|
HHTG 2004. |
HHTG 2004 Maria Julia Mantilla Garcia: "Tôi không bao giờ đánh mất hy vọng..."
Nhân hậu và chân thật là những gì chúng ta có thể cảm nhận được từ tân Hoa hậu Thế giới 2004, cô Maria Julia Mantilla Garcia (Peru) thông qua cuộc trả lời phỏng vấn với BTC cuộc thi.
- Cô hãy kể sơ lược về quê hương và gia đình?
- Tôi được nuôi dưỡng ở Trujillo, một thành phố bờ biển phía bắc Peru. Tôi có hai chị em, gia đình rất hòa thuận. Cha mẹ tôi luôn giúp đỡ, khuyên bảo tận tâm cho hai chị em tôi.
- Công việc cô đã làm, mối quan tâm hoặc điều kỳ thú nhất mà cô đã trải qua là gì?
- Tôi làm người mẫu, xướng ngôn viên cho một chương trình truyền hình rất phổ biến ở Peru. Điều đáng nhớ trong cuộc đời là cuộc thi điền kinh 5 môn phối hợp cấp quốc gia. Tôi còn nhớ cái cảm giác hồi hộp ở thời điểm bắt đầu cuộc đua trong sân vận động trước 40 ngàn người. Điều kỳ thú: cả nhà cải trang như gia đình Adams trong đêm lễ hội Halloween, thả bộ cùng hàng xóm, mọi người nhìn chúng tôi với sự sợ hãi.
- Cô có tham vọng nào cho sự nghiệp và bằng cách nào hiện thực hóa chúng?
- Tôi muốn làm chủ một công ty du lịch trực tuyến. Thành phố nơi tôi sống có một lịch sử đầy quyến rũ. Tôi muốn quảng bá đất nước mình ra khắp thế giới.
- Khoảnh khắc tự hào nhất trong cuộc đời của cô?
- Tôi trở thành biểu tượng cái đẹp của công chúng ở đất nước tôi. Trước lúc đoạt danh hiệu tôi hơi e thẹn, nhưng bây giờ mọi người biết tôi. Tôi học được nhiều điều từ đất nước mình, từ chuyện tốt cho đến chuyện buồn. Quả là không dễ chút nào khi gặp nhiều người đáng quan tâm, đối mặt nhiều vấn đề khác nhau. Tôi lớn lên nhờ học được nhiều kinh nghiệm của những người khác. Tôi cám ơn thượng đế mỗi ngày đã cho tôi có sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc, đó là những gì giá trị nhất.
- Một sự kiện cô từng trải qua hoặc ấn tượng về một người cô đã gặp?
- Trong lúc hoạt động xã hội ở Peru, tôi có thăm một thanh niên 19 tuổi đang mắc bệnh lao, tình trạng cực xấu. Anh ấy đau đớn nằm trên giường bệnh nhưng tay cầm một cuốn sách lịch sử và bảo tôi rằng nếu sức khỏe tốt hơn, anh muốn trở thành một giáo viên. Đối với tôi, đấy là người ấn tượng nhất tôi từng gặp, thông qua đó tôi học được một bài học về khát vọng sống và làm việc dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Chúng ta không bao giờ đánh mất hy vọng, tôi nghĩ đây là bài học lớn nhất trong cuộc sống.
- Cô mong muốn làm gì khi trở thành Hoa hậu Thế giới 2004?
- Tôi muốn dùng danh hiệu để giúp đỡ người khác, đặc biệt những đứa trẻ đang chịu nhiều đau đớn bởi các căn bệnh khác nhau.
- Phương châm sống của cô là gì?
- Dĩ nhiên là gia đình, đó là sức mạnh của tôi.
- Cô hãy kể chi tiết bất kỳ việc từ thiện nào cô đã làm?
- Tôi khuếch trương một chương trình ở quê nhà Trujillo, cùng một nhóm phụ nữ, cung cấp điểm tâm cho hàng trăm trẻ ở các vùng nghèo. Các công ty cũng hết lòng với chúng tôi trong việc cung cấp bữa ăn sáng đến các trường nghèo.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Nguyễn Thị Minh Ngọc: Chờ duyên, duyên đã đến
Có khi người ta gọi chị là Ngọc "khùng" vì chị dám làm những điều đáng ra không nên với nhiều người, dám sống cuộc sống của chính mình, yêu như "điên" với tình yêu bắt gặp, yêu dại khờ, yêu thủy chung... và mặt đối mặt với cuộc sống; đó chính là Nguyễn Thị Minh Ngọc, cái tên rất quen thuộc trong giới sân khấu, trên văn đàn.
Viết văn...
