(VietNamNet) -
Mực nước các sông miền Trung đã bắt đầu rút chậm, nhưng bão số 7 lại đang xuất hiện giữa biển Đông, nhiều khả năng đổ bộ vào khu vực này. Miền Trung đang dồn sức vượt qua thiên tai...
Tại Ninh Thuận, chiều qua, đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ dẫn đầu đã trực tiếp đi thị sát những vùng bị lũ lụt nặng nhất của tỉnh. Tối qua, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ và các thành viên trong đoàn đã họp với lãnh đạo và các ban ngành chức năng địa phương. Theo báo cáo tại cuộc họp, lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp và giao thông, ước tổn thất khoảng 176 tỉ đồng.
Thống kê ban đầu cho thấy cả tỉnh đã có 20 người chết và mất tích. Trong lúc cấp bách, tỉnh đã huy động lực lượng di dời dân ở các vùng ngập lũ và tập trung cứu hộ đê, nên đã phần nào hạn chế đến mức thấp thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận yêu cầu trước mắt tập trung xử lý nguồn nước sau khi nước rút; tạo chỗ ở cho các gia đình gặp nạn, lo cứu đói, không để xảy ra trường hợp nào người dân chết vì đói trong lũ lụt.
Ông Lê Huy Ngọ cũng chỉ đạo các ngành của tỉnh kịp thời cứu trợ cho nhân dân lương thực, thuốc chữa bệnh và hỗ trợ cho mỗi gia đình có người chết từ 2 - 3 triệu đồng, người bị thương 500.000 đồng, nhà bị trôi từ 2 - 3 triệu đồng, nhà bị sập 1,5 triệu đồng. Các địa phương cần xác minh cụ thể mức thiệt hại về người và tài sản, xử lý môi trường, tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, thuỷ sản...
Hai ngày qua, nhiều vùng trong tỉnh vẫn bị chia cắt, chỉ có thể dùng canô của lực lượng cứu hộ mới đến được với dân. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng cứu hộ đang để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với nhân dân ở vùng lũ. Trong đó, các chiến sĩ Đoàn đặc công 5 (Lữ đoàn Hải quân 126, bộ đội địa phương), công an và lực lượng dân quân Ninh Thuận bất chấp mọi nguy hiểm đã cứu hàng ngàn người dân bị cô lập ở vùng lũ đến nơi an toàn. Có gia đình hai vợ chồng ở huyện Ninh Phước, khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá nhanh đã không kịp di tản và bị cô lập giữa dòng nước lũ chảy xiết trong khi người vợ đang mang thai.
Lực lượng công an tỉnh đã điều lực lượng cứu hộ gồm 6 chiến sĩ cùng phương tiện đến cứu hộ. Do canô không vào cứu được nên các anh đã sử dụng biện pháp nguy hiểm nhất là thả người bơi ngược dòng nước để cứu người. Cuối cùng các anh đưa được 2 vợ chồng này vào nơi an toàn sau 2 giờ vật lộn với dòng lũ cuốn. Tính đến nay, đội cứu hộ của công an Ninh Thuận đã cứu được trên 200 người dân, trong đó 11 trẻ em thoát khỏi vòng vây của lũ. Hiện nay, công việc cứu hộ vẫn đang tiếp diễn.
Tại Phú Yên, hôm 15/11, đoàn công tác của Chính phủ tiếp tục kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo báo cáo của UBND tỉnh, lũ lụt vẫn còn chia cắt ở nhiều địa phương nên mức độ thiệt hại vẫn chưa thể thống kê đầy đủ. Song đến nay, toàn tỉnh đã có 7 người chết, 4 người bị thương, 16 nhà sập hoàn toàn và 350 nhà hư hỏng nặng, 1.400 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp.
Đã có 4.000ha lúa, 14.000ha hoa màu và cây công nghiệp bị hư hại nặng, 10.000 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 50ha diện tích nông nghiệp bị bồi lấp và hàng trăm ao, đìa tôm bị vỡ, kênh mương bị sạt lở rất nặng nề. Giao thông tại Phú Yên cũng bị thiệt hại nghiêm trọng lũ lụt hơn 900.000m3 đất đá bị cuốn trôi, 2.500m2 mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng.
