,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
241943
Thành cổ Hà Nội: Trước tiên phải khai quật?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Thành cổ Hà Nội: Trước tiên phải khai quật?

Cập nhật lúc 15:12, Thứ Tư, 28/04/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Thành cổ - một báu vật mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc bắt đầu từ sáng nay đã được Bộ Quốc phòng chuyển giao cho UBND TP Hà Nội. Hà Nội sẽ làm gì với di tích này, khi nào người dân bắt đầu được vào thăm...? Đó là những điều mà dư luận quan tâm hiện nay.

Lễ giao - nhận.

Tại lễ giao - nhận, Chủ tịch UBND TP.HN Hoàng Văn Nghiên khẳng định: "Chúng tôi xin bảo đảm gìn giữ tất cả những hình ảnh đẹp đẽ và vô giá của HN; có một kế hoạch đầy đủ để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, triển khai toàn diện và đầu tư thích đáng cho các công trình cần được phục hồi có tính chất lịch sử văn hóa". Bộ QP cũng đã đề nghị UBND TP.HN cũng như Sở VH-TT HN tiến hành xếp hạng các di tích lịch sử cách mạng nằm trong Thành cổ cũng như nghiên cứu trùng tu các di tích cách mạng. Tuy nhiên, một kế hoạch cụ thể thì hoàn toàn chưa có. Ông Phan Đăng Long, GĐ Sở VH-TT HN giải thích: "Vì đây là khu vực chồng di tích (đan xen các di tích lịch sử và cách mạng) nên cần phải quy hoạch và xử lý cẩn thận. Nhưng chắc chắn là phải tiến hành khảo cổ xong thì mới bàn tới các việc khác được".

Thành cổ Hà Nội hiện thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, với tổng diện tích 49.135m2. Gồm 4 khu: Bắc Môn (1112,6m2), Hậu Lâu (2475,1m2), Điện Kính Thiên (41865,8m2), Sở Chỉ huy của Bộ Quốc phòng) và Đoan Môn (3661,5m2). Năm 1998, Bộ QP đã bàn giao cho UBND TP.HN 3 khu Bắc Môn, Hậu Lâu và Đoan Môn với tổng diện tích 7269,2m2) và ngày 28/4 bàn giao nốt khu Kính Thiên. Khu Thành cổ HN được Bộ QP tiếp quản năm 1954 và quản lý từ đó đến nay. Bắt đầu từ ngày mai (29/4), UBND TP.HN có chính thức quản lý Thành cổ Hà Nội. Trước khi có cuộc bản giao chính thức này, Bộ QP và các cơ quan chức năng đã tiến hành nghiên cứu, phục chế tôn tạo toàn bộ Thành cổ HN.

Tuy nhiên, ngay cả khi quyết định một trong những việc trước mắt sẽ là tiến hành khai quật ở khu vực mới tiếp nhận, thì cũng có những khó khăn nhãn tiền. Trước hết, sự chồng lớp của các di tích qua các thời kỳ thể hiện sự phong phú của nó nhưng lại đồng thời gây nên một khó khăn cho công việc bảo tồn tôn tạo. Chỉ mới hình dung xem sẽ khai quật khảo cổ như thế nào, giữ lại cái gì, khai quật cái gì..., các nhà khoa học đã vấp phải  những câu hỏi lớn, khó có lời đáp.

TS. Phan Khanh băn khoăn: "Các di tích liên quan đến Bác Hồ, và thời kỳ cách mạng tất nhiên phải giữ. Nhưng thử đặt ra một câu hỏi: Vậy Điện Kính Thiên có giữ lại không? Thế là đã không thể có được câu trả lời thuận tình! Vì trên nền Điện Kính Thiên, nhà Con Rồng của Pháp đã xây chiếm đến 1/3 diện tích. Xây dựng lại thế nào? Hay ví dụ, trước đây chúng đã đào được con đường gạch hình hoa chanh của thời Trần, đó là con đường dẫn tới chính Điện Kính Thiên, nơi vua chúa đi trên đó để vào Điện. Ta cần đào tiếp để xem con đường đó dẫn đến đâu hoặc nó còn hay không. Nhưng căn nhà trước mặt nhà Con rồng, nơi con đường vừa nói dẫn từ Đoan Môn vào Điện Kính Thiên đi xuyên qua, lại nguyên là căn hầm của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội, cũng là một di tích quan trọng. Vậy phải làm thế nào?!".

Mặt khác, cho dù có tiến hành khảo cổ, thì cũng không thể làm sớm được. Lý do mà GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS đưa ra là, hiện nay 2.000m2 của khu Ba Đình còn chưa khai quật xong, huống hồ... Cho nên mọi thứ phải có thời gian. GS cũng nhấn mạnh: "Muốn bảo tồn tốt khu di tích này, HN phải sớm xây dựng một quy hoạch tổng thể về Thành cổ HN, theo nghĩa là bao gồm cả lịch sử từ Tiền Thăng Long đến tận thời đại Hồ Chí Minh, bao gồm cả các di tích còn lại trên mặt đất lẫn các di tích còn ẩn giấu trong lòng đất. Tuyệt đối không nên xây dựng một cách tùy tiện".

Rồng đá trước cửa Điện Kính Thiên xưa.

Một trong những người hiếm hoi nảy ra một ý cụ thể cho một cách cư xử với Cấm Thành là ông Dương Trung Quốc với ý tưởng Có nên đưa tượng đức Lý Thái Tổ vào đây. Ông lý luận: Vì ngài là người tiên khởi trong sự nghiệp dựng đô. Vả lại chỗ ở bên Hồ Gươm, nơi hiện quyết định đặt tượng, lại gờn gợn vì vướng phải những truyền thuyết không hay cho tượng được đặt ở đó. Đây là một đề xuất mà chính ông Dương Trung Quốc cũng chỉ nhận là ''vớt vát'', không biết UBND TP Hà Nội có đồng ý không.

 
 

Chốn thâm cung khi đã mở!

Mặc dù dấu tích kinh thành xưa chỉ còn là phế tích và nhiều người cảm thấy bất ngờ vì không thấy những cung điện nguy nga như hình dung về Cấm Thành, nhưng đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc nói, chúng ta cảm xúc mạnh mẽ hơn vì ta hiểu rằng mình đang đứng trong một mảnh đất bao thế kỷ nay là nơi linh thiêng nhất của Kinh thành Thăng Long. Đó cũng là cảm xúc của chúng tôi khi tới tham dự lễ giao - nhận Thành cổ sáng nay.

Nhà Con Rồng, xây trên một phần nền Điện Kính Thiên.
Buổi lễ diễn ra ngay trên nền cũ của Điện Kính Thiên. Nơi đây, 1/3 diện tích của nó đã được dùng xây ngôi nhà Con Rồng vào năm 1867 và một vài ngày trước đây còn là nơi làm việc của Bộ Tổng Tham mưu QĐND VN. Trên mảnh đất 49.135m2 mà Bộ Quốc Phòng làm lễ bàn giao sáng nay chỉ có hơn chục nhà cấp III, còn lại hầu hết là nhà cấp IV và nhà tạm, với đa số các kiến trúc kiểu Pháp sơn màu vàng đã lỗ chỗ rêu phong. Lần đầu tiên, ông Dương Trung Quốc được vào thăm Cấm thành, ông đã nhận xét: Quân đội trong thành chịu khổ vì hầu như thành ít xây dựng mà chủ yếu tận dụng các trại lính cũ, có xây mới thì cũng thấp nhỏ. Nhận xét đó vẫn là đúng cho ngày hôm nay. Một trong số những dấu vết rõ nhất của Điện Kính Thiên là đôi rồng đá trước Điện (nay là trước nhà Con Rồng). Thời gian đã phủ lên đây những lớp rêu màu nâu. Còn khu nhà D67, 'tổng hành dinh' của cuộc chiến tranh chống Mỹ, vẫn còn là một bí mật đối với con mắt quan khách trong buổi sáng hôm nay.

Điều mà nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy là các di tích trên mặt đất đã được Bộ Quốc phòng gìn giữ tương đối tốt. Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Thứ trưởng Bộ QP, Tổng Tham mưu trưởng QĐND VN cho biết: "Bao năm qua chúng tôi đã thường xuyên đôn đốc bảo vệ chặt chẽ và không cho phép xây dựng gì đụng chạm đến di tích. Thời chiến tranh có đào các hầm ngầm làm Sở chỉ huy thì cũng không đụng chạm đến các di tích này". Thượng tướng bày tỏ niềm lưu luyến vì đã gắn bó bao năm với mảnh đất mà ông cảm nhận là rất thiêng này, nhưng cũng vui mừng hi vọng Thành cổ sẽ trở thành một công trình văn hóa được khai thác cho kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Trước mắt, điều đáng mừng lớn là thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức để nhân dân được vào tham quan những di tích từ thời Lý của ông cha mình. Theo ý TS. Phan Khanh, việc này không thể để nhân dân đợi quá lâu được, nhiều chỉ một năm. Ít nhất cũng cho vào thăm từng khu vực một, mà khu vực đôi con rồng đá trước Điện Kính Thiên thì không thể trì hoãn lâu.

Các chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng sẽ duy trì việc gác cổng đến khi nào HN chuẩn bị được một lực lượng đến tiếp quản, dự kiến họ sẽ rút đi trước 19/5.

Một ngày trước lúc Cấm Thành mở cửa

Nhà Con Rồng, nơi làm việc của lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Rồng đá trước điện Kính Thiên.
Nền đất đã được tôn cao.
Rồng đá phía sau Nhà Con Rồng.
Toàn cảnh thềm và Rồng đá.
Rồng đá bên trái.
Nhà D 67 nhìn từ phía Nhà Con Rồng.
Hành lang nhà D 67.
Phòng họp Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương sẽ được phục chế.
Phía dưới là một hầm ngầm lớn.
Phòng làm việc của 5 đời Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng sẽ được phục chế.
Biển đá đánh dấu di tích D 67.
Nhà Giao ban Bộ Quốc phòng - một trong 3 ngôi nhà sẽ được giữ lại.
Chuyến đồ cuối cùng rời khỏi Thành.
Những xe rác cuối cùng trước khi bàn giao.
Những giấy tờ không cần thiết trở thành tro bụi.
Dọn dẹp trước khi bàn giao.
Những kíp gác cuối cùng.
  • Huyền Hạnh
    Ảnh: Nguyên Vũ

,
,