221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
56366
Quốc hội chính thức đưa Luật đất đai ra sửa
1
Article
null
Quốc hội chính thức đưa Luật đất đai ra sửa
,

(VietNamNet) - Luật Đất đai - một luật được mong đợi sửa đổi từ lâu, chiều nay (23/5) vừa chính thức được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực trình dự án chỉnh sửa trước Quốc hội. Ngày mai, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật này và thời gian tới, nó sẽ được đem ra trưng cầu dân ý.

Mạnh dạn phân quyền quản lý đất đai cho các cấp chính quyền địa phương

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Luật sửa đổi lần này là phân cấp mạnh mẽ về thẩm quyền quản lý đất đai cho các cấp chính quyền địa phương, trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch đã được duyệt và gắn chặt thẩm quyền với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền, nhằm tránh lạm dụng quy định của pháp luật để giao đất, cho thuê đất vào việc tổ chức sử dụng vào kinh doanh đất một cách tùy tiện như trong thời gian qua.

Dự án Luật sửa đổi theo hướng thẩm quyền giao đất của Chính phủ mà Luật hiện hành đang quy định nay chuyển cho UBND cấp tỉnh; việc giao đất, cho thuê đất nội thành, nội thị đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh nay chuyển cho UBND thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 

Về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của đơn vị hành chính cấp mình bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch của đơn vị hành chính cấp dưới (Khoản 3 Điều 19), Dự án Luật giao cho UBND thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình phát triển đô thị. Khoản 5 Điều 19 Dự án Luật quy định: ''Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến đóng góp của Hội đồng nhân dân và của nhân dân''. Điều này nhằm đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại đô thị, vừa tôn trọng quyền của Hội đồng nhân dân và phát huy quyền dân chủ ở cơ sở. 

Đối với cấp huyện, có ý kiến đề nghị giao cho UBND huyện trực tiếp làm quy hoạch sử dụng đất đối với thị trấn huyện lỵ, bởi lẽ các cơ quan cấp huyện đóng trên địa bàn thị trấn, do vậy quy hoạch sử dụng đất thị trấn phải được xem xét trong mối quan hệ với quy hoạch của các xã phụ cận, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trấn huyện lỵ sau này. Khoản 2 Điều 19 của Dự án Luật quy định: Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thuộc huyện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cấp huyện) xét duyệt. Theo quy trình đó, quy hoạch của huyện và quy hoạch của xã sẽ bảo đảm ăn khớp và kết nối được giữa yêu cầu của cấp huyện với yêu cầu của cấp xã. 
 

Dự án Luật đất đai (sửa đổi) gồm phần mở đầu, 7 Chương, 144 điều, nhiều hơn Luật Đất đai hiện hành 55 điều. Về cơ bản, bố cục của Dự án Luật giữ như Luật Đất đai hiện hành.

Một vấn đề nổi cộm, gây ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện hiện nay là về những bảo đảm cho người sử dụng đất (Điều 4) đối với việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng (Khoản 2), nhiều ý kiến đề nghị: để nhân dân dễ hiểu cần quy định rõ là "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai...". Tuy nhiên, vấn đề còn lại là cơ quan nào, cá nhân nào được nhân danh Nhà nước giao đất cho ''người khác'' sử dụng hoặc thực hiện chính sách về đất đai qua các thời kỳ lịch sử sẽ quy định cụ thể trong văn bản của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật.

Về phân loại đất (Điều 11, Điều 68): có 3 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với cách phân loại như Dự án Luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị xem xét lại việc phân loại đất cho cụ thể giữa đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất làm muối để gắn được những yêu cầu của quản lý kinh tế với những yêu cầu về kỹ thuật. Bởi vì chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất làm muối hoàn toàn khác nhau dựa trên đặc điểm tự nhiên và kinh tế của từng loại đất. Loại ý kiến thứ ba đề nghị không nên phân loại đất thành đất phi nông nghiệp và cho rằng đất chưa sử dụng không phải là một loại đất.

Về thẩm quyền quyết định thời hạn giao đất, cho thuê đất trên 50 năm: Điều 20 của Luật hiện hành quy định: đối với dự án cần thời hạn thuê đất dài hơn 50 năm thì căn cứ vào quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định thời hạn cho thuê đối với từng dự án, nhưng không quá 70 năm. Dự án Luật sửa đổi quy định: đối với dự án đầu tư vốn lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn giao đất, cho thuê đất dài hơn 50 năm thì do Chính phủ quyết định nhưng không quá 70 năm (Điều 26). 

Về chuyển mục đích sử dụng đất (từ Điều 33 đến Điều 35): Theo quy định của Luật hiện hành thì việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Dự án Luật lần này có điểm mới là đối với việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp (gồm đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm...) không phải xin phép mà chỉ cần căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết hàng năm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt nhằm tạo điều kiện cho người nông dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp mà vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước. 

