Chơi "hai-tếch"
09:33' 01/07/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ VN đang lên cơn sốt hai-tếch (hi-tech) với các thiết bị số cực "đỉnh" từ máy nghe nhạc đến Pocket PC...

Công nghệ số đã len lỏi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống mà giới trẻ lại là những kẻ tiếp nhận hào hứng và nhanh nhất từ máy ảnh, máy nghe nhạc đến máy vi tính bỏ túi... Do phạm vi quá rộng nên trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến phong trào chơi máy nghe nhạc số mà tiêu biểu là iPod và Pocket PC.

Máy nghe nhạc thời số hoá

Cơn sốt máy nhạc số của giới trẻ toàn cầu.

Lâu lắm rồi tôi được một người bạn tặng một chiếc máy mp3 của Hàn Quốc trên 200 MB vừa để nghe nhạc, FM và ghi âm. Khó có thể tả nổi sự phấn khích khi đó chỉ vì nó quá tiện dụng và vì khi đó dùng máy nghe nhạc mp3 mini nhiều chức năng mới chỉ bắt đầu cơn sốt nghe nhạc số. Lắp một cục pin AAA+ và có thể nghe... suốt đêm hoặc lắc lư trong quán cafe nhiều giờ liền.

Bất cứ những kẻ nghiền nhạc nào cũng đều muốn sở hữu một chiếc máy nghe nhạc mp3 mini để thoả cơn khát nhạc bất chấp những kết quả nghiên cứu... giật mình của nhiều nhà khoa học trên thế giới về khả năng ảnh hưởng đến thính giác và tăng sự cô độc cho những kẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị âm thanh có độ khuếch đại âm thanh lớn trong đó có mp3. Có bao nhiêu dòng nhạc thì có bấy nhiêu các loại máy mp3 khác nhau: Gmini, MuVo, Nomad, iFP, Archos, Creative, IRiver, Olympus, RCA, Rio, Sony... trong đó iPod của Apple vẫn được coi là loại máy nghe nhạc "đỉnh" nhất.

mp3 player ngày càng có nhiều chức năng.

iPod là một trong những sản phẩm máy nghe nhạc số phát triển khủng khiếp nhất với 4 thế hệ: 1G, 2G, 3G và 4G với nhiều kiểu dáng khác nhau có giá từ trên 100 USD đến trên 700 USD tùy loại và dung lượng bộ nhớ. Kể từ thế hệ đầu tiên (sản phẩm đầu tiên ra mắt tháng 10/2001) có dung lượng ổ cứng từ 5 GB, 10 GB, 20 GB, thế hệ iPod thứ 4 (tháng 10/2004) mà "đỉnh" nhất là iPod Photo có dung lượng ổ cứng lên tới 40GB-60 GB làm việc như một ổ cứng di động.

Mỗi chiếc iPod nhỏ xíu có thể chứa từ 120-15000 bài hát chạy liên tục suốt 12 giờ liền và có thể đọc nhiều file định dạng khác nhau. Ngoài việc nghe nhạc, sắp xếp dữ liệu và ảnh, ghi âm, chơi game,  iPod còn tương thích với PC, sắp xếp lịch làm việc... Chính vì vậy nó được giới trẻ hiện đại đặc biệt yêu thích. Không chỉ giới trẻ VN đang yêu thích loại máy này, trên thế giới ipod đã làm nên cả một nền "văn hoá nghe nhạc số" của giới trẻ hiện đại, cho dù đó là châu Mỹ, châu Âu hay châu Á, châu Đại dương... Tại Australia, từ lớn đến bé đa số đều dùng iPod như một thứ tất yếu trong cuộc sống.

Máy nghe nhạc số có thể... treo mọi nơi.

Thậm chí với nhiều người, iPod và những sản phẩm hi-tech là thước đo của sự sành điệu, ghanh đua nhau và đổi máy liên tục theo thời trang chỉ vì "thua bạn kém bè". Tình cờ một lần tôi gặp một nhóm thanh niên 4-5 người trông rất... mốt ngồi ở một quán cafe.

Nhìn vẻ bề ngoài và những chiếc điện thoại và máy nghe nhạc họ mang ra "đọ" nhau cũng có thể đoán ra được đó là những cô chiêu cậu ấm. Họ nói về những mẫu mốt mới nhất và đang bàn cách "moi" tiền bố mẹ. "Thằng bạn tao vừa được ông anh ở nước ngoài gửi cho một quả mp3 oách lắm, thứ của chúng mày thuộc loại lìu tìu, bây giờ ai dùng. Bọn mình đổi luôn cả nhóm đi cho nó hoành tráng...".

