Đó là anh Sáu Hà (ở Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, Phú Quốc) với khả năng trầm mình suốt ngày và ngủ ngon lành ngay dưới đáy biển sâu.
Anh Sáu Hà vui vẻ trò chuyện cùng khách
Chỉ mặc độc chiếc quần đùi, mình trần trùng trục tiếp khách, Sáu Hà cười hềnh hệch: "Ở trên bờ, tôi không thích mặc đồ, vướng víu nực nội khó chịu lắm, mấy anh thông cảm". Mở đầu câu chuyện, nói về thân hình ngoại khổ của mình, Sáu Hà than: "Tôi mới sụt hơn chục ký chớ lúc trước cân đúng 140 ký lô chẵn". Anh cho biết, hiện 2 con trai lớn của anh cũng đang có dấu hiệu "bắt chước" ba. Thằng Lú, mới 20 tuổi đã nặng hơn 90 ký, còn em nó - thằng Đốm tròm trèm đúng một tạ. Cả hai anh em đều nối nghiệp cha, làm nghề lặn biển, cũng giống như anh Sáu từng thừa kế nghề của ông già cách nay mấy chục năm. Tên thật của anh là Nguyễn Văn Hà, là con út trong một gia đình gồm 5 anh chị em, hết thảy đều theo nghề lặn biển hoặc cào lưới.
Được biết, ở làng chài Bãi Bổn này, ngoài một ít ngư dân còn dùng vây lưới đánh bắt tôm cá, số lớn còn lại, khoảng 70 - 80 người đều lấy nghề lặn biển làm kế sinh nhai, vì nghề này cho thu nhập cao hơn. Sáu Hà cho biết, mỗi ngày lặn biển, anh có thể bắt được cả trăm ký ốc nhảy, vài ký cá ngựa hay đồn đột (hải sâm), bán cho mối lái cũng được trên triệu đồng. Nhờ vậy mà anh có thể lo cho gia đình 7 miệng ăn, sắm sửa đầy đủ vật dụng đắt tiền và đang xây cất căn nhà mới khang trang cạnh bên.
Kể về nghề lặn biển, Sáu Hà có vẻ say sưa hơn. Anh cho biết, do cha làm nghề biển nên lúc mới 11-12 tuổi, anh đã bắt đầu làm quen với sóng nước, biển cả. Ban đầu theo cha giữ ghe, lần hồi tập lặn ở những bãi cạn và đến 17-18 tuổi đã có thể "lặn tài" sâu đến 5-6 sải nước. Còn bây giờ, lặn cỡ 7-8 sải, tương đương 19-20 mét sâu là chuyện thường đối với anh. Sáu Hà khoe, gần 30 năm trong nghề, hầu như vùng biển nào quanh đảo Phú Quốc cũng đều có dấu chân anh và các bạn lặn cùng xóm. Riêng vùng Bãi Bổn, hầu như anh thuộc lòng từng ngõ ngách... thủy giới.
Không chỉ nổi tiếng là người giữ kỷ lục nặng ký nhất huyện đảo, Sáu Hà còn được nhiều bạn lặn và ngư phủ quanh vùng kính nể vì biệt tài lặn lâu dưới biển. Anh có thể trầm mình trong nước suốt ngày nếu giữ ống thở đầy đủ và nếu không bị... đói bụng, trong khi các bạn lặn cùng xóm, người giỏi lắm cũng chỉ lặn cỡ 2-3 giờ là cùng. Thông thường mỗi ngày lặn anh chỉ nghỉ 2 lần, một lần giữa trưa để ăn cơm và một lần cuối ngày khi cuốn dụng cụ lên bờ. Sáu Hà cho biết, sở dĩ anh có thể ở lâu dưới nước vì "không hề biết lạnh", ngược lại anh cảm thấy rất mát mẻ, dễ chịu, "khoái hơn ở trên bờ". Tuy nhiên, có lẽ biệt tài độc đáo nhất của anh chính là khả năng ngủ ngay dưới đáy biển. Ngồi góp chuyện, thằng Tý, em Nhỏ cùng là bạn lặn vùng Bãi Bổn cho hay, hai đứa đã từng "hết hồn hết vía" khi lần đầu tiên bắt gặp Sáu Hà ngồi gục đầu bên nhánh san hô bất động, anh đang ngủ nhưng cả hai tưởng rằng anh bị...
Kể về lần ngủ đầu tiên dưới nước, Sáu Hà cười rôm rả: "Bữa đó tôi nhậu hơi nhiều, xuống biển làm việc được một đỗi tự dưng buồn ngủ quá xá, định ngồi nghỉ một chút nhưng ngủ gục lúc nào không hay. Đến khi vuột ống thở, bị ngộp, tôi mới giật mình thức dậy, vội quơ tay chụp lấy ống thở luôn đeo bên hông, ngậm vào miệng. Được cái là tôi rất dễ thức, mau tỉnh, không bị choáng nên không sao".
Và kể từ lần ngủ đầu tiên cách nay gần 2 năm đến nay, thỉnh thoảng các bạn lặn vẫn bắt gặp Sáu Hà đánh giấc ngon lành dưới mấy sải nước biển. Thanh Tân, em vợ Sáu Hà, người giữ nhiệm vụ ngồi trên thuyền trông chừng bình và máy sạc hơi, quan sát vùng lặn của các thành viên gia đình, đồng thời kéo giỏ lên khi người lặn đã bắt đầy sò ốc, cười nói, vẻ vô tư: "Mỗi lần nhìn xuống nước, hễ thấy bọt hơi nổi trên mặt biển di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác là biết anh Sáu đang săn bắt. Còn khi thấy bọt hơi chỉ nổi ở một chỗ thật lâu là biết thế nào ảnh cũng đang ngủ". Và mỗi khi không để ông anh ngủ quá giấc, Tân thường đánh thức Sáu Hà bằng cách bẻ cúp ống thở, làm mất không khí, bị ngộp ông anh sẽ giật mình tỉnh dậy. Nói về khả năng độc đáo, có một không hai của Sáu Hà, bác Hai Thành, người cố cựu ở xã Hàm Ninh, xác nhận: "Thằng đó coi vậy mà hay lắm. Đảo này chắc chỉ có mình ên nó dám ngủ dưới biển thôi".
Vẻ thật tình, Sáu Hà tỏ ý tiếc là hôm nay anh không đi biển để rủ khách theo. Dù vậy, anh cứ nằng nặc mời anh em ở lại, "bữa sau đi lặn với anh cho biết". Hỏi, vì sao cứ mãi theo nghề lặn biển, một công việc cực nhọc và cũng khá nguy hiểm, anh Sáu thoáng vẻ trầm tư, mắt nhìn ra biển, buông từng lời một: "Nhờ nghề này mà gia đình tôi sống đỡ khổ như bây giờ, nhưng lặn biển còn có nhiều điều hay lắm...". Theo anh Sáu, biển là một thế giới kỳ ảo, tuyệt đẹp; mỗi lúc, mỗi nơi đều có những dáng vẻ khác nhau; vùng nông, vùng cạn, trời nắng nhiều, nắng ít, nơi có nhiều rong hay nhiều sạn sỏi đều cho những màu nước khác nhau, rất huyền ảo, kỳ hoặc. "Không đi biển buồn lắm!". Anh kết thúc câu chuyện với nụ cười đôn hậu.
(Thanh Niên)