221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
203700
Giữ nguyên mô hình tổ chức thi hành án
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Công bố PL Thi hành án dân sự:
Giữ nguyên mô hình tổ chức thi hành án
,

(VietNamNet) - Pháp lệnh thi hành án dân sự vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố sáng 17/2 có 13 điểm mới. Nói về một số điểm chưa được thống nhất trong quá trình xây dựng Pháp lệnh, Thứ trưởng Tư pháp, bà Lê Thị Thu Ba thông báo: Với vấn đề lớn như quản lý thi hành án đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu và sẽ được xử lý trong Bộ Luật thi hành án.

13 điểm mới...

Lệnh công bố Pháp lệnh của Chủ tịch nước.

Theo Thứ trưởng Thu Ba, so với Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993, Pháp lệnh lần này đã được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản cả về nội dung và bố cục. Pháp lệnh mới tăng 20 điều (thành 70 điều) và hầu hết các quy định trước đây đều đã được sửa đổi, bổ sung.

Những điểm mới được bà Thu Ba tóm tắt như sau:

1. Pháp lệnh mới quy định rõ nội dung quản lý nhà nước của UBND các cấp đối với công tác thi hành án dân sự ở địa phương, đồng thời đổi tên các cơ quan thi hành án dân sự thành cơ quan thi hành án tỉnh, thi hành án huyện.

2. Nhằm nâng cao chất lượng của chấp hành viên, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 còn quy định cả việc bổ nhiệm chấp hành viên theo nhiệm kỳ 5 năm, quy định thủ tục bổ nhiệm chấp hành viên phải trên cơ sở đề nghị của hội đồng tuyển chọn chấp hành viên. Qua đó quy định cụ thể hơn về quyền hạn của thủ trưởng cơ quan thi hành án và chấp hành viên.

3. Một thay đổi rất lớn của Pháp lệnh lần này là sửa đồi quyền yêu cầu thi hành án: người phải thi hành án cũng có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Quy định này nhằm khuyến khích ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người phải thi hành án.

4. Phí thi hành án trong Pháp lệnh mới cũng được bổ sung để phù hợp với cơ chế mới, và đóng một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người thi hành án.

5. Thời hiện thi hành án quy định tại Pháp lệnh mới của cá nhân cũng như với cơ quan, tổ chức - đều thống nhất là ba năm.

6. Pháp lệnh mới đã bổ sung thêm các căn cứ để hoãn thi hành án hoặc đình chỉ thi hành án. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết tình trạng án tồn đọng hiện nay.

7. Các quy định về giảm, miễn thi hành án phí, tiền phạt được bổ sung với mục đích giải quyết một phần số lượng lớn án tồn đọng do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành. Cụ thể, trên cơ sở hồ sơ đề nghị của cơ quan thi hành án, toà án cùng cấp có quyền xem xét, quyết định việc miễn, giảm thi hành án đối với các khoản án phí, tièn phạt trong trường hợp đã quá 10 năm (hoặc 5 năm đối với án phí không có giá ngạch, tiền phạt trong một số vụ án hình sự) kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà người thi hành không có tài sản để thi hành án.

8. Nếu các cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước mà không có khả năng thi hành án thì theo Pháp lệnh mới, có thể được hỗ trợ về tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài sản.

9. Pháp lệnh 2004 bổ sung quy định về thông báo thi hành án.

10. Một điểm nổi bật trong Pháp lệnh lần này là việc bổ sung các quy định về kê biên tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất của người phải thi hành án, quyền của người được thi hành án và chấp hành viên yêu cầu toà án xác định quyền sở hữu chung của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của người đó. Tài sản bán đấu giá được quy định: bất động sản hoặc động sản có giá trị lớn được giao cho các tổ chức có thẩm quyền bán đấu giá thực hiện; các tài sản có giá trị dưới 10 triệu đồng do cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá theo thủ tục đấu giá; các tài sản dễ hư hỏng, khó bảo quản thì không phải bán qua thủ tục đấu giá.

11. Để đảm bảo tính nghiêm minh trong công tác thi hành án, Pháp lệnh mới đã bổ sung quy định về hướng xử lý khi người phải thi hành án cố tình vắng mặt hoặc không tự nguyện giao trả tài sản cho người được thi hành án...

12. Nhằm tránh việc lạm dụng quyền khiếu nại, đảm bảo khắc phục kịp thời quyền lợi chính đáng bị xâm hại, Pháp lệnh mới còn bổ dung quy định về thời hạn khiếu nại và giao cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyền năng ra quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định, chấm dứt hành vi trái pháp luật của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp dưới.

13. Các quy định về thời hiệu kháng nghị đã được bổ sung trong pháp lệnh.

Ngoài những thay đổi trên, Thứ trưởng Lê Thị Thu Ba cho biết: "Các quy định khác cũng được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn để hạn chế việc chấp hành viên tuỳ tiện...".

4 Nghị định để đưa Pháp lệnh vào cuộc sống

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 đã thể hiện những điểm vướng mắc, mà thực tế trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng án tồn đọng nhức nhối. Yêu cầu khắc phục, sửa chữa những điểm không còn phù hợp của Pháp lệnh được đặt ra khá bức xúc, và mặc dù còn nhiều điểm chưa đi đến thống nhất hoặc chưa thể giải quyết được trong quá trình xây dựng, Pháp lệnh Thi hành án năm 2004 đã được ra đời như một giải pháp tình thế ở thời điểm này.

Nói về một trong những vấn đề còn "ngổn ngang" của Pháp lệnh mới, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu đã từng phát biểu: "Chúng tôi biết mô hình tổ chức hiện nay của cơ quan thi hành án dân sự còn nhiều bất cập, nhưng để thay đổi thì cần phải nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Pháp lệnh này đành tạm thời giữ nguyên mô hình cũ để chờ vào những thay đổi trong Bộ luật thi hành án - sẽ được đưa ra vào năm 2005".

Tuy nhiên, để đưa Pháp lệnh mới vào cuộc sống từ khi có hiệu lực thực tế: 1/7/2004, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thị Thu Ba: Bộ Tư pháp đã và đang giúp Chính phủ rà soát và hoàn thiện các dự thảo Nghị định về kê biên và bán đấu giá quyền sử dụng đất; Nghị định về phí thi hành án; Nghị định thay thế Nghị định 69/CP của Chính phủ; Nghị định số 30/CP của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án, cơ quan thi hành án và chấp hành viên.

Thứ trưởng cho biết thêm: "Bên cạnh đó, các Thông tư liên ngành, liên bộ hoặc của Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành các Nghị định nói trên cũng phải được kịp thời chuẩn bị trước khi pháp lệnh mới có hiệu lực thi hành. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tư pháp mà còn của các Bộ ngành liên quan khác".

  • L.Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,