221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
959876
Phim Lý Công Uẩn: Gà cúng cần phải để nguyên con!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Phim Lý Công Uẩn: Gà cúng cần phải để nguyên con!
,

(VietNamNet) - "Đã có ý kiến tham mưu với anh Tiến rằng nên chặt phim ra nhiều phần giao cho nhiều đạo diễn. Gà cúng thì phải để nguyên con chứ ai lại xẻ ra chia nhau trước khi đặt lên bàn thờ cụ Lý - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

 

 > Phim Lý Công Uẩn: Càng bàn càng rối!

 > Phim Lý Công Uẩn: Sáng tạo chán lại quay về “truyền thống”!

 > Phim 1000 năm Thăng Long: Làm lấy được may ra thì kịp!
 > Kịch bản phim 1000 năm Thăng Long có bị bỏ quên?
 > Phim lịch sử 1000 năm Thăng Long: 2 dòng nhưng 1 chuẩn?
 > Sẽ có một "mùa" phim lịch sử Việt Nam?

 

Đỗ Minh Tuấn là một trong những người đã tham gia dự án làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội từ những ngày đầu. Trong bốn kịch bản tham gia đấu thầu, anh góp tới hai. Xung quanh vụ việc này Đỗ Minh Tuấn nói gì?

 

Chọn đạo diễn cần minh bạch, công khai

 

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn

Anh có nghe thông tin đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã được chọn làm đạo diễn phim Thái tổ Lý Công Uẩn và đã liên hệ với một công ty để lo việc chọn diễn viên cho phim?

 

- Tôi không biết chuyện này. Hiện nay anh Lê Đức Tiến (Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam) đang giao cho tôi chuẩn bị làm một phim hài nhựa và viết kịch bản 30 tập phim hài dã sử cho truyền hình. Tôi đã phí quá nhiều thời gian cho việc đợi chờ triển khai dự án nên bây giờ tôi phải làm việc khác để có tác phẩm và có tiền lo cho cuộc sống gia đình.

 

Tôi thấy Hãng cũng đang chuẩn bị rậm rịch cho phim Lý Công Uẩn, tuần trước đến Hãng thấy đã có văn phòng của dự án, nhưng tôi không hỏi về việc đó. Cách đây một tháng anh Tiến có cho tôi biết Hãng đang tổ chức viết lại kịch bản và sẽ chọn đạo diễn sau khi kịch bản được duyệt. Ngoài ra sẽ có cuộc đi khảo sát ở nước ngoài gì đấy. Nhưng tất cả đang phải chờ kịch bản, chờ tiền.

 

Cũng có thể Lưu Trọng Ninh chưa được ai giao nhiệm vụ, nhưng máu đạo diễn nổi lên nên thấy ai đó hợp vai Lý Công Uẩn hay hoàng hậu, cung phi là anh ấy gặp gỡ thỏa thuận miệng luôn để sau này nếu có được giao làm đạo diễn thì chủ động. Gặp được người hợp vai khó lắm, gặp người xinh mà hợp vai còn hiếm hơn.

 

Tôi cũng vậy thôi. Từ năm ngoái khi việc đấu thầu chưa đâu vào đâu nhưng tôi cũng đã móc nối với nhiều đối tác ở Mỹ, Pháp, Thái Lan, Singapore để lo chuyện kỹ xảo, chuyện cố vấn, chuyện đối tác du lịch kết hợp sản xuất phim, chuyện bán phim cho các thành phố lớn, rồi liên hệ với các nhóm kỹ xảo ở Hà Nội bảo họ vẽ thử Thăng Long xưa... Lo dần để tranh thủ thời gian, nếu mình không được làm thì bàn giao cho người khác.

 

Nhưng nếu lúc ấy mà ai biết chuyện thì họ cũng dễ tung lên báo là Đỗ Minh Tuấn đã được chọn làm đạo diễn phim Lý Công Uẩn, đang lo chuyện nọ chuyện kia...

 

Quan điểm của anh về việc chọn đạo diễn thế nào? Theo anh “đối thủ” Lưu Trọng Ninh có những điểm mạnh và yếu nào phù hợp hoặc không phù hợp với dự án này?

 

- Tôi chưa bao giờ coi Lưu Trọng Ninh là đối thủ. Nếu anh ấy đã được chọn thì tôi cũng chúc mừng cho anh ấy. Hiện nay, tôi cũng đang học anh ấy đây. Hai năm qua, khi tôi mài mòn ghế thư viện để nghiên cứu viết lách về cụ Lý Công Uẩn thì anh ấy cầm tiền tỷ đi làm phim truyền hình nhiều tập. Tôi thấy mình dại dột ảo tưởng về thái độ xã hội, thấy thương vợ thương con, nên bây giờ cũng bớt quan tâm tới dự án và những người tham gia dự án.

