,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
132555
Phát hiện thêm dấu vết lâu đài rất cổ của kinh thành Thăng Long
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Phát hiện thêm dấu vết lâu đài rất cổ của kinh thành Thăng Long

Cập nhật lúc 07:40, Thứ Hai, 27/10/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Khi tiến hành khai quật ở hố B16 (400m2) thuộc địa điểm dự kiến xây dựng toà nhà Quốc hội mới, nhà khảo cổ học Bùi Vinh (Viện khảo cổ học) đã phát hiện một toà lâu đài 3 tầng lầu, 4 mái, dạng hình tháp toạ lạc trên một diện tích xấp xỉ 1000m2 (hai chiều ngang dọc, mỗi chiều dài trên 30m) thuộc hệ thống các cung điện Thăng Long xưa. Theo đánh giá của ông Bùi Vinh thì đây là công trình đầu tiên, có tầm cỡ và giá trị nhất được tìm thấy từ trước đến nay ở Việt Nam. 

Việc phát hiện ra lâu đài này được coi là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hoành tráng của kinh thành Thăng Long từ thời Lý-Trần.

Hố khai quật B16.

Dấu vết cấm thành?

Trên mặt bằng đã đào được của hố B16 đã có nhiều dấu vết của thời Tiền Thăng Long (tương ứng thời thuộc Đường với những mảng nền gạch đặc trưng của thời kỳ này, đặc biệt có gạch Giang Tây Quân đã được dùng để xây dựng kinh đô Hoa Lư.

Lâu đài tìm thấy được cho rằng có từ thời Lý, đến thời Trần đã được cải tạo lại và sau đó bị tiêu huỷ do cháy. Những dấu vết đã thu thập được cho thấy lâu đài này nằm ở trung tâm khu vực hoàng thành và cấm thành của Thăng Long xưa, kéo dài từ thời Lý đến thời  Lê. Xây chồng lên khu vực này là một công trình khác của thời Lê.

Nhà khảo cổ Bùi Vinh cũng tiết lộ ''ngay tại hố B16 cũng đã xuất lộ nền kiến trúc thời Lý ngay khi kinh đô được rời từ Hoa Lư tới Thăng Long. Thêm vào đó, tại khu vực này có rất nhiều hình Phượng, Rồng, biểu tượng của hoàng tộc. Đây có thể coi là nơi vua ngự đến để thăm hoàng hậu''. 

Thêm vào đó, tại hố B16 cũng đã tìm thất một hệ thống trụ móng, chân tảng đá hoa sen trong đó có trụ trung tâm. Một chân tảng duy nhất trong khu khảo cổ này có hình chữ thập ở giữa thể hiện tính chất trung tâm với mặt tiền quay về hướng nam. Theo lý thuyết, các cung điện của bậc đế vương, đặc biệt của Trung Quốc và Việt Nam đều quay về hướng nam. Theo thuyết phong thuỷ, quay về hướng nam không chỉ mát mẻ mà còn là hướng trị vì thiên hạ, hướng hưng thịnh.  Nghiên cứu các kinh đô của TQ từ thời Hán đến sau này, các cung điện đều quay về hướng nam. Cung điện có rất nhiều toà ngang dãy dọc nhưng trục chính vẫn theo hướng Bắc Nam. 

Mặc dù trước đây các nhà khảo cổ đã đoán định được di chỉ này nằm trong khu vực hoàng thành, thậm chí là cấm thành Thăng Long suốt từ thời Lý, Trần đến Lê nhưng do tiến hành khai quật quá nhanh khiến cho nhiều tầng lớp kiến trúc không thể hiện rõ. 

Hoàng thành Thăng Long cổ có quy mô lớn hơn Huế?

Trung tâm KHXH&NV quốc gia đã đánh giá rất cao các di chỉ này qua bản báo cáo được thực hiện hết sức công phu mới đây có tên Kinh đô Thăng Long. Báo cáo này cũng đã so sánh di tích cung điện của kinh đô Thăng Long với một số cung điện đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Theo Trung tâm KHXH&NV quốc gia, so sánh diện mạo kiến trúc Di sản Cố đô Huế với Thăng Long, dù mới chỉ so sánh qua mặt bằng bình đồ kiến trúc và vật liệu trang trí kiến trúc, cũng có thể nói rằng kiến trúc cung điện của kinh đô Thăng long có phần to lớn và hoành tráng hơn nhiều cung điện ở Cố đô Huế. Ví dụ: Điện Thái Hoà nơi thiết triều của triều đình nhà Nguyễn được xem là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc Hoàng cung Huế to lớn, đồ sộ khác thường cũng chỉ có diện tích: 1305m2 (dài 43m, rộng 30m) hay cung Điện Thọ nơi ở của các Hoàng Thái Hậu cũng có kích thước dài 35m, rộng 26m. Trong khi đó, dấu vết nển móng kiến trúc của một toà cung điện vừa phát hiện ở Thăng Long (khu A) đã có chiều dài 62m, rộng 30m (chưa kể phần kiến trúc đang còn tiếp tục nằm dưới đất chưa đào.

Cũng theo so sánh, đánh giá của Trung tâm KHXH&NV quốc gia, cung điện và kinh thành của Thăng Long có lịch sử lâu đời hơn, quy mô lớn rộng và đẹp hơn kinh đô Nara, Di sản Thế giới của Nhật Bản.

  • Bích Hạnh

,
,