Ở công trường thi công cầu sông Hinh, một dầm cầu đã bị đổ và hư hỏng hoàn toàn. Nhiều thiết bị thi công tại nhiều công trình trọng điểm khác của tỉnh vẫn đang bị ngập chìm trong nước. Thiệt hại sơ bộ ước tính trên toàn tỉnh là 90 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thành Quang, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, vừa khẩn cấp trở về từ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI, cho biết: “Trận lũ lần này rất ác liệt, được xếp vào cơn lũ lịch sử sau lũ năm 1993. Nó đầy yếu tố bất ngờ vì thông thường ở miền Trung, 23/10 âm lịch mà không lụt, không mưa bão là điều rất kỳ lạ. Hơn 1 tháng nay, thời tiết rất là tốt nhưng mưa dồn dập mưa mấy ngày qua đã gây nên lũ rất lớn, cường độ cao”.
Trong những ngày qua, lực lượng vũ trang ở Phú Yên đã có sự phối hợp và triển khai khẩn trương để di dời dân trong lũ. Công an huyện miền núi Tân Hoàng đã đưa 600 hộ dân đến nơi an toàn ngay trong lũ; lực lượng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ trong 30 phút đã cơ động trên 6km để đưa vào bờ 150 công nhân đang xây dựng cầu Đà Rằng mới trong khi họ bị bao vây giữa dòng lũ dữ...
Từ hôm qua, trong khi mực nước vẫn còn ở mức cao, tỉnh đã triển khai các đoàn công tác đến tận cơ sở để giúp khắc phục hậu quả. Trong đó tập trung trước mắt cho công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho thị xã Tuy Hoà và các huyện ven sông. Vấn đề lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng về thuỷ lợi, giao thông bị tàn phá nặng nề, cần có sự chi viện của trung ương do điều kiện của tỉnh còn rất khó khăn. Vụ Đông Xuân đã sắp đến, nếu không có kinh phí sửa chữa các công trình thuỷ lợi thì sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ, và như vậy sẽ khiến khả năng xảy ra đói kéo dài đối với người dân vùng ngập lũ...
Tại Bình Định, mưa lũ trong 3 ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề: Toàn tỉnh có 8 người chết, 315 ngôi nhà bị sập, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập nước, hàng trăm mét đê sông, đê biển bị phá vỡ, hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng, hàng ngàn mét đường giao thông bị ngập và sạt lở khiến nhân dân phải đi lại bằng sõng hoặc bằng ghe máy. Học sinh ở Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn đã phải nghỉ học...
Hiện nhiều nơi ở phía đông Bình Định vẫn còn chìm ngập trong lũ, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn. Thiệt hại nặng nhất là 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát (cũng là 2 địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ tháng 10 vừa qua). Tuy ở Bình Định mưa đã bắt đầu tạnh nhưng do triều cường nên mực nước các sông xuống rất chậm, riêng sông Kôn mới xuống dưới báo động 3. Ước thiệt hại do đợt lũ này gây ra ở Bình Định đã gần 30 tỷ đồng. Toàn tỉnh đang tập trung mọi nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã từ kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cấp tốc trở về để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Chiều 14/11, ông đã đến kiểm tra tại 2 xã Cát Nhơn và Cát Tiến (huyện Phù Cát) là 2 xã bị thiệt hại khá nặng do lũ lụt; trong đó xã Cát Nhơn có 2 người chết là chị Nguyễn Thị Mai (42 tuổi, chưa tìm thấy xác) và em Phạm Thị Sen (16 tuổi, học lớp 10), xã Cát Tiến có 14 nhà sập, hàng trăm nhà bị ngập nước. Qua thị sát tình hình lũ lụt, ông đã chỉ đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nhân dân và đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông cũng trực tiếp đến thăm một số gia đình có người thân vừa bị chết do lũ lụt và có nhà bị sập hoàn toàn, đồng thời trao số tiền hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng. Ngay sau đó, ông đã yêu cầu tất cả các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định trong ngày 15/11 phải trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo tình hình khắc phục lũ lụt ở các địa phương.
