,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
539950
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 2/11
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Tin văn hoá trên các báo ra ngày 2/11

Cập nhật lúc 09:15, Thứ Ba, 02/11/2004 (GMT+7)
,

1.Các Hãng phim tư nhân không mặn mà với LHP quốc gia?

2.Gặp gỡ hoa hậu VN 2004

3.Truyện tranh VN: Hỗn loạn trước giờ G

4.''Của độc'' của Gala cười 2004... 

Các Hãng phim tư nhân Không mặn mà với LHP quốc gia?

So với lực lượng làm phim tư nhân đang có thị phần trong vài năm gần đây mà chỉ có phim "Những cô gái chân dài" tham gia LHP quốc gia lần thứ 14 là quá ít, và không phản ánh hết những chuyển động của đời sống điện ảnh tư nhân.

1. Ông Phước Sang - Giám đốc Hãng phim Phước Sang lý giải đơn giản chuyện không tham gia LHP của hãng là vì thời gian. Bộ phim "Khi đàn ông có bầu" vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và không thể kịp gửi dự LHP. Nhưng nếu giả dụ có làm kịp thì "Khi đàn ông có bầu" - một cái tên có lẽ chỉ ăn khách ở phía nam - hy vọng vào hiệu ứng của vở diễn ăn khách cùng tên cách đây ít lâu - là khá mạo hiểm. Trong khi đó, Việt Film do đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc làm giám đốc trong định hướng "bắt cá hai tay" vừa làm phim video vừa làm phim truyện nhựa, hiện mới triển khai một tay. "Bẫy tình" phim video đầu tiên đang làm được quảng cáo khá ồn ào với sự trở lại của người mẫu - diễn viên Thanh Mai. Còn hãng phim á-Mỹ dĩ nhiên là không dám cử phim "Công nghệ lăng xê" (tưởng thắng khi đi vào chuyện ông bầu - ca sĩ, nhưng đã thất thu với cốt truyện gượng ép, dễ dãi và giả tạo)...

Tuy nhiên, dù cho các phim trên có dự LH thì sự cạnh tranh giải nếu có chỉ nằm ở thể loại: "Phim dành cho khán giả được yêu thích nhất" so tài cùng với "Gái nhảy 2", "Những cô gái chân dài"... Dù rằng, khi chấp nhận cho hãng phim tư nhân cùng đá chung sân thì đương nhiên chịu những sức ép khác nhau của những đơn vị đứng sau các hãng phim tư nhân.

2. Đi sâu thêm, giả dụ phim có đoạt giải, liệu sau đó có tạo nên cơn sốt về mặt khán giả (mục đích chính của các nhà làm phim tư nhân) không, thì chưa ai dám khẳng định. Còn những "Bông sen vàng", "Bông sen bạc" thì xin nói ngay những phim tư nhân cho đến giờ chắc không có mảy may cơ hội. Vì những đề tài mà họ chọn đều mang tính giải trí đơn thuần. Sau "Công nghệ lăng xê", Á - Mỹ làm tiếp "Dốc tình" và tin vào cơ may của cái duyên Hàn - Việt sẽ là bài toán hiệu quả về doanh thu khi chịu chơi mời hai diễn viên trẻ, đẹp người Hàn sang đóng phim. Hãng Phước Sang thì tuyên ngôn hẳn là chỉ làm phim thương mại và tiếp sau phim tâm lý hài "Khi đàn ông có bầu" sẽ là phim hành động hài "1/2 hồn thương đau". Duy có Việt Film là hướng phim video làm dựa theo những tác phẩm văn học nổi tiếng đã "ăn sâu" trong lòng bạn đọc chủ yếu là giai đoạn 1930-1945... là muốn vượt qua sự giải trí đơn thuần nhưng tương lai còn chưa thể biết, mà "Bẫy tình" - dựa theo tác phẩm của Vũ Trọng Phụng- đang thực hiện, là "trận đánh" đầu tiên.

