5.000 người nuôi cá ở Long Xuyên, Châu Đốc chưa kịp mừng vui với những dấu hiệu lạc quan sau ''cuộc chiến catfish'' với thị trường Mỹ, nay đã chuyển sang lo lắng bởi cá basa, cá tra đột ngột rớt giá từ 15.000 xuống 11.000 đồng/kg. Họ càng lo hơn khi nghĩ đến đợt rớt giá năm 2000-2001 khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản.
Anh Nguyễn Hoàng Kha (Long Xuyên) lo lắng bởi mới ngày 6/4 vừa qua, 300 tấn cá tra, cá ba sa trên 6 chiếc bè của anh còn được giá 15.000 đồng/kg, đột nhiên sụt liên tục xuống 14.000, rồi 11.000 đồng/kg. “Chết hết, giá cả thế này thì dân nuôi cá tụi tôi chết hết'' - anh Kha nói.
Anh lo lắng: ''Nguy cơ giá cá xuống dưới giá thành, vỡ nợ tới nơi, dân làm bè tụi tôi ai cũng vay bạc tỷ từ ngân hàng , nhà cửa, đất đai cầm cố hết''.
300 chủ bè khác cùng xã cũng đang ủ ê như anh Kha. Nhưng chưa bằng không khí ảm đạm ở làng cá bè Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, nơi quyết định sản lượng cá da trơn Việt Nam với hàng nghìn bè, ước tính làm ra 50.000 tấn cá mỗi năm. Nhiều chủ bè ở đây đọ giá và đăng kÿ với các công ty thu mua, sẵn sàng bán với bất kỳ giá nào, trong khi con cá giờ này chưa đến kỳ thu hoạch lÿ tưởng. Ở Đồng Tháp, hàng trăm hộ nuôi cũng trong tình cảnh tương tự.
Chưa hết hãi hùng với nguy cơ phá sản, dân làm bè lại choáng váng trước thông báo đánh thuế 5% trên doanh số cá bán ra của Cục Thuế An Giang. Anh Kha kêu: ''Nhà nước chủ trương khuyến khích nuôi trồng thủy sản. Xưa nay có ai đánh thuế đâu, nay sao ngay lúc khó khăn nhất, tỉnh An Giang lại tính chuyện đánh thuế, mà thuế lại rất cao?''.
Cách đánh thuế cũng khiến người làm bè bất bình, đánh thuế 5% trên sản lượng bè cá tính toán được lúc thả con giống chứ không phải lúc thu hoạch. Anh Huỳnh Kề bức xúc: ''phải biết là nghề nuôi cá có rủi ro rất cao, như các dịch bệnh, nước đổ bè trôi. Thuế thì đòi thu trong khi thiệt hại của chúng tôi có ai chiếu cố cho không?''
Hiệp hội ơi, cá ngắc ngoải rồi!
3,5 kg cá nguyên liệu DN mua vào với giá 52.000 đồng thì xuất khẩu được 4 USD/kg philê + 4.000 đồng/2kg phụ phẩm. Với giá này, DN chế biến xuất khẩu kiếm được lãi cao.
Thế nhưng, hôm 6/4, Hiệp hội Các DN xuất khẩu cá da trơn lập luận: Giá cá nguyên liệu đột ngột tăng từ 12.000 đồng/kg hồi đầu tháng 2 lên 15.000 đồng vào thời điểm 6/4 là không bình thường. Nếu không chủ động kiềm lại thì giá cá nguyên liệu có nguy cơ tăng nữa, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, công ăn việc làm của DN.
Mặt khác, do giá cá tăng, các chủ bè có dấu hiệu ghìm hàng chờ giá lên, khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm. Do đó, sau cuộc họp, các DN đồng loạt ngừng mua cá với giá 15.000 đồng/kg, mặc dù giá cá trên thị trường thế giới không biến động và cá nguyên liệu trong nước rất khan hiếm. Chính động tác này làm giá cá bè trong nước sụt thê thảm.
Nhiều người làng bè nói, thực ra với mức bán ra 15.000 đồng/kg, chúng tôi chỉ có lãi chút ít, vì 3 tháng nay chi phí sản xuất rất cao, giá cá giống tăng từ 800 đồng/con lên 2.000 đồng/con, cám thức ăn cũng tăng gấp 1,5 lần, một chiếc bè phải đầu tư bình quân 400 triệu đồng, chi phí nuôi 100 triệu đồng/tháng, rồi tiền trả lãi suất ngân hàng. Hiện, giá cá xuống nhưng anh Nguyễn Hoàng Kha mỗi ngày vẫn phải tốn 20 triệu đồng thức ăn cho cá.
Mỗi năm, An Giang xuất khẩu được khoảng 85.000 tấn cá nước ngọt, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD. Trong đó, riêng cá tra, cá basa chiếm khoảng 80.000 tấn. Những năm 2000-2001, giá xuống thấp (7.000 đồng/kg), hàng nghìn người nuôi phá sản, tưởng chừng nghề nuôi cá tuyệt diệt. Cuối năm 2001, cuộc chiến catfish nổ ra, không chỉ tỉnh An Giang và các doanh nghiệp xuất khẩu mà Chính phủ cũng nỗ lực đấu tranh, đem lại sự sống cho nghề nuôi cá tra, cá basa. Đầu năm nay, cuộc đấu tranh thắng lợi một phần, giá cá lên cao. Nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau, tức chưa được 1/3 chu kỳ vụ cá, sản phẩm đã mất giá, mà lần này lại không phải do tác động của thị trường thế giới mà do sự thống nhất của Hiệp hội những người mua cá. |
(Theo Tuổi Trẻ)