Trước đó, ngày 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà cũng đã đến kiểm tra tình hình lũ lụt và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lụt tại huyện Tuy Phước. Đây là cơn lũ thứ 3 mà huyện này phải gánh chịu trong chưa đầy một tháng qua. Đến nay, Tuy Phước đã có 2 người chết, 173 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, 5 phòng học bị sập vách. Mưa lũ còn làm vỡ đứt 370m đê sông, đê biển, sạt lở 6.900m đê khác… Sau khi kiểm tra thiệt hại trên hệ thống đê khu đông và thăm các gia đình gặp nạn, ông Vũ Hoàng Hà đã chỉ đạo UBND huyện Tuy Phước thực hiện ngay các biện pháp khắc phục để ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng lũ... Cùng ngày, đoàn cứu trợ của Cục thuế TPHCM đã về thăm và tặng 300 suất quà (trị giá 47 triệu đồng) cho nhân dân bị thiệt hại do lũ ở 2 xã Phước Thuận và Phước Sơn (Tuy Phước).
Tại Khánh Hoà, theo thống kê ban đầu, mưa lũ trong mấy ngày qua đã làm 9 người chết (Diên Khánh 4 người, Ninh Hòa 2 người, Nha Trang 1 người, Khánh Vĩnh 1 người, thị xã Cam Ranh 1 người), 3 người bị thương, 45 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 96 ngôi nhà bị hư hỏng nặng... Các tuyến giao thông tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 8, đường 23-10 TP. Nha Trang bị ngập, 7 cây cầu bị hư hỏng (riêng cầu Dốc Trầu ở Khánh Sơn bị sập hoàn toàn), trên 200 ha đìa ở Cam Ranh bị vỡ, 474ha lúa vụ mùa bị ngập và hư hỏng, 242 ha mía bị đổ, hàng nghìn mét khối đất đá tại các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn bị nước cuốn trôi… Tính đến nay, tổng thiệt hại do lũ lụt của Khánh Hoà ước tính đã lên tới 75 tỉ đồng.
Chiều 14/11, ông Phạm Văn Chi, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương hỗ trợ kinh phí cho thân nhân những người chết, cho các nhà bị sập, hư hỏng nặng (mức hỗ trợ đối với người chết 1,5 triệu đồng, người bị thương 500.000 đồng, nhà sập hoàn toàn là 2 triệu đồng, nhà sập trôi hoàn toàn 3 triệu đồng, nhà hư hỏng từ 50 đến 70% là 1,5 triệu đồng).
Các địa phương phải bảo đảm nơi trú ẩn an toàn cho nhân dân vùng lũ. Tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho Sở Y tế nhanh chóng chuẩn bị trang thiết bị, thuốc phòng chống dịch bệnh sau khi mưa lũ đi qua, nhất là xử lý xác động vật chết, bệnh dịch tả; Sở NN-PTNT và Sở GTVT sớm khắc phục các công trình bị hư hỏng, có biện pháp bảo vệ các công trình giao thông và thủy lợi trong suốt mùa mưa bão. Theo dự báo, khả năng lũ quét và gió lớn vẫn còn có thể xảy ra cho đến ngày 23-10 (Âm lịch). Do vậy, tỉnh Khánh Hoà yêu cầu các địa phương không được chủ quan, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 4 phương châm tại chỗ để ứng phó kịp thời khi lũ bão xảy ra.
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ, hồi 7h sáng nay 15/11, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 12,5 độ vĩ Bắc – 117,8 độ kinh Đông trên khu vực giữa biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh đến cấp 10, tức là từ 89 – 102km/h, giật trên cấp 10. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây – Tây Bắc, mỗi giờ đi được từ 20 – 25km và có khả năng mạnh lên.
-
Thanh Hải