,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
771551
Khi tài năng được thu hút theo phong trào
1
Article
null
,

Khi tài năng được thu hút theo phong trào

Cập nhật lúc 11:33, Thứ Hai, 06/03/2006 (GMT+7)
,

Đà Nẵng được coi là nơi khởi đầu của phong trào thu hút nhân tài, sau khi chứng kiến làn sóng tiến sĩ, thủ khoa... trở về xây dựng quê hương, thời gian gần đây lại đang có một “làn sóng” ngược lại.

>> Bài 1: Thủ khoa tốt nghiệp Đại học - “SOS”!

>> Bài 2: Nhân tài trẻ “chảy” về đâu?

Khởi đầu từ Đà Nẵng, chính sách thu hút nhân tài nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương khác trên toàn quốc.

Hiệu quả của những “chính sách theo phong trào” này đối với bộ máy công quyền chưa biết đến đâu, chỉ biết rằng nhiều bạn trẻ đã dùng chính các ưu đãi của chính sách để “làm bàn đạp” đi khỏi khu vực nhà nước. 

Vào cửa trước, ra cửa sau

Các thủ khoa trong đêm tôn vinh tại Văn Miếu (Hà Nội)

Theo Chủ nhiệm CLB thủ khoa Hà Nội Lê Sử Năng, 80% thủ khoa tốt nghiệp Đại học năm 2005 phải tự tìm kiếm việc làm sau khi được tuyên dương tại Văn Miếu một tháng.

Đến nay còn nhiều bạn thủ khoa vẫn đang phải làm những công việc tạm bợ vì chưa tìm được việc đúng chuyên ngành.

Qua tìm hiểu thực tế chính sách thu hút thủ khoa tốt nghiệp đại học vào làm việc trong khu vực nhà nước của Hà Nội, chúng tôi nhận thấy bên cạnh thực trạng trên, những thủ khoa được “hưởng” chính sách đãi ngộ tài năng trẻ nhiều người sau đó đã “vào cửa trước rồi bước ra cửa sau”... 

Trong số bốn thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y HN loại giỏi năm 2004, được báo cáo đã về làm việc cho các bệnh viện thuộc thành phố, ở thời điểm hiện nay chỉ có duy nhất một thủ khoa Nguyễn Tiến Tuân đang công tác ở Bệnh viện Thanh Nhàn.

Sau khi ra trường mong muốn nhất của Tuân là được tiếp tục đi học bác sỹ nội trú (hệ đào tạo chỉ dành cho các sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên). Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuân đành chọn phương án “đi làm trước rồi sau này có điều kiện mới tiếp tục học thêm”...

Cơ chế quản lý quan liêu làm thất thoát nhân tài.

Công tác bồi dưỡng tài năng ở bậc ĐH và sau ĐH còn chưa thật rõ nét. Việc theo dõi sự phát triển của sinh viên tài năng sau giai đoạn đào tạo ở nhà trường hầu như không được quan tâm.

Nhiều nhân tài còn chưa được sử dụng hoặc chưa sử dụng đúng nơi, đúng chỗ nên không phát huy, bộc lộ hết tài năng.

Cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp và chính sách đãi ngộ chưa hợp lý thậm chí đã làm thất thoát nhân tài.

(Trích ý kiến của Trưởng Ban Tổ chức TW Trần Đình Hoan tại Hội thảo về dự án thí điểm phát hiện đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng)

Hiện tượng “nhảy việc” đặc biệt trở nên phố biến đối với những người trẻ đi du học trở về. Khi đề ra chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhiều nơi đã khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các tài năng trẻ được đi học sau đại học ở trong và ngoài nước với nhiều chế độ ưu tiên.

Thực tế, chính sách này đã thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi vào làm trong các cơ quan nhà nước. Thế nhưng sau khi hoàn thành các khoá học sau đại học, nhiều tài năng trẻ đã “vỗ cánh bay xa”...

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Giao thông Vận tải, N.V không những được một Tổng Cty Công trình giao thông chào đón về làm việc, mà còn được Tổng Cty này tạo điều kiện kết nạp Đảng sau một thời gian ngắn phấn đấu.

