(VietNamNet) - Sau gần 4 tháng thành lập, những gì mà Hiệp Hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) nêu ra quanh thị trường băng đĩa nhạc mới chỉ dừng ở mức độ kiến nghị, nhưng sáng qua (23/3), RIAV đã chính thức lên tiếng bằng một kiến nghị khẩn cấp nhằm kêu gõi sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan nhà nước.
Trước hết, phải ghi nhận công lao đóng góp của những thành viên RIAV cho thị trường băng đĩa nhạc trong những năm qua. Đó là sự ra đời của trên 150 triệu sản phẩm các loại. Con số này cũng có nghĩa là "nguồn tài nguyên" để giới kinh doanh băng đĩa lậu có trên 1 tỷ sản phẩm copy, một con số gây nhức nhối cho những đơn vị kinh doanh chân chính. Chống băng đĩa lậu là mục tiêu đấu tranh hàng đầu, RIAV muốn Nhà nước và các cơ quan chức năng quan tâm, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ.
Trong cuộc họp sáng qua, RIAV đã kiến nghị bãi bỏ giấy phép sản xuất. Ông Huỳnh Tiết - Phó Chủ tịch RIAV - Giám đốc Bến Thành Audio nhận xét: "Chúng tôi thống nhất và đồng tình việc duyệt chương trình. Đây là bước quan trọng không thể thiếu. Nhưng việc phải có giấy phép sản xuất, rồi xin thêm giấy phép phát hành là quá rườm rà". Ông Huỳnh Tiết cho rằng, tối đa của quy trình xin giấy phép làm băng đĩa, nếu không có sai phạm gì, chỉ nên kéo dài trong 20 ngày trở xuống. Để cô đọng hình ảnh, các hãng băng đĩa gói gọn trong ba chữ 'bị đày đọa" để diễn tả mức độ khó khăn, khổ sở khi xin "các loại phép" từ sở đến cục. Yêu cầu của các thành viên RIAV là bình đẳng, bình đẳng để cống hiến những chương trình nghệ thuật và dành thời gian chống lại băng đĩa lậu.
Sở dĩ các hãng băng đĩa đồng loạt phản ứng với việc cấp phép rườm rà vì phải qua quá nhiều công đoạn. Những công đoạn mang tính thủ tục như công văn xin phép, danh mục bài hát, văn bản bài hát - bài nhạc, đĩa master hoàn chỉnh, nhân thân nhạc sĩ, ca sĩ... còn chịu đựng được, nhưng đến những quy định mang tính cảm tính thì rất khó thuyết phục. Bà Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc TTBN Lạc Hồng phát biểu: "Tôi không hiểu nổi thế nào là não tình, là sex, là không phù hợp. Chúng ta phải có quy định cụ thể về việc này!". Bà Ngọc Hạnh còn đưa ra ví dụ đáng suy nghĩ trong việc cấp phép một chương trình ca nhạc. Chương trình này có phép phát hành VCD, xin thêm phép phát hành CD thì không cho vì "não tình", và còn bị thu hồi luôn giấy phép VCD. Để tránh thiệt hại, bà đã thay tên chương trình và cắt từ 13 bài còn 10 bài. Dĩ nhiên chương trình mới được phép phát hành. Nếu chương trình chỉ có vài bài não tình, tại sao không hướng dẫn nhà sản xuất cắt bỏ?
Trong cuộc họp, vấn đề con tem cũng được cân lại trọng lượng. Trước đây, để phân biệt hàng giả và thật thì phát sinh chuyện dán tem. Nhưng bây giờ hàng giả tràn lan và bày bán công khai thì con tem chỉ có giá trị khi đi qua cửa hải quan. Nhưng con tem là tiền, tem tồn kho là tiền tồn kho. Theo đúng quy định, tem chương trình nào chỉ sử dụng trong chương trình ấy đã làm tồn kho khoảng vài trăm triệu tiền tem của các hãng băng đĩa. Hãng Vafaco đã từng "xé rào" dán tem tồn kho lên sản phẩm mới và bị "tai nạn" tức thì. Vì vậy, kiến nghị khẩn cấp lần này về chuyện con tem là giao mã số cho từng hãng để dán lên tất cả chương trình của hãng. Và hãng phải chịu mọi chuyện liên quan đến con tem của mình.
Trước những ý kiến thống nhất của tất cả hãng băng đĩa lẫn hãng phim có mặt, ông Thân Lộc - Giám đốc Thùy Dương Audio, cắt ngang: "Những cuộc họp như thế này, như con khát sữa khóc than mỗi ngày mà "mẹ" chẳng quan tâm đến, nếu có, chỉ là cho uống chút nước cầm hơi. Vậy họp có ích gì". Thật sự, trong một cuộc họp mang tính sống còn cho ngành giải trí phát đạt nhất nước mà vị đại diện cao nhất của Sở VHTT lại xin phép ra về từ lúc mới bắt đầu vì lý do bận chuyện khác(?).
Để kết luận, cuộc họp tiến tới bản kiến nghị khẩn cấp gửi lên các cấp của RIAV, ông Huỳnh Tiết nhấn mạnh: "Tôi biết con đường của chúng ta sẽ rất gian nan và chưa biết bao giờ có kết quả. Nhưng chúng ta cứ tiếp tục kiến nghị, tiếp tục gửi đơn, đến khi nào được quan tâm thì thôi".
-
T.C