,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
502148
Đề nghị chuyển địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội (mới)!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Đề nghị chuyển địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội (mới)!

Cập nhật lúc 15:23, Thứ Sáu, 20/08/2004 (GMT+7)
,
 

(VietNamNet) - Vì cuộc khai quật khảo cổ Ba Đình, năm 2003, Chính phủ VN đã quyết định dời địa điểm xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Sáng nay, giới khoa học VN đã thống nhất ý kiến báo cáo Thủ tướng phương án bảo tồn khu di tích Ba Đình: Bảo tồn toàn bộ. Điều đó có nghĩa, họ đang đề nghị chuyển địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội (mới)!

 
 
Hiện vật tại khu di tích Ba Đình.

Thống nhất phương án bảo tồn toàn bộ

Tại buổi hội thảo sáng nay, các ý kiến cụ thể về bảo tồn vẫn còn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, thay mặt cho giới khoa học VN, nhận xét rằng, khó có thể tìm được một sự đồng thuận trong các giải pháp quá cụ thể. Thay vào đó, trong báo cáo trình Chính phủ, chỉ nên đưa ra phương án bảo tồn với ý nghĩa là phương hướng chính kèm theo giải pháp cấp thiết, trước mắt.

Với quan điểm đó, giới khoa học VN gần như nhất trí: Bảo tồn toàn bộ khu vực này. Một cách chính xác, đó là khu vực nằm trong phạm vi 4 tuyến phố:  Hoàng Diệu - Hoàng Văn Thụ - Bắc Sơn - Độc Lập. Nhà Quốc hội hiện nay vẫn giữ lại, nhưng tương lai đó sẽ trở thành một di tích lịch sử. Bảo tồn toàn bộ không có nghĩa là chúng ta khai quật tất cả phần đất này. Cái gì đã phát lộ thì bảo tồn thật tốt, cái gì còn trong lòng đất thì ta phải để nguyên cho đất tiếp tục bảo tồn như nó đã làm hàng nghìn năm qua. Sau này sẽ tìm cách nghiên cứu và xử lý sau. Chắc chắn, không nên xây dựng bất cứ công trình nào xâm hại đến khu di tích này. Sau này, nếu cần làm công viên thì có thể xây dựng một công trình nhẹ bên trên, nhưng không được xâm phạm đến khu di tích ở bên dưới (sâu 1m trở xuống).

Theo GS Phan Huy Lê, trong hai luồng ý kiến khác nhau về phương án bảo tồn của Tiểu ban 6 (Do TS Nguyễn Quốc Hùng, Cục Phó Cục Di sản, Bộ VHTT, làm Trưởng tiểu ban), đa số các nhà khoa học đứng về phía ý kiến nên bảo tồn toàn bộ. Còn lại, chỉ có duy nhất một người cho rằng nên bảo tồn một phần, một phần để xây dựng Nhà Quốc Hội mới.

Nên đặt khu di tích đã khai quật này trong cụm di tích có liên quan, tiến tới xây dựng một quy hoạch bảo tồn rộng lớn gồm cả Thành cổ (khu vực mới bàn giao), cùng với các khu vực hiện đã bị phá huỷ bởi các công trình xây dựng hiện đại gồm phía Đông đường Nguyễn Tri Phương và phía Bắc đường Hoàng Văn Thụ, chú ý liên quan cả đến khu phố cổ HN và các di tích trên mặt đất bao gồm cả các di tích thời kỳ kháng chiến. Đồng thời đặt quy hoạch này trong một quy hoạch rộng lớn hơn của toàn bộ thành phố HN.

Để làm được những việc đó, cần thành lập một trung tâm quản lý, nghiên cứu và bảo tồn khu di tích. Trung tâm này phải có thẩm quyền và có một quy chế riêng được TP HN và Nhà Nước uỷ quyền. Trung tâm sẽ xây dựng quy hoạch lâu dài và phương hướng bảo tồn trước mắt cho khu di tích. Về nguyên tắc, cần đảm bảo tính liên ngành chặt chẽ và tích cực cộng tác, học hỏi các chuyên gia tư vấn quốc tế. Cần hơn nữa, phải chấm dứt tình trạng khai quật xong bỏ đấy, bước sang một thời kỳ mới trong đó khai quật phải song song tiến hành với việc bảo tồn, bảo quản.

 

Giải pháp cấp thiết: Ngừng khai quật!

