221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1319212
Sự thật vụ người sống trong hang đá
0
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Sự thật vụ người sống trong hang đá
,

 - Sáng 12/11, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã hoàn tất kết quả điều tra về vụ “người rừng” Đinh Văn Diết với nhiều tình tiết và sự thật không giống như lời khai ban đầu…

Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp - Trưởng phòng PC45 Công an Quảng Nam cho biết, kết quả xác minh thanh niên tên Đinh Văn Diết (SN 1984, dân tộc Cadong, trú tại tổ 3, thôn Tân Hiệp, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My), là người không biết chữ. Diết là con thứ 6 trong gia đình có 10 người con (con lớn nhất của gia đình SN 1974, nhỏ nhất SN 1998).

Theo kết quả điều tra khẳng định: Đầu tháng 10/2010, Đào Viết Thống (SN 1986, trú thôn 1, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) là nhân viên Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Nghĩa Chánh đến huyện Bắc Trà My thuê Vương Thuận (SN 1989) và Đinh Văn Đời (SN 1983), cùng trú tại xã Trà Tân, tuyển giúp người đi khai thác vàng cho Công ty Nghĩa Chánh.

Sau đó, Thuận tiếp tục nhờ Hồ Thị Ngời (SN 1968, người dân tộc Cadong, trú cùng địa phương) tìm người làm vàng với thỏa thuận, nếu tuyển được người sẽ trả công 100 nghìn đồng/người.

’Câu
Câu trả lời cho "người rừng" Đinh Văn Diết đã rõ ràng (Ảnh: LT)

 

Chiều 7/11, Vương Thuận và Hồ Thị Ngời đến quán ông Cường (xã Trà Tân) thì gặp 5 thanh niên đang ngồi nhậu, trong đó có Đinh Văn Diết. Cả Thuận và Ngời cùng hỏi “có đi làm vàng không?”, đồng thời đưa cho mỗi thanh niên một danh thiếp có ghi địa chỉ, ngành nghề kinh doanh của Công ty Nghĩa Chánh. Cả nhóm 5 thanh niên đồng ý ngay, rồi cùng về nhà lấy tư trang đi theo Thuận, Ngời đến nhà trọ Bảo Tập (thị trấn Trà My) ngủ lại.

Sáng 8/11, có một người bỏ về, còn lại 4 thanh niên (trong đó có Đinh Văn Diết) theo Thuận xuống nhà nghỉ Mi Ni (TP. Tam Kỳ) nghỉ trưa. Tại đây đã có Thống và 10 thanh niên khác do Thống tuyển đi làm vàng.

Khoảng 14 giờ ngày 9/10, Thống đón xe khách và cùng 14 thanh niên này (trong đó có Đinh Văn Diết) lên thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn và nghỉ tại nhà trọ Ngọc Phụng. Tại đây, Thống cho mỗi người 100 nghìn đồng để tiêu vặt. Sau đó, Vương Thuận quay về Bắc Trà My.

Sáng 10/10, Thống thuê xe ôm chở 14 thanh niên nói trên vào bãi vàng thôn 8, xã Phước Lộc để lao động khai thác vàng. Khi đến xã Phước Công, mọi người xuống xe nghỉ ngơi, chuẩn bị đi bộ lên bãi vàng, Thống đưa thêm mỗi người 400 nghìn đồng.

Khi bắt đầu đi bộ, Thống điểm danh vẫn còn đủ 15 người (kể cả Thống). Nhưng khi đi được khoảng 700 mét thì phát hiện Diết đã trốn đi đâu không rõ, mọi người chia nhau đi tìm, nhưng không thấy.

Sau khoảng một giờ tìm kiếm, mọi người cho rằng Diết không muốn đi làm vàng nữa nên đã bỏ về và họ tiếp tục hành trình vào bãi vàng. Quá trình đi lên bãi vàng, kể cả lúc trước và sau khi Đinh Văn Diết bỏ trốn họ vẫn đi cùng nhau, không có ai ngăn chặn hay đuổi đánh cả.

Đến ngày 22/10, người dân phát hiện và báo chính quyền và công an địa phương đưa Diết về chữa bệnh. Sau 4 ngày điều trị, sáng 26/10, Diết khai với Công an huyện Phước Sơn “do bị chủ khai thác vàng ép làm việc, đánh, nên đã bỏ trốn vào rừng”. Sau đó, Diết khai lại có nội dung phù hợp với diễn biến vụ việc nêu trên.

Vào tháng 3/2010, Đinh Văn Diết từng sống lang thang tại thị trấn Khâm Đức, vào Công an huyện Phước Sơn báo đi lạc và đã được Công an huyện cho tiền, gửi xe khách đưa về huyện Bắc Trà My với gia đình.

Như vậy, sau hơn 2 tuần lực lượng công an lặn lội vào các bãi vàng, gặp gỡ tất cả các đối tượng liên quan, cơ quan công an đã xác định, Đinh Văn Diết (còn gọi là Đinh Văn Huy) đã bỏ trốn trong quá trình đi vào bãi vàng và bị lạc vào rừng, không có việc bị bỏ đói, đánh đập, ép buộc lao động như một số báo đã đưa tin theo lời khai ban đầu của Diết tại Công an huyện Phước Sơn.

Việc công an địa phương ghi trong sổ hộ khẩu Diết SN 1995 là do nhầm lẫn (người em kế Diết tên Đinh Thị Giác, SN 1985.

Theo cơ quan công an, hiện nay, có nhiều thanh niên các xã thuộc địa bàn huyện Bắc Trà My (phần lớn là người dân tộc thiểu số) đi khắp nơi để tìm kiếm việc làm, hầu hết là lao động phổ thông và không khai báo tạm trú, tạm vắng với địa phương.

Mặc khác, họ cũng có thói quen ít liên lạc với người thân trong gia đình. Vì vậy gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương.

  • Vũ Trung - L.Thoại

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Đời sống'

,
,