Hoá ra có những người vẫn sẵn sàng làm nô lệ cho công nghệ và coi những vật dụng phục vụ cuộc sống là thước đo giá trị con người. Thế nhưng với nhiều người công nghệ số chỉ là công cụ để học tập, giải trí lành mạnh. Diệu Linh (SN 1979) hiện đang theo học Master Quản trị Kinh doanh ở ĐH tổng hợp Webster (Anh) là một trong những "tín đồ" của hi-tech, đặc biệt là iPod.

Newsweek không bỏ qua cơ hội làm hẳn một chuyên đề về iPod.

Máy mp3 có muôn hình vạn trạng.

Tuấn Anh, 27 tuổi cũng nổi tiếng là một con nghiện các đồ kỹ thuật số. Bạn bè thường bảo người Tuấn Anh là hiện thân của công nghệ với iPod, điện thoại di động connect qua bluetooth cắm quanh người. Làm việc cho một công ty máy tính lớn tại HN và thường xuyên được bạn bè tin cậy giới thiệu cho hết "ca này đến ca khác", mỗi tháng Tuấn Anh có thể kiếm được trên 10 triệu đồng nhưng có bao nhiêu tiền là cậu đổ hết vào các thiết bị số, lúc thì nâng cấp các thiết bị có sẵn, lúc lại tậu thêm cái máy nghe nhạc mới. "Có khi phải vay mượn hay bán thứ nào lâu chưa dùng đến để mua chiếc iPod mới.

Ngọc Minh, một con nghiện iPod chia sẻ: "Thích lắm chị ạ, không thể tả nổi lúc mua được chiếc máy iPod mới. Có khi em nghe nó quên ăn quên ngủ, đi đâu cũng mang theo, mẹ em chửi suốt. Hồi đầu em giữ nó khư khư, đứa bạn nào mượn nghe cũng không cho, giữ như vàng. Có học kỳ em phải thi lại mấy môn vì mải mê nghe nhạc và copy bài mới vào máy, quên cả lịch thi...". Thế mới biết niềm đam mê số còn ghê ghớm hơn cả ma tuý!

Công nghệ số đang làm nên cuộc cách mạng trong văn hoá và lối sống nhiều người

Cơn lốc PDA-Phone

Nhưng thường là nếu đã sở hữu một chiếc Pocket PC thì sẽ không dùng iPod hoặc các loại máy nghe nhạc số khác vì Pocket PC cũng đồng thời là chiếc máy nghe nhạc tuyệt hảo. Lần đầu tiên được nghe bản Original Sin của Elton Jones cậu bạn cài làm nhạc chuông cho chiếc Pocket PC hiệu HP, tôi quá ngỡ ngàng vì âm thanh của nó. Đây cũng là một trong những điểm hấp dẫn cực mạnh mà dân nghiền hi-tech khó lòng mà lờ Pocket PC đi. "Có khi đi trên đường thấy ai dùng 'quả' máy mp3 hay pocket PC lạ lạ mình lại lao xe theo, có lần vì tò mò ngắm nghía bị người ta nói cho một trận, tưởng là quân ăn cắp, chán thế!", Tuấn Anh chia sẻ. Sau mấy năm tích góp bây giờ Tuấn Anh đang sở hữu vài chiếc ipod, và một chiếc pocket PC-phone hiệu O2. Lại nói đến những chiếc điện thoại số thế hệ mới có hỗ trợ máy tính. PDA-Phone hay Pocket PC-Phone là thiết bị cực kỳ hữu ích cho những trí thức, doanh nhân năng động làm việc trong những môi trường cạnh tranh, thường xuyên di chuyển, ra nước ngoài như cơm bữa và phải làm việc chủ yếu qua email.

Cơn sốt Pocket PC.

PDA-Phone và Pocket PC-Phone được coi là những văn phòng thu nhỏ di động tích hợp điện thoại di động với máy tính, máy ảnh và nhiều chức năng khác. Các dòng điện thoại thế hệ mới này có cấu hình mạnh và được hỗ trợ trong việc nâng cấp hệ điều hành nên cực hữu ích cho các doanh nhân. Ngoài những tiện ích trên chúng còn là công cụ giải trí cực sang với một bộ phận giới trẻ nhiều tiền, vừa có thể chơi game, nghe nhạc, xem phim, quay phim, thậm chí chat chit... Những loại điện thoại tích hợp nhiều chức năng (MMS, Camera, PDA, PC...) còn được gọi chung là Xphone.  Với nhiều người, PDA-Phone và Pocket PC-Phone còn là tiêu chuẩn để đánh giá sự sành điệu. Do vậy những dòng điện thoại này thường chỉ dành cho số ít người, dùng vì công việc thì ít, dùng để "chứng minh sự sành điệu" của mình thì nhiều.

Làm việc mọi lúc mọi nơi.

Pocket PC và những phụ kiện đi kèm.

Tuy nhiên, nếu không sành về loại điện thoại này thì rất có thể mua rẻ thành... mua đắt vì không biết những chiếc máy đó có bị "cài" và còn "zin" hay không nên độ rủi ro rất cao. Một chủ cửa hàng chuyên bán PDA-Phone cũ trên phố Đặng Dung HN cho biết "PDA-Phone có nhiều loại: NTL, Hewlett Packard, Siemens, i-Mate, T-Mobile, HP, Eten P700, PalmOne (Treo 650)... nhưng được ưa chuộng nhất tại VN vẫn là O2 vì kiểu dáng đẹp, nhiều chức năng cho dù giá rất cao có thể lên tới trên 1000USD. O2 đã có hãng phân phối tại VN được 2 năm nhưng nhiều người vẫn chọn cách nhờ người mua trực tiếp từ Singapore về cho rẻ, chừng 600-700 USD trong khi tại VN, máy nguyên tem phải 800-900 USD. Những người dùng O2 để phục vụ công việc và vì đam mê công nghệ thực sự như Cao Thế Hưng (26 tuổi), kỹ thuật viên của VINAPHONE rất ít.

Tại VN, PDA-Phone mới chỉ dành cho một đối tượng nhất định.

Dân chơi ảo và cộng đồng thật

Một văn phòng di động thực sự.

Tuy nhiên những con nghiện Pocket PC vẫn có thể tự tạo cho mình một sân chơi riêng và một forum đã hình thành. Đó là handheldvn tính đến thời điểm này đã có trên 10.000 thành viên chính thức và các khách lai vãng. HHVN là cộng đồng ảo duy nhất tại VN dành cho những kẻ nghiền Pocket PC để các thành viên bàn luận về các chủ đề liên quan, cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích từ từ: Tin tức, Kiến thức cơ bản, Hỏi/Đáp - Chia sẻ kinh nghiệm, Phần mềm - Công cụ - Games đến Wireless/Mobile TECH (GSM/GPRS, Wifi, Bluetooth), Chia sẻ tài nguyên... nói chung là mọi thứ liên quan đến PDA-Phone. Ngoài HHVN, trên 15.000 dân nghiền mobile còn tha hồ thoải mãn đam mê của mình trong cộng đồng ảo GMS.

Công cụ làm việc đắc lực.

Họ thường xuyên có mặt các tại các quán cafe wifi dùng mạng không dây đang mọc lên khá nhiều ở HN và TP.HCM, vừa nhâm nhi cafe, vừa có thể làm mọi việc trên máy tính và... kiếm tiền. Đây được coi là điểm hẹn lý tưởng của những "thanh niên ưu tú thời hiện đại". Tuy không có nhiều điểm truy cập Internet không dây hoành tráng như TP.HCM nhưng giới trẻ HN vẫn có thể thoả mãn cơn khát hi-tech tại những Wifi, MyPDA... Thinh thoảng "ké cẩm" mấy người bạn lên cafe Wifi trên đường Trần Quốc Toản HN lại thấy... quê vì ở đây toàn tập trung những "ngôi sao của công nghệ", nhiều thì túm năm tụm ba bên một chiếc bàn rồi chúi mũi vào cái laptop còn đa số là những "chiến binh" đơn thương độc mã một mình một bàn trước mặt là chiếc Laptop hoặc Pocket PC mải mê lướt mạng như không có ai tồn tại xung quanh. Tuy các quán cafe truy cập Interne không dây xuất hiện ở HN chưa lâu nhưng nó đã kịp trở thành "sào huyệt" của những thanh niên mê công nghệ. 

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Siêu quậy Avril Lavigne chuẩn bị... hiền dịu? (30/06/2005)
Trương Mạn Ngọc: Tan vỡ tình yêu vì đóng phim (30/06/2005)
Miss Colombia giành giải Người mặc áo tắm đẹp nhất (30/06/2005)
Nữ rapper Eve khốn đốn về scandal sex mới (30/06/2005)
Drew Barrymore: Ngôi sao đặc biệt nhất Hollywood (30/06/2005)
Tom Cruise gặp rắc rối với các bác sĩ tâm thần (29/06/2005)
Chương Tử Di được mời làm giám khảo Oscar (29/06/2005)
Những hé lộ mới nhất về đời tư công nương Diana (28/06/2005)
50 quý ông "đỉnh" nhất hành tinh (28/06/2005)
Roselyn Sanchez: Người đẹp Latin lắm tài (27/06/2005)
Vaughniston = Brangelina? (27/06/2005)
Linh Nga: “Tôi đã quá mệt mỏi!” (27/06/2005)
Miss Philippines giành giải Người có nụ cười đẹp nhất (27/06/2005)
Lệ Quyên: Tôi lẳng lơ về hình thức (27/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang