Phát triển Internet ở Việt Nam: Vẫn phải bắt đầu từ nhận thức
15:38' 24/12/2001 (GMT+7)

Mặc dù đạt tốc độ phát triển gần 200%/năm nhưng giới công nghệ thông tin và các nhà quản lÿ vẫn đánh giá Internet Việt Nam phát triển chậm, đặc biệt là với các dịch vụ truy cập tốc độ cao và các dịch vụ gia tăng giá trị. 

VDC cho biết, người dùng hiện sử dụng Internet chủ yếu là để gửi/nhận thư điện tử (89% người dùng cho rằng dùng e-mail là quan trọng nhất) và trung bình 1 khách hàng chi phí 200.000 đồng/tháng cho sử dụng Internet.

Theo cách nhìn phổ biến hiện nay về tốc độ tăng trưởng nói trên, người sử dụng cũng như giới theo dõi chủ yếu mới chỉ nhấn mạnh tới vai trò quản lÿ của Nhà nước trong việc đưa ra các chính sách về thị trường, giá cước và vai trò của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho mạng lưới và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh về người sử dụng như nêu ở trên, có thể thấy sự chậm chạp hay lớn nhanh của Internet còn phụ thuộc khá nhiều ở nhận thức và nhu cầu thực sự về thông tin của xã hội, đặc biệt là của các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực nhà nước cũng như khối doanh nghiệp.

Chỉ nói tới khối doanh nghiệp - những khách hàng tiềm năng nhất về sử dụng Internet - hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có chừng trên 1.000 doanh nghiệp có trang web và vài nghìn doanh nghiệp có quảng cáo trên mạng. Và đây cũng mới chỉ mới là một biểu hiện còn sơ khai của thương mại điện tử. Chưa kể, còn là sự sơ khai trong chính nhận thức. Việc phải có một trang web của không ít cơ quan, doanh nghiệp thực ra cũng chỉ ở mức hưởng ứng phong trào làm web

Thực trạng về ứng dụng CNTT trong phần lớn các cơ quan, công sở, doanh nghiệp là hiệu quả sử dụng máy tính thấp nếu không muốn nói là rất thấp. Phần lớn cán bộ, nhân viên chưa thực sự có tri thức và kỹ năng cần thiết về làm việc trên máy tính và mạng máy tính. Nếu cho rằng như vậy là một đánh giá bi quan, bạn hãy thử đi thực tế, trước hết ở ngay cơ quan bạn!

Sau Nghị định 55/2001 về Internet của Chính phủ và mới đây là Thông tư hướng dẫn 04/2001 của Tổng cục Bưu điện, ''tư duy quản lÿ Internet của Nhà nước đã có bước đi mới là chuyển từ quản lÿ được đến đâu thì mở đến đó sang quản lÿ phải nâng tầm để theo kịp sự phát triển''. Về phía các doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã yêu cầu phải tiếp tục phát triển Internet trên cơ sở mạng viễn thông có độ bao phủ rộng, thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, thực hiện nhanh lộ trình giảm giá (trước mắt, tới 2003, cước Internet và nói chung là cước viễn thông phải bằng hoặc thấp hơn khu vực).

Về phần mình, VNPT mà người trực tiếp thực hiện là VDC, đã đặt ra các mục tiêu cơ bản cho tới mốc 2005 là tạo dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngang bằng với thế giới, cung cấp khả năng truy cập băng rộng tới tận khách hàng đơn lẻ, kể cả truy cập từ các thiết bị không phải máy tính; phát triển các dịch vụ đa phương tiện gắn với đời sống hàng ngày, với nhu cầu giao dịch, kinh doanh hiện đại

Như vậy về cơ bản, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã và đang tích cực chuẩn bị cho bước phát triển mới của Internet ở Việt Nam. Phần tiếp theo, phải chăng là nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Cuối cùng, điều căn cốt nhất phải cùng được nhận thức ngay từ đầu là Internet chỉ là phương tiện. Cao hơn (và khó hơn rất nhiều) phải là tạo dựng được một văn hoá Internet. Đó mới là chất lượng của sự phát triển, là phát triển bền vững, là mục đích.

Theo thống kê gần đây nhất của VDC, sau 4 năm Việt Nam có Internet (từ cuối 1997), hiện có khoảng trên 250.000 người sử dụng (có đăng kÿ account) với 53% là cá nhân, chủ yếu tập trung tại những thành phố lớn, ở độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, trong đó khoảng 80% có trình độ đại học.

(Theo VNPT)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi