Dư luận quốc tế còn chưa khỏi ngỡ ngàng khi Tổng thống Mỹ phê chuẩn Dự luật Dán nhãn tên nước xuất xứ (H.R.2439) đối với cá nuôi, trong đó quy định cấm các loại cá da trơn nhập khẩu không được mang tên Catfish thì nay lại đến việc ông Bush phê chuẩn biểu thuế 30% đánh vào các mặt hàng thép ngoại nhập...
Hai đạo luật này thuộc hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, đạo luật H.R.2439 thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn đạo luật tăng thuế nhập khẩu thép thuộc lĩnh vực tài chính. Nhưng cả hai đều giống nhau về bản chất, đó là sự bảo hộ trá hình cho một số ngành sản xuất hay nói cụ thể hơn là một số tập đoàn đang trong cơn nguy khốn. Sự giống nhau nữa giữa hai đạo luật đó là sự mâu thuẫn kinh khủng giữa lời nói và việc làm của Chính phủ Mỹ đương nhiệm.
Xưa nay, người ta đều coi Mỹ như là một đầu tàu kinh tế thế giới, một nước cổ vũ mạnh mẽ cho chính sách toàn cầu hoá mà đỉnh cao là những thể chế của WTO đã được thông qua ở vòng đàm phán Urugoay cách đây chưa lâu. Theo tinh thần này, các nước thành viên, trước hết là các nước phát triển phải dỡ bỏ mọi rào cản thương mại để thực hiện tự do hoá thương mại toàn cầu.
Trước sự kiện đó, nhiều chính khách hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp và những nhà hoạt động chính trị xã hội đều lên tiếng. Ngay sau khi có quyết định của Tổng thống Bush, Các nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới đã lên án hành động tăng thuế nhập khẩu thép 30% của Mỹ và cho rằng hành động ngang ngược này đã làm xói mòn ÿ tưởng chủ đạo trong mậu dịch tự do mà Washington ca tụng. Các nhà sản xuất thép từ Tokyo (Nhật Bản) đến Canberra (Australia) bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tổng thống Bush để bảo hộ ngành thép ốm yếu do thiếu tính cạnh tranh. Họ viện rằng thép nhập khẩu với giá rẻ đã gây ra 31 vụ phá sản kể từ năm 1997.
Thủ tướng Anh Tony Blair, người vẫn được coi là trung thành với các chính sách của Mỹ cũng phải lên tiếng: ''Thuế xuất không những tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới mà cả người tiêu dùng Mỹ''. Còn Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại nước này, bà Patricia Hewitt đã mô tả việc tăng thuế suất từ 8% lên 30% đối với thép nhập khẩu là hoàn toàn không công bằng và chính phủ của bà sẽ hợp tác với EU trong việc kiện tụng. ''Chúng tôi sẽ nghiên cứu chi tiết tuyên bố của Mỹ nhưng tôi vô cùng thất vọng khi người Mỹ quyết định áp đặt thuế suất cao đối với các nhà sản xuất của Anh, châu Âu và điều này là hoàn toàn bất công và vi phạm quy tắc của WTO''.
Ông Bush không lường được sự phản ứng dữ dội này?
Nhớ lại, sau khi kÿ lệnh ban hành Dự luật Dán nhãn tên nước xuất xứ (H.R.2439), không chỉ có Chính phủ Việt Nam gửi công hàm phản đối mà một số nước đang làm ăn với Mỹ cũng phản ứng dữ dội. Một số nghị sỹ Mỹ cũng đã viết thư phản đối gửi ông Bush. Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu tù binh chiến tranh tại Việt Nam đã bình luận rằng, dự luật này là một sự phân biệt đối xử. ''Với thủ thuật chơi chữ latin và không hề đề cập đến Việt Nam, các vị Thượng nghị sĩ miền nam lại muốn làm tổn hại đến chính sách thương mại của Mỹ theo một lối nhìn thiển cận mang tính địa phương chủ nghĩa trong khi chúng ta đang cố gắng để người Việt Nam tha thứ những lỗi lầm sau cuộc chiến''...
Rõ ràng, ông Bush không hề non nớt khi đặt bút kÿ các đạo luật đi ngược lại với nhưng chính sách mà Chính phủ Mỹ đã và đang cổ vũ. Vậy, đâu là bản chất thực của những quyết định này? Người ta cho rằng, đằng sau ông Bush là những nhà tài phiệt đang sở hữu hàng tỷ USD cổ phiếu trong hàng trăm ngành công nghiệp quan trọng.
Dư luận cho rằng, để ban hành được điều khoản H.R.2439, các chủ nông trại nuôi cá basa ở các bang miền nam nước Mỹ Mississippi, Alabama, Arkansas và Louisiana đã phải bỏ ra không dưới 10 triệu USD. Trong trường hợp thông qua lệnh tăng thuế hôm 5/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ không cưỡng lại được yêu cầu của những nhà tài phiệt trong ngành thép, những người đã đóng góp hàng triệu USD trong đợt vận động tranh cử hồi tháng 11/2000. Đó chính là lÿ do để ông Bush không thể đảm bảo được nguyên tắc tự do thương mại.
Từ những sự việc trên, nếu ai có ÿ định làm ăn với Mỹ chớ nhẹ dạ tin vào những khẩu hiệu mà người Mỹ đang tuyên truyền. Đạo luật hay nguyên tắc đều có thể thay đổi bất cứ lúc nào, nếu điều đó phục vụ lợi ích của một nhóm nhà tài phiệt có thế lực.
(Phan Thế Hải - VASC Orient)