221
1405
Lao động
laodong
/xahoi/laodong/
430392
"Thủ lĩnh" các cuộc đình công sai luật phải ra tòa?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
'Thủ lĩnh' các cuộc đình công sai luật phải ra tòa?
,

(VietNamNet) - Đình công sai luật đang là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Thế nhưng, chưa bao giờ người lao động bị xử lý... trong khi thiệt hại từ những cuộc đình công như thế không phải là nhỏ.  

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do đình công tự phát

Thứ tự những nguyên nhân gây ra đình công:

- Trả lương, thưởng không kịp thời, đầy đủ.
- Tăng ca, tăng giờ bất hợp lý.
- Không đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho công nhân.
- Không ký hợp đồng lao động.
- Không trả trợ cấp mất việc, thôi việc.
- Tranh chấp về nội quy, thỏa ước lao động tập thể... 

Hiện nay, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH), liên đoàn lao động (LĐLĐ) và công an là những lực lượng chính tham gia giải quyết các vụ đình công. Bởi, chưa văn bản pháp luật nào quy định cụ thể trách nhiệm này cho một cơ quan nào. Biện pháp giải quyết chủ yếu hiện nay vẫn là xoa dịu nỗi bức xúc, cả hợp lý và vô lý của NLĐ. Đồng thời, đề nghị hoặc bắt buộc chủ sử dụng LĐ chấp thuận những đòi hỏi của công nhân. Có nghĩa là, NLĐ hiếm khi thiệt hại trong những cuộc đình công. Điều tất yếu là sẽ nảy sinh một tiền lệ xấu, đình công đang là “bạn đồng hành” của NLĐ trong quá trình giải quyết mối quan hệ với ban giám đốc doanh nghiệp. Hàng trăm cuộc đình công tự phát đã diễn ra, riêng thiệt hại về vật chất đã lên đến vài trăm tỷ đồng. Xem ra, “cái nạn” này gây mất mát chẳng thua kém gì hỏa hoạn đối với một doanh nghiệp.

Chỉ một vụ đình công đầu năm 2003 của công nhân Công ty Sam Yang để phản đối chính sách chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, đã làm doanh nghiệp này mất 4 triệu USD, dù lỗi hoàn toàn thuộc về NLĐ. Nhưng đâu lại vào đấy, sau khi được các cơ quan chức năng giải thích rõ ràng, họ tiếp tục làm việc, để hậu quả lại cho công ty giải quyết. Ông Hoàng Tuấn,  Chủ tịch công đoàn Công ty Sam Yang cho rằng, thiệt hại đã quá rõ ràng, thế nhưng, các ngành chức năng vẫn loay hoay chưa tìm ra biện pháp để chữa trị căn bệnh đình công sai luật này.   

Cần biện pháp chế tài nghiêm khắc để hạn chế lạm dụng đình công 

Bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, việc thành lập cơ quan chuyên trách giải quyết đình công cũng đã được Sở kiến nghị khi lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ… Rõ ràng, nếu không có một cơ quan chức năng cụ thể, việc xử lý triệt để, phân định khách quan sự đúng - sai, quyền lợi - nghĩa vụ của các bên trong những vụ đình công là điều khó thực hiện.

Ông Phùng Văn Hùng, Trưởng phòng lao động, BQL các khu công nghiệp, khu chế xuất TP, cho rằng truy tố trước pháp luật những “thủ lĩnh” chuyên kích động, tổ chức công nhân đình công sai luật là điều cần thiết. Đại diện các doanh nghiệp và cả LĐLĐ quận, huyện cũng hưởng ứng ý kiến này.  

Người tổ chức đình công sai luật sẽ bị truy tố trước pháp luật?

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, giới hạn trong nhận thức pháp luật của đại đa số công nhân là nguyên nhân làm cho họ “khi đã nóng lên rồi thì chẳng biết sợ gì cả”. Theo họ, vụ việc được tiến hành bởi nhiều người, không ai đánh ai, cơ sở vật chất cũng chẳng hư hại gì… chẳng qua là công nhân bỏ việc để phản đối ban giám đốc doanh nghiệp, chắc chắn họ sẽ không bị bắt hay phạt tù, phạt tiền gì. “Với cả, từ trước đến nay chẳng thấy ai đình công mà bị ra tòa, nếu có thì chỉ là mấy ông giám đốc ăn chặn tiền của công nhân thôi”. Rõ ràng, chưa có tiền lệ thì NLĐ chưa thấy sợ! 

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội May, Thêu, Đan TP thì việc truy tố trước pháp luật không phải để làm cho công nhân sợ hay muốn phạt họ thật nhiều tiền, để từ đó triệt luôn ý thức đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của NLĐ. Sâu sa hơn là việc thay đổi nhận thức của NLĐ trong mối quan hệ giữa họ với chủ sử dụng LĐ, đưa đình công vào đúng khuôn khổ pháp luật có lợi cho NLĐ, xóa bỏ khoảng cách giữa luật và thực tế hiện nay.  

Ông Nguyễn Hoàng Kháng, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở LĐTB&XH TP cho biết, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu đề xuất sửa đổi pháp lệnh thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, bổ sung trường hợp xử lý đình công sai luật cũng như quy định rõ vai trò chuyên trách của các cơ quan chức năng. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cần được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa trình tự đình công và thủ tục xử lý.

Đơn giản thủ tục nhưng khách quan hơn trong xử lý là điều cần thiết để đưa đình công trở về đúng chức năng của nó: một quy định được pháp luật bảo trợ nhằm tiến triển tốt hơn mối quan hệ giữa chủ sử dụng LĐ và công nhân, vốn đã và đang bị sử dụng sai lệch. Quyền lợi của đại đa số NLĐ sẽ được ưu tiên trên hết, thế nhưng, việc có một biện pháp chế tài nghiêm khắc để hạn chế sự lạm dụng bất hợp lý quyền ưu tiên này là điều cần thiết và cấp bách.

  • Linh Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,