,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
514020
Hoa hậu có khác người thường?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Hoa hậu Việt Nam 2004:

Hoa hậu có khác người thường?

Cập nhật lúc 11:29, Thứ Hai, 20/09/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trưởng BTC Hoa hậu VN 2004, ông Dương Xuân Nam, cựu hoa hậu Bùi Bích Phương và TS Thẩm Hoàng Điệp đã có cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet...

Soạn: AM 144183 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Những người đẹp tại cuộc thi đầu tiên (1988)

Hôm nay (20/9), website Hoa hậu Việt Nam 2004 đã chính thức ra mắt bạn đọc với những thông tin hấp dẫn, hình ảnh đẹp và nguồn tư liệu phong phú. Bạn muốn biết các cựu Hoa hậu, Á hậu nghĩ gì về giờ phút đăng quang rực sáng trên khán đài đêm chung kết, hay cuộc sống của họ có gì thay đổi sau khi đội lên đầu vòng vương miện?

Hãy bấm vào mục Ngày ấy chưa xa là có câu trả lời nhanh nhất, chính xác nhất.

Bạn mới chớm 16 tuổi, có ngoại hình đẹp và đang khao khát đến với cuộc thi nhưng băn khoăn vì không rõ thủ tục đăng ký có phức tạp không và gồm những gì? Mục Ban tổ chức và mục Thí sinh ngay trong website Hoa hậu Việt Nam 2004 chắc chắn sẽ thoả mãn yêu cầu đó của bạn.

Bạn là người quan tâm tới diễn biến của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004, muốn có một cặp vé tham dự đêm chung kết nhưng không biết mua ở đâu? Hãy thường xuyên vào mục Đặt mua vé hoặc tham gia cuộc bình chọn trên website của chúng tôi, nếu bạn may mắn trúng giải bình chọn thì cặp vé trong mơ đó sẽ là của bạn. Ngay từ bây giờ bạn đã có thể tiếp cận thông tin về cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 theo địa chỉ: http://www.missvietnam.com.vn

Soạn: AM 144373 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hoa hậu Bùi Bích Phương (1988)
Đúng 10h ngày 20/9, cuộc giao lưu trực tuyến với ba vị khách mời: Ông Dương Xuân Nam - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004; Cựu hoa hậu Bùi Bích Phương (1988) và Tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp - Thành viên giám khảo của nhiều cuộc thi hoa hậu báo Tiền Phong, đã được thực hiện tại báo điện tử VietNamNet
 
Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam) với tư cách là Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, đã từng xuất bản cuốn hồi ký "Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam" chắc chắn sẽ cung cấp thêm cho các bạn những thông tin chính xác nhất, độc đáo nhất về thế giới của các người đẹp.
 
Soạn: AM 144731 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Dương Xuân Nam đang giao lưu với bạn đọc VietNamNet.
Hoa hậu Bùi Bích Phương, người đầu tiên giành vương miện tại cuộc thi sắc đẹp toàn quốc đầu tiên năm 1988 sẽ có nhiều chuyện để nói về vẻ đẹp nữ tính hoàn hảo. Ánh hào quang trong một khoảnh khắc của tuổi hoa niên có giúp chị đạt mọi ước mơ trong cuộc sống hay đấy chỉ là vẻ đẹp thoáng qua như một ảo ảnh phù du đầy bí ẩn? Tiến sĩ Thẩm Hoàng Điệp nghĩ gì khi làm giám khảo hầu hết các cuộc thi Hoa hậu? Các tiêu chí xác định vẻ đẹp nữ tính hoàn hảo có thay đổi qua các cuộc thi? Vẻ đẹp thanh xuân ngời sáng của các thiếu nữ có phụ thuộc vào điều kiện sống, môi trường văn hoá hay chỉ phụ thuộc vào các số đo và chế độ ăn uống?
 
Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:
 
Nguyen Thi Loan, Nữ, 22 tuổi, Bien Hoa - Dong Nai: Tiêu chuan de tham duoc tham gia cuoc thi Hoa hau la gi?. Neu muon tham gia thi phai lam thu tuc nhu the nao va o dau?.
 
Nhà thơ Dương Xuân Nam: Tiêu chuẩn để tham gia cuộc thi Hoa hậu mà báo Tiền Phong đã đăng là tuổi từ 18 đến 28 tuổi, tính theo ngày tháng năm sinh, chưa lập gia đình và chưa sinh con lần nào. Tất nhiên phải là công dân Việt Nam. Có thể ở trong nước hoặc sinh sống ở nước ngoài, có chiều cao từ 1,60m trở lên. Nếu muốn tham gia chỉ ghi tên vào mẫu đơn (đã đăng trên báo Tiền Phong và website Hoa hậu Việt Nam 2004). Bạn có thể gửi qua địa chỉ báo Tiền Phong hoặc trang web  về Hoa hậu Việt Nam trên báo điện tử VietNamNet (www.missvietnam.com.vn

Tonny Khanh, Nam, Canada: TS Thẩm Hoàng Điệp nghĩ gì khi làm giám khảo hầu hết các cuộc thi Hoa hậu? Công việc chính hiện tại của bà là gì?

TS Thẩm Hoàng ĐiệpLà một giám khảo được tham gia cuộc thi Hoa hậu đầu tiên, tôi chỉ lo về chuyên môn của mình để làm sao chọn ra được người thực sự đẹp.

Nhân trắc học là môn khoa học nghiên cứu về hình thể của con người và phương pháp đo đạc trên cơ thể con người. Hiện nay, tôi tham gia giảng dạy ở các Khoa Thời trang như của ĐH Mở, ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp và CĐ Nghệ thuật. Ngoài ra, tôi còn tham gia giảng dạy của các lớp người mẫu (Elite, lớp người mẫu của Cung Văn hoá Hữu nghị) để họ biết được thế nào là vẻ đẹp hình thể...   

Kiều Thu, Nữ, (kieuthu602003@): Theo chị Điệp, vẻ đẹp hình thể hay chỉ số nhân trắc học quan trọng hơn trong các kỳ thi hoa hậu?

TS Thẩm Hoàng Điệp: Vẻ đẹp hình thể là một tiêu chuẩn quan trọng nhưng đã là người đẹp hay hoa hậu thì các tiêu chuẩn khác cũng đòi hỏi phải xuất sắc, và không thể nói ở người đẹp tiêu chuẩn nào quan trọng hơn tiêu chuẩn nào cả. Bởi theo tôi, người đẹp phải tương đối hoàn thiện về mọi mặt.

Nguyen Anh, Nam, 20 tuổi, Ninh Binh: Nếu có nhiều điểm mới trong cuộc thi lần này thì sau cuộc thi sẽ có những hình thức xử lý thế nào đối với những nguời đẹp gây ra các vụ tai tiếng như của Hà Kiều Anh và Mai Phuơng?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Thực ra, theo kết luận của cơ quan điều tra thì đến nay Hà Kiều Anh không có tội, người ta đã giả mạo chữ ký của Hà Kiều Anh, cô ấy vẫn là một công dân bình thường - nghĩa là không vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm pháp luật thì Ban tổ chức đã truất vương miện Hoa hậu. Còn Mai Phương, theo tôi biết thì đang học đại học ở Anh và học rất tốt. Việc "mất tích" của Mai Phương, theo gia đình thì vẫn còn nhiều ẩn số chưa nói ra được. Bởi vậy vẫn chưa đến mức phải truất quyền Hoa hậu. Những việc xảy ra với nhiều người như thế cũng được coi là bình thường, nhưng với hoa hậu lại là những vụ "tai tiếng". Thế mới biết, gánh tên tuổi trên vai quả là nặng nề với những cô gái còn rất trẻ như Mai Phương.

Trước khi vào vòng chung kết, các thí sinh đều phải ký vào một bản cam kết là: Luôn giữ danh hiệu Hoa hậu hoặc Á hậu một cách tốt đẹp nhất. Nếu vi phạm pháp luật và đạo đức, sẽ bị tước danh hiệu.

Huy Phuong, Nam, (huyphuong61@): Cô Hoàng Điệp có nhận xét gì hình thể của các thiếu nữ Việt Nam nói chung và những thí sinh hoa hậu qua các kỳ thi nói riêng? Những thay đổi đó nói lên điều gì?

TS Thẩm Hoàng Điệp: Thiếu nữ Việt Nam có một đặc điểm chung là hơi thấp, chỉ số chân chưa được dài và thường hơi bị cong. Nhưng bù lại các thiếu nữ Việt Nam có một vẻ đẹp duyên dáng và tròn trĩnh, riêng về tỷ lệ giữa ba vòng đo (ngực, eo, mông) thường là cân đối.

Các thí sinh dự thi của chúng ta hiện nay đã khắc phục được những nhược điểm trên. Các em đến dự thi phần lớn có chỉ số chân từ trung bình cho đến hơi dài và đặc biệt là chiều cao của các em đến dự thi là rất đáng mừng. Ở những cuộc thi đầu năm 1990, 1992 thì chiều cao của các thí sinh còn khiêm tốn nhưng trong khoảng ba-bốn năm gần đây, các thiếu nữ dự thi thường có chiều cao từ 1,65m đến 1,70m. Những sự khác biệt này nói lên quan niệm về vẻ đẹp của thanh niên Việt Nam hiện nay vì các cuộc thi đã tập trung được những em có chiều cao đến dự thi.

Nguyen Anh, Nam, 20 tuổi, Ninh Binh: Dành cho ông Dương Xuân Nam: Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể những điểm mới "giống một cuộc thi hoa hậu thế giới" trong lần thi này là gì không a?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Có ba nét mới trong cuộc thi hoa hậu năm nay. Thứ nhất: Độ tuổi thí sinh dự thi nâng từ 16 tuổi lên 18 tuổi. Thứ hai: Có một chương trình tập luyện công phu, dài ngày, có cả phần trắc nghiệm, có những hoạt động ngoài trời, các cuộc ghi hình, phỏng vấn diễn ra trước đêm chung kết. Thứ ba: Chương trình thi sẽ được chọn những tiết mục đặc sắc, hiện đại nhất Việt Nam - chương trình gần với các cuộc thi hoa hậu thế giới hiện nay và sẽ được truyền hình trực tiếp đêm chung kết.

Thanh Tùng, Nam, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản: Cô Điệp ơi, điểm của giám khảo nhân trắc học có quan trọng như điểm của các giám thị khác? Khi chấm, cô quan tâm đến những tiêu chí nào nhất?

TS Thẩm Hoàng Điệp: Điểm của giám khảo nhân trắc học chỉ quan trọng ở vòng sơ tuyển, có nghĩa là để chọn các em có hình thể cân đối được tham gia vào vòng trong của cuộc thi. Còn khi chấm trên sân khấu, điểm của các giám khảo bình đẳng như nhau. Khi chấm, tôi quan tâm tới tất cả các số đo bởi vì các số đo có mối quan hệ liên hoàn với nhau. Nếu các số đo là chuẩn thì chắc chắn sẽ có một hình thể đẹp.   

Phạm Anh Thư, Nữ, Tập thể Nam Thành Công, Đống Đa, HN: Giám khảo nhân trắc học có phải là một phụ nữ đẹp không, thưa chị Thẩm Hoàng Điệp?

TS Thẩm Hoàng Điệp: Nghề chuyên môn của tôi là nghiên cứu là hình thể của Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Trong việc nghiên cứu qua nhiều năm, tôi có thể đánh giá được vẻ đẹp hình thể của mọi người nói chung và của các thí sinh nói riêng. Còn cá nhân giám khảo nhân trắc học có đẹp hay không thì phải phụ thuộc vào đánh giá của mọi người.

Hồng Ngọc, Nữ, 35 tuổi, UB Quốc gia Dân số, Gia đình và Trẻ em: Thưa ông Dương Kỳ Anh, vì lý do nào mà báo Tiền Phong lại tổ chức cuộc thi sắc đẹp đầu tiên trên đất nước Việt Nam? Hình như vào thời gian đó, việc thuyết phục các vị lãnh đạo để tổ chức một cuộc thi hoa hậu không phải dễ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tiền Phong là tờ báo của tuổi trẻ Việt Nam, mọi nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ đều được Tiền Phong quan tâm. Thi hoa hậu là một hoạt động văn hoá mới nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, được giới trẻ Việt Nam hưởng ứng và mong muốn tham gia. Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng đó của tuổi trẻ Việt Nam mà Tiền Phong đã tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất và những cuộc thi hoa hậu Việt Nam tiếp theo.

Tất nhiên vào thời điểm năm 1988, cũng có vị lãnh đạo cũng như một bộ phận quần chúng chưa ủng hộ. Nhưng Tiền Phong đã thuyết phục để tổ chức cuộc thi thành công tốt đẹp.

Nguyễn Ngọc Dũng, Nam, TP. Vinh, Nghệ An: Chị Điệp có thể noí các chỉ số nhân trắc học của hoa hậu của chúng ta là hoàn hảo chứ? Họ có những khiếm khuyết gì không?

TS Thẩm Hoàng ĐiệpNói chung về mặt hình thể, các hoa hậu và người mẫu của Việt Nam là khá hoàn hảo. Nếu so sánh với các người đẹp, người mẫu trong khu vực thì các người đẹp, người mẫu của chúng ta không thua kém về các số đo.

Câu hỏi thứ hai của bạn, tôi xin mượn câu ''Nhân vô thập toàn'' để trả lời. Nhưng nếu đã là hoa hậu thì các khiếm khuyết phải là rất ít.  

Lê Minh, Nam, 24 tuổi, Hà Nội: Ông đã từng làm giám khảo nhiều lần trong các cuộc thi Hoa hậu, chắc ông đã nhiều lần rung động truớc các nguời đẹp?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã có lần thực sự rung động và say mê một thí sinh trong cuộc thi hoa hậu năm 1992 do báo tổ chức. Không hiểu sao chúng tôi lại cùng say mê cô gái đó. Tất nhiên chỉ là say mê trong tâm tưởng! Dù say mê cô gái đó nhưng chúng tôi rất khách quan khi chấm điểm. Chúng tôi chấm cho một cô thí sinh khác đạt hoa hậu theo đúng tiêu chuẩn Ban giám khảo đặt ra. Còn cô gái kia là một trong mười người đẹp của cuộc thi. Sau này, anh Trịnh Công Sơn có nói với tôi rằng: "Cô gái đó mới chính là hoa hậu của chúng mình". Bây giờ tôi có thể nói tên cô gái đó là: Mạc Lê Đan Thanh, một cô gái Huế rất dịu dàng.

Ngọc Anh, Nam, 30 tuổi, Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, HN: Thưa ông Dương Kỳ Anh, Nàng Thơ của ông có dung nhan và tâm hồn giống như Hoa hậu chăng?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tất nhiên các nhà thơ đều yêu cái đẹp, cụ thể là những cô gái đẹp. Tôi là một nhà thơ, tất nhiên cũng có những bóng hồng trong tâm tưởng. Họ có thể là hoa hậu, cũng có thể là những người đẹp bình thường, tôi nghĩ rằng đó là bí mật của mỗi người...

Ngọc Hà, Nữ, 23 tuổi, Hà Nội: Đã từng trong BGK, BTC nhiều, ông có quan niệm thế nào về một nguời đẹp? Hoa hậu trên sân khấu và nguời đẹp trong đời thuờng có gì giống và khác nhau?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Những người đẹp mà các cuộc thi hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức đều được tuyển chọn theo nhưng tiêu chuẩn do BTC, BGK đặt ra. Đó là vẻ đẹp hài hoà giữa hình thức và nội dung, nói cụ thể là vẻ đẹp của hình thể, của cơ thể phải hài hoà về vẻ đẹp của tâm hồn và tính cách...

Cái đẹp theo tôi nghĩ, phải mang đến cho người khác những cảm xúc cao thượng, những rung động, những thăng hoa trong tâm hồn - đó là vẻ đẹp của những thiếu nữ Việt Nam, tiêu biểu cho những thiếu nữ Việt Nam hiện đại. Trên sân khấu và trong cuộc đời, có thể có những điều khác nhau. Nhưng cái đẹp muôn đời vẫn là cái đẹp.

Kiều Huơng, Nữ, 26 tuổi, Đại học Quốc gia Hà Nội: Anh Dương Kỳ Anh, em đã đọc cuốn sách kể về các cuộc thi Hoa hậu của anh. Các kỳ thi Hoa hậu còn tiếp tục và anh sẽ còn viết sách chứ? Nếu còn viết, anh sẽ viết về những chuyện gì?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tất nhiên tôi sẽ viết tập hai, tập ba cuốn sách về hoa hậu. Tôi vừa xuất bản một cuốn tiểu thuyết có tựa là "Xuyên cầm" nên chưa viết xong tập hai, tập ba... Tôi sẽ viết những điều mà bạn đọc quan tâm về Hoa hậu, Á hậu và các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, tất nhiên đó là những thông tin mới chưa công bố bao giờ trên báo chí.

Nguyen Tien Hoang, Nam, 23 tuổi, TP.HCM: Dành cho Cô Điệp: Vẻ đẹp tâm hồn là một nét không thể thiếu đối với một nguời phụ nữ. Theo cô, phần thi nào trên sân khấu cho thấy được vẻ đẹp này?

TS Thẩm Hoàng ĐiệpDanh hoạ Leonard de Vinci đã có một câu nói nổi tiếng về vẻ đẹp của thiếu nữ: Vẻ đẹp của thiếu nữ được ví như ''bông hoa tươi thắm cắm trong chiếc bình quý''. Theo tôi, bông hoa tươi thắm là tượng trưng cho vẻ đẹp trên khuôn mặt và vẻ đẹp tâm hồn, còn chiếc bình quý tượng trưng cho thân hình. Vẻ đẹp của chiếc bình hay của thân hình thì có thể cân đong đo đếm được và đánh giá cụ thể được còn vẻ đẹp của bông hoa chỉ phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Nhưng dù bạn thích loài hoa nào, cũng phải là những bông hoa tươi thắm và hơn nữa là có hương thơm ngát.

Vì vậy, vẻ đẹp về tâm hồn là phụ thuộc vào tất cả các giám khảo đánh giá trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi. Phần quan trọng nhất là phần ứng xử trên sân khấu.

Kim Chi, Nữ, 22 tuổi, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội: Thưa chú Dương Kỳ Anh, chú muốn con gái chú trở thành Hoa hậu tuơng lai hay muốn bạn ấy trở thành một nhà kinh doanh giỏi, một nhà chính trị có tiếng?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Con gái tôi là Dương Anh Xuân, đang học ĐH năm thứ ba, nhiều người động viên cháu đi thi hoa hậu, kể cả NSND Trà Giang, nhưng cháu bảo: Bố làm trưởng BTC, trưởng BGK các cuộc thi hoa hậu thì con không thể đi thi.

Còn cháu muốn trở thành nhà kinh doanh, nhà chính trị hay nhà văn thì điều đó phải hỏi cháu. Riêng tôi, tôi mong cháu trở thành một người làm được nhiều điều có ích cho xã hội.

Mai Hằng, Nữ, 20 tuổi, Thái Bình: Là một nhà thơ, vậy đã có nguời đẹp nào "đi" vào tác phẩm của ông chưa? Đó là ai? tên là gì? ở cuộc thi nào? Ông có thể cho biết được không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tất nhiên có những người đẹp đã đi vào tác phẩm của tôi. Nếu bạn đọc kỹ các tập thơ, tập truyện, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết "Xuyên cầm" vừa xuất bản của tôi bạn có thể nhận ra: Ai cũng có bí mật của riêng mình, nếu bạn tìm được bí mật đó của tôi thì tôi sẽ là người rất hạnh phúc.

Ngọc Hà, Nữ, 23 tuổi, Hà Nội: Em đã từng đọc một bài viết của nhà thơ Dương Xuân Nam về cái duyên con gái trên báo Người đẹp, em muốn hỏi nhà thơ một điều: nhà thơ thích một người phụ nữ duyên dáng đáng yêu hơn hay một nguời đẹp bỗ bã hơn?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tất nhiên tôi thích một phụ nữ đẹp duyên dáng hơn là một người phụ đẹp bỗ bã - dĩ nhiên đó phải là cái duyên trong tâm hồn trong tính cách chứ không phải chỉ là cách làm duyên giả tạo. Tôi đã có bài thơ về cái duyên của người con gái mà bạn vừa nói, bốn câu thơ mà tôi đã viết có thể sẽ là câu trả lời đầy đủ: Có một người trần thế; mời dịu dàng vào nhà; cửa đời nanh độc thế; dịu dàng làm sao qua.

Hoang Thuong Luong, Nam, 30 tuổi, phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội: Thưa ông Dương Kỳ Anh, qua nhiều cuộc thi hoa hậu với khá nhiều thành công nhưng cũng lắm điều tiếng bởi các sự cố như hoa hậu mất tích, vụ buôn lậu ở công ty Đông Nam có liên quan đến hoa hậu... có lúc nào ông cảm thấy mệt mỏi, chán nản?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tất nhiên có những lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Tôi đã làm trưởng BTC nhiều cuộc thi lớn cấp quốc gia, nhưng không có cuộc thi nào khó như cuộc thi hoa hậu vì đây là những cuộc thi về con người, về cái đẹp. Mà con người thì vô cùng phong phú và phức tạp, quan niệm về cái đẹp, người đẹp cũng rất khác nhau... Tuy nhiên, mỗi lúc khó khăn mệt mỏi tôi lại nghĩ đến cái đẹp, đến người đẹp, chính cái đẹp nâng tâm hồn ta, giúp ta có nghị lực để vượt qua những điều tưởng như không thể vượt qua.

Thu Anh, Nữ, Cầu Giấy, Hà Nội: Thưa cô Điệp, thường xuyên đuợc mời làm giám khảo các cuộc thi nguời đẹp. Vậy có khi nào bà cảm thấy có một áp lực nặng nề nào không?

TS Thẩm Hoàng Điệp: Áp lực duy nhất của tôi là thấy mình phải có trách nhiệm làm sao chọn ra thí sinh đẹp nhất. Còn áp lực xung quanh các cuộc thi thường không tác động vào tôi bởi vì bao giờ tôi cũng tự xác định làm việc thật nghiêm túc và hết trách nhiệm để không bị phạm sai lầm về chuyên môn, kể cả với nhóm đo đặc của chúng tôi cũng thống nhất như vậy.

tour.serv, Nam, tour.serv@): Tôi là người luôn theo dõi các cuộc thi Hoa hậu. Tôi thấy Ban tổ chức nên đưa ra những câu hỏi có trình độ hơn để nâng cao tầm hiểu biết của thí sinh. Tôi thấy cuộc thi nào cũng những câu hỏi đại loại như: Bạn nghĩ như thế nào là người đẹp? Nếu bạn là Hoa hậu thì sẽ...? Thử hỏi đây là một cuộc thi để chọn ra người vừa đẹp vừa thông minh thì cái tầm đánh giá cũng phải khác chứ? 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: - Điều bạn nói là điều mà BTC rất quan tâm. Năm nay, chúng tôi cố gắng đưa ra những câu hỏi mới, những vấn đề mà mọi người cho là cần thiết. Tôi hy vọng câu hỏi năm nay sẽ hay và không lặp lại những câu hỏi cũ. Sao bạn không tham dự cuộc thi: "Đặt câu hỏi ứng xử Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004" trên website www.missvietnam.com.vn/ để đóng góp trực tiếp vào sự đổi mới đó?

Kenny Tran, Nam, 30 tuổi, California, USA: Đã hơn mười cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Tiền Phong tổ chức thành công, cùng với nhiều nguời đẹp đuợc phát hiện. Thế tại sao báo Tiền Phong không thành lập Trung tâm quản lý và đào tạo họ trở thành những model chuyên nghiệp cung cấp cho các hãng thời trang, mỹ phẩm... khi họ có nhu cầu?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Báo Tiền Phong đã tổ chức Câu lạc bộ Người đẹp Việt Nam nhằm quản lý và đào tạo những người đẹp, tất nhiên hoạt động câu lạc bộ vẫn chưa được như mong muốn. Chúng tôi dự định năm nay sẽ có những hoạt động chuyên nghiệp hơn...

Nghiêm Quốc Cường, Nam, 30 tuổi, Hà Nội: Tôi có nhiều tò mò về vẻ đẹp thực sự của những người đẹp đằng sau lớp phấn son lộng lẫy đã được nhân lên theo cấp số dưới ánh đèn sân khấu. Đã bao giờ BGK phải sững sờ khi gặp lại những người đẹp mình đã từng thích hoặc không thích trên sân khấu, nhưng bây giờ ngoài đời lại khác hoàn toàn???

TS Thẩm Hoàng Điệp: Vẻ đẹp của thí sinh thường được tôn lên nhiều nhờ sự trang điểm và không ít em gây cho tôi bất ngờ khi bước lên sân khấu cuộc thi. Với những em đã được đạt danh hiệu thì chưa bao giờ gây cho tôi những bất ngờ bởi lẽ tôi đã được gặp họ với vẻ đẹp mộc mạc từ các vòng ngoài. Thường các em đạt danh hiệu phải là những em đẹp thực sự.

Tú Anh, Nữ, 29 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ: Chị Bích Phương thân mến, ánh hào quang trong một khoảnh khắc của tuổi hoa niên có giúp chị đạt mọi ước mơ trong cuộc sống hay đấy chỉ là vẻ đẹp thoáng qua như một ảo ảnh phù du đầy bí ẩn?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Mình nghĩ: Sắc đẹp không phải là phương tiện để giúp người đẹp thành đạt mà quan trọng là bạn phải luôn ý thức được rằng sắc đẹp là động lực để bạn phấn đấu để có được vẻ đẹp cả về nội dung và hình thức.

Quang Minh, Nam, 24 tuổi, Hà Nội: Kính gửi nhà thơ Dương Kỳ Anh! Các cuộc thi hoa hậu ở nước ta chắc có mục đích là chọn ra những nguời phụ nữ đẹp cả về hình thể và tâm hồn, tư tưởng, xứng đáng làm tấm gương cho nhiều cô gái noi theo. Vậy, báo Tiền Phong có bao giờ nghiêm túc kiểm điểm xem các cuộc thi hoa hậu ở nước ta thực tế có ảnh hưởng thế nào tới việc định hướng phong cách (ăn, mặc, đầu tóc, cách suy nghĩ, yêu đương, quan hệ nam nữ, nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, kinh doanh, v.v...) của thanh niên không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tất nhiên báo Tiền Phong vẫn  thường xuyên theo dõi và phản ánh trên các ấn phẩm của báo, đặc biệt là tờ Người đẹp Việt Nam. Chúng tôi biết, nhiều hoa hậu, á hậu đã có những việc làm tốt được nhiều bạn trẻ noi theo. Như Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga đã nhận phụng dưỡng suốt đời nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều bạn trẻ rất hoan nghênh và noi theo. Hoặc như bộ váy áo mà Á hậu Vi Thị Đông mặc rất đẹp, đã thành mốt của rất nhiều bạn trẻ...

Lam son, Nam, 30 tuổi, hvctqg: Chào chị! cuộc sống hiện tại của chị thế nào? Cuộc sống của một Hoa hậu có gây khó khăn gì cho chị không? 

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Cuộc sống của Phương cũng giống như tất cả mọi ngưởi, cũng có những khó khăn và thuận lợi. Danh hiệu Hoa hậu là một vinh dự lớn đối với Phương và danh hiệu Hoa hậu cũng giúp Phương rất nhiều để tự hoàn thiện mình.

Nguyễn Thanh Hằng, Nữ, 24 tuổi, TP.HCM: Chị quan niệm thế nào về sắc đẹp thiên phú và sự trang điểm? Các nguời đẹp có sắc đẹp thiên phú nhiều hơn hay họ đẹp nhờ trang điểm?

TS Thẩm Hoàng Điệp: Từ đời xưa, các cụ đã có câu ''Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân'', ngày nay chúng ta được nghe nhiều đến câu: ''Không có người phụ nữ xấu. Chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp cho mình''. Nhưng nếu đã là người đẹp, là hoa hậu không thể thiếu sắc đẹp của trời phú cho và đó là cái đẹp cơ bản nhất. 

Trần Hạnh Mai, Nữ, 24 tuổi, Hải Phòng: Có phải vì là nhà thơ nên anh mới cùng báo Tiền Phong đi đầu trong việc tổ chức thi hoa hậu ở Việt Nam? Anh có bài thơ nào về cuộc thi Hoa hậu hay về một nguời đẹp nào đó không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi có nhiều bài thơ viết về người đẹp,  trong đó có những bài được bạn đọc yêu thích như bài: "Với tranh tố nữ": Tôi yêu cái đẹp như trời vậy / Chẳng đợi hoa đào xuân vẫn sang / Có cô yếm thắm nghìn năm tuổi / Trong sắc dân gian... má ửng hồng.

Trần Hạnh Mai, Nữ, 24 tuổi, Hải Phòng: Sau mỗi cuộc chấm thi hoa hậu trở về, anh có thở dài khi đứng truớc bà xã hay các nữ phóng viên của cơ quan mình không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi chỉ than ngắn... chứ không dám thở dài!

Nguyễn Thế Tiến, Nam, 20 tuổi, KTX Nguyễn Chí Thanh: Điểm khác biệt giữa hoa hậu Việt Nam và hoa hậu thế giới là gi?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, Hoa hậu Việt Nam cũng có thể trở thành hoa hậu thế giới. Điểm giống nhau đó là: Họ là những người đẹp được tôn vinh, điểm khác nhau theo tôi đó là: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Đào Nhật Nam, Nam, 28 tuổi, VINEMATIM: Đuợc biết chị là nguời đầu tiên đăng quang danh hiệu Hoa hậu trong thời kỳ đổi mới. Giành đuợc vuơng miện đã khó, giữ được hình ảnh đẹp của Hoa hậu trong tim mọi người còn khó hơn. Vậy, từ khi đăng quang đến giờ, chị đã làm những hành động thiết thực gì để tôn vinh danh hiệu cao quý của mình??? Chúc chị mạnh giỏi, khoẻ đẹp...

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Hiện nay, Phương đang làm việc cho Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc. Quỹ hiện đang thực hiện các chương trình tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của các học giả ưu tú của Việt Nam và châu Á.

Công việc chính của Phương hiện nay là điều phối hoạt động và quản lý tài chính cho dự án tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trách nhiệm của Phương là bảo vệ quyền lợi cho các học giả Việt Nam nói riêng và các học giả Đông Nam Á nói chung, tạo cho họ những điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận tài trợ của Quỹ để các học giả yên tâm thực hiện các hoạt động nghiên cứu của mình, thúc đẩy sự nghiệp phát triển nghiên cứu khoa học, đóng góp hiệu quả và thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao giá trị của châu Á.

Nguyễn Lê Văn, Nam, 23 tuổi, Quảng Trị: Thưa ông Dương Kỳ Anh, trong phần thi ứng xử liệu có thể có sự may rủi trong phần bốc thăm câu hỏi, chẳng hạn như may măn nếu bốc trúng câu hỏi mà nguời đó tâm đắc. Nếu có, xin ông có thể cho biết biện pháp để là giảm đi yếu tố này?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Có thể có may mắn khi bốc được câu hỏi này hoặc câu hỏi khác. Nhưng có một điều mà may mắn cũng không thể quyết định được: Đó là kiến thức của người trả lời câu hỏi. Kiến thức, sự hiểu biết hay ta còn gọi là trí tuệ thì chỉ có thể quyết định bởi người trả lời câu hỏi, chứ không thể có may mắn nào khác.

Thủy Trúc, nữ, 24 tuổi, Đông Hà, Quảng Trị: Thưa TS Thẩm Hoàng Điệp, bà đánh giá như thế nào về "trí tuệ" của những thí sinh tham gia dự thi hoa hậu những năm trước?

TS Thẩm Hoàng Điệp: Tuy là người làm nghiên cứu về mặt hình thể nhưng trước phần thi ứng xử của thí sinh thường gây cho tôi những lo lắng bởi những câu trả lời không chính xác hoặc gây cười, nhất là những em đã có vẻ đẹp ngoại hình. Nhưng ở góc độ giáo viên đi dạy học và chấm các cuộc thi nhiều, tôi thấy có sự thông cảm bởi các em còn quá non nớt và thường là lần đầu xuất hiện trước đám đông, áp lực về mặt tinh thần quá lớn đối với các em.

Cao Thi Phuơng Xuan, Nu, 18 tuổi: Xin hỏi Tổng biên tập báo Tiền Phong: Có phải các thí sinh được đăng trên trang bìa của báo là đã được chọn để dự thi chung kết không?  Người Việt vốn da vàng nhưng tại sao các thí sinh dự thi Hoa hậu đều trắng một cách đáng ngờ như vậy? Có phải nếu thí sinh nào da không trắng thì sẽ bị loại?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không phải, có thể có thí sinh được đăng trên trang bìa vào chung kết, cũng có thể không. Ngược lại, có thí sinh chưa hề được giới thiệu trên báo lại vào vòng chung kết. Được vào vòng chung kết hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào BGK.

Hàng Bảo Bảo, Nữ, 14 tuổi, Tiền Giang: Chào chi Bích Phương. Em muốn biết cảm giác của chị khi giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Trước hết, cho phép Phương được cảm ơn VietNamNet đã tạo điều kiện cho Phương được có cơ hội để giao lưu với các bạn trên khắp mọi miền đất nước. Đây là lần đầu tiên Phương được giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet, Phương cảm thấy rất là vui và vinh dự. Xin chúc các bạn đọc VietNamNet luôn vui, khỏe, yêu đời và đạt mọi ước muốn trong cuộc sống. Phương mong có cơ hội lại được sớm giao lưu với các bạn.

Phạm Thị Phương Linh, Nữ, 23 tuổi, TP.HCM: Chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm nay sẽ truyền hình trực tiếp không ạ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đài Truyền hình Việt Nam đã đồng ý truyền trực tiếp đêm chung kết.

Vu Trinh Huyen Nga, Nữ, 30 tuổi, Ap 1B Phuoc Thai, Long Thanh, Dong Nai: Xin chao Chi Bich Phuong! Chị có bí quyết gì để có được làn da đẹp như vậy? Xin chị vui lòng kể về cuộc sống hiện tại của chị, chuyện nhà, chuyện công việc?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Bạn hãy luôn tự tin và yêu đời, nụ cười sảng khoái sẽ giúp bạn trẻ lâu. Bạn nhớ đi ngủ sớm nhé!

Hiện nay, Phương là mẹ của hai cháu và là vợ của một anh chàng rất bình dị. Phương cũng đi làm nên cuộc sống cũng khá bận rộn và vất vả nhưng Phương cảm thấy rất hạnh phúc.

Hoai Giang, Nữ, 28 tuổi, Ha Noi: Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn hình của chị trên báo VietNamNet vì chị khác trước nhiều quá. Là cựu Hoa  hậu, chị nghĩ sao về những Hoa hậu mới đăng quang? Họ có điểm nào trội vượt hơn chị không?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Đã 16 năm trôi qua kể từ ngày Phương được vinh dự đăng quang Hoa hậu. Phương nghĩ rằng, thế hệ các bạn trẻ hiện nay đều rất đẹp và đều xứng đáng để đón nhận vương miện Hoa hậu. Phương mong các bạn đẹp mãi và luôn trau dồi kiến thức để xứng đáng là Hoa hậu Tiền Phong, để xứng đáng là đại diện tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam vừa đẹp người, vừa đẹp nết.

Hoàng Anh, Nữ, 23 tuổi, Hàng Nón: Chào chị, truớc hết em muốn nói rằng: Tấm ảnh chị chụp với chiếc mũ cử nhân trên đầu rất đẹp. Em cũng muốn hỏi chị: Vào thời điểm chị tham gia cuộc thi hoa hậu, gia đình và bạn bè có ý kiến gì không? Vì theo em, vào thời điểm đó, quan niệm của mọi nguời về những cuộc thi như vậy không mấy thiện cảm.

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Cuộc thi Hoa hậu do báo Tiền Phong tổ chức là một hoạt động văn hóa, là cơ hội để các bạn trẻ ở khắp cả nước được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Phương đến với cuộc thi Hoa hậu với tư cách của một đoàn viên thanh niên muốn được tham gia các hoạt động văn hóa lành mạnh do Trung Ương Đoàn phát động. Phương đã nhận được sự động viên và cổ vũ nhiệt tình của gia đình.

NGUYEN, Nữ, Maryland - USA: Nếu trở lại tuổi 18, chị có ghi danh thi hoa hậu năm nay không?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Mình nghĩ là có, bởi qua cuộc thi hoa hậu, mình đã học hỏi được rất nhiều từ các bạn cùng dự thi với mình. Cuộc thi hoa hậu sẽ giúp mình nhìn lại chính bản thân mình, bổ sung những gì mình còn thiếu để hoàn thiện mình hơn, để hướng tới cái đẹp toàn diện.

Yuanchendi@..., Nam: Hoa hậu cũng như một bông hoa. Nhưng hoa rồi cũng tàn. Theo chị, Hoa hậu cần có những phẩm chất gì và làm sao để giữ gìn sắc đẹp của mình cho khỏi "héo" đi với thời gian?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Khi bạn là hoa hậu, bạn cần phải cố gắng rất nhiều. Trước hết, bạn phải làm tròn nghĩa vụ và bổn phận của một người mẹ và một người vợ. Hơn nữa, bạn cũng cần phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành công việc, để đóng góp và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bạn cũng cần cố gắng để trau dồi kiến thức cũng như giữ gìn vẻ đẹp hình thức, để không làm phụ lòng những người hâm mộ.

Nguyễn Lê Văn, Nam, 23 tuổi, Quảng Trị: Bằng những kinh nghiệm đã trải qua, chị có sáng kiến hoặc ý tưởng tâm đắc để những nguời đoạt vương miện Hoa hậu sau này hướng tới?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Thực ra, để trở thành Hoa hậu đã khó nhưng  giữ được danh hiệu Hoa hậu còn khó hơn rất nhiều. Mong các bạn luôn luôn học hỏi để tạo cho mình có một hành trang tri thức hoàn hảo nhất để có thể tự tin bước vào cuộc sống. Xin bạn nhớ rằng tất cả những người sống xung quanh bạn đều có những đức tính đáng quý, đáng để bạn học hỏi và bổ sung cho hành trang của bạn.

Nguyễn Thanh Việt, Nam, 30 tuổi, Nhật: Phương có thể kể đôi chút về thời gian du học tai Hàn Quốc không? Phương đã học đươc những gì từ thanh niên Hàn Quôc và giáo sư người Hàn Quôc?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Tôi đã học được rất nhiều điều từ những người bạn và các giáo sư Hàn Quốc. Một trong những điều ấy là ý chí quyết tâm vượt khó, vượt qua bản thân mình để đi lên và tạo dựng một chỗ đứng cho mình.

Tran Hung, Nam, 35 tuổi, Ha Noi: Bạn có bằng thạc sĩ hay không? Tôi được nhiều người ở Hàn Quốc cho biết bạn không lấy được bằng thạc sĩ kinh tế như ý định ban đầu. Nếu đúng như vậy, tại sao bạn không hề đính chính khi có vài tờ báo nói về "Thạc sĩ Bùi Bích Phương"? Mong bạn làm rõ trắng đen vấn đề này. Bạn đừng từ chối trả lới nhé. Nếu bạn từ chối có nghĩa là bạn không có bằng thạc sĩ nhưng cứ để thiên hạ nói bạn có bằng!!!!!

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Mình đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Khoa Quản trị Kinh doanh tại Hàn Quốc. Xin cảm ơn bạn vì đã chúc mừng mình, dù rằng hơi muộn.

Ngô Thanh Tú, Nam, 20 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM: Theo chị, khi nào Việt Nam mình sẽ giành được vương miện hoa hậu thế giới?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Theo Phương, Hoa hậu Việt Nam hiện nay của chúng ta đều hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành Hoa hậu thế giới. Mong các bạn hãy trau dồi thêm ngoại ngữ vì theo mình, ngoại ngữ là nhịp cầu nối giúp bạn gần hơn với thế giới bên ngoài.

Trần Thiện Luân, Nam, 35 tuổi, TP.HCM: Thưa chị, có điểm nào khác nhau giữa tình yêu của một hoa hậu và một người phụ nữ bình thường? Có điểm nào riêng biệt để có thể nhận ra một hoa hậu và một người không đẹp? Có thể có sự bất dung hoà nào không giửa một người của đám đông và một người nội trợ?

Hoa hậu Bùi Bích Phương: Sau cuộc thi Hoa hậu, tất cả chúng tôi lại trở về với cuộc sống đời thường. Chúng tôi cũng yêu như những phụ nữ bình thường. Khi bạn là hoa hậu, có nghĩa là bạn phải luôn phấn đấu để trở thành một bông hoa vừa có hương, vừa có sắc. Là một phụ nữ hiện đại, tôi cần phấn đấu để có một vị trí xã hội như nam giới và là hậu phương vững chắc cho ông xã và gia đình bé nhỏ của tôi.

  • VietNamNet
,
,