,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
774490
"Tìm người tài cho Đảng"?
1
Article
null
,

'Tìm người tài cho Đảng'?

Cập nhật lúc 10:55, Thứ Năm, 16/03/2006 (GMT+7)
,

Trong nội dung "Tìm người tài cho Đảng" ở Bàn tròn "Kỳ vọng có sự đột phá để tìm người tài cho Đảng" TS Lê Kiên Thành, GSTS Nguyễn Trường Tiến và ông Bạch Minh Sơn đều cho rằng nguyên nhân khiến đất nước còn chậm phát triển là do chúng ta chưa phát hiện và sử dụng đúng người tài.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, từ xưa đến nay, chế độ nào cũng coi trọng người tài. Các cách thức mà những khách mời đưa ra để tìm người tài cho Đảng như công khai vận động tranh cử với cương lĩnh hành động; thông tin minh bạch, công khai; sử dụng người trẻ tuổi vào các vị trí lãnh đạo... liệu có giúp đất nước tìm ra nhân tố mới để đột phá và phát triển?

Nếu đây là thời điểm để dân tộc ta cất cánh thì chúng ta có quyền hy vọng sẽ có một lớp người đưa nước ta đi lên phía trước?

Soạn: AM 726791 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (ở giữa) cùng các vị khách mời: GSTS Nguyễn Trường Tiến (bên trái) và ông Bạch Minh Sơn (phải) tại cuộc trao đổi (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa anh Thành, như anh Tiến vừa nói thì anh ấy rất tin tưởng và kỳ vọng vào thời cơ vàng, vào vận hội của dân tộc. Còn anh, anh có kỳ vọng gì? Theo anh, những người chèo lái, nắm giữ những trọng trách lớn của dân tộc phải là những người như thế nào?

TS Lê Kiên Thành: Tôi thấy thế này: tình hình hiện nay đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư duy sáng tạo. Nếu chúng ta cứ đi theo lối mòn thì chúng ta không có cách gì thích ứng được với thực tế chứ đừng nói chúng ta nghĩ ra một con đường sáng tạo.

Tôi muốn chia sẻ điều này, Đảng ta đã làm được một việc trọng đại, đó là thống nhất đất nước. Đó cũng là thời điểm chúng ta có nhiều sáng tạo trong đường lối phát triển. Nếu trong giai đọan mới này, chúng ta vẫn cứ loay hoay với những giá trị cũ mà không hề có sự sáng tạo thì cá nhân tôi không thể kỳ vọng nổi. Cơ hội thì luôn luôn có, nhưng vấn đề là chúng ta có khả năng sử dụng cơ hội không và sử dụng nó như thế nào?

Mọi người cứ hình dung thế này, đội ngũ lãnh đạo cứ trình tự, từ cấp phường xã đi lên, rồi cấp tỉnh thì lên TW, thì rất khó có những "cách mạng", rất khó có những người tài. Đặc biệt, chúng ta đã không dám để cho những người thuộc các tầng lớp khác lên làm lãnh đạo.

Cứ lấy xuất phát điểm từ những cán bộ cấp xã. Họ là ai, phần lớn là những người không đi thi đậu ĐH ở lại làm cán bộ xã. Rồi cứ thế, từ cấp xã lên huyện, lên tỉnh.v.v... 

Có thể cách nhìn của tôi hơi phiến diện, nhưng tôi có điều kiện đi nhiều nơi, nên tôi thấy hình như đó là thực tế. Tôi rất băn khoăn là với cơ chế như thế này, chúng ta lấy đâu ra người tài, lấy đâu ra những người sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước. Cứ bình thường như thế này thì chúng ta cũng đã phát triển rồi, nhưng sẽ không bao giờ có đột phá.

"Tôi tin trong số các đảng viên của chúng ta có rất nhiều người tài giỏi, căn bản là phải biết chọn..."

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta có nói, đánh giá bằng bỏ phiếu tín nhiệm, qua thăm dò nhưng thực tế rất nhiều bạn đọc gửi về băn khoăn: Phải chăng phương pháp bỏ phiếu tín nhiệm có vấn đề gì không? Thông thường những người dĩ hoà vi quý không đụng chạm ai thì được tín nhiệm cao, còn người làm việc thực sự thì sẽ đụng chạm, mất lòng người khác, tín nhiệm lại không cao? Nhìn sang các nước khác, như bầu tổng thống Hoa Kỳ, phiếu bầu chỉ 50,5 % thôi đã trúng cử. Vậy cơ chế đánh giá tín nhiệm hiện nay của chúng ta có chính xác không?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, mà như chúng ta gọi là dân chủ chẳng hạn, đương nhiên đấy là hình thức để nắm bắt ý kiến của quần chúng với lãnh đạo của mình. Nhưng tôi cho rằng hình thức đó không ổn!

Tôi thừa nhận, dân chủ hay không thứ nhất phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu, ở hiểu biết và bản lĩnh của họ. Trong rất nhiều trường hợp có khi người trúng phiếu rất cao là người có hiệu quả làm việc thấp. Hoặc người ta chỉ là hoạt động công tác quần chúng, công đoàn, công tác xã hội song quần chúng thấy có nhiều điểm tốt thì có thể được phiếu rất cao. Tôi cho rằng, tiêu chí "tốt" thôi không đủ mà cần những người Đảng viên làm thực sự, bản lĩnh thực sự. Lịch sử đã chứng minh rất rõ, không phải những người chỉ được thiểu số ủng hộ là sai cả đâu. Tôi nhớ cách đây 60 năm, với Quốc hội khoá I, đứng trước vận nước phải tiếp tục cuộc kháng chiến như vậy, đâu phải mọi người đều tin rằng ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ là chính xác hoàn toàn hết.

Cho nên bỏ phiếu chỉ là hình thức mà nếu chúng ta làm không tốt thì có nguy cơ trở thành một thứ giả tưởng. Nhiều khi, người ta vận động để có một lá phiếu, nếu như tôi không muốn nói là bỏ tiền mua phiếu để làm lãnh đạo. Và người ta trấn áp quần chúng "đồng chí không bỏ cho tôi thì sẽ có chuyện". Vậy nên, tôi mong muốn Đảng ta phải có phương thức lựa chọn khác. Lá phiếu chỉ là một giải pháp cuối cùng.

Ông Bạch Minh Sơn: Tôi rất đồng tình với ý kiến rằng, chúng ta cần những người lãnh đạo tài giỏi, có trí tuệ, bản lính và dám chịu trách nhiệm. Nhưng nếu quy trình tuyển chọn người tài của chúng ta vẫn cứ trình tự đi từ dưới lên, từ các cấp cơ sở lên đến Trung ương thì rõ ràng rất chậm chạp. Tôi nhớ đến trường hợp hiếm hoi của Putin. Rõ ràng, trước khi Putin lên làm tổng thống, không ai nghĩ ông ta lại tài giỏi đến như thế. Tôi tin trong số các Đảng viên của chúng ta có rất nhiều người tài giỏi. Nếu biết chọn và đưa được đúng người tài vào vị trí để họ phát huy thì sẽ khai thác được họ ngay.

"Phải đủ thông tin và minh bạch!"

Ông Bạch Minh Sơn: Thực ra, có rất nhiều cách để chọn người tài vào một vị trí lãnh đạo nào đó. Nếu như chúng ta chỉ ''một mình một chợ'' thì việc lấy ý kiến quần chúng là để xem có khuyết điểm hay không chứ không phải để chọn người tài. Giả sử chúng ta có ngay vị trí nào đó mà quần chúng được lựa chọn thì mới có giá trị lớn. Tôi nghĩ những cuộc lấy ý kiến quần chúng mà không có người thứ ba làm trọng tài thì lấy ý kiến quần chúng như kiểu ''mẹ mắng con'' không có ý nghĩa gì trong câu chuyện này.

Việc khó nhất cho các tổ chức Đảng là khó bầu được người tài thực sự ở những vị trí cao nhất. Bởi vì chi bộ chỉ biết đến thế thôi. Làm sao chúng ta đủ thông tin để biết ai thật sự tài, sáng tạo, có can đảm. Không đủ thông tin để biết ai đủ điều kiện như vậy. Cách bầu cứ theo hệ thống của chúng ta, cấp nọ bầu cấp kia, anh nọ nhìn anh kia, thậm chí có hiện tượng nể nang nhau nữa. Cứ thế người ta bầu lên chứ không tìm được người thực tài.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Không tìm được người tài cho đất nước là mối nguy. Chúng ta đang nói những điều chưa hoàn thiện và lo lắng nhất là làm sao thu phục, phát huy được người tài, tạo cơ chế môi trường để tự người tài thể hiện, tức là có đất cho người ta dụng võ và bật lên dược.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Vị trí của Đảng cực kỳ quan trọng vì Đảng lãnh đạo đất nước, Đảng cầm quyền. Nhưng người được chọn ra chưa phải tài nhất trong hệ thống Đảng của chúng ta hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Mà có lẽ trưng cầu dân ý ở VN thì không có ai có thể phủ nhận được vai trò lãnh đạo của Đảng.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Phải chọn được những người tài nhất vào Đảng thì đất nước sẽ được nhờ. Vấn đề là như vậy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy cơ chế nào, cách thức nào để người tài có đất dụng võ. Trước ĐH X của Đảng lần này, chúng ta có kiến nghị  gì để Đảng suy nghĩ đề ra được chính sách?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Đất nước chúng ta hiện nay không chấp nhận đa đảng. Tất nhiên không có 2 đảng để đưa 2 tổng bí thư ra tranh cử lãnh đạo đất nước. Nhưng trong Đảng có thể làm được việc chọn một số nhân vật xuất sắc để cho Đảng viên trực tiếp bầu thì vấn đề sẽ khác. Nhưng phải đủ thông tin cho mọi người hiểu về những ứng cử viên ấy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tức là công khai, vận động tranh cử đàng hoàng?

GS.TS Nguyễn Trường Tiến: Hiện chúng ta có những cơ chế, những nguyên tắc bí mật riêng của Đảng mà những Đảng viên, quần chúng bình thường không được biết. Mà chỉ ở cấp nào đó mới biết những thông tin như thế. Rõ ràng Đảng viên không thể bầu trực tiếp được người giỏi nhất. Nhưng nếu có cơ chế nào đó cho 2-3 vị đứng lên tranh cử, đưa cương lĩnh hành động, để cho Đảng viên biết thông tin và trực tiếp bầu thì câu chuyện sẽ khác.

Tôi hoàn toàn chia sẻ với anh Thành và mọi người. Cách đây 21 năm lúc tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Thuỵ Điển thì xảy ra vụ ám sát Thủ tướng nước này. Ông Phó Thủ tướng cùng thuộc Đảng Xã hội Dân chủ với ông Thủ tướng vừa bị ám sát đã được đề nghị lên thay. Ông này phát biểu rất công khai trên báo chí là 2 người đã được đào tạo tương ứng là Thủ tướng và Phó Thủ tướng, không bao giờ ông ấy nghĩ sẽ làm Thủ tướng cả. Bởi vì Đảng đã đào tạo, quy hoạch 20 năm rồi.

Tôi rất tò mò nên đã đi tìm hiểu xem họ đào tạo kiểu gì. Hai người đều tốt nghiệp ĐH. Sau đó tiếp tục sang Mỹ học. Họ vừa học vừa làm, tự kiếm sống. Họ đều học làm kinh tế, học quản lý, học tổ chức, sau đó, Đảng phân công một ông làm quan chức ở bộ, một ông làm công tác đoàn thanh niên. Sau này họ mới biết rõ 2 người được đào tạo thành Phó Thủ tướng và Thủ tướng. Cho nên sau vụ ám sát ấy ông Phó Thủ tướng tuyên bố rằng ông chưa chuẩn bị để làm Thủ tướng.

Vừa rồi tôi thấy ông Trần Đình Hoan (Trưởng ban Tổ chức TW Đảng) có nói, cứ ai quy hoạch thì bị ''đánh'' ngay. Đấy là một chuyện. Nhưng có thể là quy hoạch làm tổng giám đốc, quy hoạch làm bộ trưởng nếu chúng ta làm đúng, đào tạo đúng, cho họ thử thách. Ví dụ như Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trưởng thành từ nghề kỹ sư. Họ phải làm công tác tham mưu, lãnh đạo kinh tế, họ phải đi khu tự trị. Tức là họ phải thể hiện đã. Tôi thấy là họ có kiến thức, có năng lực, sức thuyết phục rất cao.

Quay lại câu chuyện chọn người tài, tôi cho rằng trước hết phải minh bạch. Tức là mọi người dân đều có quyền tiếp cận với bất kỳ thông tin gì. Nếu không có thông tin tôi chả biết giới thiệu, bầu cho ai. Cái yêu cầu cao nhất là phải minh bạch.

Tôi biết hiện nay đại bộ phận dân chúng rất bức xúc muốn biết lãnh đạo cao cấp, Tổng bí thư, Thủ tướng là ai? Có một bộ phận nhân dân cùng bàn qua nhiều. Tôi khát vọng, kỳ vọng rất nhiều. Bầu cử cho ĐH Đảng toàn quốc là một công việc hệ trọng. Bởi vì trong các Đảng viên vào Ban chấp hành TW, làm Tổng bí thư, bộ trưởng đương nhiên phải chọn những người thực sự có tài đức.

Tôi vẫn muốn nói lại, chúng ta phải có cơ chế, một chiến lược, một kế hoạch lựa chọn những người hiền tài, nhân tài hay thiên tài để lãnh đạo đất nước chúng ta. Chúng ta không làm được ở nhiệm kỳ này thì chúng ta làm ở nhiệm kỳ tới.

TS Lê Kiên Thành: Nhân chuyện này tôi cũng nói thêm: Khi bầu chiến sỹ thi đua, thì người lãnh đạo chỉ cần tô điểm cho người này người kia - tức là đã đưa ra rồi thì không cách gì để lựa chọn khác.  Thế nhưng, phải thấy rằng nếu như một đại biểu tận trên Sơn La thì làm sao có thông tin về những người được QH bầu để biểu quyết những vấn đề lớn. Rất dễ xảy ra chuyện là trên bảo sao thì dưới làm như vậy!

Hiện nay tôi cho rằng dân chủ trong Đảng chúng ta còn nửa vời. Một mặt do cơ chế không cho phép. Thứ hai là trình độ chưa cho phép. Bầu bán, lấy ý kiến thế thôi nhưng người ra quyết định cuối cùng vẫn là Ban tổ chức hoặc những người làm công tác tổ chức. Nếu "anh" được chọn thì tên anh sẽ có trong danh sách. Nếu có 2 ứng cử viên chức Thủ tướng mà cả 2 đều chung mục đích đưa đất nước đi lên thì không việc gì chúng ta lại phê bình cương lĩnh của ông này phù hợp, ông kia là không. Có lẽ do tư tưởng chúng ta giữ đoàn kết nên không dám làm chuyện đó?

Chưa làm được chuyện đó thì không cách gì chúng ta chọn được người tài. Chúng ta thường chứng kiến cảnh, cấp trưởng đi thì cấp phó lên. Cấp tỉnh từ cấp huyện lên. Cứ thế mãi mãi nếu như không có người nào đó trong ban lãnh đạo mới này dũng cảm, thay đổi được cách làm này đi. Tôi thấy ở nước ngoài có cái hay: 40 tuổi làm tổng thống, nhưng 80 tuổi làm tổng thống cũng là điều bình thường.

Còn chúng ta, những người 70 tuổi tất nhiên còn làm được việc nhưng cho những người 40-50 tuổi là trẻ quá. Chính chúng ta mang tiếng là những người cách mạng nhưng cách nghĩ đó không cách mạng tí nào. Nó hoàn toàn mang tính bảo thủ. Tôi hy vọng đến lúc nào đó Thủ tướng của chúng ta chỉ 30-40 tuổi thôi, tất nhiên phải có năng lực. Tôi thấy nước Anh và những nước khác có cơ chế để người trẻ tuổi có thể bước vào những vị trí lãnh đạo.

Lúc ông cụ tôi còn sống, nếu tôi có làm việc gì đó sai thì ông mắng tôi là "tại sao con trẻ con thế? Ba bằng tuổi con ba đã là Uỷ viên Bộ Chính trị rồi". Hồi đó  đó tôi mới 24, 25 tuổi.

Tôi mới bảo là: "con cũng muốn làm như vậy nhưng bây giờ làm Trưởng phòng còn không được nữa là". Vậy khi nào có người lãnh đạo trẻ, chẳng nhẽ chỉ có người lãnh đạo trẻ khi đất nước có cuộc cách mạng hay sao? Bởi vì chúng ta chỉ có những người rất trẻ như là thời ông cụ khi chúng ta làm cuộc cách mạng, bây giờ trong thời điểm mà Đảng cầm quyền như thế này, làm cách nào chúng ta có được những cán bộ trẻ, có lẽ không phải cuộc cách mạng giành chính quyền mà buộc phải có cuộc cách mạng về tư tưởng. Chỉ khi nào chúng ta làm được điều đó, chúng ta mới có được những người lãnh đạo giỏi và trẻ.

