,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
547836
Những ứng cử viên 'nặng ký' tại LH Xiếc QT2
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Những ứng cử viên 'nặng ký' tại LH Xiếc QT2

Cập nhật lúc 08:29, Thứ Năm, 25/11/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Liên hoan Xiếc quốc tế lần 2 tại VN đã đi đến chặng cuối. 2-3 huy chương vàng sẽ được trao vào tối nay và số tiền thưởng dự kiến cho mỗi giải vàng là 1000 USD.

Alexander Fedosov bên poster tiết mục của anh tại Rạp Xiếc trung ương VN. (Ảnh: D.Diễm)

1. Ứng cử viên số 1 là Alexander Fedosov, người đã mang lại cho khán giả cả sự hồi hộp lẫn cảm giác sảng khoái bất cứ khi nào anh nhún nhảy bước ra sân khấu trong trang phục giả Sa Hoàng. Quả vậy, Nhào sào của chàng diễn viên người Nga này, không nghi ngờ gì nữa, đã giành được số điểm cao của BGK cả cho phần kỹ thuật lẫn phần nghệ thuật phụ trợ. Điệu nhảy vui nhộn và duyên dáng, tiếng nhạc nền đầy kích thích là những lợi thế đã chứng tỏ được sức mạnh trước các tiết mục khác. Hơi sơ sẩy trong đêm dự thi thứ nhất, Fedosov đã 'chữa' rất khéo, và sau đó, vượt qua thật nhanh cái cảm giác mà anh nói là "rất tồi, một tai nạn nghề nghiệp" để lấy lại phong độ vào những lần sau. Theo nguyên tắc, BGK chấm điểm cả 2 lần biểu diễn, nhưng lấy điểm ở lần cao hơn.

Alexander Fedosov đã theo nghề xiếc từ khi anh 5 tuổi và anh có trên dưới 20 năm gắn với sở trường nhào lộn trên sào.

2. Đế kiếm trên đu (hay Thăng bằng kiếm trên đu) là tiết mục khá quen thuộc với nhiều khán giả VN, từng đoạt HC vàng tại Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 2002. Qua 2 năm, Hồng Hạnh vẫn giữ vững phong độ. Không một điều đáng tiếc nào xảy ra ở tất cả các lần trình diễn của cô. Nguy hiểm dễ hình dung từ điểm nối mỏng mảnh giữa mũi kiếm với mũi dao găm (miệng ngậm cán dao găm); độ cao đáng kể; tạo hình đẹp từ dải lụa phất phơ, nước sóng sánh trong những chiếc ly màu tím, và vẻ đỏng đảnh của một cô gái chơi đu... là những điểm làm nên sự hấp dẫn của tiết mục này. 

Soạn: AM 203945 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Mềm dẻo. (Ảnh: An Thành Đạt)

3. Những chú chim thiên nga có lẽ sẽ là một trong những sự đề cử của nhiều thành viên BGK nhất cho giải vàng. 3 cô gái Mông Cổ nhỏ tuổi đã trình diễn những màn uốn dẻo đặc sắc. Đây cũng là bộ môn đỉnh cao của xiếc Mông Cổ. Không chỉ thể hiện sự điêu luyện về kỹ thuật, những cơ thể mềm dẻo như không có xương này đã tạo nên những hình tượng đẹp và hết sức tinh tế.

4. Thăng bằng trên đài cao của Alamar Meermanov đến từ Mỹ, theo nhận xét của ông Vũ Ngoạn Hợp, Trưởng BGK Liên hoan, là "cách diễn như đi chơi mà lại chắc chắn". Chàng trai trẻ có khuôn mặt dễ thương quả thực làm cho mọi người nhẹ nhõm khi anh, sau mỗi động tác khó, lại ngẩng lên nhìn khắp lượt khán giả trong một điệu cười vờ ra vẻ khoe khoang tự đắc. Dù không chủ ý, ta cũng phải lập tức so sánh tiết mục này với tiết mục có kỹ thuật tương tự mang tên Đứng tay hay Âm vang trống đồng của nước chủ nhà.  Điều dễ nhận thấy là kỹ thuật của Ngọc Dũng của VN có thể không thua kém Alamar Meermanov, nhưng tổng thể, tiết mục diễn ra quá ngắn ngủi, không để diễn viên được bộc lộ hết tài năng, đồng thời thiếu sự uyển chuyển. Trong khi đó, phần múa phụ hoạ của các diễn viên trong trang phục cư dân Âu Lạc lại quá dài dòng, khiến xem xong có khán giả chép miệng: "Cứ như tiểu phẩm!".

Soạn: AM 203947 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Alamar Meermanov trong một động tác khó. (Ảnh: An Thành Đạt)

Cũng có thể kể thêm trong danh sách ứng cử Thang lắc của Thanh Hải-Lan Hương và Patin (Hoàng Anh, Quốc Đông, Hải Yến, Ngọc Bích). Thang lắc gây ấn tượng vì kỹ thuật. Một diễn viên đứng giữ thăng bằng trên đỉnh một chiếc thang cao chừng 3m, và diễn viên nữ thực hiện các động tác khó trên vai anh, hoàn toàn không mang dây bảo hiểm. 

Còn Patin là tiết mục khoẻ khoắn, trẻ trung. Tốc độ, sức mạnh và sự sôi động làm nên vẻ đẹp của nó, hơn là sự tinh tế. Một thành viên BGK nước ngoài nhận xét: kỹ thuật của Patin rất tốt, nhưng đáng lẽ có thể làm cho hay hơn nữa, chỉ với một vài chỉnh sửa hoặc bổ sung nhỏ. Tiết mục này cũng đã giành được giải cao tại Liên hoan Xiếc toàn quốc 2002.

Một số tiết mục khác có vẻ nhỉnh hơn mặt bằng chung là Tung hứng (Ngọc Bảo, VN), Xe đạp tung hứng của 3 diễn viên người Nga. Giám khảo nước ngoài cũng tỏ ý thích tiết mục Đế thống của nước chủ nhà, có lẽ vì hình thức độc đáo. Hai tiết mục Ảo thuật của Minh Tuấn (Quảng Trị, VN) và Tony Quang -Lan Đài rất tiếc đã không vượt qua được vòng sơ khảo. Là hình thức cần đến sự trợ giúp của công nghệ nhiều nhất, ảo thuật VN có lẽ phải chịu một thiệt thòi quá lớn.

  • D.Diễm

 

,
,