,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
533780
Tranh cãi mới về khu di tích Hoàng thành
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Tranh cãi mới về khu di tích Hoàng thành

Cập nhật lúc 10:16, Thứ Bảy, 16/10/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Cuộc khai quật khu Ba Đình đã làm phát lộ tại hố A1 một kiến trúc đồ sộ với 40 ụ móng chia làm bốn hàng, tổng cộng dài 67m, rộng 17,65m. Trong khi đó, Điện Thái Hòa, tòa điện lớn nhất trong Tử Cấm thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cũng chỉ có chiều dài 63,96m và rộng 37,17m.

Nghĩa là, so với Điện Thái Hòa, "tòa nhà nhiều gian" này - như cách nhiều nhà khảo cổ hiện tạm gọi - hoàn toàn có thể sánh ngang về quy mô, thậm chí nó còn nhỉnh hơn đôi chút về chiều dài. Đấy là chưa kể, theo TS Tống Trung Tín, nền móng kiến trúc này có xu hướng tiếp tục ăn dài về phía Đông, phần chưa khai quật. 

Tuy nhiên, "tòa nhà" chín gian được coi là kiến trúc (đã phát lộ) lớn nhất nước Việt thời Lý -Trần này hiện là một trong những chủ đề còn gây nhiều nghi vấn nhất trong giới nghiên cứu, đặc biệt là giới kiến trúc sư.

Sơ đồ mặt bằng tổng thể dấu tích kiến trúc thời Lý-Trần ở khu A. (Nguồn: Nguyễn Hồng Kiên, Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí)

Rắc rối từ cung điện có bước gian lớn nhất...  

Nếu so sánh chỉ số về mặt bằng thì rõ ràng "tòa nhà nhiều gian" tại hố A1 khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long có quy mô thật tầm cỡ, hơn hẳn Điện Thái Hòa (Huế) và không thua kém Điện Thái Hòa (Bắc Kinh, Trung Quốc). Xét về bước cột (căn cứ vào khoảng cách giữa các chân đá tảng kê cột), kiến trúc này còn làm ta ngạc nhiên hơn nữa. Nhà khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Bảo tồn di tích), một người nhiều năm nghiên cứu các kiến trúc cổ Việt Nam, cho biết: "Theo kinh nghiệm của tôi, đối với thể loại kiến trúc khung gỗ ở Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay, chiều dài của mỗi bước gian chỉ 5m là cùng, mặc dù 5m cũng là trường hợp ít gặp".

Bởi vậy, ban đầu anh đã không thể tin được khi biết bước cột của tòa nhà nhiều gian là 5,8-6m. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định: Kiến trúc gỗ Việt Nam từ trước đến nay chưa thấy khẩu độ lớn đến thế. Nguyễn Hồng Kiên dẫn ra một trường hợp mà anh mới phát hiện. Đó là chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây), nơi anh đo được khoảng cách giữa hai cột là 6m. Tuy nhiên, giả sử kiến trúc chúng ta đang nói đến là một cung điện thật sự, thì sự so sánh sẽ là khập khiễng. Bởi vì phần mái của một ngôi chùa, cùng hệ thống vì kèo của nó, ắt phải nhẹ hơn rất nhiều so với phần mái của một cung điện, nơi các trang trí được đắp vào tầng tầng lớp lớp. 

Cung điện hay chỉ là một trường lang/nhà kho/nhà để... xe ngựa?

Dấu tích còn lại trên mặt đất không cho phép phủ nhận quy mô kiến trúc mặt bằng của "tòa nhà nhiều gian" này. Thế nhưng công trình bên trên mặt bằng ấy như thế nào, dùng làm gì lại là chuyện khác. Nhiều người nghi ngờ về giá trị lịch sử, vai trò quan trọng cũng như công năng ứng dụng của công trình.

Soạn: AM 172733 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Công trình thoát nước đang được khai quật trong di tích Hoàng thành.

