221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
60398
Sai phạm trong Dự án cấp nước 1A phải xem là nghiêm trọng!
1
Article
null
Sai phạm trong Dự án cấp nước 1A phải xem là nghiêm trọng!
,

(VietNamNet) - 500 tỷ đồng rót vào dự án với kế hoạch triển khai 2 năm mà "dây dưa" đến 6 năm để rồi chỉ đạt 70% tiến độ. Điều gì đã diễn ra ở các bên tham gia Dự án dẫn đến tiến độ và chất lượng công trình không đạt yêu cầu?

Thủ tục "có vấn đề"!

Ngày 29/6/1996, Thủ tướng đã phê duyệt Dự án Cải tạo và mở rộng hệ thống cấp nước Hà Nội giai đoạn 4 từ 1997 đến 1999 (sau đây gọi tắt là DA) do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội làm chủ đầu tư. Vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), vốn viện trợ không hoàn lại của Phần Lan và vốn đối ứng trong nước. DA có diện tích sử dụng 23,4ha, triển khai tại Từ Liêm, Thanh Trì và nội thành hữu ngạn sông Hồng của Hà Nội. Nay, DA thực hiện được trên 70% phần việc nhưng tiến độ quá chậm và nhiều hạng mục mới sử dụng đã gặp sự cố. Thanh kiểm tra cho thấy có sai phạm từ khâu trình tự, thủ tục thực hiện DA
 

Gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị (gói 1) dự kiến chi 27,3 triệu USD. Liên doanh Vikowa bỏ giá thầu thấp nhất cũng lên tới 33,2 triệu USD, cao hơn 5,9 triệu USD so với kế hoạch. Thay vì trình Chính phủ cho phép mời thầu lại hoặc để các nhà thầu chào lại giá, UBND TP. Hà Nội lại có tờ trình xin phê duyệt kết quả đấu thầu mua sắm thiết bị và đề nghị tăng vốn đầu tư do tăng giá vật tư để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, do dự án có thời gian dài... WB cũng ủng hộ qua việc yêu cầu phía Việt Nam tăng tổng mức và điều chỉnh lại các hạng mục đầu tư với lý do "phù hợp với phương thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh, các nhà thầu đều đạt yêu cầu kỹ thuật thì nhà thầu nào chào giá thấp hơn sẽ trúng thầu".

UBND TP. Hà Nội đã trình Thủ tướng tăng mức đầu tư lên 6,9 triệu USD với các nguyên nhân: báo cáo khả thi chưa tính phần thiết kế và thi công (1,1 triệu USD), tăng phí dự phòng từ 10% lên 15% do dự án được triển khai trong 4 năm... Có sự "đồng thanh" của WB, UBND thành phố và chủ đầu tư công trình cùng kiến nghị nên Chính phủ đã phê duyệt tăng mức đầu tư lên 5,9 triệu USD (tương đương 132,6 tỷ đồng). Nhưng một "quy trình ngược" trong kiến nghị tăng đầu tư đã được bỏ qua. Theo quy định, chủ đầu tư báo cáo UBND thành phố việc bổ sung đầu tư, sau đó UBND thành phố mới báo cáo lên Thủ tướng. Thực tế, UBND thành phố đã xin bổ sung tổng mức đầu tư và phê duyệt gói 1 vào 5/1998. Đúng 2 tháng sau, Công ty Kinh doanh nước sạch mới xin phê duyệt đấu thầu DA, trong đó kinh phí gói 1 là 33,3 triệu USD - đúng bằng giá trị bỏ thầu của Vikowa (?!). Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 6/8/1998, UBND thành phố có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị tăng gói thầu lên 5,9 triệu USD - khớp với phụ trội mà Vikowa bỏ thầu!

Vì sao có sự "thống nhất" cao về trị giá gói thầu và "tạo điều kiện" cho nhau giữa UBND TP. Hà Nội, Công ty Kinh doanh nước sạch HN và nhà thầu?

Thi công... tuỳ hứng để... bỏ qua chất lượng?

Trong quá trình thi công, UBND xã Nam Dư (nơi xây dựng Nhà máy Nước Nam Dư) kiến nghị thành phố xin chuyển vị trí xây dựng nhà máy xuống phía Nam ô đất với lý do đây là đất canh tác, nguồn sống của dân địa phương. UBND thành phố tự ý chấp thuận điều này mà không báo cáo Chính phủ (!?).

