Sau khi VietNamNet đăng bức thư ông Đặng Hùng Võ gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, một độc giả có tên Trần Thu Hà gửi thư trao đổi cùng ông Võ, VietNamNet xin đăng nguyên văn.
Thưa ông Võ (Ông Đặng Hùng Võ)! Sau rất nhiều ngày suy nghĩ tôi mới quyết định viết lá thư này cho ông....
Trước tiên tôi xin tự giới thiệu, tôi là Trần Thị Thu Hà, 42 tuổi, hiện đang cư trú tại phòng 5.06 lô G khu dân cư Miếu Nổi, phường 3, Q. Bình Thạnh (thường gọi là chung cư 18 tầng Miếu Nổi) TPHCM.
Người dân khiếu nại về đất đai tại Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Thưa ông, sau khi đọc thư ông gửi Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Văn An ngày 8/8, đầu tiên tôi cảm thấy rất kính phục ông vì qua những lời lẽ trong thư tôi cảm tưởng rằng ông là người rất thương dân, lo cho dân và có tâm huyết với nghề.
Tuy nhiên, đọc kỹ và bình tĩnh xâu chuỗi mọi vấn đề một cách có hệ thống, tôi cảm thấy có điều bất ổn và xin được trao đổi cùng ông.
Thứ nhất, theo ông nói thì ông là người có chuyên môn sâu về quản lý bất động sản (BĐS), điều này tôi không hề nghi ngờ.
Có điều tôi cảm thấy lạ là một người có chuyên môn sâu lại hiểu biết về luật như ông sao mãi tận bây giờ (khi Chủ tịch QH Nguyễn Văn An chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại phiên thảo luận của Hội nghị đại biểu QH chuyên trách và yêu cầu “Nếu phát hiện nó (Luật đất đai năm 2003) bất hợp lý sao không trình ngay với QH để sửa luật?”) mới lên tiếng đề xuất hai phương án để bớt hành dân?
Thưa ông, nhiều tháng qua các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh những bức xúc của người dân khi có giao dịch về nhà đất, chắc ông cũng biết. Vậy sao mãi bây giờ ông mới lên tiếng?
Thứ hai, tôi và chắc tất cả mọi người dân đều đồng tình với ông là chỉ nên có một giấy để giảm bớt phiền hà cho dân, nhưng vấn đề là nội dung của tờ giấy đó như thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân kể cả về quyền sở hữu lẫn quyền giao dịch mới là vấn đề người dân quan tâm.
Theo ông, “đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo điều 48 Luật đất đai 2003 là sự liên tục của hệ thống luật pháp, được chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Vâng, điều đó đúng nhưng chưa đủ. “Sổ đỏ” chỉ mới được đăng ký QSDĐ, còn người dân chúng tôi, dẫu sao vẫn có tư tưởng tư hữu nên muốn có quyền sở hữu, thưa ông. Điều này chúng tôi thấy quyển “Sổ hồng” theo Nghị định 60 là rất đầy đủ, hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chung của mọi người và đủ độ tin cậy để làm an lòng dân và thuận tiện cho mọi việc giao dịch vậy sao các ông, chỉ một vài từ lạnh lùng trong điều luật đã xóa bỏ nó?
Nếu thương dân, khi soạn thảo ông phải tính thật kỹ sao cho đời sống nhân dân ít bị xáo trộn nhất và phải biết kế thừa những điều ưu việt và có tính ổn định của những chủ trương chính sách trước đó.
Thứ 3, ông nói rằng điều 48 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, liệu có đúng vậy không khi mà trên tờ giấy đỏ chỉ “vẻn vẹn có ba dòng về tài sản trên đất” như lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân? Giấy đỏ đó mới chỉ ghi nhận tài sản trên đất, còn muốn xác lập sở hữu phải đăng ký theo Luật BĐS.
Trong khi luật này chưa có mà các ông đã triển khai đại trà, vô hình chung các ông đã tước mất quyền sở hữu tài sản của mỗi cá nhân. Như vậy liệu có tự nhận là đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay không, thưa ông? Vả lại, nếu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng thì chắc bây giờ ông không đến nỗi phải đưa ra hai phương án tình thế như đã đề xuất với Chủ tịch QH Nguyễn Văn An!
Thứ 4, kể từ khi ban hành và triển khai thực hiện Nghị định 181 ông đã đẩy người dân sống trong các tòa nhà chung cư chúng tôi vào nỗi bất an bởi tờ giấy đỏ của ông không rõ ràng. Nếu ông cũng ở chung cư như chúng tôi thì mới hiểu khi cầm tờ giấy đỏ sẽ hoang mang như thế nào?
Nội dung giấy đỏ là chứng nhận QSDĐ, mà đất của tòa nhà chung cư là đất chung, QSD chung nên không có người đứng tên. Còn đối với tài sản trên đất thì chỉ được ghi nhận chung mà không rõ thuộc sở hữu của ai, chủ sở hữu có quyền sở hữu phần nào trong khối chung cư đó.
Chính vì thế nên khi cầm quyển sổ đỏ chúng tôi cảm thấy tài sản của mình bỗng dưng bị tước đoạt, mọi quyền của mình đều bị mất, muốn bán công chứng viên cũng không dám chứng nhận, mà muốn thế chấp ngân hàng cũng chẳng cho.
Nếu được hỏi ý kiến, tôi tin chắc rằng đa số người dân đều không muốn có sự thay đổi sổ hồng, sổ đỏ, sổ xanh mà các Bộ đang có ý định ban hành. Chúng tôi rất mừng khi nghe Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nói: Nếu đã thấy sai thì trình với QH xin sửa, chỉ trong một kỳ họp là QH có thể sửa một điều luật nếu thấy là bất hợp lý.
Một vị đứng đầu QH mà còn dũng cảm dám khẳng định như vậy, chúng tôi cũng rất mong ông thẳng thắn nhìn nhận như thế. Tâm nguyện của chúng tôi là muốn sửa luật để làm sao quyển sổ hồng vẫn còn nguyên giá trị cho chúng tôi bớt khổ. Chỉ làm được như thế mới thực sự là thương dân, thưa ông!
Kính thư!
Trần Thị Thu Hà