221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
102115
Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung những điều chưa chặt chẽ
1
Article
null
Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung những điều chưa chặt chẽ
,

(VietNamNet) - Việc sửa đổi luật đất đai lần này là để thể chế hoá đường lối chủ trương của Đảng nhằm khắc phục những điều bất cập trong việc quản lý và sử dụng đất. Có một số điều luật chưa chặt chẽ hoặc chồng chéo - đó là nhận định và đóng góp của nhiều đại biểu tham gia Hội nghị "Góp ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)" được tổ chức vào 2 ngày 26-27/8.

Các đại biểu đóng góp ý kiến.

Hội nghị do Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức tại Hà Nội. 6 vấn đề cơ bản của Luật đất đai (sửa đổi) được các đại biểu quan tâm bàn luận là: cách phân loại đất; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai; xác nhận chủ quyền sử dụng đất; trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo.

Luật sư Đặng Xuân Mai - Hội thẩm nhân dân (TAND TP. Hà Nội) có thắc mắc về Điều 20, 27, 48 và Điều 152. Ông Mai cho rằng: "Trong Khoản 5, Điều 20 về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nêu về xã, phường, thị trấn... trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết, cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân". Vậy khi nhân dân đóng góp ý kiến khác với quy hoạch sử dụng đất chi tiết thì cơ quan nào quyết định? Trong Điều 21, Khoản 5 chỉ nói UBND có nhiệm vụ lập quy hoạch, kế  hoạch sử dụng đất đai; còn tại Khoản 2,3,4 Điều 20 lại ghi trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Như vậy HĐND xã, phường, thị trấn không có trách nhiệm gì trong và sau khi đất được quy hoạch?"

Theo ông Mai, Khoản 2 Điều 48 cũng có sơ hở lớn khi đề cập về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người có giấy tờ nhưng ghi tên người khác. Hiện nay loại hình tranh chấp này đã rất phổ biến. Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 1956 - 1965 nhà nước thường làm nhiều bản cho nhiều người cùng một lúc. Vì vậy, người dân có thể sử dụng bản chứng nhận của người khác để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình! Loại hình này cần điều tra kỹ mới giải quyết được. UBND phường, xã thường không có điều kiện thẩm định việc này được; nếu được thì cũng dễ nảy sinh tiêu cực. Giải pháp, theo ông Mai là không nên đưa ra điểm này; nếu có đưa thì giao cho TAND giải quyết theo luật dân sự. Còn một điểm nữa trong Khoản 5, Điều 48 quy định, người sử dụng đất làm nhà ở chỉ có một phần đất được sử dụng trước ngày 15/10/1993 (khi Luật đất đai được ban hành) còn một phần đất mới lấn chiếm sau nhưng không có tranh chấp vẫn được chấp nhận. Vậy khi có tranh chấp, phải giải quyết thế nào? Nên chăng quy định thêm Khoản 6: "Người sử dụng đất làm nhà ở không có giấy tờ, nhưng có một phần đất được sử dụng trước ngày 15/10/1993 được UBND xã, phường xác nhận phần đất đó không có tranh chấp thì được cấp và nộp tiền sử dụng phần đất này theo quy định; còn phần đất sử dụng sau khi luật đất đai được ban hành được xác nhận không có tranh chấp và được sử dụng thì phần đất này phải nộp 100% tiền sử dụng đất".

Ông Nguyễn Tiến Điều, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì cho rằng, "quy hoạch treo" nên rút từ 5 năm xuống còn 2-3 năm để người dân có đất nằm trong diện quy hoạch nhanh chóng được ổn định đời sống hoặc nơi ở, chỗ làm mới. Ông Điều cũng kiến nghị nên rút bớt diện tích đất cho thuê với các công ty TNHH, các phòng ban khi thuê làm văn phòng đại diện. Thực tế hiện nay, rất nhiều công ty TNHH thuê đất để làm văn phòng, nhưng sử dụng làm đất ở. Như vậy, họ đã tước đi quyền sử dụng đất của nông dân để tư lợi.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Khoản 1 Điều 5 ghi "Quốc hội thực hiện quyền quyết định về đất đai...". Khoản 2 ghi: "Chính phủ thực hiện quyền quyết định về đất đai...". Như vậy là có sự chồng chéo, 2 cơ quan hành pháp và lập pháp lại cùng thực hiện một quyền quyết định về đất đai. Theo ông, Khoản 1 cần sửa: "Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất trong cả nước". Điều 7, Khoản 1 quy định về người sử dụng đất có cả "cộng đồng dân cư". "Cộng đồng dân cư" thường được hiểu là nơi có nhiều chủ thể khác nhau cùng sinh sống trong một khu vực, trong đó có cả tổ chức, có gia đình, cá nhân cùng sinh sống. Do đó, quy định "cộng đồng dân cư" là chủ thể quyền sử dụng đất là không hợp lý và "thụt lùi" so với Luật đất đai lần trước.

Điều 120 giải quyết trường hợp Nhà nước mượn đất của hộ gia đình và cá nhân có quy định hồ sơ của người dân yêu cầu trả lại quyền sử dụng đất phải có giấy tờ cho mượn đất mà các bên đã ký kết tại thời điểm cho mượn đất. Quy định này "làm khó" nhân dân vì, trong kháng chiến là thời điểm nhà nước và các cơ quan nhà nước cần mượn cơ sở vật chất, nhà cửa đất đai của dân nhiều nhất. Phần lớn các trường hợp giao đất, nhà cho chính quyền, đoàn thể mượn đều không có giấy tờ khế ước. Nhiều trường hợp có giấy tờ nhưng do thời gian dài đã để thất lạc. Như vậy, dân "gánh vác" mọi thiệt thòi. Vì vậy, luật sửa đổi nên quy định trong Điều 120 hoặc bổ sung thêm: "Các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân đang sử dụng đất mà không phải là đất của mình, nếu không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp từ khi sử dụng thì phải trả lại cho người có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 48". Có như vậy mới thực sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân đảm bảo sự công bằng xã hội. Ông Tỵ còn đưa ra dẫn chứng cụ thể trường hợp của một lão thành cách mạng ở phố Trường Chinh có hơn 1000m2 đất ở gần đơn vị phòng không không quân. Khi cần, đơn vị này mượn đất. Khi quân đội không cần sử dụng số diện tích đất trên, gia đình đòi lại thì đơn vị này cho rằng số đất trên thuộc "vành đai trắng", rồi cắm biển doanh trại. Để lâu, đơn vị này "đơn vị hoá" số đất này, cho cán bộ đến chia lô xây nhà ở. "Cuộc chiến" lên đến hồi gay cấn khi 7 người con của lão thành này vào, khoanh đất chia lô xây nhà ở cũng trên diện tích đất này. Họ còn đưa cả mộ cha vào khu đất luôn.

Còn bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó phòng tiếp dân - UBND TP.Hà Nội cho rằng, ngoài một số bất cập, Luật đất đai sửa đổi lần này có ưu điểm là đã phân chia đất thành 5 loại thay vì 3 loại như trong luật cũ: đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng. Việc phân chia này giúp cho cơ quan thực hiện việc quản lý và chỉ đạo nghiệp vụ được dễ dàng hơn.

Tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố tổng hợp và chuyển sang đoàn đại biểu quốc hội thành phố để trình lên Quốc hội xem xét.

  • Quốc Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,