GS. TS. KTS Nguyễn Việt Châu, viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc, nhận xét: "Kiến trúc gỗ truyền thống ở Việt Nam thường có bộ mái rất đồ sộ do cấu tạo của mái nhiều lớp, tải trọng bản thân rất lớn. Vì vậy đòi hỏi hệ thống cột, kèo thật vững chắc, thậm chí nặng nề. Do vậy, các di tích sử dụng khung gỗ truyền thống còn tồn tại đến nay thường chỉ có bước cột trên dưới 4m. Bước cột của "tòa nhà nhiều gian" này lên tới 5,8-6m. Vậy chẳng lẽ thời Lý-Trần xây dựng phần mái nhà có cấu tạo không giống các công trình gỗ cổ truyền khác của Việt Nam?". Theo lý luận này, để thích ứng với trọng tải rất lớn của mái nhà, hai cột nhà chỉ nên cách nhau không quá 5m. Từ đó suy ra, nếu bước cột lớn hơn khá nhiều thì phần mái dứt khoát phải cấu tạo nhẹ đi. Điều đó là rất khó, càng khó hơn đối với phần mái của một cung điện.

Đồng ý kiến này là GS. Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Xây dựng. Đi xa hơn, ông còn đưa ra những phán đoán bước đầu: "Rất có thể đây chỉ là kiến trúc của một trường lang. Các móng trụ cao trên dưới 1m, được gia cố rất tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở bên trên phải là một công trình lớn. Mà có thể chỉ là một dãy hành lang hoặc một kết cấu rất nhẹ, hoặc thậm chí một dạng không gian của các mái giàn". Mái của một công trình như trường lang, hay bất cứ cái gì, miễn là một kết cấu đảm bảo nhẹ hơn kết cấu mái cung điện... sẽ phù hợp với bước gian lớn. Đó là cơ sở của quan điểm này. 

Chiều 15/10, Viện Nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng) tổ chức tọa đàm "Xác định giá trị Kiến trúc-Xây dựng của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu". Đông đảo các kiến trúc sư là thành phần chính của buổi tọa đàm. Phía Bộ VHTT có TS Đặng Văn Bài - cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; GS Phan Huy Lê - Viện KHXH VN.

Đây là lần đầu tiên giới KTS VN có một diễn đàn rộng như thế để bàn về di tích Hoàng thành, đánh dấu sự "vào cuộc" chính thức (dù muộn màng) của họ. Được biết, Bộ Xây dựng sẽ tham khảo các ý kiến tại tọa đàm và có ý kiến trình Chính phủ. Như vậy, sau Viện KHXH Việt Nam và Bộ VHTT, đây là cơ quan thứ ba chuẩn bị bản đánh giá về giá trị và phương án bảo tồn di tích Hoàng thành để trình Chính phủ.

Tại tọa đàm, giới KTS cũng bày tỏ nỗi bức xúc vì đã bị xem nhẹ vai trò trong suốt quá trình khai quật và thảo luận về khu di tích lớn nhất này.

Tại buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu Kiến trúc tổ chức gần đây, PGS Tôn Đại đã làm cho thính giả cười "bò" khi ông phát biểu: "Toà nhà nhiều gian về mặt kiến trúc là một công trình tuyệt vời. Nhưng chỉ với chi tiết khẩu độ gian, chưa thể kết luận đó là cung điện. Còn thực ra nó là cái gì thì tôi cũng chưa dám nói. Rất có thể đó chỉ là vị trí của nơi để xe ngựa trước khi vào cung: Một nhà để xe, để ngựa lớn, với lối đi ở giữa (nhìn sơ đồ), v.v...". Rồi ông thêm: "Nếu nói đến như vậy mà cũng không phản bác lại được, chứng tỏ chúng ta rất thiếu tư liệu và cần phải khai quật tiếp mới xác định được, chứ kết luận ngay e quá vội vàng!".

Một số học giả (GS Trần Lâm Biền, PGS Lưu Đức Hải - Viện Quy hoạch...) khẳng định đây là vết kiến trúc của một kho tàng (đựng thóc và tiền). Họ dẫn ra tấm bản đồ thời Minh Mạng và tấm bản đồ của người Pháp (khoảng những năm 70 thế kỷ XIX), theo đó khu Đông của hành cung  là khu ở của quan lại (nay là khu thuộc Bộ Quốc phòng, đối diện với Thành cổ Hà Nội qua đường Nguyễn Tri Phương); còn khu Tây của hành cung (tức là khu vực đang khai quật, nằm phía Tây điện Kính Thiên) là nơi đặt các kho tàng.

