Bàn giao di cảo của GS Từ Chi cho bảo tàng DTHVN
GS Từ Chi - Nhà dân tộc học số 1 của Việt Nam (thế kỷ 20). Ảnh: Lam Điền. |
(VietNamNet)
- Sáng nay (22/10), tại Bảo tàng dân tộc học VN, Viện nghiên cứu Đông Nam Á trân trọng bàn giao toàn bộ di cảo của cố GS Nguyễn Đức Từ Chi cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN). Di cảo của cố GS Nguyễn Đức Từ Chi bao gồm các tài liệu thuộc nhiều thể loại khác nhau với hàng chục nghìn trang tư liệu quý. Đáng chú ý nhất là các tài liệu điền dã dân tộc học về người Mường, các sơ đồ, ký hoạ dân tộc học ghi chép về người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ VN. Đối với cả hai lĩnh vực này, ông đều là đại diện tiêu biểu, và cho đến nay vẫn chưa có học giả nào vượt qua. Ngoài ra, ông cũng để lại nhiều trước tác tài liệu và hình ảnh về các dân tộc Tây Nguyên, Tày -Thái, các dân tộc ở Châu Phi, bản thảo các bài viết, công trình khoa học. Di cảo cũng bao gồm các tài liệu, giấy tờ, thư tín, ảnh kỷ niệm... có thể cung cấp nhiều điều về cá nhân nhà dân tộc học lớn này.Di cảo của GS Từ Chi được giao cho Viện Nghiên cứu Đông Nam Á lưu giữ gần 10 năm nay, không lâu sau khi GS tạ thế. Tại đây, do nhiều nguyên nhân khách quan, các tài liệu (chủ yếu là giấy tờ, bản thảo, ảnh) đã bị xuống cấp, một phần bị hư hại nghiêm trọng. Ông Nguyễn Duy Thiệu (Viện nghiên cứu ĐNA), là người học trò đã nhận sự uỷ thác của cố GS trông nom phần di cảo này, dự định xin chuyển tài liệu vào Viện Lưu trữ Quốc gia. Trong bối cảnh đó, Bảo tàng DTH VN đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm lưu giữ kho di cảo quý này với một mục đích tốt đẹp là tôn vinh các nhà dân tộc học tiền bối để làm gương cho các thế hệ mai sau.
TS Nguyễn Văn Huy (phải), GĐ Bảo tàng DTHVN nhận tượng trưng di cảo của GS Từ Chi. Người trao là GS Phạm Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu ĐNA. Ảnh: Lam Điền. |
GS Nguyễn Đức Từ Chi (1925-1995) là cháu nội của nhà ái quốc Nguyễn Hiệt Chi, một trong những người sáng lập trường Dục Thanh ở Phan Thiết, là nơi Bác Hồ từng dạy học. Cha của ông là bác sỹ Nguyễn Kinh Chi, chú ruột là vị GS nổi tiếng Nguyễn Đổng Chi (hai anh em là đồng tác giả cuốn "Mọi Kon-tum", tài liệu dân tộc học đầu tiên của giới nghiên cứu VN). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghiên cứu dân tộc học nhưng GS Từ Chi ban đầu lại theo ngành y. Sau khi vào chiến trường miền Nam rồi bị thương, ông trở về Bắc, học khoa sử (Trường Đại học Tổng hợp cũ) và sớm đi theo thiên hướng của mình về dân tộc học. Nhiều năm liền, ông bỏ ra mỗi năm vài ba tháng sống cùng người dân tộc Mường, kết nghĩa, nói tiếng Mường và kết quả là cho đến này gần như chưa học giả VN nào vượt qua ông trong sự hiểu biết hệ thống về văn hoá của dân tộc này.
Tại lễ bàn giao sáng nay, TS Nguyễn Văn Huy, GĐ Bảo tàng DTHVN, cho biết: Bảo tàng phối hợp với Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hội Dân tộc học VN sẽ tổ chức một cuộc trưng bày với chủ đề "Nhà dân tộc học Từ Chi và nền dân tộc học VN". Cuộc trưng bày sẽ diễn ra vào năm 2005, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất và 80 năm ngày sinh của GS. Từ nay đến lúc đó sẽ có một loạt hoạt động như vận động sưu tầm hiện vật, ghi chép các kỷ niệm liên quan đến GS, tổ chức toạ đàm, nghiên cứu di cảo..., trong đó việc bàn giao hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu.
Trả lời câu hỏi sẽ ứng xử với phần di cảo mới tiếp nhận này ra sao, TS Nguyễn Văn Huy cho biết: "Hiện nay số tài liệu đang trong tình trạng hư hại khá nặng nên chưa thể nói ngay đến chuyện trưng bày tham quan hay thậm chí tham khảo. Trước mắt, chúng tôi sẽ lập một nhóm nghiên cứu các tài liệu đó, cố gắng nối chúng với nhau để tìm ra sự hình thành, phát triển tư tưởng dân tộc học của GS".
PGS -TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc bảo tàng dân tộc học Việt Nam): Sẽ xây dựng Con đường dân tộc học "Đây là vị GS dân tộc học VN đầu tiên mà chúng tôi lưu giữ di cảo (trước đó chúng tôi từng nhận được món quà hơn 1000 cuốn sách từ một nhà dân tộc học người Canada). Tuy nhiên, tôi đã có kế hoạch để làm giàu thêm hệ thống trưng bày tại đây. Trước hết là bằng việc dành một phần diện tích lưu giữ cho di sản của các nhà dân tộc học tiền bối. Sau nữa, tôi có ý tưởng về một con đường dân tộc học bên trong bảo tàng. Con đường chạy bên trong khuôn viên bảo tàng, nơi đó đặt dọc lối đi có các phiến đá lớn ghi tên tuổi và tác phẩm của các nhà dân tộc học VN có tiếng, như Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức...; đồng thời có cả tượng chân dung của các ông. Chính từ kinh nghiệm lưu giữ các tài liệu của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên, cha tôi, tại gia đình mà tôi đã nảy ra ý tưởng này". |
-
Đ.D.H