Sau khi dịch chuyển và khảo sát địa chất công trình đã phát hiện nền đất vị trí này rất yếu, Chủ đầu tư tự ý cho nhà thầu thực hiện thêm các phần việc như khoan khảo sát, gia cố cọc bê tông bể chứa, xây dựng hàng rào... Việc thay đổi tùy tiện vị trí và các hạng mục công trình dẫn đến chi phát sinh 168.000 USD và hơn 3 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ lấy khoản nào, ở đâu để thanh toán cho nhà thầu những phụ trội này? Và nữa, Chủ đầu tư và nhà thầu còn có những "ngoắc tay" sai quy định. Vikowa đã ký với Chủ đầu tư việc mua vật tư, thiết bị và lắp đặt, đồng thời ký hợp đồng thầu phụ xây lắp với Xí nghiệp Xây lắp (thuộc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội). Tại sao chủ đầu tư lại đi "làm thuê" cho người mà mình đã thuê? Những ai chia lợi trong kiểu làm ăn "bên tung bên hứng" như thế, và chất lượng công trình sẽ được đảm bảo ra sao?

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã khuyến cáo chất lượng nước bị ô nhiễm tại Nam Dư và Cáo Đỉnh. Chủ đầu tư nhất thiết phải giám sát thường xuyên chất lượng nước tại nguồn và chất lượng nước cấp để luôn đảm bảo đạt tiêu chuẩn. Nhưng khi thi công 2 nhà máy nước trên, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội không xử lý được những ô nhiễm của nước thô. Khi chạy thử, nước sau xử lý vẫn có lượng mangan là 1,18 mg/lít, gấp 5,9 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam và gấp 12 lần so với tiêu chuẩn thế giới. Lượng sắt cũng cao hơn mức cho phép rất nhiều, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và sức khoẻ của người dân lâu nay dùng nước của 2 nhà máy!

Vốn, thuế nhập nhằng!

Theo quy định, đến 30/10/2002, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội mới được phép thu tiền xây dựng đường ống dịch vụ, cụm đồng hồ đo nước của các hộ sử dụng nước thuộc Dự án để đầu tư và phát triển cấp nước. Trên thực tế, đơn vị này thu của dân từ 11/2001 với số tiền 5,6 tỷ đồng. Công ty còn thu 186 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ của dân. Theo quy định, số tiền trên phải được nộp vào Ngân sách để đầu tư và phát triển cấp nước thì lại nộp vào quỹ tiền mặt của Công ty để... hạch toán riêng (!?). Chủ đầu tư và nhà thầu đã "giúp đỡ" nhau xây dựng phòng ốc để cùng sử dụng, chi sai đến 36.000 USD! Ngoài ra, BQL DA đã thanh toán vật tư thiết bị cho nhà thầu cao hơn so với thực tế là 76,3 nghìn USD.

Thực hiện nộp ngân sách Nhà nước của các bên tham gia DA cũng "có vấn đề"! Đến 29/11/2002, Chủ đầu tư đã thanh toán cho Công ty Tư vấn giám sát GKW - Plancenter (Đức - Phần Lan) 1 triệu EUR và 561.000 USD. Nhưng nay, Công ty GKW chưa nộp khoản thuế 108.000 EUR và 60.000 USD cho Chính phủ Việt Nam. 

Về vật tư nhập khẩu, chủ đầu tư phải trả Vikowa 7.084.000 USD. Thực tế, Liên danh chỉ phải trả nhà cung cấp nước ngoài 6.383.000 USD. Vậy, Vikowa vẫn chưa nộp 70.078 USD thuế VAT. Về thiết bị nhập khẩu, thực tế "vênh" 898.000 USD so với hợp đồng. Số tiền thuế VAT phải nộp là 89.700 USD chưa được Vikowa thực hiện. Tổng cộng, Vikowa chưa nộp 146.000 USD thuế VAT.

Phần kê khai hạng mục chung của DA cũng nhập nhằng. Chủ đầu tư chỉ căn cứ thực tế và thanh toán theo hoá đơn nhà thầu. Còn Vikowa không lập chứng từ riêng từng khoản mục chi phí chung do phần việc này đã được "ẩy" cho các nhà thầu phụ thực hiện (!?). Bởi vậy, dẫn đến số tiền thanh toán 1,2 triệu USD, trong khi giá trị công việc nhà thầu làm được là 631 nghìn USD. Còn lại 563.000 USD không có hoá đơn chứng minh những hạng mục đã thực hiện! Nhà thầu còn đề nghị thay một cách vô lý 7 cung cấp vật tư, thiết bị nước ngoài. Điều không chấp nhận được là, 6 trong 7 nhà thầu này cung cấp vật tư, thiết bị với giá thấp hơn so với giá trúng thầu, trong khi vẫn thanh toán theo giá trúng thầu. Khoản "chênh" so với gốc "nhờ" thay các nhà thầu là 304.000 USD đã "chạy" vào túi ai?

Đến nay, Dự án cấp nước 1A (1997-1999) mới hoàn thành trên 70%. Sự chậm trễ và sai sót trong triển khai DA khiến những người quan tâm đặt câu hỏi: Với cách làm tuỳ tiện như vậy, chất lượng công trình sẽ... "chảy" về đâu, và liệu người dân có phải trả một khoản tiền cao để rồi phải "hưởng" những dịch vụ chất lượng thấp?

  • Tùng Duy - Quốc Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,