phải tính thế mới đúng. Theo tôi hiểu các họa sĩ trong lịch sử Hội họa hiện đại có duy nhất danh họa Nguyễn Gia Trí bán tranh tính bằng ca-rê.

Bà Trí nói thêm: Có ba bức tranh ông Trí dặn lại, "để cho thế hệ mai sau nghiên cứu". Đó là 3 bức tranh sơn mài khổ lớn lưu tại Thư viện quốc gia TP Hồ Chí Minh mà ông kể vợ Ngô Đình Nhu mua định tặng Nhật Hoàng, nhưng ông yêu cầu phải để lại trong nước. Những năm 70 của thế kỷ XX, tài chính của Nguyễn Gia Trí tới hàng nghìn cây vàng. Thế mà khi mất, ngoài tranh tài sản của ông chẳng có gì đáng kể, tất cả dành cho nghệ thuật!

Thời kỳ đó ở miền bắc, như anh biết: ai nghèo và cô đơn như Nguyễn Sáng! Ông chịu mọi thiệt thòi trong cuộc sống, nhà cửa chật chội 10m2, vợ con không có, tết mọi nhà ấm cúng sum vầy, ông lủi thủi đi trong đêm 30. Vậy mà Nguyễn Sáng với những sáng tác đồ sộ minh chứng cho lịch sử nghệ thuật một tài năng xuất chúng, lao động không mệt mỏi, đã ra đời những tác phẩm bất hủ, bất chấp hoàn cảnh.

Ngày nay, một số họa sĩ hoàn toàn ngược lại. Họ quan tâm tới ô-tô, nhà to hơn nghệ thuật. Một số sau khi bán tranh (tranh chợ) được món tiền kha khá là nghĩ ngay đến hưởng thụ. Những người như thế làm gì có sự nghiệp, có chăng chỉ nhà cao cửa rộng và những mớ hàng phi nghệ thuật. Cơ chế thị trường có sức mạnh ghê gớm. Vừa làm cho nghệ thuật phát triển, vừa tiêu diệt những tài năng mới nhú. Theo tôi vấn đề là bản lĩnh nghệ sĩ. Về vật chất, danh họa Nguyễn Sáng nói: "Nếu không vì nghệ thuật, rải tiền đầy đường tôi cũng dẫm lên mà đi; Nếu còn vì nghệ thuật, tôi sẵn sàng kiếm từng đồng xu để sống". Danh họa Nguyễn Gia Trí thì nói: "Tiền là cần song nếu không biết dừng nó sẽ nuốt mình luôn".

* Tranh sơn mài Việt Nam là đặc sắc, có người còn đề cao là "quốc hồn quốc túy". Các họa sĩ mà anh biết hiện nay có đóng góp thêm gì cho hội họa sơn mài vốn là mảnh đất rộng rãi và cần nhiều khai phá?

- Tranh sơn mài Việt Nam đặc sắc, tôi tán thành ý kiến của anh. Hội họa Việt Nam thử tưởng tượng nếu không có sơn mài? Thế giới người ta quan tâm tới hội họa Việt Nam, chính là sơn mài. Mầu sơn lộng lẫy,khi vẽ nhiều lớp mài ra vô số chất huyền bí, sâu thẳm, kỳ thú.

Hãy cùng nhau so sánh mầu đỏ của son trai với mầu đỏ của sơn dầu, mầu sơn then với mầu đen sơn dầu, hẳn sẽ hiểu độ sâu thẳm tới cùng của chất liệu có một không hai trên thế giới này. Người ta nói, "quốc hồn quốc túy" là có lý. Mảnh đất của sơn mài vốn rất rộng rãi, cũng đầy gian khó. Nghệ sĩ bước vào đây phải có dũng khí. Nó như một cô gái rất xinh, duyên dáng, mê hồn, nhưng đỏng đảnh và khó chiều...