Chị viết văn, vì "tất nhiên" phải viết, vì chị là người văn. Trong văn, chị "đốt" mình vào đó, tự sự chính cuộc đời mình qua những trang viết. Văn và nhân vật của chị cũng truân chuyên như chị. Viết văn, là niềm yêu thích của cô nữ sinh ngày nào, các bài viết đăng trên báo, truyện ngắn với bút danh Ngọc Minh từ thập niên 60 đã vận chị vào văn, tuổi 15 với truyện ngắn Trái khổ qua đăng trên tạp chí Văn đã xuất hiện một Minh Ngọc đầy bứt phá với vẻ riêng của mình. Với Minh Ngọc, dù hoạt động rất sôi nổi ở sân khấu kịch nhưng viết văn vẫn là việc luôn ưu tiên vì khi viết văn "mình mới thực sự là mình, sống cho mình. Văn là nhịp cầu thông thương, cám ơn lắm những cốt truyện và tôi mong rằng qua tác phẩm sẽ nói giùm những người không nói được" - Minh Ngọc thổ lộ.
Các tập truyện của chị đã xuất bản: Ngọn nến bên kia gươm, Một mình bước tới, Cạn duyên, Người mẫu, Trinh tiên, Năm đêm với bé Su, Vì sao con ra đời, Đồng sàng... và tập truyện ngắn Chờ duyên xuất bản năm 2004. Chị đang ấp ủ các cuốn tiểu thuyết Người đàn ông thất lạc, Tôi chối từ tôi... (đã viết được ba chương giờ phải gác lại chờ khi có thời gian). Chị luôn cám ơn cha chị - một người yêu sách, đi đến đâu, lưu lạc đến tỉnh nào thì gia tài vẫn chỉ là sách, sách qua những con chữ đã thấm vào chị để giờ đây chị cứ phải khoắc khoải với nghiệp văn chương.
Với điện ảnh...
Khởi duyên với một số kịch bản phim tài liệu Thời gian và vĩnh cửu, Thành Tôn người nghệ sĩ ... và bén duyên với điện ảnh qua Hải Nguyệt - bộ phim truyện nhựa của đạo diễn Trần Mỹ Hà, từ đó đến nay, chị vẫn là người ghé qua điện ảnh như là một cuộc lãng du trong nghiệp viết của mình. Với chị, điện ảnh là một thế giới đầy ma lực, thật hấp dẫn nhưng để có được sự cộng hưởng thì phải nhờ đến sự... rủ rê của bạn bè. Minh Ngọc nói với tôi: "Với điện ảnh, mọi người vẫn xem chị là người ngoại đạo, nhưng rồi chị đã viết và đang viết thêm vài kịch bản để cùng làm với những người bạn điện ảnh của mình. Chị rất muốn dành thì giờ cho điện ảnh nhưng sân khấu lại níu kéo...". Tôi vẫn thường thấy chị trong rạp chiếu phim với tư cách khán giả, dù bất cứ phim gì, tài liệu, phim truyện... nếu đúng ngày rảnh rang với sân khấu, chị dẹp viết và đi xem phim. Chị có niềm tin gì với điện ảnh? "Tôi tiếc cho điện ảnh đã mất khá nhiều thời gian, nhưng tôi tin rằng Việt Nam rồi sẽ có những kịch bản mang một màu sắc trẻ, mới, sáng tạo. Tôi vẫn đợi chờ một tác phẩm mang đúng ý nghĩa của bốn chữ điện ảnh Việt Nam".
Đến sân khấu
Chị như "khùng", chị vật lộn cả tinh thần lẫn thời gian, thân thể của chị như nhấn chìm với nó. Gặp chị trên sân khấu rạp Công Nhân, giọng chị hào sảng, rõ ràng khi chỉ bảo các học trò của mình diễn xuất nhưng nhìn trong cặp mắt chị tôi bắt gặp một ánh mắt dại đi..., có lẽ vì mắt chị buồn, buồn vì cuộc đời chị truân chuyên, tâm hồn chị như mây bềnh bồng, như sương khói lặng lờ hay vì đêm qua chị thức với những trang viết của mình, viết ra những nếm trải cay - đắng - ngọt - bùi. Người đàn bà đa đoan này vẫn thường bị bạn bè trêu chọc rằng chị là người của giờ thứ 25, người của sự bận rộn...
- Viết văn, viết kịch, dựng vở, đóng phim, đóng kịch và là một cô giáo của bao thế hệ học trò, ngần ấy công việc với một người phụ nữ thật là khó khăn?
