,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
135241
Những uẩn khúc quanh tượng đài ''Cảm tử''
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Những uẩn khúc quanh tượng đài ''Cảm tử''

Cập nhật lúc 08:18, Thứ Bảy, 01/11/2003 (GMT+7)
,

 

 

Tượng đài "cảm tử cho tổ quốc quyết sinh".

(VietNamNet) - Người Hà Nội hàng ngày vẫn đi qua bức tượng Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh bên cạnh đền Bà Kiệu, hồ Hoàn Kiếm. Gần đây nhiều người biết nó sẽ bị di dời vì "quá xấu xí", nhưng ít ai biết rằng phía sau nó có một câu chuyện dài đầy uẩn khúc.

Thăng trầm đời tượng...

Bức tượng được cố nghệ sĩ Kim Giao sáng tác năm 1984. Ngay khi sắp khánh thành, nhiều hoạ sĩ và nhà điêu khắc đã lên tiếng phản đối. Người ta chê bố cục tượng đài rời rạc, mỗi nhân vật quay một hướng. Giới mỹ thuật đã vậy, dân gian còn thậm chí đặt câu vè chế giễu: "Cô gái cầm gươm như quét rác/ Chàng trai đánh giặc tựa ngồi chơi".

Hằng năm, cứ đến những ngày kỷ niệm của quân đội, đề tài ấy lại được khơi dậy, cả trong giới mỹ thuật lẫn trong các cụ từng là chiến sĩ quyết tử. Nhiều cụ phê phán tư thế cầm bom ba càng của nhân vật anh bộ đội. Họ bảo, cầm bom ba càng mà dựng ngược lên như thế thì nó nổ mất chứ còn gì! Chứng tỏ người làm tượng chả hiểu gì về chuyện chiến đấu cả. Giáo sư Hoàng Giáp còn cho rằng để tượng mặc áo trấn thủ là không phù hợp, vì áo trấn thủ chỉ có ở thời chiến khu Việt Bắc.

Nhưng gây tranh cãi nhất là dòng chữ "Cảm tử ..." Các cụ từng là chiến sĩ quyết tử quả quyết rằng họ chưa bao giờ thề là "cảm tử..." cả. Chẳng lẽ chúng tôi thề mà chúng tôi lại không biết hay sao! Bà Bích Thuận, người mã hoá các bức thư gửi của Bác Hồ, cũng khẳng định là "quyết tử..." chứ không phải "cảm tử...". Ở một bức tượng của Trung đoàn Thủ đô cũng thấy khắc lời thề ấy, mở đầu là "Quyết tử...". Cuối cùng, cuộc tranh luận này đã đi đến hồi kết, và phe "quyết tử..." đã thắng.

Sau những tranh cãi vô độ, vấn đề được giải quyết bằng cách UBND thành phố quyết định thay mới tượng đài quyết tử, khởi đầu là cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài mới. Cuộc thi được phát động từ giữa tháng 6 và kéo dài đến tháng 9/2003 thì kết thúc vòng 1. Như vậy tượng đài của cố nghệ sĩ Kim Giao sẽ bị thay (bức tượng cũ sẽ được di chuyển vào Bảo tàng Hà Nội - mà bảo tàng này thì đến nay vẫn... chưa xây!).

Trong giới mỹ thuật, hầu như ai cũng nghe câu chuyện truyền miệng là ông Kim Giao sáng tác mẫu tượng đài rất đẹp nhưng bị sửa trở nên... buồn cười. Nhưng thực tế thì không ai còn lưu giữ hay công bố tư liệu gì về phác thảo đầu tiên đó. Ông Dương Trung Quốc, chủ trì hội thảo về thay đổi tượng đài, một người cẩn trọng và nhân hậu, rất muốn một cách giải quyết ổn thoả, vừa không làm tủi người đã khuất lại vừa có tượng đài mới. Một lần đi công tác tình cờ ông gặp nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh. Ông Thanh than thở về chuyện đổi tượng cảm tử và đưa cho ông Dương Trung Quốc xem bức ảnh chụp phác thảo gốc của tượng đài.

