(VietNamNet) - Vào ngày bàn giao di tích Thành cổ HN, nhiều người ngỡ ngàng biết rằng, diện tích thực bàn giao chỉ có 4,9ha chứ không phải 6,1ha theo như thông tin ban đầu. Dải đất còn laị nằm ven tường bao Thành cổ dọc đường Nguyễn Tri Phương, vốn được coi là một bộ phận của Thành cổ HN đã được giữ lại để mở rộng con đường này gấp 3 lần. Hiện Sở GTCC đang cho đào xới một phần dải đất này để lắp đặt các cơ sở hạ tầng cho con đường. Việc này đã gây nên sự phản ứng gay gắt của nhiều nhà khoa học.
|
Máy xúc đang đào rãnh đặt ống thoát nước tại đường Nguyễn Tri Phương -Hà Nội. |
Ban quản lý thành cổ: Đứng nhìn bất lực!
Ngay sau khi Thành cổ HN đóng cửa, dải đất chạy dọc theo tường bao Thành cổ (vốn là bãi đỗ xe cho khách tham quan từ 2-31/10) đã bắt đầu bị xới lớp đất mặt. Theo một nguồn tin, ban đầu đơn vị thi công đã hứa là sẽ chỉ tác động tới lớp đất mặt theo kiểu trám lên đó một lớp vật liệu rải đường.
Sáng nay, 19/11, khi PV VietNamNet có mặt tại khu công trường, sự thật khác hẳn: Máy xúc đã đào một nửa dải đất tới độ sâu ít nhất 1m, phần còn lại (nửa gần tường bao thành cổ hơn) thì độ sâu không dưới 3m, trong đó đã chễm chệ yên vị những khúc ống cống thoát nước lớn. Ban quản lý (BQL) Thành cổ cử người túc trực tại hiện trường, nhưng vì công trường chủ yếu làm việc ban đêm nên không đảm bảo không bị bỏ sót hiện vật. Phó Trưởng BQL thành cổ, ông Phan Duy Thắng nói một cách chua chát: "Tôi chỉ có thể đứng nhìn và thấy hiện vật nào thì cho người ra nhặt hoặc khiêng về. Quyền quản lý của tôi chỉ có trong phạm vi 4 bức tường của 4,9ha Thành cổ thôi".
Khi chúng tôi có mặt, 4 cán bộ BQL Thành cổ đang hò nhau khiêng lên xe đẩy một chân tảng bằng đá khá lớn, tương tự như một số chân tảng đã được tìm thấy tại 18 Hoàng Diệu. Những hiện vật loại này được tìm thấy ở độ sâu 2,5-3m.
Các nhà sử học nói gì?
GS Trần Quốc Vượng: Cấp thiết nhất là ngăn việc đào bới này lại!
Ngay từ cuối tháng 10, trước khi Thành Cổ đóng cửa, chúng tôi đã cảnh báo rằng việc cấp thiết nhất là ngăn việc đào bới mở rộng đường Nguyễn Tri Phương lại, rồi sau đó mới đến việc khai quật thăm dò Kính Thiên! Nhưng đến thời điểm này (trưa 19/11) vẫn chưa cơ quan chức nào có động tĩnh cả. Tôi đã gọi điện cho ông Nguyễn Quốc Triệu (Chủ tịch UBND TP HN) nhưng ông ta cũng chưa nói gì cụ thể. |
|
Chân tảng tìm thấy tại công trường được GS Trần Quốc Vượng cho là của thời Lê. |
Dải đất chúng ta đáng nói tới có tổng diện tích khoảng 1-1,2ha (tức là bằng 1/4 diện tích của cả Thành cổ mới bàn giao). GS sử học Trần Quốc Vượng phán đoán: "Cứ theo cách xây dựng theo kiểu đối xứng của kiến trúc cổ, đây hoàn toàn có thể là một khu di tích quan trọng với nhiều di tích kiến trúc quan trọng và huy hoàng không kém gì những gì ta đã tìm thấy ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu: Với Điện Kính Thiên ở vị trí Nhà Con Rồng hiện nay, hữu võ là khu Ba Đình, còn tả văn sẽ chính là khu vực trong đó có dải đất này".
Còn theo giải thích của GS Phan Huy Lê, bản đồ Hồng Đức 1490 cho thấy về phía đông trục trung tâm hoàng đạo có một điện rất lớn là điện Vạn Thọ. Ngoài ra, đây có thể còn lưu giữ những cung điện cũng như nhiều di tích khác, quan trọng vào bậc nhất của các triều đại.
GS Lê Văn Lan cũng có ý kiến: "Theo bản đồ HN năm 1873, dải đất này cũng thuộc khu vực Hành Cung-Kính Thiên (thời Nguyễn). Còn theo các bản đồ thời Lê thì nó nằm vào khoảng giữa Cấm Thành khi Cấm Thành chưa bị thu hẹp lại". Như vậy, cho dù vị trí cụ thể là của di tích kiến trúc nào dù còn khác nhau, các nhà sử học đa số thống nhất rằng dải đất này là một phần của Tử Cấm Thành.
Mở đường trong khu di tích không cần đào thám sát?
