(VietNamNet) - "Dự án mở rộng đường Nguyễn Tri Phương sẽ được tiếp tục trở lại ngay, nhưng độ sâu tối đa cho phép đào xới so với mặt đường cũ chỉ là 1,1m. Việc khảo cổ sẽ không tiến hành nữa" - ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho PV VietNamNet biết lúc 14h30 chiều 22/11.
|
Các ống cống đã lắp đặt sẽ bị lấy lên trong vòng 1-2 ngày tới và các hố này sẽ được lấp cát. | Đây là quyết định cuối cùng về "vụ án" đào xới trong khu vực có di tích mà không tiến hành khảo cổ xảy ra tại đường Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) những ngày gần đây. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ ngay tại công trường đường Nguyễn Tri Phương, do ông Đỗ Hoàng Ân chủ trì, với sự tham gia của đại diện Bộ VHTT, Viện Khảo cổ học, Sở VHTT và Sở Giao thông công chính.
Với độ sâu tối đa được đào là 1,1m, Sở GTCC có trách nhiệm lấp cát ngay lập tức các hố đã đào, dài vài chục mét và sâu từ 2,5-3m, thậm chí có chỗ lên tới 3,5m. Phương án thoát nước cống tròn, móng sâu 1,9-2,8m ban đầu Sở GTCC đưa ra là căn cứ vào cống vòm cũ thời Pháp, hiện còn ở phía hành lang bên kia đường Nguyễn Tri Phương, thoát nước về 2 phía là đường Phan Đình Phùng và Điện Biên Phủ. Tới đây, phương án này được thay thế bằng các rãnh thoát nước R3C, sâu 1,1m và nâng cao cách mặt đường khoảng 15cm. Bắt đầu từ thứ 7 tuần trước (20/11), Sở GTCC đã cho đưa cát về công trường để lấp các hố cống. Sáng nay, họ tiếp tục làm việc để đưa khoảng 40m ống cống đã lắp lên trở lại mặt đất.
Ngoài hệ thống thoát nước, tất cả các hạng mục khác của công trình như cây xanh, cáp thông tin, cấp nước, đèn chiếu sáng vẫn được giữ nguyên. Như vậy, hệ thống thoát nước là thứ duy nhất được điều chỉnh. Các rãnh thoát nước R3C thay thế ống cống ngầm và việc bỏ hệ thống cọc tre đã giảm 722 triệu đồng trong kinh phí công trình (từ 10.817.000.000 đồng xuống còn 10.153.000.000 đồng).
Quyết định không thám sát khảo cổ nữa - do Viện Khảo cổ đưa ra - làm nhiều người ngạc nhiên. Giải thích điều này, ông Tống Trung Tín, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết: "Nếu cho đào 20m2 trong vòng tối đa 5 ngày thì chúng tôi không thể làm được. Quy trình khoa học không cho phép như vậy. Theo ý tôi, đã đào là phải đào 100m2 trở lên, còn không thì thôi. Thứ nhất, khu vực đang nói đến là di tích kiến trúc, có chỗ là sân, có chỗ là trụ, chỗ là nền nhà. Nếu đào 20m2 nhỡ chẳng may đúng vào chỗ có cái sân, người ta lại bảo không có di tích bên dưới! Thứ hai, địa tầng khu vực này rất dày, khoảng 4-5m. Thứ ba, đây cũng là khu vực có rất nhiều nước. Trong khi khai quật, phải bơm xả liên tục. Trong điều kiện đó, nếu hố to 100m2 trở lên thì còn xử lý được, chứ nhỏ quá thì không thể. Tóm lại, đào 20m2 thì không thể đào sâu được. Thời gian cũng vậy: 5 ngày là quá ngắn. Trước đây khai quật ở 18 Hoàng Diệu tính ra cũng còn làm từ tốn hơn, vậy mà còn bị dư luận kêu là ẩu! Thôi thì, đành để cho hậu thế làm vậy! Chúng ta sẽ thăm dò khảo cổ khi nào có điều kiện!".
Được biết, thời gian và diện tích cho phép thám sát khảo cổ hạn hẹp như vậy là để đáp ứng tiến độ công trình (ngày20/12/2004).
|