Tuy nhiên sau ít năm công tác, xin được một suất học bổng cao học ở Hoa Kỳ, khi trở về N.V đã xin chuyển ra ngoài để thành lập Cty riêng.

Còn T.N là một trong những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi được hưởng chế độ “thu hút nhân tài” ở Nghệ An.

Mới đây, email cho chúng tôi từ Úc, (T.N đang du học học bổng toàn phần của một tổ chức phi chính phủ), T.N cho biết sau khi về nước sẽ lại... quay ra Hà Nội để tìm kiếm việc làm.

Lý do là “sau vài năm công tác trong cơ quan sự nghiệp hành chính, tôi thấy hình như mình chưa làm được gì đáng kể, và... khó làm được việc gì đáng kể, vì chuyên môn Điện tử - Viễn thông của tôi cũng chỉ được áp dụng cho công việc soạn thảo công văn, xử lí giấy tờ...” - T.N tâm sự.

Bà Lê Thị Nhiễu - Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho biết: “Để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học trong Viện, thời gian qua Viện đã tạo mọi điều kiện để các cán bộ khoa học, nhất là các cán bộ trẻ, được đi tu nghiệp ở nước ngoài.

Tuy nhiên sau khi những cán bộ này trở về thì một nửa trong số đó (50%) không quay lại cơ quan cũ, đa số đều chuyển sang các cơ quan có yếu tố nước ngoài”.

Điều đáng nói là chính sự “chảy máu chất xám” này đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của Viện Nghiên cứu Thương mại, vì hai trong số những khó khăn hàng đầu hiện nay của Viện này là: “Thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ và chất lượng cao; và trình độ ngoại ngữ của cán bộ nghiên cứu khoa học còn hạn chế”.

Khi được hỏi về những chế tài để hạn chế hiện tượng “nhảy việc” này, bà Lê Thị Nhiễu nói: “Nhà nước đã có những quy định cụ thể, tuy nhiên khi ai đó đã quyết định dứt áo ra đi thì rất khó ngăn cản họ bằng những chế tài hiện có”.

Trên “thông” dưới chưa “thoáng”

Vì sao nhiều tài năng trẻ không muốn gắn bó cuộc đời mình với hệ thống các cơ quan nhà nước? H.L (từng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi) hiện đang làm việc cho một Cty nước ngoài tâm sự: “Tôi đã chuyển từ một Tổng Cty nhà nước ra làm việc ở ngoài không hẳn vì thu nhập ở cơ quan cũ quá thấp mà là môi trường làm việc ở cơ quan cũ không phù hợp...”. 

“Đằng sau những lời kêu gọi hấp dẫn, chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài đang thể hiện nhiều bất cập trong quá trình thực thi”, V.N một thủ khoa tốt nghiệp đại học trên địa bàn Hà Nội năm 2003 nhận định.

Mặc dù được Giám đốc ở một cơ quan nhà nước trân trọng mời về sau khi ra trường, nhưng gần hai năm sau V.N đành phải tìm kiếm công việc mới vì không chịu nổi... cung cách điều hành công việc của ông trưởng phòng.

Đà Nẵng, địa phương được coi là nơi khởi đầu của phong trào thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy công quyền, sau khi chứng kiến làn sóng tiến sĩ, thủ khoa... trở về xây dựng quê hương, thời gian gần đây lại đang có một “làn sóng” ngược lại.

Trong khi chính sách kêu gọi nhân tài có thể đã “đánh bóng thương hiệu” Đà Nẵng, có những bạn trẻ bên bờ sông Hàn đã phát biểu trên một diễn đàn về chính sách thu hút nhân tài của thành phố này là: “Có cảm giác thành phố mở cửa đón chúng tôi về nhưng dưới cơ sở thì hoàn toàn khác.

Nhiều người như tôi đang thấy hối hận vì trở về quê hương theo chính sách thu hút nhân tài. Đã đến lúc chính sách thu hút nhân tài không chỉ là hô khẩu hiệu, nó cần sự nhất quán từ trên xuống”.

  • Theo Tiền phong
,
,