Phác thảo gốc diễn tả hình tượng một cô gái cầm gươm đứng bên một chàng trai cầm bom ba càng, phía sau là một bức tường gạch nham nhở. Không hiểu sao, có lẽ những người duyệt tượng quan niệm là các nhân vật trong tượng đài chưa có đủ đại diện cho các giai cấp xã hội, cho nên khi hoàn thành, tượng đài lại thành ra có 3 nhân vật: cô gái cầm gươm, anh công nhân ngồi cầm súng, và một anh bộ đội đứng cầm bom ba càng dựng ngược, như ngày nay chúng ta thấy.

Là bạn thân của nghệ sĩ Kim Giao, ông Thanh đã gìn giữ bức ảnh này, và ngậm ngùi suốt 20 năm qua. Còn nghệ sĩ Kim Giao mất sớm, năm ấy mới 54 tuổi. Có những người gắn bó, hiểu ông, hiểu nội tình câu chuyện, lại thương cho một người rơi vào bi kịch "đẽo cày giữa đường".

Ông Dương Trung Quốc nhìn thấy bức ảnh, rất ngạc nhiên và tâm đắc, liền nêu ý kiến nên xem xét lại phác thảo gốc này vì theo ông nó không những rất đẹp mà còn là cách giải quyết có trước có sau với người đã khuất.

Khi bức ảnh được công bố rộng rãi, cả giới chuyên môn hầu như đều thừa nhận thực tế là phác thảo gốc có nhiều điểm khác biệt, ưu điểm hơn rất nhiều so với tượng đài cảm tử hiện đang tồn tại. Thể theo đề nghị của ông Dương Trung Quốc, tác phẩm này được xét chọn đặc cách vào vòng 2 của cuộc thi (cùng với 6 mẫu khác chọn từ 20 mẫu dự thi), mặc dù người ta chỉ biết tới nó qua một bức ảnh duy nhất.

Nhưng phác thảo gốc không chỉ còn ảnh...

 

 

 

Phác thảo gốc tượng đài "cảm tử...".

Tuy nhiên, sự thực là phác thảo gốc của nghệ sĩ Kim Giao không chỉ còn ảnh như người ta tưởng. Theo nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, một thành viên Ban giám khảo, hiện phác thảo khối (nhỏ) vẫn còn và do một người anh trai của ông Kim Giao là ông Tiêu cất giữ. Chúng tôi liên hệ với ông Tiêu, được biết đúng là tượng do ông giữ, một bức bằng thạch cao, cao độ 60 phân, màu xam xám như xi măng, hiện vẫn còn nguyên vẹn. Từ câu chuyện của gia đình ông Tiêu, có thể hình dung như sau, trong khi tượng đài cảm tử đã được đặt trang trọng bên bờ hồ thì "tiền thân bất đắc dĩ" của nó, thứ được làm ra trung thực với ý tưởng của tác giả, lại bị quên lãng trong một góc tối nào đó của xưởng điêu khắc. Và chính tác giả của nó, hoặc là buồn chán, hoặc vì một lý do nào đó mà không muốn giữ gìn. Sau khi ông mất đi, đồ đạc cũng ly tán. Nhưng có một người đã nhìn thấy tâm huyết của tác giả Kim Giao thể hiện qua bức tượng thạch cao. Người đó đã mang về Thái Nguyên giữ nó suốt 20 năm, cho đến tận hôm nay. Đó chính là anh trai của tác giả, một người hoàn toàn không biết gì về hội họa.

Gia đình ông Tiêu cho biết, từ sau khi chuyện bức tượng Kim Giao được khơi ra, có nhiều người đã điện lên để hỏi xin hoặc mượn gia đình phác thảo gốc đó.

Chưa chọn được người chuyển khối phác thảo của Kim Giao!

