221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
652198
Du lịch VN qua chuyện kể của một Việt Kiều "ba lô"
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Du lịch VN qua chuyện kể của một Việt Kiều 'ba lô'
,

(VietNamNet) - Sau khi đăng bài Vì sao du khách ''một đi không trở lại''?, VietNamNet nhận được bài viết của tác giả Hùng Vỹ giải thích qua lời kể của một người bạn Việt Kiều.

Đây là lần đầu tiên trở về Việt Nam sau 24 năm xa cách, Danny Trần đẫ tận dụng quỹ thời gian nghỉ của mình để “khám phá Việt Nam”, như lời anh nói.

Rút 1000USD, Phí 30 USD

Khách nước ngoài rất muốn đến VN nhưng không có gì níu chân họ ở lại?
Điểm đầu tiên trong hành trình Xuyên Việt là Sài Gòn, tiếp đó là đảo Phú Quốc, thành phố biển Vũng Tàu, Nha Trang (quê hương Trần), Đà Lạt, Hội An, Vịnh Hạ Long... hiện giờ là Hà Nội.

Để tìm hiểu đất nước theo cách của riêng mình, anh đã không sử dụng bất kỳ dịch vụ lữ hành nào, anh tự thiết kế lộ trình, tự tìm hiểu về nơi mình sẽ đến có điều gì thú vị, chuẩn bị hành trang cần biết cho một chuyến đi dài ngày và sẵn sàng chọn hình thức homestay khi không thuê được phòng.

Điều đầu tiên anh chia sẻ với tôi cảm nhận của mình về quê hương là Việt Nam có cảnh quan “đẹp! Phong cảnh rất hấp dẫn”. Anh so sánh với Thái Lan nơi anh đã đến thì chúng ta không thua kém mà còn đặc sắc hơn: “Việt Nam có những bãi biển thơ mộng, nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, con người thân thiện, lạc quan. Còn Thái Lan chủ yếu nhấn mạnh đến khả năng mua sắm trong khi môi trường tự nhiên không được trong lành như Việt Nam”.

Tuy khá trẻ (27 tuổi) nhưng Trần đã đi du lịch nhiều nơi, từ châu Âu, châu Mỹ, Úc và các nước châu Á nên anh quá bất ngờ trước giá cả ở Việt Nam. Anh không sao lý giải được sự tồn tại công khai của khái niệm 2 giá, hay thói quen bán giá cao cho khách du lịch: ”Tôi thấy lạ quá, có những nơi bán hàng đề thông báo người Việt một giá, người nước ngoài và khách du lịch 1 giá khác mà lại cao hơn giá kia. Khi mua bất kỳ thứ gì tôi cũng trả giá nhưng đem so sánh thì trời ơ cao quá!”.

''Đi du lịch, mình như một miếng mồi''
(VietNamNet) - ''Bản thân mình là người trong nước đi các nơi mà bị chèo kéo rất là chán! Gần như mình trở thành một miếng mồi...''. ĐB QH Nguyễn Đình Xuân nói.

Trần còn cung cấp thêm thông tin mà theo anh nhiều người không muốn nói ra: ”Phí rút tiền ở Việt Nam cao khủng khiếp! Bằng chứng ư? Chính tại Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ tôi rút 1.000USD mà phí những 30USD. Không biết phí rút tiền đối với người Việt là bao nhiêu, chứ mức phí này thì chỉ có Việt Nam thôi”.

Rồi anh quay sang hỏi tôi: ”Hiện Việt Nam thu hút bao nhiêu khách quốc tế 1 năm?”. Trên 2 triệu. “Chỉ thế thôi? Nếu so với tiềm năng của Việt Nam con số trên mới vào khoảng 20%”.

Thông tin kém, dịch vụ tồi?

Câu chuyện của chúng tôi trở nên sôi nổi hơn khi bàn tới cách thức thông tin về Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng. Từ những chuyến đi du lịch và công việc của mình Trần đã không ngần ngại nhận định: ”Việt Nam cung cấp thông tin kém còn chất lượng dịch vụ tồi”.

Anh đơn cử trong chuyện xin visa đến Việt Nam thủ tục thì lâu, thái độ làm việc thì thiếu tôn trọng du khách, khi đến sân bay thủ tục nhập cảnh quá phiền toái, nhân viên hải quan có nhiều câu hỏi vô lý nhưng khi sẵn sàng bồi dưỡng mọi thứ sẽ khác.

”Ngay những hình ảnh đầu tiên về Việt Nam như vậy thì du khách đã nản lòng và có đánh giá không tốt về Việt Nam. Họ có thể xem xét rằng có nên đến Việt Nam hay đi nước khác.Còn nếu đã ở Việt Nam thì hành trình có thể rút ngắn, không hứng thú đâu mà tìm hiểu và khám phá”, Trần nói.

Do đó, để thu hút du khách thì ngay từ khi du khách có ý định đến Việt Nam có thể là du lịch, thăm thân nhân, khảo sát đầu tư, hội thảo, hội nghị... chúng ta cần loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, huấn luyện cho công chức làm công việc này các kỹ năng tiếp thị, những công chức không đáp ứng yêu cầu trên nên thuyên chuyển.

Đặc biệt, theo Trần cần có cách thức phù hợp để du khách phản ánh những hiện tượng tiêu cực, thái độ làm việc thiếu tôn trọng của các công chức nhà nước, xử lý nghiêm minh, từ đó thay đổi suy nghĩ của khách quốc tế về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam ngay từ sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam cũng như tại các sân bay.

”Không phải so sánh đâu xa, hãy lấy Thái Lan để so sánh. Ngay khi đến các cơ quan đại diện của họ, tôi đã nhận được thái độ trọng thị của họ, luôn mỉn cười và chỉ cần chờ 1 phút là biết cụ thể các yêu cầu và thời gian hoàn tất thủ tục cấp visa. Xong việc là nhận được lời chúc mừng của họ về chuyến đi thành công. Còn trên máy bay, khỏi phải nói, tôi luôn nhận được sự chăm sóc trên cả nhiệt tình. Đến Thái Lan cũng chỉ một thao tác qua máy quét, tôi đã nhập cảnh xong không hề có bất kỳ sự cố nào trong qui trình trên”.

'Vì sao du khách ''một đi không trở lại''?
(VietNamNet) - Đại biểu QH đã tỏ ra hết sức lo lắng về chất lượng, thái độ phục vụ của du lịch VN khi bàn về dự thảo Luật Du lịch ngày 26/5.

Tại Nauy, nơi Trần định cư anh cho biết có khoảng 15.000 kiều bào, đa số là khá giả nên có thể và rất muốn về thăm quê hương. Bên cạnh đó là nhu cầu đi du lịch rất lớn của người bản xứ nhằm tránh mùa đông lạnh giá tại Bắc Âu, điểm đến ưu thích là vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng khi tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam khá sơ sài, chỉ có một vài trung tâm thông tin có hành trình đến Việt Nam. Không hề có doanh nghiệp của Việt kiều tham gia thị trường này dù người Việt khá thành công trong kinh doanh tại Nauy.

Anh rất buồn và tiếc rẻ khi nói với tôi về một thông tin anh được đọc qua báo chí Mỹ: ”Khi tôi 11 tuổi thì đọc được tin, hãng sản xuất phim Điệp Viên 007 có ý định quay một số cảnh tại Vịnh Hạ Long nhưng không nhận được sự đồng ý của chính phủ Việt Nam nên phải quay kỹ xảo tại Thái Lan. Tôi luôn nhớ điều này vì tôi tiếc cho Việt Nam cũng như tôi mất 1 cơ hội giới thiệu cho bạn bè thật ấn tượng về quê hương”.

Nói chuyện quá khứ, rồi quay về với hiện tại, Trần hy vọng trong tương lai, bên cạnh thông tin chính phủ sẽ có nhiều website thông tin du lịch và các công ty dịch vụ du lịch chuyên về Việt Nam tại Nauy và các quốc gia khác. ”Càng có nhiều đường bay thẳng giữa Việt Nam với các nước, chứ hiện nay phải quá cảnh qua nhiều nước làm cho chi phí đi du lịch Việt Nam bị đẩy cao. Mặt khác, du khách thường tìm hiểu thông tin về điểm đến qua các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và Internet nên thông tin phải cụ thể và dễ dàng phản hồi”.

Sau khi đã thông tin cho khách du lịch biết lợi thế của mình, công việc quyết định là chất lượng phục vụ, Trần không ngần ngại khi phản hồi lại sự thất vọng của bạn bè anh về chất lượng dịch vụ. ”Thiếu những hướng dẫn viên hiểu văn hoá và suy nghĩ của du khách nên thông tin hướng dẫn viên cung cấp cho mọi du khách đều như nhau. Lịch trình các điểm tham quan nhiều khi thay đổi mà lý do giải thích là các yếu tố khách quan rất vô lý. Gía cả dịch vụ thì liên tục phát sinh các khoản chi phí “nho nhỏ”..v.v”.

Rồi anh đặt câu hỏi: ”Đã có bao nhiêu du khách trở lại Việt Nam?” Tôi hoàn toàn bị động trước đề nghị này, bởi đây là vấn đề nan giải đối với chúng ta. Du lịch Việt Nam luôn đặt mục tiêu thu hút du khách, đầu tư vào xây dựng hạ tầng du lịch nhưng du lịch Việt Nam chưa quan tâm đến việc đánh giá “sức khoẻ thương hiệu”, chúng ta không thể biết có bao nhiêu du khách trở lại hay du khách chi tiêu bao nhiêu tại Việt Nam?.

Còn về phần mình, Trần thông báo: ”Họ nói với tôi sẽ không trở lại vì họ có thể đi nơi khác mà thấy hài lòng hơn nhưng họ hy vọng Việt Nam tiếp tục thay đổi, nhất là chuyển biến về nhận thức khi phục vụ du khách”. Anh cũng thất vọng với khá nhiều dịch vụ trong chuyến xuyên Việt vừa qua, như: không thể thuê phòng đạt tiêu chuẩn do đúng vào dịp Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện lớn nên anh hài lòng với hình thức homestay, các dịch vụ viễn thông và chuyển tiền phí quá cao, các điểm du lịch nhiều ăn xin, hàng rong bám riết khách, không có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thiếu hướng dẫn viên có thể thuê theo giờ...

Tôi sẽ hồi hương

Mọi người sẽ ngạc nhiên khi tiếp xúc với Trần, bởi ngoài khả năng nói Tiếng Việt chuẩn xác anh còn hiểu lịch sử và văn hoá Việt Nam. ”Đó là do cha mẹ tôi rất yêu Việt Nam, ông bà sẽ về nước khi nghỉ hưu cuối năm nay. Tôi được cha dạy lịch sử và đạo đức, mẹ tôi là nhà văn nên dạy tôi văn hoá và ngôn ngữ”, anh kể về gia đình mình. Ngoài ảnh hưởng từ gia đình, anh cũng đúc rút nhiều suy nghĩ do có cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hoá, anh cho rằng mình là một người Ấ Đông chính hiệu, trân trọng tình cảm, thích tìm hiểu văn hoá và lối sống.

Nguyện vọng của Trần là tìm được một cô gái Việt để lập gia đình và nếu tìm được công việc phù hợp sẽ về định cư trong nước. Điều anh băn khoăn nhất khi về nước là môi trường có thể hoà nhập không? ”Tôi đã biết trong nước có chủ trương thu hút Việt kiều về làm việc và đầu tư nhưng cụ thể về điều kiện làm việc, lương - bổng và khả năng phát triển nghề nghiệp ra sao?

Khi sống và làm việc ở nước ngoài chúng tôi đã quen môi trường chuẩn mực, nay về nước ai chăng muốn vì có sự thân thuộc về văn hoá song thực té trong nước thế nào chưa rõ”.

Điều quan trọng đối với tri thức Việt kiều như Trần tâm sụ là mong muốn được đóng góp cụ thể, chính phủ nên thông tin đầy đủ và cụ thể về cơ hội khi về nước.Chắc chắn tình yêu quê hương cùng khát khao chứng tỏ mình, đội ngũ Việt kiều sẽ có nhiều đóng góp cả trực tiếp và gián tiếp.

Còn đối với anh, tôi tin cơ hội tìm được công việc đúng với chuyên môn không khó, bởi với mức lương 2.800USD sau khi trừ thuế của một chuyên viên ngân hàng, anh có thể về nước làm việc trong hệ thống ngân hàng, dù rằng trong tương lai gần Skandia Bank (ngân hàng anh đang làm việc) chưa có kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam.”Tất nhiên tôi sẽ hồi hương”, anh đáp lại đè nghị của tôi với niềm tin mãnh liệt.

Chúng ta có khoảng 2 triệu kiều bào, đây vừa là thị trường vừa là công cụ xúc tiến thương mại - du lịch - đầu tư vô cùng lợi thế. Vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta sẽ gắn kết và khai thác lợi thế này như thế nào mà thôi.

  • Hùng Vỹ

Trên đây chỉ là cảm nhận của cá nhân một người Việt xa quê đã lâu. Bạn nghĩ sao về những nhận xét của anh Trần và tác giả bài viết?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,