Các họa sĩ mà tôi biết hiện nay đóng góp gì cho sơn mài? Rất khó đánh giá! Thứ nhất, lứa như tôi hoặc anh, hay đàn anh của chúng ta, điểm lại người làm sơn mài thành công đếm trên đầu ngón tay và tuổi cũng đã trên 50, ngoài 70. Tuy nhiên, nếu điểm kỹ thì đó là thời kỳ sơn mài giữ được truyền thống quý, về chất liệu, về quy trình làm tranh. Ngày nay chất liệu có giàu sang hơn. Họa sĩ nhờ đổi mới mà nhiều tiền hơn. Chất trong tranh có thay đổi "đương đại hơn thời kỳ các cụ". Một số trẻ tìm tòi nhiều chất mới, đưa ra các loài vỏ ốc, vỏ trứng, vỏ trai vào tranh. Tranh bây giờ không còn trực họa như xưa. Họa sĩ mạnh dạn thể hiện ý tưởng nghệ thuật của mình nhiều hình thức mới, hoành tránh hơn. Tập hợp toàn bộ sơn mài Việt Nam thời kỳ này bày cùng thời kỳ Cao đẳng Đông Dương, chắc sẽ là một triển lãm thú vị.

Song những tác phẩm đỉnh cao, tính khái quát lớn của thời kỳ này e còn rất hạn chế. Nghệ thuật cần người tài, mà người tài thì hiếm, tìm đâu ra Trí, Sáng thời kỳ đổi mới bây giờ?

(Theo Văn nghệ trẻ)

 

Về đầu trang 

Thi tuyển Diễn viên Điện ảnh và Truyền hình Triển vọng 2004

Xu hướng phát triển của phim điện ảnh và truyền hình hiện nay đang đòi hỏi cần có một đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp. Cuộc thi này nhằm tìm kiếm những gương mặt điện ảnh triển vọng

Sau 4 vòng thi chung kết vùng miền diễn ra tại Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, từ đầu tháng 12 đến ngày 22-12, vòng chung kết toàn quốc cuộc thi tuyển “Diễn viên điện ảnh triển vọng” 2004 sẽ diễn ra vào hai đêm 29, 30-12 tại TPHCM và được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và các đài khu vực. Đã có gần 1.500 thí sinh trong cả nước tham gia dự thi.

Các đài truyền hình cùng vào cuộc

Khác với mọi năm, cuộc thi tuyển năm nay không chỉ có Hội Điện ảnh TPHCM đơn độc đứng tên tổ chức mà còn có sự tham gia của Hội Điện ảnh Hà Nội và các đài truyền hình khu vực: Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TPHCM, Đài PTTH Cần Thơ, Đài PTTH Đà Nẵng, trong đó Đài Truyền hình TPHCM giữ vai trò phó ban tổ chức. Thông qua cuộc thi, các đài tìm kiếm những gương mặt mới cho phim truyền hình Việt Nam đang trong xu hướng phát triển, với yêu cầu tăng nhanh cả số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ tham gia tuyển chọn, các đài truyền hình có kế hoạch đào tạo, sử dụng chuyên nghiệp những thí sinh có triển vọng. Ông Nguyễn Chí Tân, Phó Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM - Phó Ban Tổ chức cuộc thi, cho biết: Đài truyền hình cùng đơn vị hợp tác sản xuất phim truyền hình, Công ty Lasta, sẽ tuyển chọn những thí sinh có năng lực trong 40 thí sinh vào chung kết toàn quốc để đào tạo, sử dụng lâu dài, phục vụ cho dự án sản xuất mỗi tuần 4 tập phim truyện truyền hình.

Cửa mở cho giới trẻ yêu điện ảnh trong cả nước

Cuộc thi lần này được tổ chức với quy mô lớn hơn so với trước đây, tầm vóc chuyên nghiệp hơn. Đây chính là cơ hội cho bạn trẻ yêu thích điện ảnh có năng lực, muốn làm diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp, có điều kiện bước chân vào. Thí sinh ở các tỉnh, thành ngoài TPHCM, được lọt vào vòng chung kết toàn quốc, diễn ra tại TPHCM, sẽ được Ban Tổ chức cuộc thi đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở đi lại, được hỗ trợ về trang phục dự thi và dàn dựng tiểu phẩm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể theo cuộc thi đến cùng.

Dù cuộc thi tuyển “Diễn viên điện ảnh triển vọng” các năm qua còn nặng về mục đích sinh hoạt văn hóa, thiếu định hướng đào tạo, nhưng chính từ những cuộc thi này đã tìm kiếm cho phim điện ảnh và truyền hình trong cả nước những gương mặt triển vọng mà sau đó đã trở nên nổi tiếng, như: Quyền Linh, Hồng Ánh, Yến Vi, Trịnh Kim Chi, Thanh Mai, Thủy Tiên, Trương Minh Quốc Thái, Minh Thư, Ngô Mỹ Uyên,... Lần thi này, các thí sinh có điều kiện trở thành học viên của lớp đào tạo do Đài Truyền hình TPHCM và Công ty Lasta, với sự hướng dẫn chuyên môn của các chuyên gia Thái Lan, chắc chắn cơ hội thành công sẽ lớn hơn.

