,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
545718
Ghi tại Rạp xiếc một ngày trước Liên hoan
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Liên hoan xiếc Quốc tế lần II:

Ghi tại Rạp xiếc một ngày trước Liên hoan

Cập nhật lúc 11:37, Thứ Năm, 18/11/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Gửi đi 40 giấy mời nhưng "gút" lại, Liên hoan Xiếc quốc tế lần II tổ chức tại VN có 7 nước tham gia, chưa kể nước chủ nhà: Mỹ, Nga, Lucxambua, Mông Cổ, Lào, Campuchia và Trung Quốc (sau khi hoãn đi hoãn lại nhiều lần, TQ đã đến vào phút chót). Theo sự lý giải lạc quan của ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Rạp xiếc Trung ương, đẳng cấp quốc tế của Liên hoan thể hiện ở trình độ Ban Giám khảo gồm các nhân vật có tiếng trong làng giải trí thế giới và chỉ có một thành viên người Việt. Trước ngày khai mạc, VietNamNet mời các bạn đi dạo một vòng quanh sàn tập của các diễn viên đang nỗ lực trước giờ thử thách.

Luyện tập trước giờ G

Soạn: AM 198999 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hồng Hạnh đang luyện tập tiết mục Đế kiếm trên đu.

8h 30' sáng nhưng phòng tập tại Rạp xiếc Trung ương đã khá đông. Việc tập luyện của một số học viên sẽ kết thúc trước 10h30'. Những ngày đầu đợt tập huấn chuẩn bị cho Liên hoan, họ phải tập dốc 4-6 giờ/ngày, nhưng đến gần sát khai mạc thì chỉ giữ sức với 1-2 giờ/ngày. Với những diễn viên mà tiết mục của họ cần đến các phương tiện hỗ trợ thật sự như các loại dây kéo chỉ có tại sân khấu chính, họ sẽ đợi đến lượt mình để có thể tập lại một lần cuối "như thật" trước khi chính thức bước vào Liên hoan.

Nhóm patin làm sôi động một góc phòng bởi tiếng rền vang của những bánh xe sắt trên nền gỗ. Họ lao rầm rầm với tốc độ khiến người xem chóng mặt thật sự. Hai diễn viên trụ to lớn (Hoàng Anh, Anh Đông) và 2 diễn viên nữ nhỏ bé (Ngọc Bích, Hải Yến) tập cả những động tác kỹ thuật lẫn cách cúi chào khán giả. Đến đoạn cao trào, hai trụ đặt một dụng cụ hình tháp có nhiều cạnh ngang dọc lên vai; hai con (một bộ diễn viên tiết mục này gồm 4 người, gọi là 2 trụ và 2 con) đặt đầu chui qua một lọng dây nút sẵn buộc ở hai cạnh của dụng cụ này rồi hai trụ bắt đầu quay tròn với tốc độ gần như điên cuồng; thân hình hai con thẳng băng, hoàn toàn bị cuốn tít theo vòng xoáy đó, nhanh và mạnh tới nỗi nếu chẳng may sơ sẩy thì không tưởng tượng được độ văng sẽ khủng khiếp đến mức nào. Đứng nhìn họ tập, nhễ nhại mồ hôi trong cái lạnh buốt đầu mùa đông này, và trong ánh sáng ban ngày, tâm trạng ta khác hẳn với khi ta nhìn họ trên sân khấu sáng rực đèn, bởi vì trên sân khấu xiếc, ta đã chuẩn bị tinh thần để xem những cảnh nín thở, sởn gai ốc. Điều đó khác hẳn khi các diễn viên treo cổ mình rồi xoáy cuồng nhiệt ngay cách ta 2 mét, và chân họ cũng cách bức tường của gian phòng độ 2m.

Người dàn dựng tiết mục này, ông Nguyễn Dương Thái, năm nay đã 52 tuổi, là người đầu tiên biểu diễn tiết mục này ở VN từ những năm 80. Patin chỉ dung nạp diễn viên được đến năm họ 40-45 tuổi. Do đó đã từ gần 10 năm nay, ông Thái lui về làm một đạo diễn dàn dựng. Thế hệ học trò đầu tiên và cũng là những người tối nay sẽ biểu diễn tại Liên hoan đã theo ông học từ khoảng năm 1996. Sau khi nắm vững cơ bản, họ mất thêm hơn một năm tập mới bắt đầu thực hiện được. Một trong bốn người hồi đầu năm nay đã bỏ nghề vì không chịu nổi những vất vả và sự thiếu thốn của nó. Hoàng Anh là trụ mới được thế vào. Patin trong liên hoan sẽ có một cái tên mĩ miều là "Tạo hình cho đôi giày trượt" và sẽ không có thay đổi gì nhiều so với những gì chúng ta đã thấy tại Liên hoan Xiếc toàn quốc 2002. Lý do của việc này, theo ông Thái, là vì có sự đổi người nên không đủ thời gian cho bất kỳ sự nâng cấp nào.

Soạn: AM 198995 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Mặc "thường phục" luyện tập!

Ở lối ra phòng tập, chúng tôi gặp nhà ảo thuật Minh Tuấn (Phó đoàn nghệ thuật Quảng Trị) đang khễ nễ ôm mớ áo quần phù phép của anh vào phòng để đồ. Căn phòng anh vừa được phân quét vôi  màu vàng, cao, hẹp và trống trải một cách... đáng nghi ngại! Anh phân bua nói đùa: "Người VN mình có tính nhường nhịn. Phòng đẹp thì để cho bạn còn mình thì nhận phòng xấu thế này thôi". Ở góc phòng, một cái bồn rửa mặt cứ ri rỉ chảy nước, thành một vũng ở chính giữa căn phòng, nơi sàn nhà trũng xuống thành một cái lòng chảo thoai thoải. Sự có mặt lạc lõng của chiếc bồn này được lý giải bởi một dãy bàn kê dọc theo chiều dài của căn phòng, phía trước một dãy gương dài khiến chúng ta phỏng đoán hẳn đó từng là phòng trang điểm của diễn viên. Đồ đạc của Minh Tuấn thật hợp với vẻ cũ kỹ của một nhà ảo thuật, với chiếc áo đuôi tôm dài đến gót sẫm màu, chiếc áo choàng "phù thuỷ", một cái thùng lớn có vẽ hình cô gái bên ngoài, để phục vụ cho tiết mục quen thuộc của anh :Cắt người làm 3 khúc!. Lại một cái thùng nữa có dán tranh ở bên ngoài, dùng để để đồ lề ảo thuật. Một cái bàn có phủ vải trên đó đặt tứ tung những chiếc khăn bung bay màu hồng. 2 cái lồng ở góc phòng, từ đó 13 chú bồ câu tròn xoe mắt nhìn ra. "Cô gái không đầu" là tiết mục anh đã biểu diễn hai chục năm nay. Minh Tuấn nói, đừng hỏi tại sao anh không đem tới HN chút gì mới. Trong các thể loại của xiếc, ảo thuật là thứ cần đến công nghệ nhất, cho nên khi đem thi thố với khán giả nước ngoài, hãy mang thứ mình tinh thạo, điêu luyện nhất, chứ đừng dại mà khoe thứ mới nhất!

Soạn: AM 198997 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Xiếc Trung Quốc đã tham gia liên hoan và có mặt vào phút chót

3. 12h trưa. Chúng tôi cố ngồi nán lại để xem bài tập Cánh chim bầu trời (tên cũ là Đu cánh diều). Đạo diễn chương trình cầm mic chỉ đạo ra rả, hết âm thanh, ánh sáng lại đến động tác. 5 diễn viên lần lượt trở thành diễn viên chính, trong khi diễn viên chính diễn những người khác phải lao động cật lực không kém cho vũ đạo và tạo hình. Đó gần như một vở múa kết hợp với Xiếc. Theo đạo diễn Ngọc Trúc, phải phân biệt phong cách trình diễn xiếc truyền thống với phong cách có những cách tân mà nhiều cường quốc về xiếc trên thế giới như Nga, Pháp, Trung Quốc hiện đang hướng tới, theo đó phong cách biểu diễn, giá trị thẩm mỹ và cả kỹ thuật, kỹ xảo phải kết hợp hài hoà. Đó cũng là cách tự làm mới mình mà Xiếc Việt đang hướng tới, nhất là để chuẩn bị cho Liên hoan này. Theo đó, Cánh chim bầu trời có những màn múa như thể ba-lê và Đế kiếm trên đu (Hồng Hạnh) thì dạo đầu bằng một cảnh trai thanh gái lịch đuổi hoa bắt bướm của các liền anh liền chị quan họ, và âm nhạc nền cũng đẫm chất quan họ. Đạo diễn Ngọc Trúc cũng nhấn mạnh, không nên quá lạm dụng các hình thức phụ trợ này, nếu không sẽ có tác dụng ngược khi người ta có cảm giác người diễn đang cố lấp liếm, che đi những khuyết thiếu về kỹ xảo.

Xiếc VN có gì mới?

Kỹ thuật của diễn viên VN trong 9 năm qua kể từ Liên hoan Xiếc lần I đã được nâng cao rất nhiều. Gần đây nhiều ý kiến cho rằng xiếc Việt quá cũ, diễn viên lười không chịu sáng tạo tiết mục mới. Nhưng phải nhớ rằng người ta mất 4-5 năm để dàn dựng và học một tiết mục mới về mặt kỹ xảo. Một đời nghệ sỹ gắn bó với nghề chỉ có một tiết mục công phu, người nào may mắn lắm thì có 2-3. Nghệ sỹ Tâm Chính nổi tiếng trong làng xiếc VN nhưng bao năm sau nhớ đến bà người ta cũng chỉ nhớ được tiết mục Cô hàng giải khát hàng chục năm trước.

Trước đây người ta chỉ chú ý đến mặt kỹ xảo, nhưng bây giờ còn chú ý cả các chi tiết phụ trợ. Trong Liên hoan lần này có một số tiết mục mà ông Vũ Ngoạn Hợp đánh giá là đặc sắc và khán giả sẽ nhớ, thì không phải là vì kỹ thuật, mà chính ở mặt nghệ thuật này: Một diễn viên vừa biểu diễn vừa tự tạo âm thanh từ miệng mình để tạo nhạc; đó là một diễn viên vừa uốn dẻo vừa hát opera. Cơ bản xiếc chỉ có 4 bộ môn: Nhào lộn, thăng bằng, tung hứng, hãm tay và trên cơ sở đó mà nhào nặn các tiết mục, nếu có thì chỉ nâng cao hoặc thay đổi về hình thức.

Theo ông Lưu Văn Phúc - PGĐ Liên đoàn Xiếc VN, không nên nhìn xem tiết mục cũ hay mới. Xiếc cũng như bóng đá thôi, nếu không khổ luyện thì không có đường chuyền hay. Tính bảo thủ trong xiếc lớn tới nỗi: Kịch mục xiếc có thể chỉ có bấy nhiêu nhưng sự đổi mới, ăn thua là ở chỗ buổi diển hôm nay anh quay thêm được mấy vòng? tung hứng thêm được bao nhiêu quả bóng?... Theo đánh giá của nhiều người trong nghề, mười năm trước, nhào lộn được 2 vòng đã là kỷ lục, nhưng bây giờ, 2 vòng chỉ là "súc miệng" thôi. Những điều đó, khán giả đâu dễ gì nhận thấy. Họ chỉ thấy "Ôi, vẫn là nhào lộn, có gì mới đâu!". Đòi hỏi của khán giả là chính yếu, nhưng họ cũng sai lầm ở đó.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, ông Vũ Ngoạn Hợp tiếp chúng tôi ngay tại hàng ghế khán giả trước sân khấu nơi các học viên đang tập. Nói là một tiếng đồng hồ nhưng thật ra một nửa là để dành cho những cuộc điện thoại tới tấp. Một thư ký mang giấy tờ tới nhờ ông ký và tình cờ, đó là ký chi tiền bồi dưỡng cho các học viên. 20.000đồng/ngày là số tiền bồi dưỡng đã được ông Hợp tăng thêm 5000đ/suất cho mỗi diễn viên trong đợt tập huấn trước Liên hoan quốc tế. Được biết, nếu là một liên hoan hay đợt diễn cao điểm trong nước, thì số tiền bồi dưỡng có thể chỉ còn bằng một phần ba như thế. Nhiều diễn viên đã bỏ nghề vì không thể sống và làm nghề với mức thu nhập không đáng với sức lao động bỏ ra. "Lâu nay, người ta vẫn quen coi xiếc là thứ nghệ thuật dỗ trẻ con, và nghĩ cho cùng, nó thực sự cũng chỉ là một trò hí lộng. Thể thao được đầu tư nhiều vì người ta quan niệm nó để lấy thành tích đem vinh dự về cho đất nước, còn Xiếc chúng tôi thì Huy chương vàng quốc tế về cũng lặng lẽ mà về, đâu có trống rong cờ mở gì. Đó là cái nhìn của xã hội, nhưng cũng là do mình chưa biết tự nâng mình lên" - Ông Vũ Ngoạn Hợp ngậm ngùi nói.

  • D.Diễm

,
,