Hội Mỹ thuật Hà Nội đã được uỷ nhiệm hoàn thiện công trình của cố nghệ sĩ Kim Giao theo như ảnh phác thảo gốc. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, đến giờ phút này, phác thảo vẫn chưa biết sẽ được giao cho người nào chuyển khối. Đây là một vấn đề khá phức tạp và tế nhị. Một số vị trong Ban giám khảo như ông Lưu Danh Thanh hay ông Dương Đăng Cẩn là những người tâm huyết nhất với tác phẩm, thì do trọng trách của mình lại không thể đảm nhiệm thêm vai trò này, sợ rằng nó có thể dẫn tới không công tâm.

Còn những người khác thì sao? - Khi từ chỗ bị chê bai kịch liệt đến chỗ được đánh giá cao, được hưởng "đặc cách", câu chuyện ly kỳ xung quanh tác phẩm của Kim Giao trở thành như một câu chuyện về một "nỗi oan khuất" được làm cho minh bạch. Nếu tác phẩm được vào vòng trong, nó sẽ mang lại nhiều quyền lợi về tinh thần và cả vật chất cho những người liên quan. Đó là những lý do tại sao có nhiều áp lực và sự thách thức đè lên vai người nào nhận trách nhiệm chuyển khối tượng (từ ảnh thành cỡ 1,2m). Một thành viên ban giám khảo giải thích với chúng tôi: "Người ta bàn tán quá nhiều xung quanh tượng đài này. Bây giờ chuyển khối tượng, nếu tác phẩm đó được lọt vào vòng trong thì đã đành, nhưng nếu không được, thiên hạ lại bảo "tại ông chuyển khối không nên hồn!". Hơn nữa, một vấn đề tế nhị nhưng không thể không nói đến là nếu được thì số tiền từ tác phẩm ấy sẽ chia bôi thế nào giữa người chuyển khối với gia đình cố nghệ sĩ!?"

Nhận xét về phác thảo của cố nghệ sĩ Kim Giao, nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn, một thành viên Ban giám khảo cho biết: "Hầu như tất cả Hội đồng giám khảo đều thích bức phác thảo của Kim Giao. Phông nền tượng đài là một bức tường gạch nham nhở đã tái hiện xuất sắc không khí sôi sục của cảnh chiến đấu trong giao thông hào ở Hà Nội, cái cảnh đục tường từ nhà này sang nhà khác thời kỳ sau cách mạng tháng Tám.

Trong 7 phác thảo lọt vào vòng 2, bức của Kim Giao "ngang ngửa" với những bức khá nhất, thậm chí còn có vẻ "nhỉnh" hơn một chút. Còn một bức thứ hai cũng được đánh giá cao là tác phẩm của một hoạ sĩ có phong cách sáng tác rất hiện đại, diễn tả một anh bộ đội ôm bom ba càng từ trong phố lao ra, đằng sau là một dãy phố cổ, gợi được không khí chiến đấu trong thành phố".

Người khen có, tuy nhiên, cũng có những người tỏ thái độ hoài nghi. Họ cho rằng bức tượng của Kim Giao đã gắn với một câu chuyện gần như là huyền thoại, nếu bây giờ lại chọn nó thì về thực chất chưa biết thế nào nhưng có vẻ cảm tính quá.

Từ 7 mẫu phác thảo, Hội đồng thành phố sẽ chấm để chọn ra 3 mẫu, sau đó sẽ tổ chức trưng bày, lấy ý kiến nhân dân trước khi chọn một mẫu duy nhất để thực hiện. Dự kiến, tượng đài sẽ được khởi công vào đầu năm 2004. Cho dù có được chọn hay không, câu chuyện xung quanh phác thảo gốc tượng đài "Cảm tử..." cũng tạo cho tác phẩm một đời sống riêng và đã đưa nó từ chỗ bị quên lãng đến chỗ được nhìn nhận lại giá trị đích thực. Những thăng trầm nó phải trải qua khiến cho tượng nếu có linh hồn chắc cũng đổ mồ hôi lã chã.

  • Đỗ Diễm Huyền
,
,