(VietNamNet) - “Thông điệp từ Điện Biên” của đoàn kịch nói Quân đội được giải cao nhất lần này là một sự “nằm ngoài” những dự đoán của “dư luận” đã có rất nhiều những câu hỏi thắc mắc được đặt ra không chỉ về giải “suất sắc nhất” mà còn cho cả …Hội diễn. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với NSND Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VHTT, Trưởng ban chỉ đạo Hội diễn Sân khấu kịch nói toàn quốc 2004.
|
NSND Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VHTT |
Thưa NSND Tiến Thọ, “Thông điệp từ Điện Biên” được chọn là vở diễn xuất sắc nhất Hội diễn có phải là một sự lựa chọn an toàn khi bên cạnh nó là một số các vở có nhiều yếu tố mới nhưng lại nhiều phần gai góc?
NSND Tiến Thọ: Trong Hội diễn này có 5 tác phẩm nổi trội hơn cả về cấu trúc, biểu diễn, dàn dựng cũng như nội dung, ý nghĩa, mục đích và những yếu tố gắn liền với đời sống đương đại ngày hôm nay như: Người cần được bảo vệ, Giữa hai bờ sương khói, Cát bụi, Ngoại phạm. Bên cạnh đó Ngọt ngào trong cay đắng cũng gây được nhiều tranh luận. Với "Thông điệp Điện Biên" - của đoàn kịch Quân đội - thì bên cạnh việc tái hiện được sự khắc nghiệt nhưng hào hùng của chiến thắng Điện biên Phủ, vở kịch còn khắc hoạ được đời sống và chân dung những anh hùng của dân tộc một cách dung dị mà phi thường! Vở kịch đã kiến cho những ai từng sống qua giai đoạn ấy phải xúc động, từ những chị Lấm, anh Bùn, anh Thỉm, anh Diện, anh Giót - những người con được sinh ra từ sự đói nghèo, chân chất ở mỗi làng quê Việt Nam ngày ấy - đã làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc, họ đã góp phần làm nên ngày hôm nay...! Chính vì vậy mà "Thông điệp từ Điện Biên" xứng đáng được chọn là vở xuất sắc nhất Hội diễn chứ không phải chỉ là "sự lựa chọn an toàn".
Có ý kiến cho rằng: Khi xem xong “Thông điệp từ Điện Biên” thì nên giật một hàng chữ lớn trên sân khấu là: Hãng tư liệu về Điện Biên. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?
NSND Tiến Thọ: Nói như thế cũng không sai. Bởi với 2 tiếng đồng hồ với ngồn ngộn sự kiện của 50 năm giải phóng Điện Biên, có "cả ta, cả địch", cả một chiến thắng lẫy lừng như thế thì rất cần những tư liệu lịch sử xác thực. Nhưng bên cạnh những tư liệu mang chất anh hùng ca đó vở kịch còn xây dựng được những hình tượng nghệ thuật về con người, về văn hoá của một dân tộc trong thời kỳ còn nghèo nàn, lạc hậu bởi chiến tranh.
- Có ý kiến cho rằng: Hội diễn năm nay lại rơi vào tình trạng "mưa huy chương" và có phần "chia" huy chương vì có những vai diễn còn rất non cũng được nhận huy chương vàng? Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?
NSND Tiến Thọ: Không có mưa huy chương ở đây bởi với hơn 450 diễn viên tham gia - không kể số lượng diễn viên quần chúng - thì chưa tới tổng số 20% đạt huy chương và bằng khen. Bên cạnh đó - rất dễ thấy - ngay cả với các NSƯT, mà còn là nhân vật chính trong kịch cũng không được huy chương vàng nếu như chưa xứng đáng. Việc "chia huy chương" cũng không có vì ngay trong vở đoạt giải suất sắc nhất cũng chỉ có hai huy chương vàng, Nhà hát kịch Việt Nam, được coi là "anh cả đỏ" cũng chỉ có duy nhất một huy chương vàng...Còn nếu đánh giá sự "già,non" của vai diễn qua "tần suất" xuất hiện thì rất lầm, có những vai "màn" nào cũng xuất hiện nhưng đâu có giải, nhưng có vai xuất hiện ít, mang một cái tên chung chung là "Bà nông dân" lại được huy chương vàng, thậm chí còn được đánh giá cao...
- Chọn ra một vở "đỉnh cao" trong 15 vở với 15 màu sắc khác nhau mà chẳng có một "tỷ số" nào cụ thể rõ ràng, rồi "đánh đồng" những vở hay dở còn lại như nhau đã tạo ra một tâm lý không tốt cho nhiều đoàn tham dự Hội diễn. Vậy nên chăng trong những kỳ Hội diễn sau chúng ta sẽ tổ chức Hội diễn theo kiểu: tất cả các đoàn cùng dựng một vở và kèm theo một vở phụ để dễ bề so sánh, lựa chọn tài cao thấp. Ông nghĩ sao về điều này?
NSND Tiến Thọ: Thực hiện cũng được. Nhưng ở đây không phải là cuộc thi, cũng không phải là Liên hoan. Bởi cuộc thi (concuors) thì phải có ra đề, có trả bài, còn Liên hoan (festivals) chỉ là trao đổi, giao lưu...nhưng ở đây Hội diễn là có chọn lọc, có đánh giá tác phẩm. Chỉ nói riêng khía cạnh là: tổ chức cho 15 đoàn cùng dựng chung một tác phẩm, rồi mỗi đoàn lại có một cấu trúc, một cách dàn dựng, lý giải tác phẩm đó khác nhau thì đã thấy đó là 15 tác phẩm độc lập. Như thế cũng vẫn cần một tiêu chí chung để xét, có đúng thế không?
- Xin cảm ơn ông!
|