Sở VHTT Hà Nội: Đề nghị được đào thám sát trước khi thi công đường Nguyễn Tri Phương
Ngày 16/11, Sở VHTT Hà Nội đã có công văn số 1592/VHTT gửi UBND TP.Hà Nội. Trong đó viết: "Để Bảo vệ Khu di tích Thành cổ Hà Nội, thực hiện Luật di sản văn hoá, Sở VHTT HN đề nghị UBND TP HN có ý kiến chỉ đạo ngay để Sở GTCC tạm dừng việc thi công và cho phép Sở VHTT HN phối hợp với Viện Khảo cổ học và Viện Bảo tàng Lịch sử VN tiến hành đào thám sát khai quật khu vực mở rộng đường Nguyễn Tri Phương". |
Ý kiến này của GS Vượng cũng là ý chung của Sở VHTT Hà Nội, Viện Khảo cổ và nhiều nhà khoa học, được đưa ra và nhấn mạnh trong một cuộc hội thảo tổ chức ngày 29/10. Cuộc hội thảo với mục đích ban đầu là bàn bước đầu tổ chức khảo cổ thám sát khu vực Thành cổ năm 2004, đã sớm chuyển hướng sang yêu cầu cấp thiết là đề nghị được thực hiện khảo cổ học ở khu vực sẽ mở rộng đường Nguyễn Tri Phương. Một mặt, khu đất này theo bản đồ cũ nằm hoàn toàn trong Tử Cấm Thành của thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê nên cần được nghiên cứu, khai quật. Hơn nữa, rất có thể khu vực này sẽ xuất lộ những dấu tích kiến trúc cổ có ý nghĩa và giá trị tương đương những dấu tích đã phát hiện tại 18 Hoàng Diệu. Bởi, theo dự đoán của các nhà khoa học các kiến trúc của khu vực Cấm thành Thăng Long xưa rất có thể được thiết kế có sự đăng đối giữa hai phía Đông Tây điện Kính Thiên. Mặt khác, việc khai quật thám sát trước khi xây dựng trong khu di tích cũng là một việc rất bình thường theo quy định của Luật Di sản VH. Thời điểm đó, Sở GTCC vẫn chưa bắt đầu công việc mở rộng đường Nguyễn Tri Phương.
Tối 14/11/2004, Sở Giao thông công chính HN đã tiến hành thi công mở rộng đường Nguyễn Tri Phương. Trong đêm đầu tiên thi công đã đào và vận chuyển một số khối lượng lớn đất đá tạo thành một hố dài 37m, rộng 8m, sâu 1,5m. BQL Di tích Thành cổ thu được gạch, ngói, bát đĩa, gạch vồ thời Lê và gạch đất nung thời Nguyễn.
Vào thời điểm Sở VHTT HN bức xúc tới nỗi phải gửi công văn này lên UBND HN, cái hố mà Sở GTCC cho đào để đặt đường ống cống ngầm mới chỉ sâu có 1,5 m và chủ yếu mới phát lộ một số hiện vật thuộc lớp văn hoá thời Nguyễn. Nhưng đến thời điểm này, sau sự im lặng khó hiểu của UBND Hà Nội và cơ quan quản lý văn hoá thì độ sâu của cái hố đã là 3 m. Ở độ sâu này, lưỡi gầu máy xúc đã đụng chạm tới lớp văn hoá Lê. Tiếp theo đây sẽ đụng tới di tích thời Trần!
Cách đây ít lâu, một người dân HN đã hiến tặng Nhà nước một bộ sưu tập hiện vật Đông Kính Thiên. Móng của những ngôi nhà nhiều tầng đã đào xới mảnh đất được cho là sẽ ẩn giấu những di tích nằm đối xứng với khu 18 Hoàng Diệu vừa phát lộ qua điện Kính Thiên. Với độ sâu chí ít 5m cho móng của các toà nhà 5 tầng trở lên, không thể hy vọng còn lại chút gì cho tầng văn hoá của Lý, Trần, chưa nói là Lê, Nguyễn... Chẳng lẽ số phận của 1,2 ha gần sát điện Kính Thiên về phía đông (chỉ cách 100-150m) cũng giống như vậy? Chúng ta đã đấu tranh rất nhiều để loại bỏ cái tính "ham đi tắt" của những người quản lý, theo đó họ bỏ qua một nguyên tắc đơn giản, tối thiểu là khảo cổ trước khi xây dựng công trình. Vậy mà...! Bài học chuyển địa điểm Nhà Quốc Hội (mới) và Trung tâm Hội nghị quốc gia còn chưa kịp nguội, sai lầm tương tự đã lại xảy ra!
Những công trình xây dựng trong phạm vi di tích dù đã được cấp phép cũng vẫn phải tuân thủ trình tự đào thám sát để xác định mức độ quan trọng, quý hiếm hoặc thu giữ hiện vật khảo cổ sau đó mới được thi công xây dựng. Theo bạn, cách làm của sở GTCC Hà Nội, cách im lặng của các cơ quan quản lý như trên đã nói lên điều gì? Mọi ý kiến đóng góp xin thực hiện theo cách sau:
|