 

Còn quan điểm chọn đạo diễn thì tôi đã nói rõ trước hội nghị cơ quan khi anh Lê Đức Tiến mới nhậm chức. Tôi nói rằng cần công khai, minh bạch, tránh "họp kín" để chọn đạo diễn, cũng không cần ưu tiên những người đã tham gia đấu thầu đạo diễn. Nghĩa là tôi mất gần hai năm theo đuổi dự án cũng cần được đặt ngang bằng với những đạo diễn chưa một ngày nghĩ đến dự án, tất cả sẽ bình đẳng để đấu thầu nội bộ.

 

Ai muốn làm đạo diễn, kể cả anh Lê Đức Tiến, cũng cần trình bày ý tưởng, kế hoạch và những giải pháp cụ thể của mình trước cơ quan. Ai được cơ quan tin tưởng nhất trí chọn thì người đó sẽ làm đạo diễn. Được mọi người tâm phục khẩu phục thì làm mới đàng hoàng, chứ còn được làm do chạy chọt, móc nối  thì cũng chẳng có gì là vinh dự. Nhưng việc đó chỉ có thể diễn ra sau khi có kịch bản cuối cùng được duyệt. 

 

Tôi vẫn đang chờ kết quả đấu thầu

 

Đến nay anh đã nhận được thông báo chính thức nào từ phía ban tổ chức về số phận của những kịch bản anh đã gửi tới đấu thầu?

 

- Từ khi gửi kịch bản tham gia đấu thầu, tôi đã hai lần nhận được thông báo bằng văn bản từ Văn phòng ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội về những nhận xét của Hội đồng tư vấn và giám định kịch bản (Hội đồng GĐKB) với những yêu cầu sửa chữa nâng cao cụ thể. Nhưng đến lần cuối thì Hội đồng chưa có trả lời chính thức, chỉ mời đến họp chung một buổi có báo giới nói là cả bốn kịch bản đều “chưa đạt”, Hội đồng sẽ đưa cả bốn cho Ban chỉ đạo làm phim kỷ niệm (BCĐ) quyết định, hy vọng BCĐ sẽ có những biện pháp đột phá.v.v. Cho đến nay, tôi vẫn chưa nhận được sự trả lời chính thức nào về kết quả đấu thầu. Tôi không rút kịch bản như có người đã nói, tôi vẫn đang dự thầu. Tôi vẫn hàng ngày ra hòm thư xem có thấy công văn trả lời của Hà Nội không, nhưng chưa thấy.

 

Hội đồng đánh giá kịch bản của anh ra sao? Anh có thấy triển vọng nào trong quá trình làm việc với họ không?

 

- Trong lần làm việc đầu tiên với các đại diện của Hội đồng gồm NGND Lê Đăng Thực (Chủ tịch Hội Đồng), GS.TS Đình Quang, GS Lê Văn Lan và ông Phạm Quang Long (Phó Ban chỉ đạo làm phim kỷ niệm), mọi người đều nói là kịch bản của tôi rất hấp dẫn, họ đọc một mạch cả hai kịch bản tôi nộp, kịch bản xây dựng được hình tượng Lý Công Uẩn nổi bật trong tư cách một hoàng đế, một thiền sư, một người chồng, người cha đầy tâm trạng và có số phận, tái hiện được văn hóa Phật giáo thời Lý, tái hiện được quá trình xây dựng văn hóa Thăng Long.v.v

 

Hội đồng cũng nhận xét kịch bản còn ôm đồm cả cuộc đời Lý Công Uẩn, đề nghị tập trung vào phần hai của kịch bản nói về việc dời đô và định đô. Lần thứ hai tôi sửa chữa, Hội đồng ghi nhận bằng văn bản nhiều ưu điểm cơ bản, song vẫn cho rằng kịch bản còn tham nhiều tình tiết, nhiều sự kiện, đề nghị bớt một số cảnh, làm đậm thêm quan hệ với quần chúng của Lý Công Uẩn.v.v..  và tôi lại lao vào sửa chữa.

Nhìn chung, qua các nhận định nói miệng hay bằng văn bản thì kịch bản của tôi ngày càng có nhiều hy vọng. Nhưng không hiểu sao đến phút cuối Hội đồng lại bất ngờ có thái độ như vậy, khiến tôi hồ nghi rằng Hà Nội đã nhắm sẵn đạo diễn nhưng vẫn tổ chức đấu thầu kéo dài để bóc lột trí tuệ một cách tinh vi? 