- Có một lần, tôi là nạn nhân của sự thất hứa và điều đó đã làm tôi đau khổ vô cùng. Vì thế, tôi không bao giờ thất hứa với ai khi đã nhận lời, nhận lời quá nhiều cũng vì tính tôi luôn cả nể, đã nhận thì làm cho trọn. Mỗi đêm, tôi ngủ hai ba tiếng dù tôi rất mệt, tôi sợ nằm rồi sẽ ngủ, ngủ thì ai trả nợ những trang viết mà tôi đã hứa. Có lúc mệt quá, tôi cũng tự hỏi rằng: ai, có ai bắt mình phải làm như thế đâu. Mẹ tôi lo cho sức khỏe của tôi, và tôi tự nhủ rằng phải gắng sức. Mỗi lần được xa Sài Gòn một ngày là tôi mừng lắm, dù trong những ngày xa Sài Gòn tôi vẫn làm việc nhưng không có cảm giác rằng mình mắc nợ ai cả.
- Trong tác phẩm mới nhất, Giữa hai bờ sương khói, chị viết một câu chuyện xuất phát từ suy nghĩ tại sao giới trẻ Việt Nam lại ít hiểu biết về sử nước nhà. Thông qua tác phẩm chị mong rằng giới trẻ biết đến sử Việt Nam, nhưng những vở kịch, các tác phẩm điện ảnh như thế còn quá ít...
- Chúng ta không thiếu những người viết sử, nhưng để những tác phẩm được dàn dựng đúng với chất sử của nó thì quả là còn phải trông đợi khi chúng ta không có nhiều tiền để làm. Tôi đang cùng với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh viết kịch Khói sông Gianh để tưởng nhớ những hương hồn đã khuất.
- Chị đã đi nhiều nước, đem sân khấu Việt Nam đến với thế giới qua những chuyến lưu diễn và chị lại "dắt mối" sân khấu thế giới đến với Việt Nam. Thế nhưng, sân khấu của mình so với họ vẫn là một khoảng cách khá xa?
- Khoảng cách chỉ nằm trong phần dàn dựng, còn về câu chuyện mỗi nước đều có một văn hóa đặc thù riêng. Không như điện ảnh, kịch là tiếng nói của chính người xem nó vì thế chỉ chúng ta xem thì mới có thể cảm nhận sâu sắc được vấn đề của mình.
Và Ngọc diễn
Xem Ngọc diễn, nhiều người cứ ngỡ rằng nhân vật đó chính là số phận, cuộc đời của Ngọc. Chị đã gửi vào đó tất cả nội tâm của mình. Chị bảo "được diễn đối với tôi như là một sự giải thoát, giải thoát chính mình và khi nhìn khán giả bên dưới... tôi khóc, khóc cho nhân vật mình, cho số phần của tôi và tôi tự hỏi tôi đang làm gì đây, xẻ tấm thân này để người ta mua vé vào xem". Thật ngậm ngùi...
Sự gắng sức của chị đã mang đến cho sân khấu một số lượng tác phẩm đáng kể, trên dưới 100 vở kịch, cải lương được chị viết và dàn dựng với nét độc đáo riêng, một lối đi mới vừa được khai phá qua những tác phẩm Người hảo tâm thành Tứ Xuyên, Người đàn bà thất lạc... trong đó không ít tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng, huy chương. Trong năm 2004, trên các sân khấu TP.HCM chị là tác giả của các vở diễn Hãy khóc đi em, Vàng hay bạc nhái, Hãy yêu nhau đi, Sắc xuân gửi lại, Giữa hai bờ sương khói (Huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2004)... Chị cho rằng những thành công của mình được là nhờ tổ nghiệp, tổ đãi. Sau những chuỗi ngày lận đận với tình duyên, trong những ngày này dù muộn màng nhưng Minh Ngọc đang rất hạnh phúc khi ngồi tẩn mẩn xếp những cánh thiệp cưới để cùng "người duyên" đến được bến bờ vào tháng 1/2005. Chị bảo rằng "Lấy chồng vì yêu, và cũng là dịp để "tị nạn" công việc". Dù có muộn màng, nhưng mong rằng với chị hạnh phúc sẽ không còn vời xa.
(Theo TN)
Về đầu trang
Sưu tập di sản thư tịch Thăng Long - Hà Nội
Ý tưởng về bộ sưu tập thư tịch Thăng Long - Hà Nội đã ấp ủ khá lâu trong mong muốn và khao khát của những người làm văn hoá Thủ đô, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lâu năm về Hà Nội. Ấy thực sự là một ý tưởng đẹp và ý nghĩa để cất giữ những tư liệu quý giá về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, một “tấm lòng” trân trọng dành cho Thủ đô sắp 1000 năm tuổi. Và ý tưởng ấy đã có cơ hội trở thành hiện thực khi thành phố nhất trí xây dựng “Dự án bộ sưu tập di sản thư tịch Thăng Long - Hà Nội” chuẩn bị cho ngày sinh nhật 1000 tuổi của Thủ đô vào năm 2010.
