221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
772885
Tranh cãi xung quanh kịch bản phim Thái Tổ Lý Công Uẩn
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Tranh cãi xung quanh kịch bản phim Thái Tổ Lý Công Uẩn
,

(VietNamNet) - Một kịch bản văn học đã được duyệt lại bị đánh giá "chỉ có giá trị 20-30%!", ba kịch bản đạo diễn dựa trên kịch bản văn học này vẫn chỉ được coi là những kịch bản văn học và vẫn chưa đạt yêu cầu.

Dường như việc thực hiện bộ phim nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng đang quay lại bước khởi động!

Soạn: AM 723343 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ông Nguyễn Trọng Tuấn trả lời phỏng vấn

Sau ba tháng tổ chức thi viết kịch bản đạo diễn (trên cơ sở kịch bản văn học được duyệt), Văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ nhận được vỏn vẹn ba kịch bản dự thi, trong đó có hai kịch bản của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và một của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Trong lúc đó, tác giả kịch bản văn học - ông Nguyễn Thiên Phúc - lại bức xúc phát biểu trên báo rằng kịch bản của ông đang bị các đạo diễn "xào xáo" và "vi phạm bản quyền".

Xung quanh những rắc rối này, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long, có cuộc trao đổi với chúng tôi:

Nhà biên kịch Thiên Phúc:

Muốn thay đổi kịch bản phải có sự đồng ý của tôi!

- "3 kịch bản đang nói tới chưa phải là kịch bản đạo diễn, mà chỉ dừng lại ở mức độ kịch bản văn học "xào xáo" của tôi. Sự việc đã đi không đúng tinh thần của Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Thứ trưởng Lê Tiến Thọ có nói là đạo diễn được "sáng tạo đến tận cùng", tôi đồng ý, nhưng điều đó không có nghĩa là phá tung kịch bản ra. Kịch bản của tôi đã được Thành uỷ, UBND Hà Nội, BCĐ quốc gia thống nhất làm thành phim. Đạo diễn muốn thay đổi kịch bản phải có sự đồng ý của tôi. Đằng này họ không bàn bạc trao đổi gì cả. Về luật pháp đúng ra tôi có thể kiện họ rồi! Làm như thế là xoá sổ kịch bản phim của tôi, và cũng có nghĩa là phủ nhận cả quyết định của Thành uỷ, UBND.TP, BCĐ quốc gia".

 - Kịch bản đạo diễn phải là sản phẩm sáng tạo của đạo diễn dưới dạng văn bản thể hiện kỹ thuật chuyên môn và phương pháp thực hiện từng cảnh quay của bộ phim dựa trên kịch bản văn học.

Thưa ông, chất lượng của 3 kịch bản đạo diễn vừa qua vòng thẩm định ra sao?

- Hai kịch bản của ĐD Đỗ Minh Tuấn, một cái viết dựa trên kịch bản văn học của Nguyễn Thiên Phúc, có chỉnh sửa một số chi tiết. Kịch bản còn lại được viết mới gần như hoàn toàn. Kịch bản này cùng với kịch bản của Lưu Trọng Ninh được hội đồng thẩm định đánh giá cao hơn.

Hội đồng thẩm định đã làm việc kỹ lưỡng, công tâm và kết luận là cả ba kịch bản vẫn chưa đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Có nhiều sai sót cả về góc độ lịch sử, ngôn ngữ thời đại, hoặc có những chi tiết đòi hỏi quá tầm công nghệ điện ảnh nước nhà hiện nay. Chúng tôi đề nghị các tác giả nhận sự góp ý trao đổi và tiếp tục chỉnh sửa và gia hạn thêm gần một tháng nữa. Như vậy là cuối tháng 3 này sẽ có kết luận về việc chọn kịch bản nào, hoặc thậm chí là chưa chọn cái nào.

Có một điểm quan trọng về tư tưởng cần làm rõ là vai trò quyết định của Lý Thái Tổ trong việc lên ngôi, việc định đô và việc xây dựng kinh thành Thăng Long. Đó là điều mà hai kịch bản viết mới lần này đã bắt đầu nói được, và là điều mà kịch bản của ông Thiên Phúc còn thiếu.

Nói một cách ngắn gọn thì mặc dầu còn phải chỉnh sửa, xong nếu kịch bản của Thiên Phúc chỉ được ở 20-30% thì hai kịch bản này đạt đến khoảng 70% yêu cầu.

Có người cho rằng Hà Nội đã nhắm sẵn đạo diễn từ trước khi thi viết kịch bản phân cảnh?

Thực ra ngay từ đầu, Hội đồng thẩm định đã cho rằng chỉ có ba đạo diễn có thể đảm nhiệm vai trò này. Đó là Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn. Ban đầu Văn phòng mời nhiều đạo diễn, có cả Việt kiều, nhưng vì lý do nào đó không thấy họ tham gia.

Tôi nghĩ rằng, có thể một vài người ngại sửa một cái kịch bản văn học như của ông Phúc vì phải mày mò sửa rất nhiều. Trong khi đó, phim lịch sử ở nước ta lại chưa có tiền lệ thành công. Có người cho rằng thời hạn ba tháng của cuộc thi chỉ đủ để đi sục sạo tài liệu, tìm hiểu. Nói thế cũng đúng, song đạo diễn nào khi nhận lời tham gia mới bắt tay vào tìm tài liệu thì chắc là khó mà thành công. Chỉ những đạo diễn đã nghiên cứu và am hiểu nhiều về lịch sử, có vốn kiến thức rộng lớn, mới đủ thời gian.

"Thậm chí có kịch bản đạo diễn lại cố làm khác kịch bản của tôi đi bằng cách "bịa ra" mối tình tay ba giữa Lý Công Uẩn, Long Đĩnh và Minh Nguyệt; mặt khác xây dựng nhân vật phản diện Ngoạ Triều như một minh quân... Đây là những chi tiết không thể chấp nhận được!" (Nhà biên kịch Thiên Phúc)

Ông Nguyễn Thiên Phúc cho rằng kịch bản văn học của ông đã được duyệt chọn, do đó việc các đạo diễn "sửa bung bét" là vi phạm bản quyền. Ít nhất phải có sự trao đổi với biên kịch...?

Thực tế, theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, kịch bản của ông Thiên Phúc quá yếu, khó mà sửa cho hay được, nếu cố "nhặt nhạnh" thì cũng chỉ dùng lại được 20-30% là cùng. Và một điểm nữa là ông ấy kêu người ta "dỡ bung bét" kịch bản cũ của ông ấy ra, kêu thế cũng không đúng. Bởi vì Thứ trưởng Lê Tiến Thọ đã chỉ đạo là dựa trên cơ sở kịch bản văn học, nhưng cho phép "sáng tạo đến cùng". Vì phim này không phải của riêng ai nên mọi "đường đi nước bước" đều phải rất thận trọng. Chất lượng là trên hết, mà đầu tiên phải là kịch bản.

Vậy thực tế các ông cũng không phủ nhận rằng ba kịch bản đang duyệt là vẫn kịch bản văn học chứ chưa phải là kịch bản đạo diễn? Nghĩa là gần như chúng ta khởi động lại từ đầu?

Thì như tôi đã nói, bởi vì kịch bản văn học của ông Thiên Phúc chưa tốt nên cần bổ sung, nâng tầm lên nhiều rồi mới chuyển thành kịch bản đạo diễn phân cảnh. Ông ấy cứ cho là kịch bản văn học đã được duyệt rồi nên chỉ được sửa ít thôi nhưng có phải vậy đâu! Với lại, có lẽ cũng phải đặt tên khác cho phim, chứ ai lại gọi tên huý của vua Lý ra như thế!

Nếu vậy thì vai trò của biên kịch Nguyễn Thiên Phúc còn lại sẽ là gì? Ông Phúc có đứng tên kịch bản nữa không nếu chỉnh sửa nhiều?

Cái đó thì về sau hội đồng thẩm định sẽ đánh giá. Thậm chí sẽ phân tích rạch ròi kịch bản của đạo diễn có kế thừa từ kịch bản của ông Phúc không, kế thừa bao nhiêu phần trăm. Vả lại, thể nào sau đó đạo diễn được chọn cũng có sự thoả thuận với biên kịch theo hướng "chiêu hiền đãi sĩ", trên tinh thần hợp tác...

Nếu cuối tháng vẫn chưa chọn được đạo diễn qua hình thức thi này, liệu các ông có chuyển qua chỉ định đạo diễn hoặc đặt hàng Hãng phim?

Nếu có chuyển về Hãng phim nào đó làm thì cũng phải viết xong kịch bản và chọn được đạo diễn đã. Nếu cần thì cuối cùng Hà Nội vẫn có thể chỉ định một đạo diễn làm phim này.

  • Diễm Huyền (thực hiện)

Bạn nghĩ sao về chuyện này?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,