(VietNamNet) - Đợt kiểm tra thi hành Luật Đất đai trên toàn quốc vừa rồi có ''đầu voi đuôi chuột'' không? Các sai phạm bị phát hiện sẽ được xử lý như thế nào?... Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV VietNamNet về những thắc mắc trên.
Người dân trực tiếp nộp đơn khiếu nại tới Bộ trưởng Mai Ái Trực. |
- Thưa ông, ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng, đợt kiểm tra vừa rồi ban đầu thì rầm rộ nhưng sau đó thì im ắng?
- Bất cứ cuộc kiểm tra nào cũng phải trải qua ba giai đoạn, gọi là ba bước cũng được. Bước thứ nhất là tiến hành kiểm tra tình hình như đã làm trong tháng 8 vừa qua. Bước thứ hai là phân tích kết quả kiểm tra, tức là đánh giá tình hình đã thu nhận được trong đợt kiểm tra và đề xuất chủ trương, biện pháp xử lý. Bước này đã được thực hiện trong tháng 9 với hai báo cáo của Bộ TN&MT trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Bước thứ ba là cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cho ý kiến xử lý kết quả kiểm tra. Bước này đã và đang thực hiện, bắt đầu từ cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ TN&MT và các Bộ Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và cho ý kiến xử lý kết quả kiểm tra.
Bước thứ nhất được tiến hành với 13 đoàn trên phạm vi cả nước nên đương nhiên là tạo ra sự chú ý của dư luận. Còn bước thứ hai và thứ ba là đi vào chiều sâu thì làm sao “rầm rộ” được!
- Vậy Phó Thủ tướng đã có ý kiến xử lý kết quả kiểm tra như thế nào?
- Có ba việc cần phải thực hiện sớm theo kết luận của Phó Thủ tướng: một là, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai, trong đó nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và sự cần thiết phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Luật;
Hai là, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Tài chính trên cơ sở kết quả kiểm tra vừa rồi và ý kiến của các thành viên Chính phủ, rà soát lại một lần nữa dự thảo Nghị định về sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sớm;
Ba là, tổ chức Hội nghị toàn quốc bàn biện pháp tiếp tục đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai, dự kiến vào đầu tháng 12 tới. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng ký trình Quốc hội báo cáo của Chính phủ về kết quả kiểm tra thi hành Luật Đất đai vừa qua.
- Vấn đề sai phạm nào qua kết quả kiểm tra đã được Phó Thủ tướng quan tâm nhất, thưa ông?
- Vấn đề được quan tâm nhất cũng là trọng tâm chỉ đạo khắc phục sai phạm về chấp hành pháp luật đất đai thời gian tới là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là vấn nổi cộm, cần phải có các biện pháp đủ mạnh để chấn chỉnh, bao gồm sửa đổi, bổ sung chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng chính sách.
Về chính sách thì với Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sắp được ban hành, Chính phủ đã xử lý một cách cơ bản.
- Khiếu nại, tố cáo về đất đai cho đến thời điểm này vẫn luôn ''nóng'', vậy Chính phủ chỉ đạo giải quyết như thế nào?
- Đó cũng là vấn đề được nhấn mạnh cùng với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vì hai vấn đề này có liên quan với nhau. Kết quả phân loại số đơn thư mà các đoàn đã nhận trong đợt kiểm tra vừa qua cho thấy hơn 70% số đơn thư khiếu nại tố cáo là về bồi thường GPMB.
Trước mắt, tập trung giải quyết những khiếu nại chưa giải quyết hoặc mới giải quyết lần đầu với mục tiêu mà Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ là giải quyết cơ bản xong chậm nhất trong tháng 6/2006.
Đồng thời, hạn chế phát sinh đơn thư mới thông qua việc chỉ đạo thi hành nghiêm pháp luật về đất đai; chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm, nhất là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này là phải tạo điều kiện để người có đất bị thu hồi có nơi tái định cư và việc làm ổn định, không vì sức ép về mặt bằng của dự án mà bỏ qua hoặc không chú ý đầy đủ các vấn đề đó.
- Có ý kiến thắc mắc là đợt tổng kiểm tra khá rầm rộ vừa qua đã không phát hiện ra sự vụ sai phạm gì lớn. Ông có ý kiến gì về thắc mắc đó?
Hơn 70% đơn thư khiếu nại đất đai liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. |
Ở nhiều nơi, nhân dân đã trực tiếp trình bày hoặc gửi đơn thư tố giác những vi phạm pháp luật đất đai như lợi dụng chức quyền để thu hồi đất rồi chia chác với nhau hoặc giao đất tái định cư không đúng đối tượng hoặc dùng đất đai để "ngoại giao"...
Đó chính là những nguồn thông tin quan trọng để tiếp tục xác định các vi phạm thông qua công tác xem xét giải quyết đơn thư mới xử lý được.
- Được biết Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập sự cần thiết phải thành lập Ban chỉ đạo thi hành Luật Đất đai? Vì sao đến giờ mới bàn chuyện đó, thưa ông?
- Đất đai là vấn đề phức tạp, đụng đến toàn xã hội và là lợi ích thiết thân hầu như đối với mọi nhà và từng doanh nghiệp. Tuy Bộ Tài nguyên & Môi trường là cơ quan của Chính phủ được giao chức năng quản lý nhà nước về đất đai, nhưng nhiều việc có liên quan đến quản lý đất đai lại thuộc các Bộ khác, như Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về giá đất, về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, về chính sách thu tiền sử dụng đất, các sắc thuế, phí và tiền thuê đất.
"Quy hoạch treo" có trường hợp là do công tác quản lý quy hoạch đất đai yếu kém, nhưng cũng có trường hợp là do công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư yếu kém. Hoặc tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng lại tùy thuộc một phần quan trọng vào tiến độ sắp xếp, đổi mới hoạt động các nông, lâm trường. Và nhiều ví dụ cụ thể khác.
Trước đây, đã có ý kiến đề xuất nên thành lập Ban chỉ đạo nhưng cũng có ý kiến ngại lập nhiều ban chỉ đạo quá "không thiêng". Bây giờ thì thấy rõ là cần. Cũng cần phải lập Tổ công tác liên ngành để giúp Ban chỉ đạo.
- Theo ông, tình hình thi hành Luật Đất đai ở các địa phương liệu có ''chuyển động'' tích cực hơn sau đợt kiểm tra?
- Qua đợt kiểm tra vừa rồi, nhiều địa phương đã nhận rõ hơn những bất cập, yếu kém, sai phạm trong công tác quản lý đất đai và đã đề ra các biện pháp khắc phục. Một số địa phương đã có báo cáo lên Bộ về những việc đã khắc phục xong.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và với quyết tâm cùng biện pháp cụ thể của các địa phương, chắc chắn công tác quản lý đất đai sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Tôi tin là như vậy.
Mà không chuyển biến cũng không được. Không thể chấp nhận tình trạng quản lý yếu kém và có nhiều vi phạm như hiện nay.
-
Kiều Minh (thực hiện)