,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
547826
Bảo quản hiện vật của VN đã vượt mức... phủi bụi?!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Bảo quản hiện vật của VN đã vượt mức... phủi bụi?!

Cập nhật lúc 15:24, Thứ Năm, 25/11/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Những phương pháp bảo quản hiện vật đựơc coi là hết sức hiện đại với chúng ta mà Bảo tàng Hoàng gia Bỉ giới thiệu và tập huấn cho một số bảo tàng ở VN đề cập trong Hội thảo về Bảo quản hiện vật (23, 24/11) là những phương pháp mà họ áp dụng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. 

Hình ảnh một số hiện vật được bảo quản bằng phưong pháp hiện đại, trưng bày tại Bảo tàng LSVN

Theo lời thú thật của một cán bộ Phòng Bảo quản hiện vật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BT LSVN), lâu nay, việc bảo quản hiện vật kim loại của ta mới chỉ dừng lại ở phủi bụi và cạo rỉ bằng dao! Với hiện vật gốm thì ngoài phủi bụi còn có thể gắn chỗ vỡ bằng thạch cao.

3 năm qua, với sự giúp đỡ của BT Meriemont trong dự án "Bảo quản di vật gốm và kim loại", BT LSVN và nhiều BT trong cả nước đã bước đầu được tiếp xúc, hỗ trợ để làm theo phương pháp hiện đại và khoa học hơn. Chị Nguyễn Thơm, Phó Phòng Bảo quản hiện vật của BT LSVN nhận xét: "Nhiều hoá chất có tác dụng tốt cho bảo quản lại không mua được ở VN, hoặc quá đắt nếu nhập ngoại. Nhưng điểm mới mẻ nhất là kỹ năng. Chẳng hạn, cùng hoá chất ấy được sử dụng để ổn định bề mặt hiện vật, nhưng dùng phương pháp quét hay ngâm sẽ cho hiệu quả khác nhau, và thời gian ngâm khác nhau cũng cho những hiệu quả khác nhau". Thay vì sử dụng thạch cao để trám và gắn các vết vỡ, chuyên gia Bỉ sử dụng một hoá chất trộn với thạch cao và sơn màu. Các trang thiết bị mà Meriemont tài trợ cho BT LSVN như bể siêu âm, máy bắn cát, tủ hút mùi, máy cất nước, bình hút ẩm, kính lúp-đèn... đều là những thứ hỗ trợ đắc lực cho các chuyên gia.

Giám đốc BT LSVN, ông Phạm Quốc Quân còn nhấn mạnh: "Trước đây, chúng ta chưa chú ý tới quá trình bảo quản hiện vật ngay tại hiện trường. Nhiều hiện vật đã hỏng, vỡ trên con đường dài từ di chỉ khảo cổ tới bảo tàng!... Với sự giúp đỡ của BT Meriemont, chúng tôi đã học cách sử dụng một loại hoá chất dạng bọt xốp bao quanh hiện vật hoặc để nguyên lớp đất xung quanh hiện vật và làm hộp bao".

Sắp tới, Bộ VHTT sẽ cho thành lập một Trung tâm Bảo quản hiện vật bảo tàng. Bộ đang cân nhắc sẽ đặt trụ sở ở Viện BT LSVN hay Trường ĐH Văn hoá (HN).

Vẫn còn lời kêu cứu của các di vật hữu cơ!

Trong những vùng đầm lầy, chiêm trũng hay trong vùng lầy lội cửa sông ven biển, khảo cổ học VN thường gặp một số loại hình di tích đặc biệt. Đó là những mộ thuyền trong đó có chứa xương người và các di vật. Những di tích này được gìn giữ tốt trong môi trường yếm khí nhưng khi đưa ra khỏi lòng đất thì phần lớn các di tích bằng gỗ hoặc đồ sơn dễ bị biến dạng và khô nẻ.

Tương tự, các ngôi mộ hợp chất được bảo quản khá bền vững trong điều kiện chôn cất đặc biệt theo kiểu trong quan ngoài quách. Khi mới mở nắp quan tài, thi thể người chết vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng sẽ bị hỏng nát ngay sau đó nếu không có cách cứu kịp thời.

Ở VN, trình độ bảo quản loại hình di vật này thật đáng báo động. "Thậm chí hình thành một quan niệm: không khai quật những di tích chứa các vật chất hữu cơ cho đến khi đủ điều kiện kỹ thuật khai thác và bảo quản. Quan niệm này đã đặt chúng ta trong một trạng thái chờ đợi thụ động, trong khi hàng năm, có tới hàng trăm mộ thuyền hay những di tích cư trú bị đào trộm hoặc đào phá do nông nghiệp, xây dựng nhà máy hoặc làm đường giao thông"- Nhà khảo cổ Nguyễn Việt cho biết.

TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học), người chuyên nghiên cứu về mộ quan tài thân cây khoét rỗng, đã làm một thí nghiệm: phân tích phần đất bùn mà quá trình khai quật nạo vét lấy hiện vật và xương cốt theo phương pháp truyền thống đã bỏ đi tại một cổ Châu Can (Hà Tây). Kết quả đã thu được hàng vài trăm hiện vật có giá trị nghiên cứu. Điều này cho thấy cách khai quật truyền thống đã bỏ sót nhiều tư liệu và ngăn cản chúng ta có được những mộ táng nguyên vẹn.

Nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa tìm được một hướng giải quyết thấu đáo, trừ những sáng tạo thi thoảng, lẻ loi của một vài cá nhân, chưa đủ để tạo nên một chuyển biến có tính bước ngoặt nào. Khảo cổ và bảo quản di vật đất ướt vẫn đang chờ những cú hích như đối với di vật gốm và kim loại ở Bảo tàng LSVN!

  • Doãn Diễm
,
,