3. Các hãng phim tư nhân có nhiều ưu thế về tiền (hầu hết các hãng làm phim tư nhân đều là "con đẻ" hay phải dựa vào một công ty có tiềm lực kinh tế kha khá; Việt Film trực thuộc Cty Liên Việt Mỹ, Hãng phim Phước Sang là con đẻ của Cty cổ phần giải trí Phước Sang...), cho nên dám chơi sang từ việc tuyển diễn viên hàng "sao", đạo diễn tài, tiếp thị thật "oách" (poster, trang Web riêng...), làm hậu kỳ tại nước ngoài... Thậm chí Việt Film còn định tuyển diễn viên riêng, Phước Sang đang tính toán chuyện xây rạp riêng vì đã quá chán cảnh xếp hàng chờ lịch chiếu, tỷ lệ ăn chia chủ rạp và phát hành chưa thoả đáng...

Tuy nhiên hiện tượng lặp lại ở các mảng đề tài cho thấy sự rụt rè chưa dám mạo hiểm, phiêu lưu của họ. Tại sao các hãng phim tư nhân không làm những phim thật sự mang tính nghệ thuật cao để thi thố không chỉ tại các LHP trong nước mà cả quốc tế. Trước mắt thì cứ làm giải trí đã nhưng hãy hấp dẫn và đi theo nhiều hướng khác nhau, chứ đừng theo một đường một chiều!

(Theo Lao Động) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 185149 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hoa hậu Việt Nam 2004: Nguyễn Thị Huyền
Gặp gỡ Hoa hậu Việt Nam 2004

Tân Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền quả thật là khá giản dị, dễ thương khi tiếp xúc. Đi thi hoa hậu sau khi nhận được lời thách đố của ông anh trai yêu quí, để thử sức cho vui chứ không phải để đoạt giải, đồng thời để chứng tỏ "mình không phải đứa em gái kém cạnh". Báo Thanh Niên đã phỏng vấn nhanh tân hoa hậu khi cô và các bạn cùng thi vẫn còn ở Tuần Châu chụp hình theo yêu cầu của Ban tổ chức.

- Em có thể kể đôi nét về gia đình mình?

- Em sinh ngày 4/7/1985 trong một gia đình công chức bình thường ở thành phố Hải Phòng, trước kia em là học sinh Trường PTTH Thái Phiên. Mẹ em là người vẽ các mẫu thêu cho việc dệt thảm len, giờ đã về hưu. Bố em làm nghề xây dựng. Đó là một người cha tuyệt vời, rất trầm tĩnh, kín đáo và có trách nhiệm với gia đình. Anh trai em hiện đang học năm cuối Đại học Kinh tế quốc dân. Ba mẹ rất thương hai anh em và chỉ có mong muốn duy nhất là các con nên người.

- Em thi vào mấy trường đại học, được bao nhiêu điểm?

- Hai năm liền, em chỉ thi một trường là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm đầu tiên, em thi bị trượt. Năm thứ hai, được 22,5 điểm và trở thành sinh viên báo chí đúng như mơ ước của em.

- Cảm giác của em khi đoạt vương miện hoa hậu?

- Tất nhiên là rất vui rồi. Nhưng trên hết, trong em là cảm giác cực kỳ lo lắng. Lo lắng để làm sao mình phải xứng đáng với danh hiệu đã đạt được; lo lắng để làm sao mình không phụ niềm tin, mong mỏi của đông đảo mọi người. Và chắc chắn không bao giờ em quên những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ khi em đoạt giải.

- Em nghĩ sao khi một số đông công chúng thì cho rằng Trịnh Chân Trân xứng đáng đoạt vương miện hoa hậu hơn?

Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền trong trang phục áo dài.

- Đó cũng là ý kiến khá thú vị để em tự nhìn nhận và hoàn thiện mình hơn nữa.

- Em có đầu tư nhiều về vật chất cho các phần thi của mình không?

- Dạ, không ạ. Em là người khá đơn giản trong ăn mặc và trang điểm. Cũng không ai nhận lời tài trợ cho em về trang phục cả. Khi đi thi thì thấy mình "ngoại đạo" quá, em chủ động nhờ chị La Hằng tư vấn giúp em về trang phục. Mãi đến hơn 17 giờ của đêm chung kết, em mới có trong tay trang phục dự thi. Em dự định khi về đến Hà Nội, hoặc sẽ gửi chị Hằng tiền thuê quần áo; hoặc sẽ mua lại trang phục để giữ làm kỷ niệm.

- Từ khi đoạt vương miện hoa hậu, em đã nhận được nhiều lời mời hấp dẫn của các công ty, tổ chức về công việc tương lai của mình chưa?

