221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
723948
Làng lông gà vịt Triều Khúc: Báo động nguy cơ nhiễm dịch!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Làng lông gà vịt Triều Khúc: Báo động nguy cơ nhiễm dịch!
,

Làng "lông ngan, lông vịt" Triều Khúc, Tân Triều, Hà Nội chiều 26/10. Lông gà, vịt phơi đầy đường, cuộn lên như lốc mỗi lần xe máy phóng qua. Nói dại, ngộ nhỡ có H5N1, không hiểu rồi chúng sẽ phát tán tới đâu?

Soạn: AM 600085 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Phơi lông gà, vịt cho khô tại làng Triều Khúc trước khi xuất cho bạn hàng
Trung Quốc

Báo động về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh

Ngay từ đầu phố Triều Khúc, một lái xe ôm cho biết nếu có nhu cầu có thể mua bất cứ loại lông ngan, gà, vịt nào. “Ở đấy người ta bán đầy, muốn mua bao nhiêu cũng có” - người lái xe ôm khẳng định.

Con đường nhỏ nhấp nhô ổ gà dẫn tới khu nghĩa trang Giò Gà phủ đầy lông gà vịt. Mùi hôi thối nồng nặc khiến chúng tôi chực oẹ. Cả một bãi rộng của khu nghĩa trang trắng xoá lông gà vịt được phơi. Mỗi hộ thu mua lông gà vịt quây một mảnh đất trong khu nghĩa địa với những tấm lưới cao quá đầu người để ngăn lông gà vịt không bay sang nhà bên cạnh.

Gần 30 phụ nữ, người đeo khăn bịt kín mặt, người chả đeo gì đang quần đảo với những đống lông gà vịt lớn trong bãi phơi. Những đôi chân trần dẫm đạp trên đống lông. Những chiếc chổi lớn vung lên, hàng nghìn chiếc lông bốc cao và trải đều khắp khu sân phơi. Bụi bay khắp nơi, bám đầy lên người những người đang làm tại bãi phơi, những chiếc lông nhỏ hơn theo gió bay lên cao vượt qua các tấm lưới rồi đậu xuống bãi cỏ lớn của khu nghĩa trang.

Cô Nguyễn Thị Mì, người dân làng Triều Khúc cho biết các khu sân phơi này cũng chính là nơi tập kết thu mua lông gà vịt. Hàng ngày dân thu mua sẽ đến các cơ sở giết mổ gia cầm, các chợ đầu mối thu mua lông gà vịt với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg rồi mang về đây bán lại cho các hộ thu mua với giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg lông gà vịt.

Một chị phụ nữ khoảng trên 30 tuổi làm ở một bãi phơi cho biết những người làm ở đây đều bị ho và sau một thời gian làm việc đều có hiện tượng khó thở.

Dù biết là việc tiếp xúc với lông gà vịt là rất độc hại nhưng người dân vẫn phải làm. “Nếu không làm thì biết sống nhờ vào đâu:- Chị nói.

Các hộ thu mua sẽ phơi khô rồi bán lại và xuất sang Trung Quốc. Lông gà vịt phơi khô này sau khi phân ra các loại hàng trắng, hàng đen sẽ được dùng làm chăn, len, đệm và thậm chí để thổi vào quần áo. Còn đối với những chiếc lông to sẽ được nhặt riêng để bán cho những cơ sở làm cầu lông.

Cô Mì cũng cho biết cô làm nghề thu mua lông gà vịt từ vài năm nay. Việc thu mua lông gà vịt cũng thất thường và phụ thuộc theo mùa. Khi vào vụ gặt thì việc thu mua lông gà sẽ được nhiều hơn. “Trước đây hàng ngày nhà tôi mua trung bình từ 30-40kg lông gà vịt. Nhưng kể từ khi có dịch cúm gia cầm việc thu mua lông gà vịt ngày càng khó khăn hơn.

Nhiều nhà bị lỗ vốn do giá lông gà vịt hạ nhanh và khách Trung Quốc cũng hạn chế việc mua bán. Trước đây mỗi ngày tôi kiếm được vài chục nghìn nhưng từ khi có dịch cúm việc buôn bán ngày càng khó khăn. Số lông gà vịt ế này sẽ phải mang về nhà cất để khi nào được giá thì bán”- Cô Mì chán nản.

Quay lại đầu làng, chúng tôi vào khu lán thu mua lông gà vịt của nhà chị Nguyễn Thu Hiền, người có thâm niên gần 30 năm thu mua lông gà, vịt. Hai vợ chồng chị Hiền nằm vắt vẻo trên chiếc võng. Bên cạnh 6-7 nhân viên ngồi vểnh râu khắp khu lán.

Chị Hiền cho biết từ gần 1 tháng nay nhà chị hầu như không làm ăn được gì vì dịch cúm đã khiến việc buôn bán trở nên khó khăn. “Hồi trước dịch cúm, mỗi ngày gia đình tôi thu mua 30-40 bao tải lông gà vịt (khoảng 1,5 tấn) rồi xuất bán lại cho bạn hàng Trung Quốc. Nhưng gần 1 tuần nay nhân viên đều trong tình trạng thất nghiệp. Hàng hoá thu mua bị lỗ chổng vó do giá lông gà vịt chỉ còn chưa đầy 25.000 đồng/kg (trước từ 45.000 – 50.000 đồng/kg). Không biết bao giờ mới hết dịch chứ không gia đình chúng tôi chết đói”- Chị Hiền than.

Khi được hỏi về những nguy cơ mắc các bệnh, thậm chí có thể mất mạng do tiếp xúc với những lông gia cầm nhiễm bệnh, chị Hiền cho biết đây là công việc hàng ngày mà chị cũng như nhiều gia đình khác trong làng đã làm nhiều năm qua mà chả thấy sao (?).

Soạn: AM 600083 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tết chổi lông gà tại làng Triều Khúc

"Không cấm được vì đây là nghề gia truyền"

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Chương, bí thư Đảng uỷ xã Tân Triều cho biết, trước khi xuất hiện dịch cúm gia cầm, toàn xã có trên 50 hộ làm nghề lông vũ, đến nay chỉ còn chừng 20 hộ.

Đợt dịch năm 2003, xã Tân Triều mạnh tay cấm kinh doanh, vận chuyển lông gia cầm. Xã tiêu huỷ toàn bộ dụng cụ sơ chế như lưới, lồng, đồng thời phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu phơi phóng. Tuy nhiên, hết vụ dịch xã lại phải cho người dân tiếp tục kinh doanh. “Không cấm được vì đây là nghề gia truyền của làng tôi từ xa xưa lắm rồi”, ông Chương thở dài.

Khi được hỏi về kế hoạch đối phó với vụ dịch năm nay, ông phó chủ tịch xã cứ nhầm lẫn mãi về lần phun thuốc ngày nảo ngày nào dạo đầu năm, tức là từ vụ dịch trước. Còn ông Chương thừa nhận đến nay mới chỉ dừng ở hình thức tuyên truyền, khuyến khích, vận động.

Xã cũng cấm thu mua lông gia cầm không rõ nguồn gốc từ các địa phương khác, nhưng biện pháp này xem ra không mấy hiệu quả vì “không ai dám khẳng định lông gia cầm mua tại các chợ Hà Nội có đảm bảo sạch không trong khi Hà Nội còn chưa dám đảm bảo giết mổ sạch nữa là...”.

Chúng tôi quay trở về trên con đường phơi đầy lông gà, vịt, cứ mỗi lần có xe phóng qua là ào ào cả một đám lông gà lông vịt hôi rình bay cuộn lên như cơn lốc. Nói dại, ngộ nhỡ có H5N1 không hiểu rồi chúng sẽ phát tán đi tới đâu giữa cơn đại dịch thế kỷ này?

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 30 tấn thịt gia cầm, đồng nghĩa với một lượng đáng kể lông gia cầm được thải loại và vận chuyển về làng Triều Khúc. Số lông này qua phơi khô sẽ được xuất sang Trung Quốc làm lõi chăn đệm và hoàn toàn có khả năng những mặt hàng này sẽ quay ngược về thị trường Việt Nam.

“Không chỉ nguy cơ nhiễm cúm, người tiếp xúc nhiều với lông gia cầm còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác”, ông Đoàn Hồng Phong, Trưởng phòng Dịch tễ Chi cục Thú y TP Hà Nội khẳng định với PV Tiền Phong chiều qua, 27/10.

Ông Phong lý giải điều này là do virus cúm gia cầm có trong phân, chất độn (trấu, phoi bào dùng để độn chuồng…) và có thể tồn tại trong phân và đất tới khoảng 2 tháng. Theo đó, để phòng chống thì lông gia cầm cần phải được xử lý bằng phoóc môn, thuốc tím.

“Tuy nhiên khi phơi dưới ánh sáng mặt trời thì virus sẽ bị tiêu diệt sau khoảng thời gian từ 10 đến 20 tiếng. Nếu được phun hoá chất thì virus sẽ bị tiêu diệt ngay sau khi phun thuốc từ 5, 10 phút đến 1 tiếng. Chi cục thú y Hà Nội không hề quên lãng việc quản lý kiểm soát lưu hành lông gia cầm. Chi cục đã phát các tờ gấp, tờ rơi và thông báo qua đài phát thanh về công tác phòng chống dịch”- Ông Phong nhấn mạnh.

Anh Phạm Minh Tâm, cán bộ phòng Dịch tế Chi cục Thú y TP Hà Nội cho biết thêm khi tiếp xúc trực tiếp với lông gia cầm, người dân không chỉ có nguy cơ nhiễm virus H5N1 mà còn có thể bị mắc nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Phạm Tuyên- Mỹ Hằng (Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,