Những bước đi đầu tiên từ nay đến hết năm 2004 để gây dựng “nền móng” cho bộ sưu tập thư tịch đã rất cụ thể. Hội đồng tư vấn khoa học xây dựng bộ sưu tập quý này đã được Văn phòng ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội “vời” đến, tin cậy với những tên tuổi như giáo sư Vũ Khiêu, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Trường đại học KHXH&NV), PGS.TS Ngô Ðức Thọ (Viện Hán Nôm)... 7 thành viên của Hội đồng tư vấn sẽ giúp Ban chỉ đạo - đơn vị đảm đương bộ sưu tập - nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện đề án, dự án liên quan đến thu thập, biên tập, biên soạn các thể loại sách. Sau đó nghiệm thu, đánh giá nội dung, chất lượng giá trị của các đầu sách, tài liệu, thư tịch để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Họ cũng sẽ tư vấn về giá và đề xuất các ấn phẩm cần phải thu thập hoặc mua lại trong nhân dân và các tổ chức khác. Hội đồng tư vấn có thể mời thêm chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan để phục vụ công tác thẩm định thu thập và xuất bản những ấn phẩm cần thiết. Hết sức tâm đắc, giáo sư Vũ Khiêu, chủ tịch hội đồng tư vấn - cho biết: “Chúng tôi hứa sẽ làm hết sức mình để trong vòng 5 năm nữa, những sách, báo, tài liệu mà chúng ta sưu tầm được về Thăng Long - Hà Nội thật phong phú và khá đầy đủ...”. Hiện nay họ đã có trong tay danh mục 41 bộ sách cần mua (cả ấn phẩm xuất bản trong nước và của nước ngoài) và 18 bộ sách cần sao chụp lại. Ðó là những loại sách, tạp chí viết về Hà Nội, những dữ kiện quý về Thủ đô, có những cuốn sách tập trung ở các thu viện tư nhân, thậm chí thư viện Pháp. Tuần tới, những người thực hiện bộ sưu tập sẽ khảo sát tư liệu địa chí Hà Nội tại Nam Ðịnh, Hà Nam, Thanh Hoá và Hải Dương. Ngoài thư viện và bảo tàng địa phương, họ sẽ đến khảo sát tủ sách tư nhân và một số cơ quan để “có nhời” về thu thập tài liệu, đồng thời lấy ý kiến đánh giá thực trạng tài liệu trong nhân dân, hình thức thu thập tư liệu...
Trong tháng 12, các nhà khoa học tập trung thời gian thu thập tài liệu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm, Công ty phát hành sách và một số thư viện tư nhân để đầu tháng 1/2005 xử lý kỹ thuật những tài liệu về Thăng Long - Hà Nội (làm thư mục, tóm tắt nội dung, nhập máy tính, xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa danh mục lên trang web). Một triển lãm “Văn hiến Thăng Long - Hà Nội” trưng bày 500 tư liệu về Thăng Long - Hà Nội đã thu thập được gồm sách, báo, văn bia, bản đồ, ảnh... dự kiến sẽ diễn ra vào 10/1/2005 tại Hà Nội. Ấy chính là lần “báo công” đầu tiên với người Thủ đô về những gì mà họ đã làm được cho bộ sưu tập di sản thư tịch Thăng Long - Hà Nội.
(Theo Kinh tế Đô Thị)
Về đầu trang
|
Nguồn gốc thực phẩm" - giải bạc (Wasana Konghirun - Thái-lan) |
VN đoạt 9 trong tổng số 15 giải thưởng tại cuộc thi ảnh APO
"Người nông dân", giải bạc (Lại Diễn Đàm - Việt Nam). Tại cuộc thi ảnh của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm nay, tuy không đoạt giải cao nhất nhưng các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã mang về đến 9 trong tổng số 15 giải thưởng.
Đó là một giải bạc (Lại Diễn Đàm với tác phẩm Người nông dân), hai giải đồng (Đặng Ngọc Thái - Mùa gặt và Huỳnh Mỹ Thuận - Mây sớm), năm giải đặc biệt (Nguyễn Đức Chính, Trần Anh Khôi, Nguyễn Lương Hiệu, Trần Đình Thương, Phạm Hoài An) và một tặng thưởng (Hoàng Trung Thủy).
Các nghệ sĩ Thái-lan thu về năm giải: một giải vàng (tác phẩm Những người bạn của Chawalit Pumpo), một giải bạc, một giải đồng và hai tặng thưởng. Duy nhất một giải thưởng còn lại thuộc về Malaysia (giải đặc biệt).
Cuộc thi ảnh APO năm nay đã thu hút 197 tay máy của 15 quốc gia tham dự với 527 tác phẩm.
Giải thưởng gồm bằng khen, máy camera kỹ thuật số và giá trị tiền mặt (giải vàng 750 USD, giải bạc 500 USD, giải đồng 300 USD...).
Tất cả những bức ảnh đoạt giải sẽ được in trên lịch 2005 của APO.
(Theo Tuổi trẻ)
Về đầu trang