Gà cúng cần phải để nguyên con

 

Thời gian không còn nhiều, ban tổ chức nên chọn những chi tiết tốt trong mấy kịch bản đấu thầu để làm thành kịch bản tốt nhất, anh có cho đó là ý kiến hay và có đồng ý để họ "nhào nặn" kịch bản của anh?

 

Không nên gọi là “nhào nặn”, mà nên gọi là “xào xáo”, vì xào xáo không mang tiếng là bóp méo, mà lại có thể ăn nhậu được! Thực ra, thì giải pháp xào xáo đã được Hội đồng GĐKB đưa ra trong cuộc họp nói trên.

 

Nhưng ngay trong cuộc họp đó, tôi đã nói thẳng quan điểm của mình rằng không thể ghép Truyện Kiều với Chinh Phụ Ngâm được, vì mỗi kịch bản có tư tưởng riêng và hình tượng  nghệ thuật riêng. Tôi đã nói rõ quan điểm với Hội đồng GĐKB là tôi  sẽ tự sửa theo yêu cầu của BCĐ mà không cho phép người khác xào xáo. Vì nếu xào xáo kịch bản của tôi, tức là vẫn kịch bản ấy thôi nhưng lại đứng tên người khác và thêm vài ba thứ râu ria.

 

Anh có thể nói cụ thể hơn về chuyện này?

 

- Kịch bản của tôi là kịch bản đầu tiên và duy nhất viết về những xung đột của quá trình dời đô và định đô, xây dựng và bảo vệ văn hóa Thăng Long. Vì thế, nếu để người khác không có ý tưởng đó xào xáo kịch bản của tôi, có nghĩa là cho phép họ sử dụng nền móng đã có sổ đỏ và đã xây nhà cửa của mình để họ bưng thêm rổ rá, ti vi, máy giặt của họ sang, biến thành nhà của họ.

Hình như Hollywood vẫn có kịch bản viết chung, người này viết thoại, người kia viết hành động. Ta cũng nên học cách làm công nghiệp như họ chứ?

 

- Trong cuộc gặp với các đạo diễn và biên kịch của Viện hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ, những người đã được giải Oscar, tôi có hỏi họ về việc đó, họ nói không có chuyện tác giả tập thể. Có đồng tác giả, nhưng có người chính có người phụ. Phải xác định được kịch bản nào là nền tảng, từ đó mới sử dụng các chất liệu tương hợp từ các kịch bản khác.

 

Ở đây, Hội đồng GĐKB không khẳng định một kịch bản chính làm nền tảng cho sửa chữa, mà đưa tất cả 4 kịch bản ra để định xào xáo. Thế là lẩu thập cẩm chứ không phải kịch bản, hòa cả làng kiểu thôn xã Việt Nam chứ không phải công nghiệp kiểu Hoa Kỳ. Cái tư duy ban phát, chia phần trong xã hội cũng chi phối gây áp lực nặng nề với giám đốc Hãng. Đã có ý kiến tham mưu với anh Tiến rằng nên chặt phim ra nhiều phần giao cho nhiều đạo diễn. Hôm họp cơ quan tôi đã nói vui rằng: “Gà cúng thì phải để nguyên con chứ ai lại xẻ ra chia nhau trước khi đặt lên bàn thờ cụ Lý”.

 

Giữ bản quyền để các đối tác yên tâm

 

Vì sao anh đăng ký bản quyền kịch bản khi đang trong quá trình đấu thầu? Liệu có ảnh hưởng đến dự án?

 

- Tôi không nghĩ về chuyện tên tuổi. “Áo gấm đi đêm” trong chuyện sáng tác thì tôi cũng đã trải nhiều hơn bất cứ ai trong nghề điện ảnh rồi. Trong gần hai mươi phim đã làm, trừ 5 phim tôi tự viết kịch bản, hàng chục phim làm từ kịch bản của người khác tôi đều viết lại kịch bản từ 50% đến 80%, về ý tưởng xuyên suốt thì coi như thay đổi hoàn toàn, thế nhưng hầu hết tôi không đề tên đồng tác giả, cũng chẳng đòi chia tiền như người ta vẫn làm, trừ khi tác giả đề nghị.

