,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
538926
Khó chọn được Bảo vật quốc gia!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Khó chọn được Bảo vật quốc gia!

Cập nhật lúc 13:52, Chủ Nhật, 31/10/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ngày 30/10, là hạn chót nộp danh sách hiện vật đề cử là bảo vật quốc gia, sau 2 tháng khởi động (kể từ 31/8). Nhưng cho đến thời điểm này, thông tin từ Cục Di sản Văn hoá cho biết, mới chỉ có 10 nơi gửi phiếu xét chọn đến. Trong số đó, có duy nhất 1 trường hợp là nhà sưu tập tư nhân, 1 trường hợp báo lên là... "không có bảo vật"! (Bảo tàng Thông tin, thuộc Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc). 8 trường hợp còn lại đều là các bảo tàng cấp tỉnh với số hiện vật đề cử từ 2 trở lên. 

Tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Bảo vật quốc gia phải chăng là đây?

Điều kỳ lạ là không có một bảo tàng quốc gia hay di tích nào thuộc địa bàn 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM tham gia. Khi chúng tôi tìm hiểu, thì còn kỳ lạ hơn nữa, nhiều người vẫn tỏ ý nghi ngờ cái lợi của việc một hiện vật được coi là bảo vật quốc gia. Ngoài ra, tiêu chí xét chọn theo một số ý kiến, có vẻ quá chung chung...

Kể từ sau khi Luật Di sản Văn hoá ra đời (6/2001), đây là đợt xét chọn bảo vật quốc gia đầu tiên trên phạm vi cả nước. Theo chủ trương của Cục Di sản Văn hoá (DSVH), đợt xét chọn bảo vật quốc gia này không chỉ gói gọn ở các di tích, mà trên toàn bộ hệ thống bảo tàng Trung ương và địa phương, kể cả các bộ sưu tập tư nhân. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục DSVH cho biết: Các cổ vật đề cử sẽ được Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học để Chính phủ phê duyệt. Việc xét chọn sẽ kéo dài đến sang năm hoặc năm sau nữa.

Địa phương nô nức - Trung ương thờ ơ - Tư nhân đi những bước thận trọng!

8 địa phương đã gửi danh sách và phiếu xét chọn, gồm: Sở VH-TT Hà Nam đề cử 6 hiện vật. Ban Quản lý di tích danh thắng Ninh Bình đề cử 6, bảo tàng tỉnh Hoà Bình 2 và bảo tàng tỉnh Lào Cai đề cử 3. 

Một số hiện vật được đề cử:

- Ban Quản lý di tích danh thắng Ninh Bình đề cử 6 hiện vật: Tượng vua Đinh, tượng vua Lê, Tượng Thái hậu Dương Văn Nga, Thập long sàng, Bệ đá hoa sen hình hộp chữ nhật thời Trần...). 

- Bảo tàng tỉnh Lào Cai (3): Súng thần công, mặt trống đồng Pha Long, Tượng phụ nữ Sapa.

- Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (6 hiện vật): Cột đá chùa Dạm thời Lý, Phật Bà nghìn tay nghìn mắt (chùa Bút Tháp, thế kỷ 16-17), pho A Di Đà chùa Phật Tích ( một trong bốn tượng đá thời Lý còn sót lại ở Việt Nam), con Rồng đá trong tư thế miệng cắn thân, chân xé mình, tìm thấy trong đền thờ Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình; khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu (duy nhất có ở Việt Nam).

- Bảo tàng tỉnh Thái Bình (28 hiện vật): Chân đèn gốm, bát hương gốm, tượng Tuyết Sơn, Bia đá chùa Hoa Nam, lư hương, trống đồng, mô hình nhà đất nung, gạch trang trí đất nung, Kiệu Bát cống...

Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh có lẽ đã có thể liệt kê một danh sách dài hơn các hiện vật xứng đáng đề cử, nhưng cuối cùng chỉ chốt lại ở con số 6. Ngoài ra các Bảo tàng Bình Thuận, Phú Yên cũng đã gửi danh sách đề cử.

Đặc biệt, bảo tàng tỉnh Thái Bình đề cử 28 hiện vật.

