,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
498024
Pháp đầu tư bảo tồn di tích Thăng Long
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Pháp đầu tư bảo tồn di tích Thăng Long

Cập nhật lúc 15:43, Thứ Tư, 11/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sáng nay, Hội thảo tư vấn quốc tế về di tích Hoàng thành Thăng Long đã được Viện KHXH VN phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO VN tổ chức. Tại Hội thảo này, Viện KHXH VN cho biết, Chính phủ Pháp vừa phê duyệt một Dự án hỗ trợ bảo tồn di tích Thăng Long. Riêng giai đoạn từ nay đến cuối năm, số tiền hỗ trợ là 100.000 Euro.

Di tích cần nhiều hội thảo hơn nhưng cũng cần đầu tư về vật chất nhiều hơn để bảo quản!

Pháp là quốc gia đầu tiên đưa ra dự án hợp tác với VN trong việc nghiên cứu bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là dự án đã được Chính phủ Pháp chính thức thông qua vào ngày 30/6. Dự án gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ nay cho đến hết năm, nhằm 3 mục tiêu: nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử và tìm hướng bảo tồn lâu dài và bảo quản di vật trước mắt. Giai đoạn 2 sẽ dài hơi hơn, có thể là từ 3-5 năm.

Ông Andrew Hardy - Trưởng Đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ tại VN, hào hứng nói: "Tại sao Pháp lại có những quyết định nhanh chóng như vậy, nhất là khi thủ tục hành chính ở nước chúng tôi cũng... không phải là nhanh lắm, nhưng chỉ sau 3 tháng dự án đã được phê duyệt và đã có vốn đầu tư? - Đó là bởi vì chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của khu vực các bạn đang khai quật không chỉ về khía cạnh lịch sử, văn hóa, mà còn như một di sản thế giới trong tương lai". Các chuyên gia khác của Viện Viễn Đông Bác cổ cũng nhấn mạnh thêm: "Cần làm thế nào để người dân được tham quan khu vực này. Không chỉ có Huế trở thành điểm độc nhất ghi dấu các giai đoạn triều đại phong kiến của VN. Đây là cơ hội tốt để VN tạo nên một sự cân đối giữa các di tích, thể hiện rõ tính phong phú về lịch sử của đất nước".

Cùng với các nhà nghiên cứu đầu ngành của VN trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, khảo cổ học và các chuyên gia Pháp, tham dự Hội thảo hôm nay còn có các nhà khoa học Nhật Bản, Ý và một số quốc gia khác. Tham luận của các nhà nghiên cứu của VN thiên về giá trị, kiến trúc, lịch sử của di tích. Trong khi đó, các tham luận của các chuyên gia nước ngoài thường đưa ra một kinh nghiệm bảo tồn, xuất phát từ thực tiễn một di tích ở đất nước họ.

Đây là một hội thảo có ý nghĩa đặc biệt, trong chuỗi hội thảo trước và sau đây về Hoàng thành Thăng Long, theo đánh giá của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Di tích thì: "Hội thảo này mang tính chất tư vấn quốc tế, mời được nhiều chuyên gia nước ngoài. Họ đều là những người tham gia nghiên cứu, bảo tồn nhiều kiến trúc cổ, nhiều đô thị cổ, nhiều di tích cổ của Á Châu và cả của phương Tây, nên rõ ràng sẽ đem đến cho chúng ta một cái nhìn khách quan, một cái nhìn so sánh đồng thời tư vấn các giải pháp kỹ thuật để bảo quản tốt di tích ngoài trời và di vật".

Một hội thảo quốc gia về Hoàng thành Thăng Long sẽ được tổ chức vào hai ngày 18-19/8. Các ý kiến, đề xuất, giải pháp trong Hội thảo hôm nay sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng báo cáo trình Chính phủ trước 30/9.

  • Thanh Tề

,
,