Riêng đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước (Điều 34), có ý kiến cho rằng phải quy định thật chặt chẽ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang các mục đích khác; phải bảo vệ đất làm muối, bởi vì hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu muối cho sinh hoạt và sản xuất, quỹ đất làm muối hiện nay có rất ít (hơn 18.000ha), trong khi đó, đang có xu hướng chuyển đất muối sang nuôi trồng thuỷ sản ở nhiều địa phương, vì thế cần quy định rõ trong Luật (Điều 34) là đất làm muối chuyển sang sử dụng vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trong nông trường
(Điều 46): có ý kiến cho rằng, đất của không ít nông trường ở nước ta có nguồn gốc là đất của một bộ phận nông dân được huy động góp vào nông trường để thực hiện nhiệm vụ của nông trường; nếu giao quyền sử dụng đất này cho hộ gia đình, cá nhân trong nông trường làm đất ở thì không phù hợp, dễ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện và rất khó giải quyết. Trong thực tế, nhu cầu đất ở của hộ gia đình, cá nhân thuộc nông trường, lâm trường là thực tế, bảo đảm cho nông trường viên, lâm trường viên ổn định cuộc sống lâu dài và yên tâm lao động. (Dự án Luật quy định: Nông trường, lâm trường lập quy hoạch khu dân cư cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường, lâm trường trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt và chuyển giao khu dân cư cho địa phương quản lý. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở trong khu dân cư của nông trường, lâm trường được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật). 

Tài chính về đất đai và định giá đất

Về việc xác định giá đất (Điều 55): Có 2 loại ý kiến đóng góp vào Dự luật. Loại thứ nhất đề nghị Chính phủ chỉ quy định căn cứ, nguyên tắc và giao cho UBND cấp tỉnh xác định giá đất cụ thể. Loại ý kiến thứ hai tán thành Dự án Luật quy định: Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá các loại đất và khung giá các loại đất cho từng vùng, theo từng thời gian; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qui định giá đất cụ thể. 

Trình bày quan điểm của mình, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện giá đất theo khung giá của Nhà nước thấp hơn rất nhiều so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường. Việc sửa đổi, bổ sung, cập nhật rất chậm. Một trong những nguyên nhân khiến giá đất theo khung giá của Nhà nước không phù hợp với giá thực tế do tiêu chuẩn định giá chưa có căn cứ chắc chắn, những tiêu thức đưa ra chưa đủ hoặc chưa hợp lý. Ngoài các yếu tố như mục đích sử dụng, vị trí, kết cấu hạ tầng, loại, hạng... giá đất còn phụ thuộc vào quy luật cung cầu, vào quy hoạch của Nhà nước, vào mục đích sử dụng cụ thể và khả năng chuyển mục đích sử dụng đất. (ví dụ: cùng là đất nông nghiệp nhưng đất lúa nước bao giờ cũng có giá thấp hơn đất nuôi tôm). 

Để điều tiết chênh lệch giá đất nhờ Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị mang lại, ủy ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị cần có sổ bộ về đất và đăng ký giá đất. Từng mảnh đất cụ thể mà một hộ hoặc cá nhân đang có nhà ở phải kê khai vào sổ bộ đất giá hiện hành của mảnh đất hoặc giá do người sử dụng đất tự đăng ký. Khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị làm cho giá của mảnh đất đó tăng lên thì giá đã ghi trong sổ bộ đất được lấy làm căn cứ để tính ra phần giá trị tăng thêm do Nhà nước đầu tư. Khi người sử dụng đất chuyển nhượng mảnh đất đó thì giá trị tăng thêm do Nhà nước đầu tư là căn cứ để tính thuế thu nhập ngoài phần đầu tư của người sử dụng đất. Khi người sử dụng đất mở cửa hiệu kinh doanh ngành nghề thì xác định khả năng sinh lợi của vị trí đất để tính thuế kinh doanh ngành nghề. 

Luật đất đai năm 1993 đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 1998 và 2001. Đây là công cụ pháp luật quan trọng thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ quản lý và sử dụng đất đai. Tuy vậy, Luật Đất đai hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước trong tình hình mới. 

Về thủ tục hành chính giải quyết khiếu nại, ủy ban Kinh tế và Ngân sách nhất trí quy định người sử dụng đất được khiếu nại qua 2 cấp: cấp huyện và cấp tỉnh; cấp tỉnh là cấp cuối cùng, nếu không đồng ý thì khởi kiện ra tòa án. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm: trong trường hợp khiếu nại về giá đất, về những sai phạm của UBND tỉnh ... mà quy định UBND tỉnh là người giải quyết cuối cùng là không hợp lý... 

Ngoài ra, Dự luật cũng quy định cụ thể về việc thành lập thanh tra chuyên ngành về đất đai để giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. 

Ngày hôm nay (23/5), Quốc hội nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hà Mạnh Trí đọc Tờ trình về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đọc Báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Mai Ái Trực đọc Tờ trình về dự án Luật đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đọc Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội Đặng Văn Thanh đọc Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đọc Báo cáo về việc chuẩn bị xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình (mới).

Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có 7 phần với 32 chương, 293 điều. Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) về cơ bản vẫn giữ bố cục về các phần, các chương của Bộ luật hiện hành, đã sửa Lời nói đầu và có bổ sung bốn chương mới là các chương về Nhiệm vụ và hiệu lực của Bộ luật Tố tụng hình sự (Chương I); Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự (Chương VIII); Thủ tục rút gọn (Chương XXXIV); Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự (Chương XXXV); nhập chương Thủ tục xét hỏi tại phiên toà với chương Tranh luận tại phiên toà của Bộ luật hiện hành thành Chương XXI với tên gọt là Thủ tục xét hỏi và tranh tụng tại phiên toà. Ban soạn thảo đã sửa đổi 183 điều, bổ sung mới 40 điều và giữ nguyên 110 điều của Bộ luật hiện hành, nâng tổng số chương lên 35, số điều lên 333 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

  • Hồng Phúc Từ Hội trường Ba Đình
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,