- Chưa ạ. Mà nếu có, chắc em cũng chưa nhận lời vì bây giờ việc học hành với em vẫn là quan trọng nhất.

- Em có nghĩ mình sẽ có nhiều thay đổi trong cuộc sống khi trở thành hoa hậu không?

- Thay đổi duy nhất là mình phải sống có trách nhiệm hơn, hoàn thiện mình hơn với xã hội, với công chúng và với chính bản thân mình. Còn trở về với trường học, bạn bè, thầy cô, chắc chắn em vẫn luôn chỉ là một sinh viên chứ không phải là một hoa hậu.

- Là sinh viên một trường mà các thầy cô nổi tiếng là "hắc xì dầu", khe khắt với việc học tập của sinh viên. Vậy, việc bố trí lịch học tập và những hoạt động xã hội của một hoa hậu chắc chắn sẽ là một thách thức lớn đối với em? Cụ thể là ngày hôm nay em đã phải nghỉ học?

"Cảm nhận lần đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với Huyền, đó là một cô bé rất dễ mến, khá nhanh nhẹn, tháo vát; ứng xử rất ngoan ngoãn, lễ phép và khéo léo. Mặc dù lúc đầu cha mẹ Huyền không muốn cho con gái đi thi hoa hậu, sợ ảnh hưởng đến chuyện học hành, nhưng tôi và các bạn trong lớp rất ủng hộ Huyền đi thi. Tôi tin vào năng lực và bản lĩnh của cô sinh viên đó". (Giáo viên Lê Thị Nhã, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, giáo viên chủ nhiệm lớp của Nguyễn Thị Huyền)

- Trước khi đi thi, em đã làm đơn xin phép và được nhà trường cho nghỉ 1 tuần. Hôm nay vẫn còn là ngày nghỉ trong 1 tuần phép ấy. Mai, ngày kia, khi trở lại trường, em sẽ cố gắng học để bù đắp những bài vở còn thiếu. Em sẽ cố gắng sắp xếp thật khoa học thời gian biểu của mình. Thời gian tới đối với em, quan trọng nhất vẫn là dồn sức cho học tập, kế đó là các hoạt động từ thiện, xã hội. Đã thi trượt đại học một năm, em rất hiểu giá trị của việc hôm nay mình đang được ngồi ở giảng đường đại học.

- Em sẽ sắp xếp lịch để đi du lịch Nhật Bản theo lời mời của nhà tài trợ chứ?

- Em dự định sẽ đi Nhật Bản trong kỳ nghỉ hè. Chắc chắn là em sẽ không nghỉ học để đi Nhật Bản, dù đó là một phần thưởng rất vinh dự.

- Em vẫn ở ký túc xá với 2 người bạn gái?

- Hiện giờ em vẫn sẽ ở khu ký túc xá. Còn nếu có thay đổi trong cuộc sống thường ngày thì mục đích chính vẫn là làm thế nào thuận lợi nhất cho việc học tập. Tuyệt nhiên không có chuyện thay đổi chỗ ở vì lý do bây giờ em đã là hoa hậu.

- Có thể cụ thể hơn mơ ước là nhà báo của em?

- Không phải là một phóng viên truyền hình hay phát thanh, em mơ ước được trở thành một phóng viên báo viết giỏi.

(Theo Thanh Niên) 

Về đầu trang 

Truyện tranh Việt Nam: Hỗn loạn trước giờ G

Trước thời điểm Công ước Berne có hiệu lực (ngày 26-10) khoảng 2 tháng, thị trường truyện tranh Việt Nam đã biến động rất mạnh khi các nhà xuất bản lớn tung ra ''như bươm bướm'' tất cả các loại truyện tranh mà mình có.