Muốn chọn lựa được những người khác lên, phải chọn từ cấp cơ sở, cấp cơ quan, cấp xã rồi huyện, rồi tỉnh.v.v... phải tuần tự. Phải có sự kiểm tra, kiểm soát, luôn luôn có quá trình đào tạo và thử thách họ. Đấy chính là một quá trình minh bạch trong đánh giá họ. "Nói" là một chuyện nhưng phải có kết quả cụ thể. Kết quả cụ thể ấy cố gắng đo được bằng những ứng xử của họ với quần chúng, ứng xử của họ với tổ tiên, với văn hoá, ứng xử của họ với những câu chuyện đời thường. Không phải ngẫu nhiên trong kháng chiến và ngay cả khi hoà bình lập lại, cụ Hồ Chí Minh luôn có quan điểm kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân: phê và tự phê. Đấy là cuộc đấu tranh của từng con người một để tự thấy phải trung thực với mình hơn, trách nhiệm với mình hơn.

Với nhiều người, như anh Đoàn Nguyên Đức chẳng hạn, tôi không biết họ có phải là đảng viên hay không nhưng họ đã tạo nên được cơ ngơi đáng nể. Vậy họ là người rất có tài. Trong tương lai, tôi rất mong họ trở thành đảng viên và lãnh đạo trong hàng ngũ Đảng. Hay như anh Đặng Lê Nguyên Vũ - Giám đốc Cà phê Trung Nguyên, anh Thắng của Đồng Tâm chẳng hạn. Họ hoàn toàn xứng đáng để nhiệm kỳ tới có thể tham gia vào Đảng, vào Ban Chấp hành và nếu có thể, họ sẽ trở thành một ông Thủ tướng để lãnh đạo kinh tế, hoặc làm Bộ trưởng một Bộ nào về lĩnh vực kinh tế, hoặc Chủ tịch một tập đoàn kinh tế nào đấy chẳng hạn? Chúng ta rất cần một người lãnh đạo biết  đưa ra những quyết định đúng lúc và có bản lĩnh.

Tôi cho rằng, một trong những thất thoát, lãng phí lớn nhất của đất nước chúng ta hiện nay là việc chúng ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người không hợp lý. Rất nhiều quyết định của chúng ta không dựa trên tính chuyên nghiệp, không dựa trên cơ sở chắc chắn của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Và nhiều lúc rất cảm tính. Đại hội X sắp tới nên đặt ra những vấn đề đó...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Rõ ràng chúng ta có nhân tài. Nhưng vấn đề là có phát hiện và sử dụng hay không?

TS Lê Kiên Thành: Chắn chắn là có nhưng không được đặt đúng vị trí. Rõ ràng có Đảng viên 30 tuổi bảo rằng mình có thể làm được Tổng bí thư nhưng khó có cơ hội cho anh ta làm được việc ấy. Với cơ chế hiện nay thì làm sao anh có thể lên được vị trí ấy! Rõ ràng người ta chứng minh làm được gì cho đất nước, khả năng có thể làm được, nhưng ai chấp nhận anh?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian để chúng ta trao đổi cũng đã khá lâu, hơn 2 tiếng đồng hồ. Xin dành ý kiến cuối cùng của bàn tròn hôm nay cho anh Lê Kiến Thành. Anh có kỳ vọng gì vào ĐH này? Sau những thảo luận vừa qua, anh có tin tưởng là Đảng sẽ lắng nghe và trong ĐH sắp tới, sẽ thảo luận đến nơi đến chốn những vấn đề mà người dân đã góp ý cho Đại hội. Anh có tin rằng, chúng ta sẽ đột phá đi lên được hay không?

TS Lê Kiên Thành: Tôi tin là đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện nhân tố mới. Tôi rất mong những nhân tố đó, những cơ hội đó sẽ xuất hiện trong vòng vài năm tới. Tôi chỉ dựa trên cái gọi là truyền thống dân tộc. Nếu như gọi đây là bước ngoặt của dân tộc thì chắc chắn, dân tộc ta cũng sinh ra những nhân tố đó. Nếu đây là thời điểm để dân tộc ta cất cánh thì tôi cũng hy vọng rằng, chúng ta sẽ có một lớp người đưa nước ta đi lên phía trước. Đấy là ý kiến của cá nhân tôi.

  • VietNamNet

Ý kiến của bạn?

,
,