Chỉ những người ''trong nghề'' mới có thể phân biệt điện thoại di động ''xịn'' hay đồ ''lên đời''. |
Như để minh chứng cho vụ ''khó ăn, khó nói'' này, một phụ nữ trờ xe đến, chưa kịp xuống xe đã lớn tiếng: ''Trời ơi, cái máy mua mới có một tuần mà không gọi được gì cả. Màn hình lúc hứng lên thì sáng, lúc không muốn thì tắt''.
Liếc mắt nhìn tôi như ngụ ý ''đó, tui nói có sai đâu!'', ông bạn tôi cười cầu tài trấn an chị khách hàng và hứa sẽ sửa chữa sớm trong ngày vì máy vẫn còn bảo hành. Sau khi người khách - nạn nhân đi khỏi, anh bạn rủ tôi cùng đi đến một trung tâm chuyên sửa chữa ĐTDĐ ở quận 1 (TP.HCM) hàng anh bạn thường đem những chiếc máy hư tới sửa. Cũng chính tại đây, tôi được nghe những câu chuyện giữa dân trong nghề với nhau về thị trường ĐTDĐ cũ mà giật mình thon thót.
Lên đời phần cứng
Trên thị trường có xuất hiện một số máy ĐTDĐ lên đời, chủ yếu là họ máy DCT3 như Nokia 8210, 8250. Tức là các bo mạch (board) bị lỗi kỹ thuật có xuất xứ từ Trung Quốc, khi xuất xưởng chỉ có các điện trở, tụ và các linh kiện chính như bộ vi xử lý, bộ nhớ flash, IC trung tần, IC nhận dạng SIM... Cuối cùng, chúng được lau chùi, thổi bóng như các broad hoàn chỉnh và được xuất sang... Việt Nam, các broad này được gắn với sườn máy, broad màn hình, vỏ, dán tem và thậm chí cả hộp giấy, sách hướng dẫn và trở thành một chiếc ĐTDĐ hoàn chỉnh bán ra thị trường. Một cửa hàng, từng là ''đại lý'' số một của Đông Nam thời hoàng kim, chuyên ''đánh'' về những loại máy này và phân phối cho những cửa hàng bán lẻ khác tại TP.HCM. Khi Đông Nam bị lật tẩy, các chủ cửa hàng bán lẻ mới lật ngửa vì bấy lâu nay họ vẫn bán máy theo kiểu ''vàng thau lẫn lộn'' cho đại lý này mà không hay biết. Tuy nhiên, một số cửa hàng vì ham lợi vẫn tiếp tục lấy nguồn hàng từ đại lý này, khiến những ''thượng đế'' khổ sở vô cùng.
Không chỉ ''thượng đế'' mà ngay cả một chủ cửa hàng nhiều năm kinh nghiệm về máy ĐTDĐ cũ cũng bị ''sập hầm'' vì kiểu ĐTDĐ lên đời nói trên. Người này yêu cầu giấu tên cho biết, một lần nghe giới thiệu lô hàng mới về anh cũng chạy đến xem và thâu lại hai cái Nokia 8210 và 8310 có khách đặt hàng trước. Tuy nhiên, sau khi dùng thử hai ngày, màn hình bị tắt ngúm; kiểm tra máy, anh phát hiện đèn của màn hình được nối với board mạch bằng... một đoạn dây đồng nhỏ xíu. Bị lỗ đứt ruột, nhưng anh vẫn lấy làm mừng vì đã giữ được uy tín của cửa hàng.
Theo các chuyên gia về ĐTDĐ, hiện rất khó phân biệt máy lên đời với các máy bình thường. Ông bạn tôi cho biết, việc kiểm tra số IMEI (bấm tổ hợp phím *#06#), hay kiểm tra phiên bản phần mềm (version), ngày xuất xưởng (bấm *#0000#), hoặc kiểm tra số lần sửa chữa, số IMEI gốc (Orig.IMEI) (bấm *#92702689#) giờ đây trở nên vô nghĩa, vì các thông số này hoàn toàn có thể thay đổi được.
Tem giả 20.000 đồng, tem đặt 50.000 đồng
Ngay cả việc kiểm tra các con số của tem trong máy và số IMEI trong máy cũng không mang lại cho bạn lợi ích gì. Một chủ cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ ở đường Lý Thái Tổ, quận 10 cho biết như vậy khi tôi đề nghị kiểm tra tem. Người bán khi biết tôi cũng là dân Bách Khoa như mình (tôi học ngành xây dựng) thì không giấu giếm gì. Theo anh, các máy lên đời thường được dán tem giả lên sườn trước, các chuyên gia ''tút'' máy sẽ đổi số IMEI trong máy cho trùng với số IMEI sườn. Và công nghệ làm tem giả máy ĐTDĐ tại TP.HCM hiện nay đã đạt đến mức ''siêu đẳng'' với giá rất mềm từ 20.000 đồng cho một con tem Nokia, Samsung, Motorola và khoảng 50.000 đồng cho loại tem đặt. Các loại tem đặt được sử dụng cho những máy lên đời cao hơn, nhưng không thể thay đổi số IMEI trong máy. Người muốn đặt tem chỉ cần gọi một số ĐTDĐ rồi thông báo tên hãng ĐTDĐ, số IMEI, xuất xứ máy Châu Âu hay Mỹ, là chỉ một ngày sau, tem sẽ được giao tận tay người đặt.
Đổi ''đồ lòng'': Da 6610, hồn 7210
Một chuyên gia về phần mềm mới đây đã phát hiện chiếc máy Nokia 6610 nhưng lại có cái ruột của 7210. Hai loại ĐTDĐ này của Nokia giống nhau về trọng lượng, mainboard, chỉ khác vài điểm về chức năng không đáng kể. Tuy nhiên giá máy Nokia 6610 cao hơn giá máy 7210 từ 300.000 đến 500.000 đồng. Đây là ''động lực'' khiến những người này rất đơn giản, chỉ cần thay tem và đổi vỏ máy và các phụ kiện kèm thêm là xong. Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, họ không nhận ra có một sự khác biệt về tên kỹ thuật của hai đời máy này. Nokia 7210 có tên kỹ thuật là NHL-4, còn 6610 lại là NHL-4U. Ngoại trừ chuyên gia sửa chữa máy, bạn đành chịu bó tay.
Lên đời phần mềm
Không chỉ lên đời phần cứng, những người bán ĐTDĐ hám lợi còn nhờ các chuyên gia chuyển đổi phần mềm để lên đời máy. Từ Nokia 8850, nó sẽ được nạp lại phần mềm của 8890, thay sườn 8890 (sườn có ăng ten), sửa số IMEI theo tem 8890 có bán sẵn trên thị trường. Từ đời 6510, máy sẽ được nạp lại phần mềm của 8310, thay màn hình và vỏ của 8310. Do 6510 là máy họ DCT4, nên không thể đổi IMEI theo tem có sẵn được, do đó phải dán tem đạt theo số IMEI của máy 6510.
Tới đây, quả thật tôi cảm thấy quá ''hãi'' về thị trường ĐTDĐ cũ vàng thau lẫn lộn này. Tuy nhiên, anh chủ cửa hàng ở đường Lý Thái Tổ đưa ra một lý do mà theo tôi cũng rất có lý: Chỉ có những cửa hàng ham lợi mới làm chuyện đổi trắng thay đen như vậy. Các cửa hàng làm ăn chân chính thường nói trước với khách hàng về thời hạn và tình trạng máy ĐTDĐ cũ trước khi khách hàng đồng ý mua. Những cửa hàng bán hàng dỏm làm ăn theo kiểu chụp giựt rất dễ bị phát hiện. Tốt hơn hết là bạn cứ tìm đến một cửa hàng quen biết hoặc nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Hy vọng, những người bị ''hạn'' không thể tậu ngay một chiếc ĐTDĐ chính hãng như tôi sẽ không còn bị lừa nữa.
|
-
Cao Thoại