Như vậy, các nghi vấn bắt đầu đặt ra những giả thiết - đôi khi "vui vui" và không chứng minh - về chức năng cũng như cấu trúc phần trên của công trình. Đi xa hơn nữa, GS Trần Lâm Biền cho rằng có thể công trình chỉ mới được xây dựng gần đây. Theo cách lý giải của ông, nền tảng kinh tế thời Lý-Trần không cho phép xây dựng được các công trình lớn như thế (nếu tòa nhà nhiều gian đúng là cung điện, ở phía Tây hành cung mà đã lớn đến thế, thì các tòa điện chính ở trục thần đạo còn lớn hơn nhiều!). Hơn nữa, "nền ngôi nhà này lại không thấy được bó vỉa. Trong khi đó, hiện tượng phổ biến của kiến trúc cổ truyền là bao nền bằng đá hoặc bó bằng gạch xây, trừ trường hợp nhà có sàn. Vậy ngôi nhà có thể có dựng sàn, hoặc mới làm gần đây, hoặc cả hai".

Nhiều giả thiết nhưng không có kết luận

Viện KHXH Việt Nam trung thành với quan điểm của mình, theo đó dấu tích tòa nhà chín gian dứt khoát là nơi từng tồn tại một cung điện tráng lệ và toàn bộ khu vực vừa phát lộ ở 18 Hoàng Diệu là nơi ở của nhà vua và triều đình, chứ không phải của dân thường như một số ý kiến có thể suy luận. Nhà khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên đưa ra một luận giải: "Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng toà nhà chín gian với kết cấu bốn hàng chân cột 1 vì này là kiến trúc của một hành lang. Vì sao? Bởi vì chúng tôi đã đo đếm kỹ lưỡng khoảng cách giữa các dãy móng, và xác định thấy mỗi vì có kích thước từ 5,8-6m, nhưng ở gian cuối cùng lại thu lại chỉ còn 4m. Điều đó cho thấy gian cuối cùng có thể là đầu hồi và như vậy đó không thể là kiến trúc của hành lang".

"Như đã nói, tôi và GS Trần Lâm Biền đã đo được khẩu độ gian chính xác ở chùa Thầy là 6m" - anh nhấn mạnh - "Nhà thờ Phát Diệm còn lớn hơn nữa: khoảng cách giữa hai cột cái là 6,4m, tức là còn lớn hơn bước gian ở kiến trúc toà nhà nhiều gian mà chúng ta biết. Qua đó, có thể thấy cho đến gần đây, người Việt vẫn làm được các kiến trúc lớn như thế, vấn đề là có nhu cầu hay không thôi. Theo nhận xét của tôi, các viên ngói trên mái cũng rất lớn, điều đó sẽ là hợp lý khi đem ứng vào toà nhà có khẩu độ lớn như thế".

Ngoài ra, nhiều người cũng băn khoăn: Hướng tại nền móng "tòa nhà nhiều gian" này cho thấy công trình chạy dọc hướng Bắc-Nam, mặt nhà hướng Đông-Tây. Vì thế, nó không thể là công trình được nhà vua sử dụng để làm cung điện làm việc hay nghỉ ngơi. Tóm lại, nó không phải là một công trình chính. Vậy thì tại sao nó lớn đến thế, lớn hơn cả điện Kính Thiên? Tuy nhiên, thực tế chúng ta chưa có điều kiện khai quật khu vực điện Kính Thiên nên cũng chưa thể chắc là tầm cỡ của điện lớn chừng nào.

Đa số những người có nghi vấn về giá trị sử dụng của kiến trúc nền móng lớn ở hố A1 thật ra chỉ làm một phép chứng minh phản chứng. Họ chỉ ra những mâu thuẫn của cách giải thích của một dòng ý kiến, nhưng bản thân họ cũng chưa thể đưa ra kiến giải gì chính xác hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có lý.

Đây là một vấn đề học thuật thật sự nghiêm túc, đòi hỏi thời gian nghiên cứu nhiều hơn, và thậm chí, cả những cuộc khai quật tiếp theo trên các diện tích liên quan. Nó không chỉ là việc tìm một tiếng nói đồng thuận của mọi giới, ngành nghiên cứu trong cả nước, mà có ý nghĩa xác định giá trị văn hóa, lịch sử thật sự của khu di tích.

  • Đ.D.H  

 

,
,