Trong khi đó, tại HN và TP.HCM, các di tích vẫn bình chân như vại. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tiến trình xét chọn cấp địa phương, câu trả lời của BQL Di tích Danh thắng HN là "chưa thống kê được". Chị Hoà, nhân viên của BQL, cho biết: "Chúng tôi đã chủ động làm việc kiểm kê này từ cách đây 2 năm, không chờ công văn của Cục DSVH. Nhưng đây là việc không đơn giản vì phải thẩm định giá trị cổ vật và nhất là liên quan trực tiếp đến kinh phí. Do đó, về mặt quản lý theo ngành dọc có thể nói chúng tôi đi trước cả Cục DSVH, thế nhưng xuống các quận thì không thực hiện được. Bây giờ quận Tây Hồ mới bắt đầu làm, quận Thanh Xuân, Hoàn Kiếm thì mới làm thí điểm. Kinh phí không có đủ mà nhóm thẩm định cũng không có..."

Cũng chưa có một bảo tàng (cấp quốc gia) nào ở hai thành phố lớn nhất nước là HN và TP.HCM, lên tiếng. Giải thích cho tình trạng đó ở bảo tàng mình, ông Phạm Quốc Quân, GĐ Bảo tàng Lịch sử VN, cho biết: "Chúng tôi mới đang làm. Đã lập ra một danh sách sơ bộ, nhưng cần phải đưa qua Hội đồng khoa học của Bảo tàng duyệt đã rồi mới công bố. Đây là việc cần cẩn trọng, phải tính toán cả trong tương quan số lượng, chất lượng với các địa phương khác, nếu không đưa lên lại bị gạt đi thì Hội đồng khoa học của bảo tàng cũng cảm thấy bị xúc phạm". Ông cũng nhấn mạnh: "Hạn cuối là 30/10 ư? Tôi biết, nhưng tôi cũng không vội quá. Ở VN ta, nói 2 tháng nhưng có thể là 8 tháng cũng được ấy chứ!"

Giới sưu tập tư nhân còn dửng dưng hơn nữa. Người duy nhất đã gửi hồ sơ đề cử lên Cục DSVH là ông Nguyễn Văn Luông (Thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) với hiện vật đề cử là chiếc điếu bình Đường Anh. Ông Phan Đình Nhân, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long dự kiến sẽ trình một chiếc đầu rồng thời Lý, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh gì.  

Giới cổ ngoạn đông đảo thuộc Hội cổ vật Thiên Trường (Nam Định) tỏ ra khá bình tĩnh, nhiều người chưa biết đến công văn của Cục DSVH, một số khác thiện chí hơn thì đợi đăng ký di vật với Sở VHTT đã rồi mới tính đến chuyện đề cử. 

"Được công nhận bảo vật quốc gia, chắc gì đã có lợi?!"

Giải thích tại sao lại đề cử ít thế - chỉ duy nhất một - ông Phan Đình Nhân nói: "Trước hết, bởi vì tiêu chí không rõ ràng, chỉ có định tính mà không có định lượng. Thứ nữa, nếu đăng ký và được xét chọn là bảo vật quốc gia, rất có thể Nhà nước sẽ thu giữ bảo vật nếu họ thấy điều kiện bảo quản ở nhà anh không đủ tiêu chuẩn. Mà nếu đủ tiêu chuẩn đi nữa, họ sẽ bắt anh ký một cam kết giữ gìn nguyên vẹn, không hỏng, vỡ. Nhỡ tay làm hỏng thì có tội với Nhà nước. Khó lắm!..." Cái vòng suy nghĩ ấy khiến giới sưu tập tư nhân, một khi không lập bảo tàng tư nhân, thì cũng không cần đến sự công nhận chính thức giá trị của một cổ vật họ có, nhất là khi nó lại nhiều khả năng đi kèm với những phiền toái vô bờ.

Không chỉ giới cổ ngoạn, nhược điểm của việc được công nhận bảo vật quốc gia cũng được tính đến bởi một lãnh đạo bảo tàng quốc gia. Ông Quân (Bảo tàng LSVN) nói: "Sẽ phiền phức hơn nhiều nếu anh đem một bảo vật quốc gia đi triển lãm ở nước ngoài, vì còn phải xin quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đi kèm với nó là một chế độ bảo quản riêng biệt mà nhiều khi chúng tôi chưa đủ điều kiện".