 

Cả đời áo gấm đi đêm rồi, tiếc gì một cái kịch bản phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nôi. Tôi đăng ký bản quyền vì có một số đối tác trong ngoài nước muốn đầu tư làm kịch bản của tôi trong trường hợp Hà Nội không sử dụng. Tôi vẫn đang chờ Hà Nội trả lời bằng văn bản kết quả đấu thầu rồi mới thảo luận với các đối tác khác.Trong lúc đó cần đăng ký bản quyền để sau này ai đầu tư cho tôi họ có thể yên tâm.

 

Nếu trong kịch bản "xào" có chuyện xung đột khi dời đô và định đô thì đó là vi phạm quyền tác giả. Trong sử không nói chuyện có người chống lại Lý Công Uẩn dời đô như tôi đã hư cấu trong kịch bản. Đây là ý tưởng riêng của tôi trong việc xử lý các nhiệm vụ đấu thầu, các tiêu chí thành văn và không thành văn mà tôi lĩnh hội được trong quá trình Hà Nội chỉ đạo, giám định việc đấu thầu.

 

Thời gian ba năm là quá rộng dài

 

Từ quan điểm cá nhân, anh có thể nhận xét thẳng thắn, dự án này đã quá trục trặc ngay từ lúc đầu, giờ lại thiếu quá nhiều yếu tố cần và đủ để thực hiện, thời gian lại đã quá gấp gáp, anh có cho rằng rất khó để chúng ta ra được một bộ phim ra phim?

 

- Đã muốn thẳng thắn thì đừng tự ái nhé. Ngoài những nguyên nhân đã nói ở trên, dự án trục trặc một phần vì Hà Nội và BCĐ làm phim kỷ niệm quá tôn trọng dư luận, nên có xu hướng đẽo cày giữa đường, đối phó với công luận, chạy theo trí tưởng tượng lông bông của xã hội về việc làm phim (tưởng tượng về kịch bản, về đạo diễn, về tiến độ, về tư liệu.v.v một cách thiếu thông tin và thiếu hiểu biết về thực tế làm phim lịch sử).

 

Những người lo lắng cho việc phim không đủ thời gian cũng xuất phát từ thực tế một số công trình như Tượng đài Điện Biên Phủ làm vội vàng cho kịp Lễ kỷ niệm nên chất lượng kém, dẫn đến chuyện phải đưa một số người liên đới ra tòa. Nhưng vơ đũa cả nắm, đánh đồng việc nọ với việc kia, phát biểu với thái độ cực đoan một chiều thiếu hiểu biết về chuyên môn thì lại càng làm rối thêm công việc vốn đã rối bời. Mỗi bài báo “ra đòn” làm tiêu ma của dự án chừng vài tháng.

 

Thế rồi, chính những sát thủ thời gian lại kêu ca về việc còn quá ít thời gian. Thời gian ba năm không nhiều, nhưng cũng đủ để làm một bộ phim có tầm có chất lượng nếu đạo diễn chủ động được nhiều phương diện. Nghĩa là đừng chọn những đạo diễn bây giờ mới đòi tiền mua sách để đọc. Khác gì mang xô nước từ Thụy Khuê ra tưới cho cây cổ thụ cằn cỗi ngoài Bách Thảo hy vọng nó đơm hoa? Phải đọc sách từ hai ba mươi năm trước. Cũng đừng chọn những đạo diễn kêu ca không có tư liệu, không biết vua mặc thế nào, lính đóng khố ra sao.Tư liệu đầy trong sách, người ta đã nghiên cứu từ thế kỷ trước rồi, không phải chờ Hãng phim truyện nghiên cứu về lịch sử văn hóa.

 

Các nghệ sĩ chỉ cần có hiểu biết tối thiểu để khai thác và sử dụng tri thức quá khứ vào phim. Cũng đừng chọn những đạo diễn ngồi một chỗ chờ tiền, chờ quyết định. Anh ta sẽ tiêu phí vài tháng cho một việc cỏn con. Phải biết xông đến những nơi ách tắc, thúc đẩy, xử lý các tình huống một cách chủ động. Trước đây chúng tôi hoàn thành Ký ức Điện Biên chỉ trong tám tháng từ khi nhận kịch bản mà vẫn đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaisia và Bruney, vì đã xông xáo tận dụng thời gian như thế. Khi công văn gửi lên Bộ quốc phòng xin phép nhảy dù, nổ mìn lâu không có hồi âm, tôi đã phải vào tận hành lang cuộc họp quốc hội gặp tướng Phùng Quang Thanh đưa công văn đề nghị giải quyết gấp, sau này khó khăn gì lại gọi điện thoại và được ông ủng hộ nên công việc thông ngay.

