,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
543392
Ra mắt cây Lạc cầm độc đáo thứ 16
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Ra mắt cây Lạc cầm độc đáo thứ 16

Cập nhật lúc 20:58, Thứ Năm, 11/11/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sau gần 6 năm lao động miệt mài, cây đàn thứ 16 mang tên chim Lạc đã ra đời. Đây được coi là cây đàn hoàn thiện cuối cùng trong hệ Lạc cầm của nhạc sỹ Mác Tuyên. Ngày 17/11 tới, Lạc Cầm 16 sẽ được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc giới thiệu tại Hà Nội, với chương trình biểu diễn minh hoạ do một số ca sỹ tên tuổi thể hiện.
 

Lạc Cầm 16 của nhạc sỹ Mác Tuyên.

Lạc cầm 16 được sáng chế với 3 nhạc cụ gắn liền: Đàn bầu, đàn tranh và đàn piano, cùng một lúc có thể độc tấu, hoà tấu, đồng thời đệm cho hát dân ca, tốp ca và hợp xướng.
 

Nửa thế kỷ và những cây đàn từng được tặng Huân Chương Lao động...
 

Nhạc sỹ Mác Tuyên từ hơn 40 năm nay đã nổi tiếng với cái "nghiệp" chế tác cây đàn lấy ý tưởng từ hình chim Lạc của dân tộc Việt, một cây đàn độc đáo có sự kết hợp của các nhạc cụ cả truyền thống lẫn hiện đại và có thể cùng lúc làm được nhiều chức năng diễn tấu. Gần nửa thế kỷ nghiên cứu, thử nghiệm, nếm nhiều thất bại, ông cũng đã chịu đựng không ít dư luận và áp lực xã hội.
 

Từ năm 1960 đến 1970, nhạc sỹ Mác Tuyên đã trải qua 11 lần chế tác không thành. Mãi đến 16 năm sau, năm 1986, cây Lạc cầm 12 được coi là bước đầu thành công mới ra mắt tại Nhạc viện Hà Nội. Từ đó, công trình của ông bắt đầu có bước tiến "suôn sẻ" hơn. Năm 1987, Lạc Cầm 13 được Hội đồng cải tiến nhạc khí dân tộc toàn quốc xếp giải A. 1995, Lạc Cầm 15 làm nên cái hồn của môt chương trình văn học nghệ thuật trên truyền hình, được nhiều khán giả trong nước và Kiều bào nước ngoài hoan nghênh. 1996, Lạc cầm 15 được Hội đồng Khoa học âm nhạc Quốc gia đánh giá đúng mức tính năng khoa học và âm nhạc. Không lâu sau đó, Lạc cầm 15 nhận Huân chương Lao động Hạng Ba do Nhà nước VN trao tặng.

Tiếp nối cái mạch thành công đó, Lạc Cầm 16 là đứa con tâm huyết của nhạc sỹ Mác Tuyên sau thời kỳ thai nghén từ 1999 đến 2004. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia uy tín về nhạc khí dân tộc, Lạc Cầm 16 đã "vươn dần tới đích" ở 3 phương diện: Tạo dáng thẩm mỹ (đẹp, vừa tái tạo được huyền thoại lịch sử dân tộc lại vừa hiện đại); Tính năng âm nhạc phong phú (biểu đạt được các thể loại âm nhạc có khúc thức phức tạp);
Hoà nhập được cuộc sống xã hội đương đại.

"Niềm hãnh diện của chúng ta trước thế giới"!


Đó là đánh giá của GS.TS Trần Văn Khê cũng như nhiều nhà chuyên môn khác về cây Lạc cầm của Nhạc sỹ Mác Tuyên. "Lạc cầm của anh Mác Tuyên đẹp hơn về tạo dáng thẩm mỹ, khả năng diễn tấu nhiều hơn ngày xưa, nó nói được tiếng nói của dân tộc mình..." - GS Khê nhận xét.

Còn theo GS-Viện sĩ Lưu Hữu Phước: "Nếu như thuở xa xưa tổ tiên người Phú Khánh tạo ra bộ đàn đá Khánh Sơn, thì hôm nay quê hương Phú Khánh có Lạc cầm hiện đại".

Cải tiến nhạc cụ là một trong những vấn đề gây tranh luận nhiều nhất trong công cuộc bảo tồn nền âm nhạc cổ truyền VN. Mục đích của việc này là làm phong phú thêm hàng âm, nâng cao trình độ và mở rộng phạm vi kĩ thuật diễn tấu của người nghệ sĩ chứ không làm mất đi cái âm thanh thật hoặc phá vỡ cái cấu trúc khoa học vốn sẵn có của nó. Trong những năm qua đã có rất nhiều nhạc cụ dân tộc cổ truyền được cải tiến, nhưng hiệu quả sử dụng trong đào tạo và biểu diễn không đạt được như mong muốn. Một số đã bị mất đi trong quên lãng, một số khác bị cho là cải tiến một cách phản khoa học hoặc phản thẩm mỹ.

Hiện tượng nhạc sỹ Mác Tuyên cải tiến đàn Lạc cầm từng bị nhiều nhà chuyên môn phản ứng kịch liệt. Tuy nhiên, vượt qua những trắc trở đó, sau cùng nỗ lực và đóng góp của ông đã được công nhận. GS Hoàng Chương cho biết cảm tưởng của ông: "Nếu có những phút xiêu lòng và mặc cảm thì mọi cố gắng của ông (Mác Tuyên) sẽ dở dang, và chúng ta hôm nay cũng như các thế hệ mai sau sẽ không được tận hưởng những âm thanh lạ lẫm phát ra từ chiếc đàn cầm máu thịt của ông!..."

  • D.Diễm
,
,