Đơn giản vì chỉ vài đầu truyện tranh (chủ yếu của Nhật Bản) hiện nay là có những thỏa thuận về bản quyền

Theo ước tính, hiện có trên 50 tựa truyện tranh Nhật Bản tranh thủ xuất hiện trước giờ G trên các quầy sách, nhà sách ở TPHCM. Lập tức thị trường truyện tranh hỗn loạn, người mua hoang mang trước rừng truyện tranh bạt ngàn. Do được vội vã tung ra để tránh tác quyền nên chỉ có số ít truyện là nghiêm túc, còn hầu hết được biên tập, "xào nấu" rất kém, cả về hình ảnh lẫn câu cú. Sự hỗn loạn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng phát hành các đầu truyện tranh VN đang đứng được trên thị trường VN như Thần đồng Đất Việt và Dzom. Nếu Thần đồng Đất Việt đã khẳng định được mình, “sống khỏe" giữa rừng truyện tranh Nhật Bản thì Dzom chật vật hơn nhiều. Ra đời tìm một sự liều lĩnh, lãng mạn của một sinh viên, Dzom đơn thương độc mã dần dà chen được vào các nhà sách lớn, các tủ sách của lứa tuổi thiếu niên. Nay đứng trước cơ hội này, Dzom hy vọng tạo một cú đột phá về số lượng phát hành, để ê-kíp thực hiện có thể chăm chút hơn về nội dung.

Sau 26-10, thị trường truyện tranh sẽ hụt đi khoảng hơn 80%, đây chính là thời khắc vàng cho truyện tranh VN "sống lại'', đó là khẳng định chắc nịch của bà Phan Thị Mỹ Hạnh - giám đốc Công ty Phan Thị, nơi thực hiện bộ truyện Thần đồng Đất Việt, hiện đã phát hành gần 60 tập. Nhưng cũng vì thế mà Phan Thị lại do dự chưa tung ra ngay bộ truyện tranh Kỳ bí đất Phương Nam (đã thực hiện xong những tập đầu tiên) trong thời điểm này vì: "Chúng tôi chưa hài lòng lắm với một vài chi tiết trong các tập đầu nên phải chỉnh sửa lại. Thời điểm sau tháng 11 là thời điểm thị trường sẽ khát truyện tranh, chúng tôi có hy vọng thắng lớn nhưng do Phan Thị đã trở thành một "tên tuổi" qua bộ Thần đồng Đất Việt nên với bộ Kỳ bí đất Phương Nam, chúng tôi không thể tự dễ dãi với chính mình", bà Mỹ Hạnh cho biết thêm. Nội dung bộ truyện (dự kiến khoảng 20 tập) làm người xem mường tượng đến bộ phim Đất phương Nam đã được trình chiếu với những câu chuyện của người đi mở đất, trong bối cảnh sông nước hoang sơ, trù phú sản vật. Chính vì có bối cảnh đẹp nên bộ truyện sẽ có một loại in màu, một loại in trắng đen để người đọc chọn lựa.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, sự đầu tư cho truyện tranh VN hiện nay không đáp ứng nhu cầu: Hầu hết chỉ là những kịch bản đơn giản, khô cứng trong khi bạn đọc nhỏ tuổi ngày càng khó tính. Không những thế, các kịch bản này lại được thực hiện bởi một vài họa sĩ ''lão làng'' với những đường nét đã nhàm chán với thiếu nhi cả chục năm nay. Trong khi đó việc đầu tư cho những họa sĩ trẻ có khả năng sáng tạo phong phú thì nhiều nhà xuất bản vẫn tỏ ra rất dè dặt vì sợ chuyện ''cốc mò cò xơi'', khi họ đã có tay nghề rồi lại nhảy sang chỗ khác, sợ chuyện đầu tư tiền triệu cho cả năm để ra một đầu truyện nhưng chưa có gì bảo đảm chuyện doanh thu... Nói chung các NXB sợ và nghi ngại đủ thứ để đầu tư cho truyện tranh VN.

Trong khi chỉ một số ít ỏi các công ty tư nhân và cả cá nhân dám ''chơi'' một cách rất tâm huyết với truyện tranh VN, các NXB Nhà nước "sợ" truyện tranh VN thì thị trường đã xuất hiện một vài nhóm "thầu" làm truyện tranh với một kiểu chụp giựt. Họ mua các loại truyện tranh Nhật Bản, Trung Quốc rồi về "xào" lại hình ảnh, cắt dán từ tập này qua tập kia, đổi tên nhân vật và lời thoại, dán nhãn tác giả VN và chuẩn bị qua giờ G. tiếp tục kiếm lời.

Bìa bộ truyện tranh Kỳ bí đất Phương Nam của Công ty Phan Thị sắp phát hành.