Thời gian ba năm, với tôi là quá rộng dài. Một năm chuẩn bị, một năm quay, nửa năm làm hậu kỳ, vẫn còn nửa năm để bổ sung chỉnh sửa. Ở ta chưa có phim nào thời gian thực sự sản xuất dài đến một năm. Các phim bom tấn của Hollywood cũng chỉ làm đến hai năm. Đạo diễn là động lực thúc đẩy bộ phim, là keo dính kết nối các yếu tố tản mạn và rời rạc, nếu đạo diễn được khẳng định sớm dự án sẽ bớt đi những thời gian chết do tính toán chay hay xé lẻ về quản lý.

 

Đừng chạy theo những sáng kiến nghiệp dư

 

Có ý kiến cho rằng lẽ ra bây giờ nên triển khai cho may phục trang, cho vẽ bối cảnh để tiết kiệm thời gian?

 

- Nếu phục trang điện ảnh giống như phục trang của bảo tàng thì Hà Nội nên đưa tiền cho bảo tàng chứ không phải đưa cho Hãng phim truyện VN. Phục trang và bối cảnh trong phim lịch sử là hình tượng điện ảnh khúc xạ qua nhãn quan nghệ thuật của người nghệ sỹ. Phim Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu sử dụng toàn màu vàng cho phục trang để tạo ấn tượng nghệ thuật riêng và thông điệp về một thời đại phù hoa nhưng mục ruỗng.

 

Nếu bây giờ chưa có đạo diễn, chưa có kịch bản mà đã làm phục trang và bối cảnh thì chưa hiểu về điện ảnh. Phục trang vẽ theo ý tưởng nghệ thuật nào? Kích cỡ ra sao hay cứ làm ba cỡ để sau diễn viên mặc vừa cỡ nào thì dùng cỡ ấy, hai cỡ kia để dành cho phim khác? Số lượng áo quan, áo lính là bao nhiêu khi chưa biết quy mô kịch bản sẽ được duyệt? Bối cảnh xây dựng ở đâu, quay về hướng nào? Nếu đạo diễn có giải pháp làm kỹ xảo thì có cần may nhiều quần áo lính và dựng đầy đủ cả bối cảnh không? Những người đưa ra giải pháp làm dần khi chưa có kịch bản và đạo diễn tưởng như thế là chuyên nghiệp, nhưng thực ra là rất nghiệp dư.

 

Cuối cùng, xin hỏi anh một điều khá tế nhị. Liệu anh Lê Đức Tiến có tự phân công mình làm Tổng đạo diễn như tin đồn không?

 

- Anh Tiến là một đạo diễn giỏi, làm tổng đạo diễn cũng được, có thể cũng muốn làm vì đạo diễn ai chẳng ngứa nghề, nhưng anh ấy đủ sáng suốt để không tự xếp mình vào việc ấy. Vì ý tưởng này dù do ai đề xuất cũng chỉ là một sáng kiến nghiệp dư.

 

Trời có mắt không bao giờ lại đày đọa chất lên vai một người cả ba việc lớn là: Giám đốc Hãng phim, Giám đốc sản xuất phim dự án và Tổng đạo diễn phim dự án. Anh Tiến là một giám đốc giỏi, mới ba tháng ra đây mà Hãng phim truyện VN đã sôi động hẳn lên, từ chỗ đói việc, phương tiện xếp mốc trong kho, bây giờ nhiều việc đến nỗi không đủ người không đủ phương tiện để làm. Nếu anh ấy làm cả Giám đốc sản xuất và Tổng đạo diễn phim dự án thì chắc hẳn công việc Giám đốc Hãng sẽ phải đẩy cho người khác, và Hãng sẽ thiệt thòi.

 

Anh ấy sẽ mang tiếng là ra làm giám đốc chỉ để giành cơ hội đạo diễn phim dự án. Mà thực ra tâm nguyện lớn nhất của anh Tiến như anh từng tâm sự với nhiều người là làm cho Hãng phim truyện VN phát triển. Khi đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hóa đưa anh Tiến ra làm Giám đốc, nhiều nghệ sỹ hy vọng anh ấy là cái phễu để xã hội rót kinh phí, rót công việc, rót dự án cho cơ quan. Bây giờ cái phễu lại tự rót cho mình chẳng hóa ra “cái phễu tắc” hay sao? Tôi không nghĩ anh Tiến sẽ đánh đổi tâm nguyện lớn của mình lấy danh hiệu “cái phễu tắc” đâu!

 

Xin cám ơn anh.

  • Hoàng Hường (thực hiện)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,