Đây là việc cần làm trước mắt, theo ý kiến của giới khoa học VN, nhằm tập trung vào công tác nghiên cứu và bảo tồn di tích và nhất là bảo quản di vật. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc bảo vệ di tích đã lộ thiên. Ngay cả mái che, tiến hành làm từ tháng 3/2004 nhưng đến giữa tháng 9 tới có lẽ mới được duyệt lần cuối thiết kế thi công. Giới khoa học đều ngạc nhiên vì sự chậm trễ đến khó hiểu ấy, không biết nó mắc ở khâu nào, và chua chát nhận ra rằng, đến khi mái che làm xong thì mùa khô đã đến, thậm chí rất có thể là đến tận mùa mưa sang năm!

Trong 20.000 m2 đã phát lộ, chỉ nên chọn lọc những mặt bằng tiêu biểu nhất cho từng thời kỳ lịch sử để bảo tồn nguyên vẹn. Còn lại, sẽ nghiên cứu, lập hồ sơ, lập mô hình, sau đó có thể lấp cát từng bộ phận chờ xử lý sau. Trong thời gian đó, nếu có xây dựng bên trên thì chỉ xây dựng nhẹ. Vấn đề về phục dựng có thể hoàn toàn không nghĩ đến nữa, vì xu hướng hay nhất của bảo tồn là nên bảo tồn nguyên gốc.

Điều quan trọng không kém trong số các việc phải làm ngay, đúng như Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh đã kêu gọi: Cần sớm mở cửa cho công chúng xem.

 

Giá trị của di tích: Vô giá!

Kết thúc cuộc hội thảo toàn quốc sáng nay, gần 200 nhà khoa học, đại diện cho tiếng nói của giới khoa học cả nước, đã nhất trí về giá trị của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Theo họ, giá trị của khu di tích mới khai quật tại 18 Hoàng Diệu biểu thị trên mấy mặt sau đây:

Thứ nhất, Khu di tích nằm vào khu Trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long. Nói rằng khu di tích này nằm trong Hoàng Thành là hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu gần đây tiến thêm một bước nữa, kết luận: nằm ở khu vực trung tâm của Hoàng Thành, tức là nằm trong Cấm Thành hay Cung Thành, trong đó điểm trung tâm là Núi Nùng, trên đó có điện Kính Thiên thời Lê (cũng tức là điện Thiên An và Càn Nguyên thời Lý - Trần trước đó). Nghĩa là khu khai quật nằm ở "trung tâm của trung tâm"!

Thứ hai, Khu di tích có một bề dày lịch sử, xuyên suốt 13 thế kỷ, từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII với tư cách là Kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; thậm chí có cả dấu tích của thời kỳ tiền Thăng Long với thành Đại La (thế kỷ VII - IX). Một bề dày lịch sử văn hoá như vậy ngay tại kinh đô của một quốc gia là rất hiếm có. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá đó là "độc nhất ở Châu Á", còn ở Châu Âu thì có thể sánh với một vài công trình hiếm hoi như Rome hay Aten".

Thứ ba, không những có một bề dày lịch sử lâu dài, các di tích còn khá liên tục, tầng tầng lớp lớp chồng chất lên nhau. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có thể hình dung ra được, với những dấu tích vật chất rất cụ thể về bộ mặt của kinh thành Hà Nội xưa và nay.

Thứ tư, khu di tích này phản ánh một trình độ văn hoá kỹ thuật cao và khả năng xây dựng to lớn của dân tộc VN trải qua các vương triều, đặc biệt là thời kỳ thịnh đạt của nước Đại Việt gồm Lý, Trần và Lê sơ. Biểu thị ở quy mô các kiến trúc, các nền móng, đồ gốm sứ.

Thứ năm, khu di tích chứng tỏ sâu sắc và cụ thể đặc điểm bản sắc của văn hoá VN. Tất nhiên, đây là khu cung đình nhưng nó cũng chính là kết quả sự lao động sáng tạo của cả dân tộc VN.

Thứ sáu, khu di tích này, đứng về mặt nghiên cứu, là kho tư liệu để chúng ta nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc về nhiều phương diện

Cuối cùng, phải nhìn nhận giá trị giao lưu văn hoá của khu di tích. Ở đây chúng ta tìm thấy cả các sản phẩm của bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... Thăng Long ngày xưa đã có một mối quan hệ giao lưu văn hoá rộng lớn.

  • M.M.B

 

 
 
 
 
 
 

 

,
,