Trong điều kiện khan hiếm diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp, và phong trào làm phim sử dụng diễn viên không chuyên là các ca sĩ, người mẫu nổi tiếng vì mục đích thương mại ngày càng nhiều, ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam rất cần có một đội ngũ diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp.

(Theo NLĐ)

 

Về đầu trang 

Người mẫu Ngọc Thúy: Mong là con tằm nhả tơ với nghề

Thời gian gần đây, Ngọc Thúy ít xuất hiện trên các sàn diễn, khiến không ít người ngỡ cô người mẫu này đang dần lùi xa thế giới thời trang... Thực ra Thuý đang giảm bớt việc biểu diễn để chuẩn bị cho một vai trò mới - cô giáo.

Gắn bó sàn diễn thời trang 6 năm, với Thúy chừng ấy cũng đủ để yêu nghề thời trang lắm rồi. Vì thế Thúy sẽ không tách rời khỏi nghề này. Thúy luôn mong mình được là tằm nhả tơ với nghề. Chỉ có điều Thúy nhận thấy mình nên dừng công việc biểu diễn để chuyển sang làm những công việc phía sau của nghề, đào tạo những lớp người mẫu kế thừa.

* Bao giờ lớp đào tạo người mẫu ấy ra đời?

- Thúy chưa thể nói ngay được. Hiện giờ Thúy vẫn còn trong giai đoạn soạn giáo án. Và điều quan trọng là Thúy đang tự học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm trong quá trình làm việc để tìm ra phương pháp truyền nghề tốt nhất.

Thúy chỉ hy vọng sau khi mở lớp, trong thời gian từ 6 tháng đến một năm có thể giới thiệu được 1 - 2 gương mặt mới cho làng thời trang. Với Thúy điều đó như một tấm bằng tốt nghiệp cho công việc của mình.

* Thế còn những vai diễn của màn ảnh?

- Thúy cũng may mắn được góp mặt trong vài bộ phim và Thúy cũng rất thích công việc này. Nhưng sau phim "Trái đắng", Thúy chưa có thêm một vai nào. Thúy nghĩ chắc tại mình có duyên mà chưa có nợ với màn ảnh nên vẫn chờ cơ hội.

* Chị còn nhớ gì về vai diễn cô thư ký mà chị đã tham gia trong phim "Blouse trắng" đang được phát sóng lại trên VTV1?

- Thúy tham gia bộ phim ấy vào năm 2001. Mẹ Thúy khi xem phim này còn giật mình "Sao con ác thế?" cứ như vừa phát hiện thêm một tính cách nữa của con mình vậy.

Vai diễn này khác hẳn Thúy ngoài đời. Thúy đóng ác được như thế là nhờ vào khuôn mặt vốn đã có vẻ lạnh lùng chứ thực ra khi xem lại Thúy thấy mình diễn còn non nớt quá.

* Còn việc ca hát nữa?

- Thúy không chọn ca hát như một nghề mà chỉ là một cách để giải trí, thư giãn. Thúy là người thẳng thắn nhìn nhận những khả năng của mình và nghiêm túc trong công việc. Nếu đã coi là một nghề thì Thúy sẽ dành hết công sức và tâm huyết để đầu tư.

(Theo TCTH)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
10 sự kiện lòe loẹt nhất năm 2004 (03/12/2004)
Câu chuyện về Việt Nam của một người Ấn Độ (02/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 2/12 (02/12/2004)
Lạc cầm 16 và Giai điệu bạn bè tháng 12/2004 (01/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 1/12 (01/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 30/11 (30/11/2004)
Triển lãm tranh của 2 bệnh nhân HIV/AIDS (29/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 29/11 (29/11/2004)
"Văn chương không có giống đực và giống cái" (28/11/2004)
Chỉ có thể là... vespa! (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 27/11 (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/11 (26/11/2004)
Christie đấu giá các kỷ vật Rock (25/11/2004)
Đêm nhạc của những màn biểu diễn ngẫu hứng (25/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang