221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
955516
Phim Lý Công Uẩn: Sáng tạo chán lại quay về “truyền thống”!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Phim Lý Công Uẩn: Sáng tạo chán lại quay về “truyền thống”!
,

(VietNamNet) – Với tư cách là ủy viên Hội đồng tư vấn cho dự án, tôi đã đề nghị triển khai nghiên cứu dữ liệu cho phim từ lâu. Sau này dù kịch bản hay đạo diễn nào được chọn cũng đều đã có tư liệu sử dụng. Nhưng chẳng ai làm cả, cách làm của chúng ta vẫn thiếu tính chuyên nghiệp như thế - Đạo diễn Vũ Xuân Hưng. 

 

 > Phim 1000 năm Thăng Long: Làm lấy được may ra thì kịp!
 > Kịch bản phim 1000 năm Thăng Long có bị bỏ quên?
 > Phim lịch sử 1000 năm Thăng Long: 2 dòng nhưng 1 chuẩn?
 > Sẽ có một "mùa" phim lịch sử Việt Nam?

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng
Sau gần 4 năm chuẩn bị, bàn cãi dự án phim Lý Công Uẩn đã chính thức được khởi động. Hãng phim truyện Việt Nam sẽ là nơi thực hiện dự án này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyện VN.  

Theo lời đồn đại thì  phim Lý Công Uẩn sẽ là  “bom tấn” đầu tiên của Việt Nam với kinh phí vài triệu USD?

 - Hiện Hãng phim truyện Việt Nam mới chính thức nhận được 300 triệu VND tạm ứng để hoàn thiện khâu kịch bản. Còn con số đầu tư cho toàn bộ phim chúng tôi chưa được công bố chính thức.

Trên thực tế, khâu kịch bản cho phim vẫn chưa chính thức hoàn thiện. Thành phố Hà Nội vẫn chưa lên được tổng dự toán, có rất nhiều vấn đề chưa triển khai được. Nhanh nhất thì cũng phải cuối năm dự án này mới có kế hoạch rõ ràng.

 

Nhưng dư luận đã đồn thổi việc đạo diễn Lưu Trọng Ninh được chọn và hiện đã bắt đầu casting diễn viên?

 

- Thực ra vẫn chưa chính thức ai sẽ là đạo diễn phim này. Nhưng nhiều phần là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam Lê Đức Tiến sẽ là tổng đạo diễn. Tuy nhiên, kịch bản vẫn chưa chốt nên nói điều gì cũng là sớm cả. Quan trọng là kịch bản phải được duyệt chính thức đã.

 

Hiện giờ đã là giữa năm 2007, đến thời điểm 2010 chỉ còn khoảng 3 năm nữa, vậy thì…

 

- Đấy là truyền thống của chúng ta, không có gì vội cả, cứ chờ nước đến… bụng mới nhảy một thể!

 

Đã mất khá nhiều thời gian và giấy mực bàn cãi ở khâu chọn lựa kịch bản, vậy cuối cùng ban tổ chức quyết định ra sao? Kịch bản được giải của tác giả Nguyễn Thiên Phúc có được sử dụng?

 

- Sau hai năm thi kịch bản và đấu thầu đạo diễn, Ban tổ chức đã nhận được 4 bản thảo, trong đó có cả bản thảoThái tổ Lý Công Uẩn của nhà biên kịch Nguyễn Thiên Phúc. Nhìn chung kịch bản nào cũng được đánh giá là “có mặt được, có mặt chưa”, nhưng chưa cái nào đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Ban tổ chức quyết định so sánh, sử dụng cả 4 kịch bản để xem những gì được, những gì chưa được, và sẽ thành lập một ban biên tập để thẩm định và cho ra một kịch bản hoàn thiện. Tôi nghĩ quá trình đấy cũng còn khá phức tạp và sẽ mất thời gian thêm nữa.

 

Có thể hiểu nôm na là Ban tổ chức đang ngồi “trộn” cả 4 bản thảo, rút ra những phần "tinh túy" để cho ra một kịch bản duy nhất?

 

- Tôi không biết có thể gọi là “trộn” không, nhưng tôi biết người ta sử dụng những chi tiết “được” của cả 4 bản thảo để đưa vào kịch bản chung. Thời gian không còn nhiều, cần tận dụng những cái đã có. Những tư liệu lịch sử về thời Lý – Trần chúng ta có rất ít nên quyết theo hướng nào cũng đều khó cả.

 

Hãng phim truyện Việt Nam có kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài sang giúp đỡ trong dự án này không, thưa ông?

 

- Điều đó chúng tôi cũng đang tính đến, nhưng kể cả có chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc đến đây giúp sức mà sử liệu chúng ta không có thì họ cũng bó tay.

 

Hơn nữa, có bao việc lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu rồi: chọn diễn viên và tập luyện cho họ bắn cung, cưỡi ngựa, võ nghệ; rồi ngựa, lâu đài, thành quách làm sao... Đến lúc sát nút rồi mới “bắt” diễn viên ra bắn cung, múa đao thì làm sao được? Nói chung làm bộ phim bây giờ là sự thách thức rất lớn.

 

Tóm lại, bước tiến mới nhất của dự án đến nay chỉ là tìm được đơn vị sản xuất, những khâu còn lại vẫn rất mông lung?

 

- Chúng tôi cũng đã tìm được hướng tập trung khai thác sẽ là thời Lý, vì vậy những tạo hình liên quan đến phim như phục trang, bối cảnh, tạo hình nhân vật sẽ được triển khai từ bây giờ. Sẽ tập trung vào hai cụm bối cảnh chính: kinh đô Hoa Lư tại Ninh Bình và kinh thành Thăng Long. Những việc này tôi nghĩ không nhất thiết phải đợi đến khi kịch bản được duyệt. Mà đáng lẽ Ban tổ chức và các nhà sử học, Hà Nội học phải triển khai nghiên cứu từ lâu rồi mới phải. Bộ phim chỉ là một dịp để chúng ta làm kỹ hơn thôi.

 

Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian cho việc bày ra “thi kịch bản, đấu thầu đạo diễn” nhưng đến nay thì các cuộc thi ấy đã thất bại hoàn toàn. Chúng ta "hơn hẳn" thế giới về sự sáng tạo khi tổ chức ra cuộc thi kịch bản – đạo diễn để tìm ra một đạo diễn xuất chúng. Nhưng sáng tạo này thảm bại, chẳng có gương mặt “xuất chúng” nào xuất hiện, nên giờ chúng ta lại quay về “cách làm truyền thống” là giao dự án cho một đơn vị thực hiện, để họ tùy ý sáng tạo, miễn sao kết quả cuối cùng là có phim vào đúng dịp kỷ niệm.

 

Sau việc này ta cũng “ngộ” ra một điều: thi đạo diễn không giống thi học sinh giỏi. Nó là sự cộng hưởng của rất nhiều thành phần và phải nằm trong một tổng thể chung.

 

Với tư cách là ủy viên Hội đồng tư vấn cho dự án này, tôi đã đề nghị triển khai nghiên cứu dữ liệu cho phim từ lâu. Sau này dù kịch bản hay đạo diễn nào được chọn cũng đều đã có tư liệu sử dụng. Nhưng chẳng ai làm cả, cách làm của chúng ta vẫn thiếu tính chuyên nghiệp như thế.

 

Bản thân chúng tôi là đơn vị sản xuất nhưng ngoài 300 triệu VND ra chúng tôi vẫn chưa có gì khác, và vẫn chưa biết khi nào có kế hoạch cụ thể. Có lẽ việc duy nhất chúng tôi có thể làm hiện nay là ra chân tượng đài Lý Thái Tổ cầu xin cụ giúp đỡ cho dự án được tiến triển nhanh hơn thôi!

 

- Xin cảm ơn ông!

  • Hoàng Hường (thực hiện)

 

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,