(Theo SGGPTB)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 185145 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
NS Quốc Anh
"Của độc" của Gala cười 2004

Lần đầu tiên, một tiểu phẩm của nghệ thuật chèo góp mặt tại Gala Cười, mặc dù tham gia với mục đích là thử nghiệm, nhưng tiểu phẩm "Chuyện nhà Bá Kiến" (do nhóm nghệ sỹ nhà hát chèo Hà Nội thực hiện) đã gây được ấn tượng cho người xem.

Nghệ sỹ Quốc Anh tâm sự: Một "sân chơi" nhộn nhịp như vậy, không tham gia thì phí quá! Dù không xuất hiện đều trong "Gặp nhau cuối tuần" nhưng tôi không "mất hút". Tôi vẫn theo dõi chương trình đều đặn đấy chứ. Nếu cần tôi có thể đọc ra những tiểu phẩm hay, dở trong thời gian qua...Còn việc tôi xuất hiện lần này với nhiều người thì hơi đột ngột, còn với tôi thì không. Bởi để có được "Chuyện nhà Bá Kiến" trình làng, tôi và các đồng nghiệp đã phải chuẩn bị khá kỹ.

- Việc nhóm hài Quốc Anh xuất hiện tại Gala Cười lần này được xem là "của độc", anh có thể nói gì về điều này?

- "Của độc" thì tôi không giám nhận nhưng đây đúng là tiểu phẩm hài đầu tiên ra mắt khán giả tại Gala cười. Thoạt đầu chúng tôi không có ý định mang tiểu phẩm hài đến góp vui. Tiểu phẩm "Chuyện nhà Bá Kiến" là một đoạn trong vở chèo "Chí Phèo", nhưng khi "nâng cấp" để chuyển sang một sân chơi mới chúng tôi lại chuyển sang kịch. Tuy nhiên, khi chúng tôi mang kịch bản đến đăng ký thì đạo diễn Đỗ Thanh Hải lại khuyên nên thể hiện bằng nghệ thuật chèo! Nhờ "cú hích" này mà tôi đã suy nghĩ lại và quyết tâm đưa chất hài của chèo vào Gala Cười.

- Chất hài của chèo và chất hài của kịch có gì khác nhau không?

- Chất hài của chèo và chất hài của kịch khác nhau khá nhiều, bởi chèo mang màu sắc ca hát theo lối hát cổ, hát cao (màu sắc dân ca). Chèo thường có những vai diễn hài độc đáo thông qua những nhân vật tính cách mà "Chuyện nhà Bá Kiến" là một ví dụ. Tuy nhiên, chèo cũng có những hạn chế tiết tấu rề rà khó hợp với nhịp sống hiện nay. Vì thế khi chúng tôi đưa chèo lên Gala Cười đã có sự chắt lọc, đưa thêm ngôn ngữ hiện đại vào nhưng vẫ nói theo giọng điệu của chèo.

- Theo anh, hài chèo có những thế mạnh gì?

- Mỗi bộ môn nghệ thuật có thế mạnh riêng nhưng quan trọng phải biết phát huy nó như thế nào cho phù hợp. Ví dụ như ở chèo khả năng xử lý "cái tục" rất hiệu quả. Cũng một câu thoại, nhưng nếu diễn theo kiểu kịch thì người xem thấy "hơi bị tục quá". Còn khi vào chèo, lại được "bọc" thêm một lớp ngôn ngữ thể hiện của chèo thì người xem không thấy tục mà vẫn gây cười. Ví dụ như trong "Chuyện nhà Bá Kiến", khi khai thác chứng bệnh "trên bảo dưới không nghe", nếu "nói toạc" ra thì rất thô. Nhưng chuyện này lại được thể hiện theo kiểu "nấn ná, ngân nga..." của chèo thì chỉ thấy khán giả cười mà không phải đỏ mặt.

- Với tư cách là trưởng nhóm, lại là người diễn xuất chính, anh có nghĩ là hài chèo sẽ lên ngôi ở Gala cười 2004 không?

- Tôi rất mừng khi tiểu phẩm của mình được người xem đón nhận một cách hào hứng, nhưng việc có lên ngôi hay không thì phải chờ sự "phán quyết" cuối cùng của khán giả. Còn mục đích của tôi đến với Gala Cười lần này, trước hết là đến với đông đảo công chúng qua đó, chúng tôi cũng muốn phát huy những khả năng để khán giả không hờ hững với sân khấu chèo.

(Theo TCTH)  

Về đầu trang

,
,