Tiêu chí bảo vật quốc gia không rõ ràng cũng đưa đến những tình trạng ồ ạt không cần thiết hoặc ngược lại, bỏ sót một cách đáng tiếc. Chẳng hạn, Bảo tàng tỉnh Thái Bình đề cử 28 hiện vật. Quả là một con số đáng nể, nghe mà người ta cũng không biết phải nghĩ thế nào nữa, rằng bảo vật quốc gia ta phong phú quá hay là xét chọn cấp địa phương ồ ạt quá! Trong khi đó, theo đánh giá của một số cán bộ trong Cục DSVH, các hiện vật mà họ nhận được đến thời điểm này vẫn chưa có cái nào tỏ ra xuất sắc hoặc tiêu biểu lắm. Anh Đức Dũng, chuyên viên Cục DSVH khẳng định rằng khi gửi công văn, Cục đã "nhắc nhở" các địa phương cần thành lập hội đồng thẩm định cẩn thận trước khi đưa lên. Nhưng thực tế, họ có thực hiện khâu này hay không thì... chịu!

Cứ thong thả, còn chờ Hội đồng Di sản quốc gia ra đời!

Rõ ràng đợt xét chọn bảo vật quốc gia này chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và từ nhiều phía. Chưa nói đến khó khăn do sự yếu kém của đội ngũ thẩm định cổ vật, thì ngay trong lộ trình xét chọn đã gặp khúc mắc. Về nguyên tắc, danh sách hiện vật đề cử từ Sở VHTT các tỉnh được chuyển lên Cục DSVH, tiếp đó qua sự thẩm định của một Hội đồng tên là Hội đồng di sản văn hoá quốc gia, cuối cùng đưa lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Hội đồng này đến tận bây giờ vẫn chưa thể ra mắt, chính xác là đang xin ý kiến quyết định thành lập. Nhiều địa phương đã vin vào cớ đó để cho rằng chẳng việc gì phải vội. Một số địa phương lại không cần khẩn trương vì "không trình xét chọn đợt đầu tiên thì ta trình trong các đợt tiếp theo!". 

Không chỉ Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia chưa ra đời, mà dường như tất cả các khâu quản lý trung gian để giúp cá nhân, tổ chức sở hữu cổ vật có thể liên hệ với cơ quan có trách nhiệm về văn hoá thông tin đều chưa thành lập hoặc chưa ổn định. Từ nửa năm nay chúng ta đã kêu gào mà rốt cuộc một phòng, ban nhằm tiếp nhận yêu cầu đăng ký cổ vật từ giới cổ ngoạn vẫn chưa hề có! Sở VH-TT Hà Nội lẽ ra nên là cơ quan đi đầu nhưng đến nay vẫn bình chân như vại. Trách nhiệm tiên phong này có lẽ tỉnh Nam Định sẽ đảm nhiệm, và xét về thực lực đúng là họ có khả năng hơn. Theo chúng tôi được biết, trong nửa đầu tháng 11 này, Sở VH-TT Nam Định sẽ thành lập một ban đăng ký cổ vật, các thành viên là chuyên viên của Sở, của Bảo tàng tỉnh, và của Hội cổ vật Thiên Trường. 

  • Doãn Diễm

Cần hiểu đúng về bảo vật quốc gia

- Tiêu chí: Là những hiện vật nguyên bản, độc bản/hình thức độc đáo/có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Như vậy bảo vật quốc gia không nhất thiết phải là cổ vật (có niên đại trên 100 năm) mà có thể bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật.

Các tiêu chí này được làm cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DSVH (2002) như sau:

a- Hiện vật nguyên gốc, độc bản

b- Hình thức độc đáo

c- Có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học. Thể hiện ở:

+Là vật chứng của 1sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất.

+Là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho 1 khuynh hướng, 1 phong cách, 1 thời đại...

+Là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định. 

- Chính sách: Được bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt. Nhà nước sẽ dành ngân sách thích đáng để mua. Phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước (trong khi đó, di vật và cổ vật thì Nhà nước khuyến khích đăng ký). Và khi thay đổi chủ sở hữu trong nước phải báo cáo trong thời hạn 15 ngày.

- Nếu thuộc sở hữu toàn dân, Bảo vật quốc gia không được mua bán, tặng cho, thừa kế. Nếu thuộc các hình thức sở hữu khác, Bảo vật quốc gia được mua bán tặng cho, kế thừa nhưng chỉ ở trong nước.

(Theo Luật Di sản Văn hoá (2001) và Nghị định hướng dẫn thi hành)

,
,