221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1145668
Bài 4: Vất vả quanh năm, công nhân dài cổ ngóng thưởng
1
Article
null
Khốn đốn lương, thưởng Tết:
Bài 4: Vất vả quanh năm, công nhân dài cổ ngóng thưởng
,

 - Một năm vất vả chống chọi với bão giá, cắt giảm lương, giãn giờ làm..., dù biết doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng người lao động vẫn kỳ vọng vào khoản thưởng Tết cuối năm. Phấp phỏng nghe ngóng tình hình xung quanh, đoán già đoán non khoản tiền thưởng Tết của doanh nghiệp, với người lao động, thưởng Tết là "nguồn động viên" vô cùng quan trọng, nhất là trong thời điểm kinh tế chật vật này.

Ăn mì cầm hơi chờ thưởng

Vừa tan ca, chị Lê Thị Hoài T. (công nhân Công ty Keyhinge Toys) tranh thủ tạt vào chợ xép ngay trong khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) mua ít thực phẩm về làm cơm tối. Đây là cái chợ tự phát, mọc lên chủ yếu phục vụ cho công nhân trong KCN.

Giữ được bữa cơm đạm bạc như thế này cũng đã là điều không đơn giản đối với nhiều công nhân Ảnh: HC

Thực phẩm bán ở chợ này được tiếng là “rẻ”, bởi hàng ở đây thường là hàng vét từ nhiều nơi mang về lúc xế chiều bán nốt cho công nhân. Vậy mà chị Hoài T. vẫn phải tần ngần chọn lựa mãi mới được ít cá vụn, gói mắm cà hợp với… túi tiền của mình.

 

Nhưng còn được mấy đồng đi chợ như chị Hoài T. đã là giỏi. Chị Kiều O. (Công ty Mabuchi Motor) cùng nhóm bạn công nhân ở trọ tại Đa Phước 1 (Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) thậm chí phải ăn mì gói từ cả tuần nay “do công ty phát lương vào giữa tháng nên đến giờ bọn em gần như chẳng còn đồng nào để đi chợ!”.

 

Cùng cảnh ngộ, mâm cơm của chị Nguyễn Thị T. và mấy người bạn cùng làm việc gợi lại hình ảnh của một thời bao cấp với “canh rau toàn quốc, nước mắm đại dương”. Ở một phòng trọ khác tại phường An Hải Bắc, 4 cô gái cũng chỉ “giải quyết” bữa tối với chừng 1 kg bún tươi cùng nước mắm…

 

Chị Hoài T. cho biết, trong cả nhóm đang ở chung phòng trọ với chị, người có thu nhập cao nhất khoảng 1,3 triệu. Còn với nhóm công nhân Công ty Hữu Nghị thì mức lương bình quân chỉ trên dưới 800.000 – 1 triệu đồng. Hoài T. kể: một năm qua, lương của cô chỉ tăng 1 lần nhưng giá nhà trọ tăng 3 lần. “Trước đây, mỗi tháng em gửi về 200.000 đồng lo cho con học lớp 1. Nhưng vài tháng nay tiền lương không đủ chi tiêu, không biết phải tính sao nữa! – Hoài T. thổ lộ.

 

Còn chị Lê Thị H. nhẩm tính: “Giá cả tăng vùn vụt, bó rau muống đã 4.000 đồng, quả trứng gà 2.000 đồng, lát đậu khuôn mỏng như lưỡi dao cạo cũng 1.000 đồng… Cố gắng mấy tiền chợ vẫn thiếu trước, hụt sau. Chỉ hy vọng vào khoản thưởng Tết cuối năm không đến nỗi bi đát quá thôi”. 

 

Công Ty HBI Hanes Brands INC (Mỹ) chuyên sản xuất đồ lót nam giới có khoảng 2.000 công nhân, được thành lập từ tháng 4/2008 tại KCN Phú Bài (Huế).

 

Theo các công nhân ở đây, họ đoán già đoán non là công nhân nào làm việc trên 6 tháng thì sẽ được thưởng 900 ngàn đồng/ người (tương đương với 1 tháng lương), đối với những công nhân nào làm dưới 6 tháng sẽ không được thưởng.

 

Em Trần Thị Hoá (19 tuổi) ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (TT-Huế) bộc bạch: “Mấy ngày ni, xem trên tivi nghe nói chuyện các doanh nghiệp thưởng Tết, tụi em cũng rất nôn nóng được biết thưởng bao nhiêu, hy vọng phụ thêm gia đình trang trải một cái Tết đàng hoàng”.

 

"Bị" chụp hình đúng lúc nấu cơm, Tuyết ngại ngùng xoã tóc. Hương (trái) tự nhiên hơn. (Ảnh: Cao Minh)

 

Công nhân trong khu nhà trọ 2 tầng thuộc thôn Hậu (xã Kim Trung, huyện Đông Anh, HN) đã đi làm cả, chỉ còn phòng của Tuyết và Hương mở cửa.

 

Tuyết hiện đang làm cho công ty TNHH SCC (Nhật Bản) chuyên về sản xuất côn xe máy, nhiệm vụ của em là lắp rắp chi tiết. Tuyết hồn nhiên nói: “Em vào làm đã được gần 1,5 năm- từ tháng 8/2007. Như Tết Đinh Hợi chúng em được thưởng khá, như em mới làm dưới 6 tháng đã được thưởng một tháng lương cơ bản là gần 1,2 triệu đồng. Tình hình khó khăn chung thế này em chỉ mong được thưởng bằng năm ngoài là tốt lắm rồi".

 

Tuyết và Hương thường ra chợ cóc này mua thức ăn. (Ảnh:Cao Minh)
“Làm gì với tiền thưởng ư?”- Tuyết nhẩm tính: “Em sẽ mua cho mỗi đứa em một bộ quần áo, đưa cho bố mẹ 500 nghìn đồng, số còn lại tiêu Tết”.

 

“Nếu không được thưởng ư? Coi như em mất Tết luôn”- cô công nhân trẻ buông lời gọn lỏn trước “tình huống xấu”.

 

Hương khác Tuyết một chút, chưa được nhận tiền thưởng Tết bao giờ vì mới vào làm ở công ty TNHH Canon Việt Nam được 5 tháng. Hương làm ở phòng CIS (phòng sạch), chuyên lắp ráp linh kiện tạo ra con unit của máy quét ảnh và máy photocopy.

 

Ở công ty này, công nhân như Hương phải làm việc đến 9 tiếng 15 phút/ngày. Mức lương cơ bản cao hơn bên công ty của Tuyết, khoảng 1,4 triệu đồng/tháng/công nhân song cộng cả tiền làm ca thì cũng được vào khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/tháng.

 

Hương tâm sự: "Số tiền thưởng Tết nếu có thì ngoài tiền đưa cho bố mẹ chi tiêu ngày Tết cũng phải mua cho cháu chút quà. Em chưa biết liệu Tết này công ty sẽ thưởng cho công nhân bao nhiêu, nhưng cũng mong bằng bên chị Tuyết”.

Phập phồng đoán thưởng Tết

Cũng bởi khó khăn, vất vả suốt quanh năm như vậy nên các công nhân mà chúng tôi gặp, nhất là những người phải xa xứ làm ăn, đều ngóng chờ vào khoản lương, thưởng cuối năm để có thể về phụ giúp lo Tết cho gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm một vài ngày trước Tết dương lịch, hầu như lao động vẫn chưa nhận được thông tin thưởng Tết nên không ít người sốt ruột, đoán già đoán non chuyện thưởng.

Đông đảo công nhân ở Đà Nẵng đang phập phồng trông ngóng khoản lương, thưởng Tết Ảnh: HC

Đặc biệt, phần lớn công nhân hiểu rõ những khó khăn mà chính nơi mình làm việc đang phải trải qua. Vì vậy, hầu như các công nhân mà chúng tôi gặp không tỏ ra quá cầu toàn, hay đặt hy vọng mức thưởng năm nay sẽ vượt trội so với  mọi năm.

 

 

Anh Lê Hưng hiện là công nhân nhà máy thép X.H. trong KCN Hoà Khánh cho biết, năm vừa qua thực sự là một năm lao đao của ngành thép nên nhà máy của anh cũng không tránh khỏi tình cảnh chung. Giá đầu vào như phôi thép, điện… liên tục tăng trong khi giá bán sản phẩm lại liên tục biến động, hàng hoá dồn ứ trong kho. Công nhân chỉ có việc làm “bữa đực, bữa cái”. Bởi thế anh chỉ mong sao Tết này được thưởng trọn tháng lương 13 là “vui lắm rồi”!

 

Nguyễn Thị T. cũng cho biết, năm 2008, Công ty Hữu Nghị gặp rất nhiều khó khăn. Chuyện nợ nần, sai phạm từ các đời giám đốc trước vẫn chưa thể giải quyết ổn thoả. Chưa kể, nghe đâu hàng giày da còn bị áp thuế chống bán phá giá gì đó nên các đơn hàng xuất khẩu rất phập phồng. Công ty phải sắp xếp lại nhân sự để chuyển qua cổ phần hoá, nên việc chị vẫn còn giữ được làm việc cho tới nay đã là may mắn. Thế nên chị cũng không đòi hỏi nhiều mà chỉ mong sao ban lãnh đạo công ty cố gắng lo cho công nhân được thêm đồng nào quý đồng đó!

 

Riêng với chị Hoài T. và nhóm công nhân Công ty Keyhinge Toys thì mong muốn lớn nhất của họ là làm sao… đừng lặp lại tình cảnh như năm ngoái, khi mà hơn 10.000 công nhân phải đồng loạt đình công để phản đối việc ban lãnh đạo buộc phải làm việc đến 29 tháng Chạp mới được nghỉ trong khi mức thưởng Tết lại quá “hẻo” và không công bằng. Những người làm việc đã 10 năm cũng chỉ được thưởng 500.000 đồng và 1 phần quà trị giá 100.000 đồng, như với người mới vào làm việc được 1 năm.

 

Chị Hoài T. tâm sự: “Đa số công nhân đều hiểu những khó khăn mà công ty đang phải trải qua. Nhưng họ cũng mong công ty thấu hiểu những nỗi vất vả mà công nhân phải chịu đựng suốt năm, có mức lương,  thưởng cuối năm tạm chấp nhận được để họ lo Tết cho gia đình con cái. Cái gì cũng phải có qua có lại, công ty chia sẻ khó khăn với công nhân thì công nhân sẽ gắn bó lâu dài với công ty. Như vậy, công ty sẽ tránh được chuyện cứ mỗi lần sau Tết lại phải lo tuyển dụng công nhân mới!”.

 

Công ty Dệt kim và May mặc Huế (Bungari) đóng ở thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thuỷ (TT-Huế) gồm có 200 công nhân.

Các doanh nghiệp dệt may là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất của khủng hoảng kinh tế thế giới. Ảnh: N.Lan

Do giám đốc đang đi nước ngoài nên theo kế hoạch, phải đầu tháng 1/2009 công ty mới có quyết định thưởng tết. Chị Hoàng Anh, công nhân của công ty cho biết: “Đến chừ, em vẫn chưa nghe mức thưởng bao nhiêu mà chắc là vài trăm ngàn/ người”.

Chị Trần Thị Quỳnh Tân, công nhân của Công ty TNHH Nhựa bao bì Việt- Pháp thổ lộ: “Năm ngoái, vào thời điểm này, công ty đã quyết định thưởng cho mỗi công nhân 600 ngàn đồng. Nhưng năm nay, đến thời điểm cận tết nhưng vẫn chưa nghe thưởng tết. Tui cũng rất sốt ruột đợi nghe thông báo thưởng Tết, để cuối năm có kế hoạch trang trải thêm cho cái Tết được đầy đủ. Nhưng nghe nói năm nay công ty làm ăn khó khăn nên có thê mức thưởng sẽ thấp hơn năm ngoái”.

Công ty cổ phần Dệt May Huế ở xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ (TT-Huế) vừa họp và quyết định mức thưởng cho công nhân. Ông Hồ Văn Diễn, Giám đốc điều hành Công ty cho biết: “Năm nay là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Mặc dù vậy, để đảm bảo đời sống cho công nhân trong những ngày Tết, công ty vẫn cố thắt lưng buộc bụng để thưởng Tết tháng lương thứ 13 cho công nhân”.

Tuy nhiên, ông Diễn cũng cho hay, do mặt hàng sợi đang bị ứ đọng, không bán ra được thị trường, nên sau đó công ty này sẽ phải cho công nhân này nghỉ phép dài ngày hoặc nghỉ chế độ trong thời gian dài. Điều đó có nghĩa là nhận thưởng Tết xong, rất có thể ra Tết những công nhân ở đây sẽ phải ngồi chơi dài và không loại trừ khả năng sẽ phải kết thúc hợp đồng.

 

Nhiều lao động không muốn nghĩ đến Tết

 

Với người công nhân, lương thưởng khốn khó vốn là chuyện thường xảy ra, nhưng với một bộ phận nhân viên văn phòng từng có thu nhập ổn định thì tình hình lương thưởng Tết suy giảm thực sự làm nhiều người bi quan.

 

Hùng, nhân viên của một Công ty thiết kế tàu thủy ở Hà Nội nói, anh chẳng muốn nghĩ đến lương thương làm gì cho mệt, tiền lương tháng còn chưa được trả đủ huống gì là thưởng tết.

 

Là nhân viên phòng kinh doanh, anh Hùng nhận mức lương 3 triệu đồng/ tháng, nhưng do ảnh hưởng của kinh tế suy thoái, các nhà máy đóng tàu đóng cửa ngừng sản xuất hàng loạt thì các hợp đồng thiết kế tàu cũng ít dần. Để cân đối thu chi trong thời buổi khó khăn này, công ty anh Hùng làm đã tiến hành giảm và nợ lương nên hiện nay, mỗi tháng anh chỉ nhận được từ 2 đến 2,3 triệu đồng/ tháng.

 

Nhắc tới lương thưởng năm nay, anh Hùng bảo, năm nay khó khăn, công ty làm ăn kém nên chắc thưởng Tết chẳng có gì nhiều, có khi còn không có gì hết.

 

Lương tháng thấp, không đủ chi tiêu cho gia đình, nhất là khi tết lại sắp đến anh Hùng thành thật: “Cứ đà này có khi tôi phải chuyển đi nơi khác làm, chứ ở đất Hà Nội này cái gì cũng đắt đỏ, trong khi lương chính thì ba cục ba đồng, thưởng tết nhiều khả năng cũng chẳng có thì sống thế nào được”.

 

Hai nhân viên của Công ty CP điạ ốc Cát Tường cho rằng, năm nay chưa chắc đã có lương thưởng. Ảnh: Vũ Điệp

Cùng chung nổi niềm như anh Hùng, Chị Hảo, nhân viên kinh doanh của Công ty CP địa ốc Cát Tường cũng không muốn nhắc tới lương thưởng Tết này. Chị Hảo nói bông đùa: “Tết này bọn em được thưởng tiền thì ít nhưng thưởng thời gian thì nhiều”

 

Chị Hảo bảo, cũng vào thời điểm này năm ngoái, chị và các nhân viên trong công ty rất bận rộn vì thị trường bất động sản lúc đó đang nóng, hợp đồng nhiều thậm chí phải làm suốt cả ngày nên ngoài hưởng phần trăm hoa hồng theo hợp đồng, chị còn đượng thưởng Tết tháng lương thứ 13. Thế nhưng năm nay, do thị trường bất động sản đóng băng các giao dịch ít đi trông thấy nên suốt ngày chị chỉ ngồi ở công ty chờ… việc.

 

Nói đến chuyện lương thưởng, chị Hảo than thở: “Lương tôi hiện tháng chỉ được 1,5 triệu đồng, nhà cửa không phải thuê nhưng với số tiền lương ít ỏi thế này thì làm sao có thể đủ chi tiêu được. Như năm ngoái còn trông chờ vào tháng lương thưởng, nhưng năm nay cứ tình hình này thì chẳng muốn nghĩ đến Tết nữa!”.

 

Với anh Huy, nhân viên bán hàng cho một công ty bán ô tô trên đường Cầu Giấy, nói đến chuyện lương thưởng cùng làm anh buồn rầu. Khi hỏi thông tin về mức thưởng Tết, anh Huy chỉ biết cười nhạt và nói khôi hài: “Năm nay công ty làm ăn thua lỗ sắp phá sản đến nơi rồi nên chắc được thưởng tết tiêu không hết tiền!”.

 

Sau những lời bông đùa, anh Huy thành thật: “Vào thời điểm thưởng tết năm ngoái, chứng khoán và bất động sản nóng nên ô tô bán chạy, lợi nhuận của công ty lớn nên anh được thưởng 9 triệu đồng, tương đương bằng 3 tháng lương bình quân. Nhưng năm nay hy vọng chỉ bằng 1/3 năm ngoái mà chưa chắc đã được, vì công ty đang làm ăn thua lỗ lớn”.

  •  Hải Châu - Ngọc Lan - Cao Minh - Vũ Điệp
     
    Bài 5: Nhiều lao động sẽ không đủ tiền về quê ăn Tết

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,